Vậy những nguyên nhân nào khiến bé bị hăm da và cách cha mẹ xử trí tình huống này?
Vì sao bé bị hăm da
Hăm tã là một tình huống cũng rất thường gặp ở vùng mông, bẹn của trẻ làm da bị đỏ và đau, rát. Các nguyên nhân gây ra thường là:
Da bé bị ẩm ướt:
Ngay cả những chiếc bỉm có khả năng hút ẩm cao cũng có thể gây ẩm ướt cho vùng da của bé. Nếu trẻ bị ẩm ướt trong thời gian dài, nó sẽ là cơ hội cho vi khuẩn trong phân kết hợp với nước tiểu để gây tình trạng hăm tã. Nếu nhiễm khuẩn nặng hơn thì hăm đã chuyển sang dạng viêm da.
Da bé bị chà xát với bỉm:
Da bé bị chà xát vào bỉm cũng là một nguyên nhân gây hăm tã, đặc biệt là với trẻ sơ sinh, da trẻ rất nhạy cảm với hóa chất như hương thơm trong bỉm hay do chất tẩy rửa dùng giặt tã. Da trẻ sơ sinh mỏng manh nên ít có khả năng chống đỡ với chất gây viêm và sẽ dễ bị hăm tã hơn trẻ lớn hơn.
Da bé bị chà xát vào bỉm cũng là một nguyên nhân gây hăm da
Đồ ăn lạ:
Hiện tượng trẻ sơ sinh bị hăm tã do đồ ăn lạ phổ biến nhất là khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Thức ăn mới lạ làm thay đổi thành phần của phân bé khiến cho bé đi đại tiện nhiều hơn bình thường. Vùng da xung quanh hậu môn của bé dễ tấy đỏ và hăm.
Nhiễm nấm:
Có trường hợp trẻ hăm tã do nhiễm một loại nấm men hoặc nấm Candida. Nấm Candida rất phổ biến ở trẻ em, có ở mọi nơi trong môi trường. Nó phát triển tốt ở nơi ấm và ẩm, nhất là bên dưới tã lót.
Một số nguyên nhân khác làm bé bị hăm:
- Hóa chất trong bột giặt và chất làm mềm vải có thể ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của bé. Một số loại xà phòng thơm và nước thơm cũng có thể gây kích thích cho da.
- Quần lót bằng nhựa có thể giữ cho quần áo bé sạch và khô nhưng nó lại không thông thoáng và làm da của bé giữ ẩm, dẫn đến hăm tã.
Nhóm đối tượng dễ bị hăm tã
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị hăm tã đều chủ yếu do sử dụng tã lót, cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ bị hăm tã.
Trẻ từ 3 tháng đến 1 tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao nhất. Đôi khi bệnh hăm tã có thể lây lan giữa các bé.
Triệu chứng của hăm tã
Rất dễ dàng nhận biết hăm tã. Dưới đây là các triệu chứng chính:
- Bé tỏ ra khó chịu, ngủ không thẳng giấc.
- Phần da tiếp xúc với tã, bao gồm bộ phận sinh dục, các ngấn ở đùi và mông, nổi mẩn đỏ.
- Phần da dị ứng có thể khô hoặc ướt.
- Có thể xuất hiện những vết sưng hoặc mụn gây lở loét trên da
- Vùng da bị tổn thương sẽ rất đau và làm bé không cảm thấy dễ chịu nhất là khi nước tiểu tiếp xúc vào. Bé sẽ giật mình thường xuyên và đôi khi khóc thét lên.
Bé bị hăm da tỏ ra khó chịu, ngủ không thẳng giấc, quấy khóc
Khi nào mẹ cần đưa bé điều trị?
Khi trẻ bị hăm tã, những dấu hiệu sau thường xuất hiện và có thể thấy bằng mắt thường, đó là: đỏ da ở vùng quấn tã; đỏ da ở xung quang bộ phận sinh dục, kèm theo mùi khai. Vùng da đỏ có thể bắt đầu từ hậu môn của bé sau đó lan dần ra tới mông và đùi, da căng và có lốm đốm đỏ, nếu bội nhiễm thì ở giữa có mủ… Trẻ bị hăm da thường đau lúc đi tiêu, quấy nhiều, thậm chí kém ăn, ít ngủ rất khó chăm sóc.
Nên cho trẻ đi khám chuyên khoa da liễu nhi ngay nếu thấy có các dấu hiệu như: tình trạng hăm xấu hơn, lan rộng hơn và không hết sau 2-3 ngày. Hăm lan tới bụng, tay, lưng, mặt. Trẻ sốt, vùng da bị hăm tấy đỏ, nổi mụn, phồng, loét hoặc vết thương đầy mủ… thì có thể vùng da đó đã bị bội nhiễm hay nhiễm nấm.
Cách xử trí chữa hăm cho bé
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific World Journal 2012, các loại kem có nguồn gốc từ thực vật, bao gồm lô hội và hoa cúc kim tiền có thể giúp điều trị chứng hăm tã (Panahi, et al., 2012). Đặc biệt, cúc kim tiền là loại thảo mộc có tác dụng chống viêm và diệt khuẩn rất tốt.
Các loại kem và thuốc mỡ dùng tại chỗ được sử dụng phổ biến để điều trị hăm tã, bao gồm:
- Hydrocortisone để làm giảm viêm;
- Kem trị nấm hoặc kháng sinh tại chỗ để diệt khuẩn (các bác sỹ có thể kê kháng sinh dạng uống);
- Kẽm oxyt;
- Lanolin (chiết xuất từ mỡ cừu);
- Dexpanthenol (tiền chất vitamin B5).
Cha mẹ có thể lựa chọn một số kem trị hăm da cho trẻ theo chỉ định bác sĩ
Chăm sóc trẻ hăm da tại nhà
Bên cạnh các loại thuốc, kem bôi hăm tã cho trẻ đã được bác sỹ kê đơn, cha mẹ nên chú ý đến việc chăm sóc cho bé tại nhà, bao gồm:
Lưu ý rằng, phòng bệnh là cách chữa hăm cho bé, do vậy hãy thay tã thường xuyên sau mỗi 3-4 giờ hoặc sau khi bé đi đại tiện.
Hãy đảm bảo rằng bé mang tã, bỉm vừa với cơ thể và không quá chật. Tã lót nên chọn loại thoáng khí, mềm mại, không kích ứng.
Không sử dụng xà phòng, rượu hay nước hoa để thay rửa cho bé. Những chất này có thể làm các triệu chứng hăm tã trầm trọng hơn.
Không sử dụng bột talc, phấn rôm để làm khô do trẻ có thể hít vào phổi loại bột này.
Bệnh hăm tã sẽ hết trong một hoặc hai ngày khi sử dụng liệu pháp điều trị tại nhà. Nếu bệnh không đỡ, hãy đưa trẻ đi khám bác sỹ.
Thanh Hoa
Nguồn tham khảo: Tổng hợp