Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
An xoa hay còn gọi là Tổ kén cái, Dó lông,... có tên khoa học là Helicteres hirsuta Lour., thuộc họ Trôm - Sterculiaceae. Dùng chữa kiết lỵ, đậu sởi, cảm cúm, tiêu độc, mụn nhọt, sưng lở,...
Tên Tiếng Việt: An xoa.
Tên khác: Tổ kén cái, Dó lông, Dó tròn, Đuôi chồn, Thau kén (Tày), Hất exus (Kho), Thao kén cái.
Tên khoa học: Helicteres hirsuta Lour., thuộc họ Trôm - Sterculiaceae.
An xoa thuộc loài cây bụi cao từ 1 đến 3m; nhánh hình trụ, toàn bộ cây thường được phủ đầy lông. Lá hình trái xoan, rộng bằng ban tay, chiều dài 5 – 17cm, chiều rộng 2,5 – 7,5cm, gốc cụt hay hình tim, đầu thon thành mũi nhọn, mép có răng không đều, mặt dưới màu trắng. Cả hai mặt phủ đầy lông cứng màu trắng, rất nhám, hình sao; gân gốc 5; cuống lá dài 0,8 – 4cm; lá kèm hình dải, có lông, dễ rụng.
Cụm hoa là những bông ngắn, đơn hay xếp đôi, mọc thành cụm ở dưới nách lá. Hoa màu hồng hay đỏ, xung quanh cánh hoa có lớp lông nhỏ li ti. Cuống hoa có khớp và có lá bắc dễ rụng; đài hình ống phủ lông hình sao, màu đo đỏ, chia 5 răng; cánh hoa 5; cuống bộ nhị có vân đỏ; nhị 10; nhị lép bằng chỉ nhị; bầu có nhiều gợn, chứa 25 – 30 noãn trong mỗi lá noãn. Quả An xoa là quả nang, hình trụ nhọn, dáng thuôn nhỏ; hạt nhiều, hình lăng trụ. Khi còn non thì có màu xanh lá nhưng khi quả chín thì có màu nâu và dài giống con sâu, có nhiều lông.
Cây An xoa mọc phổ biến trong rừng thưa, ven rừng, trên các bãi hoang, đồi cỏ, ở độ cao từ thấp lên đến 1.500m. Mùa ra hoa kết quả gần như quanh năm. Cây thích mọc ở nơi ẩm ướt nên từ tháng 9 đến tháng 12 là thời gian cây mọc nhiều.
Ở Việt Nam, cây An xoa phân bố khắp nơi, từ Bắc vào Nam (từ vùng núi Bình Phước, Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Tây Nguyên, Tây Ninh...). Ngoài ra, cây còn có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Indonexia, Philippin.
Việc thu hoạch cây có thể tiến hành quanh năm, thông thường nên thu hoạch vào khoảng tháng 5 đến tháng 11 vì lúc này cây có sự phát triển mạnh và có nhiều dược tính.
Sau khi thu hoạch, người ta sẽ tiến hành phân loại phần lá và phân thân ra. Sau đó cắt nhỏ rồi đem phơi hoặc sấy khô. Sau đó hai phần nguyên liệu sẽ được trộn đều và bảo quản để dùng dần.
Quá trình sao vàng, hạ thổ nguyên liệu này thường được tiến hành như sau:
Cây An xoa sau khi thu hoạch sẽ được phơi hơi héo.
Cho vào chảo đã làm nóng và sao vàng trong khoảng từ 20 đến 30 phút.
Liên tục dùng đũa để đảo sao cho nguyên liệu vàng đều.
Đổ nguyên liệu đã được sao vàng xuống nền nhà sạch rồi úp chảo còn nóng lên chỗ cây An xoa trong khoảng 60 phút.
Đợi nguyên liệu nguội bớt rồi cho vào túi, bảo quản để dùng dần.
Bộ phận sử dụng của cây An xoa là rễ và lá để làm thuốc.
Thành phần của cây An xoa chứa nhiều hợp chất: Lupeol, stigmasterol, apigenin và tiliroside.
Hàm lượng tổng các hợp chất phenol và flavonoid trong quả cây An xoa: 38,83 ± 0,04 mg GAE/g và 5,82 ± 0,13 mg QE/g. Kết quả thực nghiệm cho thấy, quả của cây An xoa hứa hẹn là một nguồn dược liệu chống oxy hóa mới.
