Long Châu

Viêm gan B là gì? Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đa số người bị bệnh viêm gan B sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào, bệnh nhân sẽ tự khỏi bệnh mà hầu như không biết mình đã từng mắc viêm gan B. Tuy nhiên một số trường hợp bệnh diễn tiến đến giai đoạn mạn tính và để lại những biến chứng nghiêm trọng do tổn thương gan như xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong. Bệnh có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm ngừa vaccine viêm gan B.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B hay còn gọi là viêm gan siêu vi B là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi rút viêm gan B (HBV). Vi rút viêm gan B thường lây qua đường máu, đường quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Sau khi vào máu vi rút sẽ tấn công và gây phá huỷ tế bào gan.

Một số người bị bệnh viêm gan B chỉ phát bệnh trong vài tuần (giai đoạn này được gọi là nhiễm trùng "cấp tính") và sau đó sẽ có miễn dịch với vi rút viêm B. Tuy nhiên ở một số người khác, vi rút viêm gan B có thể gây tình trạng nhiễm "mãn tính" và khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao do xơ gan và ung thư gan.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm gan B

Đa số người bị viêm gan B sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào, bệnh nhân sẽ tự khỏi bệnh mà hầu như không biết mình đã từng mắc viêm gan B. Nếu các triệu chứng xuất hiện thì thường xảy ra trong vòng 2 hoặc 3 tháng sau khi tiếp xúc với vi rút viêm gan B. Đây được gọi là giai đoạn cấp và các biểu hiện viêm gan B có thể bao gồm:

  • Đau bụng;
  • Nước tiểu sậm màu;
  • Sốt;
  • Đau khớp;
  • Ăn không ngon;
  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Suy nhược và mệt mỏi;
  • Vàng da, vàng mắt.

Các triệu chứng viêm gan B này thường sẽ hết trong vòng 1 đến 3 tháng cùng với sự đào thải của vi rút ra khỏi cơ thể.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm gan B

Nếu sau 6 tháng mà bệnh nhân cơ thể vẫn chưa thải trừ được vi rút viêm gan B thì lúc này bệnh nhân được gọi là nhiễm viêm gan B mạn tính. Nhiễm HBV mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Xơ gan;
  • Ung thư gan;
  • Suy gan;
  • Khác: Viêm gan B mạn tính có thể dẫn đến các bệnh lý viêm khác tại thận hoặc mạch máu trong cơ thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nghĩ rằng có thể đã tiếp xúc với virus viêm gan B (ví dụ như quan hệ tình dục không an toàn, tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết người bệnh mắc viêm gan B...).

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm gan B

Bệnh viêm gan B là do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. Vi rút được truyền từ người sang người qua đường máu/dùng chung kim tiêm/vết thương do kim tiêm đâm, đường quan hệ tình dục (vi rút có thể lây truyền qua tinh dịch, dịch tiết âm đạo) hoặc lây truyền từ mẹ sang con (trong lúc sanh hoặc sau khi sanh). Vi rút không lây lan qua đường hô hấp.

Viêm gan B có thể diễn tiến cấp tính hoặc mạn tính:

  • Viêm gan B cấp tính: Thường kéo dài dưới 6 tháng. Hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể loại bỏ vi rút viêm gan B khỏi cơ thể và bạn sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tháng. Hầu hết những người lớn/người trưởng thành mắc viêm gan B đều khỏi bệnh nhưng trong một số trường hợp, bệnh có thể dẫn đến nhiễm virus mạn tính. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, nếu mắc viêm gan B thì đa số không thể tự loại bỏ được vi rút và diễn tiến đến bệnh cảnh viêm gan B mạn tính.
  • Viêm gan B mạn tính: khi vi rút tồn tại trong cơ thể kéo dài ít nhất 6 tháng hoặc lâu hơn vì hệ thống miễn dịch của bạn không thể chống lại vi rút. Nhiễm viêm gan B mạn tính có thể kéo dài suốt đời và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác như xơ gan và ung thư gan.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B?

Những đối tượng có nguy cơ mắc viêm gan B:

  • Trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B.
  • Người tiêm chích ma tuý hoặc dùng chung kim tiêm/ống tiêm và các loại thiết bị sử dụng ma tuý khác.
  • Bạn tình của người bị viêm gan B.
  • Nam quan hệ tình dục đồng giới.
  • Những người sống chung với người bị viêm gan B.
  • Nhân viên ý tế tiếp xúc với máu trong môi trường làm việc.
  • Người bệnh đang lọc thận.

