Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Thiếu máu cơ tim – biến chứng và cách xử lí khi phát bệnh

Ngày 28/09/2017
Kích thước chữ

Khi tim không được cung cấp dinh dưỡng và oxy đầy đủ, tình trạng thiếu máu cơ tim sẽ xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người bệnh. Thiếu máu cơ tim

Khi tim không được cung cấp dinh dưỡng và oxy đầy đủ, tình trạng thiếu máu cơ tim sẽ xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người bệnh.

Thiếu máu cơ tim là gì?

Thiếu máu cơ tim là tình trạng tắc nghẽn động mạch vành (mạch máu nuôi dưỡng cho tim), làm cho lưu lượng máu giàu chất dinh dưỡng và oxy đến nuôi dưỡng cơ tim giảm dần gây ra những cơn đau thắt ngực.

Thiếu máu cơ tim hay thiếu máu cơ tim cục bộ có thể gây tổn hại cơ tim, làm giảm khả năng bơm máu của tim và có thể gây ra rối loạn nhịp tim nghiêm trọng. Khi mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, nó sẽ gây ra nhồi máu cơ tim với cơn đau thắt ngực. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở người bệnh tim mạch.

Thiếu máu cơ tim – biến chứng và cách xử lí khi phát bệnh 1
Khi mạch vành của bạn bị tắc nghẽn hoàn toàn, nó sẽ gây ra nhồi máu cơ tim

Các triệu chứng thiếu máu cơ tim thường gặp

Một số người mắc bệnh thiếu máu cơ tim không hề gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Trường hợp này được gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Khi các động mạch tắc hẹp nhiều hơn và lượng máu nuôi tim suy giảm nghiêm trọng, bạn có thể trải qua một số triệu chứng mà điển hình nhất là đau thắt ngực trái. Cơn đau bắt đầu ở ngực trái rồi lan sang cổ, hàm, vai và cánh tay trái.

Kèm theo đó là các biểu hiện khác như:

– Khó thở, đặc biệt là khi hoạt động gắng sức

– Mệt mỏi rã rời chân tay

– Buồn nôn và ói mửa, buồn đi cầu, dấu hiệu gần giống như bị ngộ độc thực phẩm

– Vã mồ hôi lạnh

– Tim đập nhanh, hồi hộp, trống ngực

– Chóng mặt, choáng váng

Thiếu máu cơ tim – biến chứng và cách xử lí khi phát bệnh 2
Bạn có thể trải qua một số triệu chứng mà điển hình nhất là đau thắt ngực trái

Biến chứng của thiếu máu cơ tim

Người bị thiếu máu cơ tim nếu không được điều trị tốt có thể gặp một số biến chứng như:

– Nhồi máu cơ tim: nguyên nhân do mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn. Thông thường nó liên quan đến sự nứt vỡ của mảng xơ vữa, tạo thành cục máu đông, khiến một vùng cơ tim bị hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng trong thời gian dài.

– Suy tim: cơ tim không nhận đủ máu cần thiết để duy trì hoạt động theo nhu cầu cơ thể, tình trạng này được gọi là suy tim.

– Rối loạn nhịp tim: do khả năng đáp ứng kém của cơ tim với các xung động trong tim gây ra nhịp tim nhanh, chậm bất thường.

Hướng dẫn xử lí khi phát bệnh thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim cấp (hay còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp) là trường hợp cần được cấp cứu kịp thời bởi tỷ lệ tử vong khá cao. Nếu bạn hoặc người thân có những triệu chứng của thiếu máu cơ tim, cần chú ý thực hiện các hướng dẫn sau:

– Dừng ngay công việc đang làm, ngồi yên hoặc nằm nghỉ.

– Dùng ngay thuốc giãn mạch ngậm dưới lưỡi hoặc dạng xịt (nếu đã được bác sĩ chỉ định trước đó).

– Nếu cơn đau kéo dài trên 5 phút, cần ngay lập tức đi cấp cứu vì đây có thể là cơn nhồi máu cơ tim, đồng thời gọi điện thoại cho người thân để nhờ giúp đỡ.

– Tuyệt đối không tự chẩn đoán bệnh và mua thuốc uống tại nhà mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Thiếu máu cơ tim – biến chứng và cách xử lí khi phát bệnh 3
Tuyệt đối không đoán bệnh và mua thuốc uống mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim đòi hỏi tiến hành nhiều khám nghiệm khác nhau, như: đo điện tâm đồ, xạ hình tưới máu cơ tim, chụp mạch vành… Vì thế, khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ thiếu máu cơ tim, bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán chính xác.

Nguyệt Hằng

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Thiếu máu tim