Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược chất/
  3. Ammonium molybdate

Ammonium molybdate: Khoáng chất và điện giải

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Ammonium molybdate (Amoni molybdat)

Loại thuốc

Khoáng chất và điện giải.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Ammonium molybdate được sử dụng dưới dạng ammonium molybdate tetrahydrate.
  • Dung dịch tiêm 46 mcg/mL ammonium molybdate tetrahydrate tương đương 25 mcg/mL molybdenum.

Chỉ định

Thuốc Ammonium molybdate chỉ định để bổ sung molybdenum cho bệnh nhân được nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch (TPN) để ngăn ngừa cạn kiệt dự trữ molybdenum và giảm các triệu chứng do thiếu hụt kim loại này.

Dược lực học

Kim loại molybdenum là một thành phần trong cấu trúc của các enzym xanthine oxidase, sulfite oxidase và aldehyde oxidase.

Trong cơ thể, xanthine oxidase xúc tác chuyển hoá xanthine và hypoxanthine thành uric acid; sulfite oxidase chuyển hoá sulfite thành sulfate và aldehyde oxidase phân huỷ nhiều phân tử hữu cơ có hại (chẳng hạn chuyển aldehyde thành acid).

Ở người, tình trạng thiếu molybdenum thường gặp ở bệnh nhân phải hỗ trợ dinh dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch (TPN) kéo dài.

Triệu chứng của hội chứng thiếu hụt molybdenum bao gồm nhịp tim nhanh, thở nhanh, nhức đầu, quáng gà, buồn nôn, nôn, ám điểm trung tâm, nghiêm trọng hơn là phù toàn thân, thờ ơ, mất phương hướng và hôn mê.

Các thay đổi sinh hóa liên quan đến hội chứng như: Tăng methionine máu, giảm uric máu, giảm đào thải uric hoặc sulfate vô cơ và tăng bài tiết thiosulfate qua nước tiểu. Bổ sung molybdenum cho nhóm bệnh nhân trên sẽ làm giảm mức độ triệu chứng và bình thường hóa các chỉ số sinh hóa.

Động lực học

Hấp thu

Hấp thu của Ammonium molybdate bị ảnh hưởng bởi lượng đồng và sulfate trong thức ăn.

Phân bố

Molydenum có thể phân bố vào gan, thận và vỏ thượng thận.

Chuyển hóa

Chưa có thông tin.

Thải trừ

Molybdenum được thải trừ chủ yếu qua thận và một phần được đào thải qua mật.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc hoặc gây ra các tác dụng phụ. Nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ danh sách những thuốc và các thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng. Không nên dùng hay tăng giảm liều lượng của thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chống chỉ định

Thuốc Ammonium molybdate chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Tiêm trực tiếp dung dịch đậm đặc vào tĩnh mạch ngoại vi.
  • Bệnh nhân đang thiếu hụt đồng.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Liều dùng thông thường trong đường tiêm tĩnh mạch là 20 - 120 mcg molybdenum/ ngày (tương đương 0,8 - 4,8 ml dung dịch Ammonium molybdate tetrahydrate/ ngày).

Liều lượng có thể lên đến 163 mcg molybdenum/ ngày (tương đương 6,25 ml dung dịch Ammonium molybdate tetrahydrate/ ngày), tiêm trong 21 ngày.

Trẻ em

Với trẻ em được chỉ định dùng thuốc Ammonium molybdate cần được tính toán liều lượng bằng phương pháp ngoại suy.

Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

Tác dụng phụ

Khi sử dụng thuốc Ammonium molybdate, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).

Thường gặp

Chưa có thông tin.

Ít gặp

Chưa có thông tin.

Hiếm gặp

Chưa có thông tin.

Không xác định tần suất

Các tác dụng phụ không xác định tần suất có thể gặp bao gồm:

  • Nhức đầu, suy nhược, mệt mỏi, đau khớp và cơ.
  • Ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.
  • Có thể gây kích ứng da, mắt, mũi và họng, gây ho và thở khò khè nếu hít phải.

Lưu ý

Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.

Lưu ý chung

  • Molybdenum thúc đẩy huy động đồng trong mô và tăng bài tiết đồng qua nước tiểu, do đó sử dụng quá nhiều molybdenum gây ra tình trạng giảm lượng đồng trong cơ thể.

  • Cần phải thường xuyên kiểm tra sự chuyển hóa của đồng ở những bệnh nhân được nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch (TPN) có bổ sung molybdenum. Đồng thời, cũng cần theo dõi chuyển hóa purine và lưu huỳnh ở những bệnh này.

  • Dung dịch tiêm ammonium molybdate là một dung dịch nhược trương nên phải pha loãng trước khi sử dụng.

  • Trong dung dịch tiêm ammonium molybdate thường chứa nhôm. Lượng nhôm này có thể đạt đến nồng độ gây độc lên hệ thần kinh trung ương và xương nếu sử dụng đường tiêm kéo dài và chức năng thận của bệnh nhân bị suy giảm.

  • Bệnh nhân suy thận và trẻ sinh non (thận chưa phát triển hoàn thiện), người bệnh nhận lượng nhôm ở mức > 4 mcg/kg/ngày có nguy cơ đặc biệt cao.

  • Molybdenum được bài tiết qua nước tiểu và mật nên những bệnh nhân đang bị rối loạn chức năng thận và tắc nghẽn ống mật có thể bị tích tụ molybdenum. Cần phải điều chỉnh, giảm liều hoặc bỏ molybdenum ra khỏi dung dịch nuôi dưỡng TPN.

  • Thận trọng với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng ammonium molybdate.

  • Sự chuyển hóa molybdenum tỷ lệ nghịch với chuyển hoá của đồng, ion sulfate, tungsten, methionine và cysteine.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Phân loại thai kỳ (FDA): C

Chưa có nghiên cứu chứng minh về độ an toàn cũng như nguy cơ của Ammonium molybdate đối với phụ nữ có thai và thai nhi. Vì vậy chỉ nên dùng thuốc này khi thật cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Chưa có nghiên cứu chứng minh về độ an toàn cũng như nguy cơ của Ammonium molybdate đối với phụ nữ cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Chưa có thông tin.

Quá liều

Quá liều Ammonium molybdate và xử trí

Quá liều và độc tính

Một số triệu chứng quá liều thuốc Ammonium molybdate gồm: Đau khớp, đau dưới thắt lưng, đau dạ dày, đau hông, sưng bàn chân hoặc cẳng chân.

Cách xử lý khi quá liều

Đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được chăm sóc y tế.

Quên liều và xử trí

Thuốc được sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch với sự trợ giúp của nhân viên y tế nên cần liên hệ ngay với bác sĩ khi quên liều.