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh viêm gan B

Một số yếu tố tăng nguy cơ viêm gan B có thể kể đến như là:

  • Quan hệ tình dục với nhiều đối tượng hay với người mắc bệnh viêm gan B mà không dùng biện pháp bảo vệ.
  • Dùng chung kim tiêm khi dùng thuốc truyền tĩnh mạch.
  • Quan hệ đồng giới nam.
  • Sống với người mắc bệnh viêm gan B.
  • Mẹ mắc bệnh viêm gan B có thể truyền sang con.
  • Công việc phải tiếp xúc nhiều với máu người bệnh.
  • Du lịch đến những vùng có tỷ lệ người mắc viêm gan B cao như Châu Phi, Trung và Đông Nam Á, Đông Âu.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm gan B

Bác sĩ sẽ khám và tìm các dấu hiệu tổn thương gan, chẳng hạn như vàng da hoặc đau bụng.

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán viêm gan B gồm:

  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện các dấu chứng của virus viêm gan B trong cơ thể và gợi ý cho bác sĩ đây là viêm gan B cấp tính hay mạn tính. Một xét nghiệm máu đơn giản cũng có thể xác định xem bạn đã có miễn dịch với vi rút viêm gan B hay chưa.
  • Siêu âm gan: Siêu âm độ đàn hồi gan có thể cho biết mức độ xơ gan/tổn thương gan do viêm gan B gây ra.
  • Sinh thiết gan: Bác sĩ có thể lấy một mẫu nhỏ gan để xét nghiệm (sinh thiết gan) kiểm tra xem có tình trạng tổn thương/ung thư gan hay không.

Xem thêm: Ý nghĩa của những xét nghiệm viêm gan B phổ biến

Phương pháp điều trị viêm gan B hiệu quả

Điều trị viêm gan B sau khi phơi nhiễm

Nếu bạn nghi ngờ mình đã tiếp xúc với vi rút viêm gan B và không chắc mình đã được tiêm phòng hay chưa, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Tiêm globulin miễn dịch trong vòng 12 giờ sau khi tiếp xúc với vi rút có thể giúp bảo vệ bạn khỏi viêm gan B. Vì phương pháp điều trị này chỉ có tác dụng bảo vệ trong thời gian ngắn nên việc chủng ngừa viêm gan B cần được thực hiện cùng lúc nếu bạn chưa từng tiêm ngừa.

Điều trị viêm gan B cấp

Hầu như không cần điều trị trong giai đoạn cấp vì bệnh sẽ tự khỏi. Ngoại lệ là trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân cần phải nhập viện để điều trị các biến chứng do viêm gan B cấp và điều trị với thuốc kháng vi rút.

Điều trị viêm gan B mạn

Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan B mạn tính cần điều trị suốt đời nhằm làm giảm nguy cơ tổn thương gan và khả năng lây truyền bệnh cho người khác. Các lựa chọn điều trị viêm gan B mạn bao gồm: Một số loại thuốc kháng vi-rút như entecavir, tenofovir, lamivudine, adefovir, telbivudine hoặc interferon alfa - 2b. Nếu gan của bạn bị tổn thương nghiêm trọng, ghép gan có thể là lựa chọn cuối cùng.

Xem thêm: Thuốc điều trị viêm gan B có đặc điểm gì? Các loại thuốc viêm gan B phổ biến

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm gan B

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, bổ sung cân bằng dưỡng chất.
  • Hạn chế rượu bia và không sử dụng các chất kích thích.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Chủng ngừa vaccine viêm gan B là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh. Vaccine chủng ngừa viêm gan B được tiêm cho trẻ sơ sinh trong lịch trình tiêm chủng mở rộng thông thường cho trẻ và ngoài ra cũng nên tiêm ngừa ở những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Có thể bạn cần biết: 

Nguồn tham khảo
  1. https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/bfaq.htm
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-b/diagnosis-treatment/drc-20366821
  3. https://www.hepb.org/languages/vietnamese/hep-b-and-the-asian-community/
  4. https://www.nhs.uk/conditions/hepatitis-b/

 

Chủ đề:Viêm gan b

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng carcinoid

  2. Rối loạn ăn uống

  3. Hôn mê gan

  4. Nhiễm trùng đường ruột

  5. Ung thư ruột kết

  6. Kiết lỵ

  7. Sán lợn gạo

  8. Nhiễm H.pylori (HP)

  9. Viêm tụy

  10. Vỡ túi mật