Tính vị: Vị cay có mùi thơm gần giống vị trà.
Quy kinh: Kinh Can.
Cây dùng làm thuốc chữa ung nhọt. Rễ dùng làm dịu đau, dùng chữa kiết lỵ, đậu sởi, cảm cúm và làm thuốc tiêu độc, còn dùng chữa đái dắt. Lá dùng ngoài chữa mụn nhọt, sưng lở.
Rễ và lá chữa sởi, ỉa chảy, lỵ, lở ngứa, đái dắt. Rễ chữa sốt rét, cảm mạo và rắn cắn.
Các hoạt chất flavonoid và alkaloid trong cây An xoa có khả năng kháng lại các tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển của các khối u. Cây có tác dụng tốt trong điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư gan. Bên cạnh đó, An xoa còn có tác dụng phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan đến gan như xơ gan, viêm gan,...
Cách dùng An xoa như sau:
Sắc 100g cây An xoa để khô nấu với 1.5 lít nước rồi dùng thay nước lọc hàng ngày.
Liều lượng có thể thay đổi tùy theo cơ địa và thể trạng của từng người, có thể gia giảm một nửa lượng An xoa khi dùng cho trẻ em và người có thể trạng yếu. Sau đó 5 ngày khi quen dần thì tăng liều lượng lên. Với trường hợp người có thể trạng khỏe mạnh thì có thể dùng liều lượng lên tới 150g để phát huy tối đa công dụng.
Điều trị cho bệnh nhân ung thư gan
Dùng 100g cây An xoa đã phơi khô nấu với 1 lít nước cho đến khi sắc còn 800ml thì tắt bếp. Uống trước khi ăn tầm 20 phút.
Điều trị ung thư gan với việc kết hợp với cây xạ đen
Dùng 50g cây An xoa đã sao vàng và 50g cây Xạ đen nấu cùng 1,5l nước cho đến khi sắc còn 800ml thì tắt bếp. Dùng uống sau khi ăn khoảng 15 phút.
Điều trị ung thư gan bằng cách kết hợp với cà gai leo
Dùng 30g cây An xoa (đã sao vàng hạ thổ) và 30g cây Cà gai leo sắc cùng 1 lít nước, cho đến khi sắc còn 600 ml thì tắt bếp, dùng mỗi ngày 1 thang.
Điều trị viêm gan B
Dùng 15g cây An xoa, 30g cây Xạ đen, 30g cây Cà gai leo và 10g rễ cây Mật nhân. Sắc các dược liệu cùng với 1 lít nước cho đến khi còn 500ml thì tắt bếp. Chia ra 3 lần uống hết trong ngày.
Điều trị xơ gan
Dùng 50g cây An xoa (đã được sao vàng hạ thổ), 30g Cà gai leo và 20g Bán chi liên. Nấu khoảng 30 phút các dược liệu trên với 1,5 lít nước, dùng thay nước uống hằng ngày.
Điều trị viêm đại tràng
Dùng 100g cây An xoa đã sao vàng hạ thổ nấu với 1,5 lít nước cho đến khi còn 1 chén nước. Tiếp tục cho thêm 2 lít nước vào đun cho đến khi còn 2 chén nước và cũng dùng để uống trong ngày.
Việc sao vàng hạ thổ nguyên liệu rất quan trọng, quá trình này có thể giúp đốt cháy lớp lông trên. Nhờ đó mà hạn chế được tình trạng ngứa rát cổ họng khi dùng thuốc.
Nguyên liệu này hầu như không có độc tính. Nhưng sẽ gây khó chịu, cồn cào, tức bụng hay ngứa cổ họng khi dùng thuốc ban đầu. Tiếp tục sử dụng một thời gian thì cơ thể sẽ thích nghi hơn với việc dùng thuốc và làm các triệu chứng bệnh chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn.
Khi sử dụng thuốc chú ý những điều sau:
Không dùng cho phụ nữ có thai.
Phải sao vàng hạ thổ trước khi sử dụng.
Khi dị ứng với cây thuốc thì nên ngừng dùng.
Không dùng chung với thuốc Tây, nếu sử dụng thì cần có sự dãn cách ít nhất là 30 phút.