Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Bạch biển đậu chính là đậu ván trắng, thường dùng hạt, có vị ngọt, tính mát không độc có công dụng giúp giải cảm nắng, mạnh tỳ, điều trị tiêu chảy, nôn ói, tiêu độc.
Tên Tiếng Việt: Bạch biển đậu.
Tên khác: Đậu ván trắng, bạch biển đậu, bạch đậu, đậu biển, thứa pản khao (Tày), tập bẩy pẹ (Dao).
Tên khoa học: Dolichos lablab L., thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Đậu ván trắng là một cây dây leo bằng thân quấn, sống 1 - 3 năm, có thể dài hơn 5 m. Thân màu xanh, tiết diện đa giác và có rãnh dọc. Cành non có lông. Lá kép ba, mọc cách, phủ lông. Cụm hoa dạng chùm, mọc ở nách lá, mang các hoa màu trắng. Quả loại đậu, dẹt, đầu có mỏ nhọn cong.
Hạt có dạng hình thận, màu trắng, có mồng ở mép.
Đậu ván trắng được trồng ở nhiều nơi trong cả nước. Có thể thu quả non để ăn hoặc chờ quả già lấy hạt. Thông thường, mùa hái quả lấy hạt sẽ vào tháng 9, tháng 10 hàng năm. Sau khi tách vỏ, lấy hạt tiến hành phơi khô để chống ẩm, mốc.
Từ Bạch biển đậu, người ta chế ra các vị thuốc như:
Biển đậu y (Testa Dolichoris) là vỏ hạt bạch biển đậu.
Biển đậu nhân (nhân hạt bạch biển đậu) được chế biến như sau: Ngâm hạt bạch biển đậu vào nước cho vỏ phồng lên, đãi lấy nhân phơi riêng, vỏ phơi khô riêng), bạch biển đậu sao (nhân biển đậu cho vào nồi gang hay chảo sao cho đến khi có màu vàng đen, lấy ra để nguội mà dùng).
Bột đậu ván có màu trắng ngà, miết lên tay thấy hơi nhờn, vị bùi, để lâu có mùi tanh gây buồn nôn.
Bộ phận dùng được của cây đậu ván trắng là hạt (Semen Lablab) thu từ quả chín già, sau khi phơi hoặc sấy khô, đem sao vàng khi sử dụng.
Hạt có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng, dẹt, kích thước hạt dài từ 8 – 13 mm, rộng từ 6 – 9 mm, dày khoảng 4 mm. Vỏ màu trắng ngà hoặc màu vàng, nhẵn bóng hoặc có chấm đen, mồng hạt chiếm từ 1/3 – ½ chiều dài hạt. Có thể dùng vỏ (biển đậu y) nhưng thường nhất là dùng phần nhân hạt (2 lá mầm) hay còn gọi là biển đậu nhân.
Trong hạt đậu ván chứa nhiều chất dinh dưỡng như carbonhydrat (57%), đạm (22,7%), chất béo (palmitic, linoleic, elaidic, oleic, stearic, arachidic…) (1,8%), các acid amin như arginin, tryptophan, lysin, tyrosin, các vitamin A, B1, C, các muối canxi, phospho, sắt.
Theo lý luận đông y, bạch biển đậu có vị ngọt, hơi ôn, không có độc tính, chủ trì hòa trung vào hai kinh tỳ vị, do đó, dùng làm bổ tỳ vị, chỉ tả lỵ, trị đau bụng, xích bạch đới, giải độc arsen.
Thuốc bổ, mát, giải độc.
Chống nôn, chữa cảm nắng.
Trị tiêu chảy, viêm ruột, đau bụng.
Giải độc rượu, thạch tín, cá nóc.
Có tác dụng chống nôn mửa, viêm dạ dày và ruột cấp tính do ngộ độc thức ăn. Trong hạt đậu ván trắng có chứa hoạt chất hemagglutinin B có tác dụng ức chế men thrombokinase giúp kéo dài thời gian đông máu.
Ngoài ra, thuốc có tác dụng hạ sốt, kiện vị và giảm co thắt cơ trơn.
Bạch biển đậu sống: Loại bỏ tạp chất xay vỡ hoặc giã dập khi dùng.
Bạch biển đậu sao: Lấy bạch biển đậu sạch cho vào chảo sao nhỏ lửa (lừa văn) cho đến khi bề mặt có màu vàng nhạt, thỉnh thoảng có đốm đen, xay vỡ hoặc giã dập khi dùng.
Mỗi ngày dùng 8 - 16 g có thể dùng dạng bột hoặc sắc.
Hương nhu hoàn điều trị khó tiêu, đau bụng
Viên hoàn: Lá hương nhu (80 g), bạch biển đậu nhân (40 g), hậu phác tẩm nước gừng sao (40 g). Tán nhỏ rồi hoàn thành viên khoảng 1 g. Dùng nước nóng chiêu thuốc, uống 1 – 2 viên mỗi lần.
Sắc uống: 4 g lá hương nhu, 4 g biển đậu nhân, 200 ml nước, sắc còn 100 ml, chia thành 3 lần uống trong ngày.
Điều trị xích bạch đới
Bạch biển đậu sao vàng tán nhỏ, mỗi ngày dùng 4 – 8 g.
Điều trị trúng độc
20 g Bạch biển đậu, giã nát thêm nước rồi vắt lấy nước uống.
Điều trị tiểu ra máu
Sao vàng lá đậu ván rồi sắc uống, 20 – 30 g lá tươi/ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng đậu ván trắng:
Ngoài đậu ván trắng còn có loại màu đen hoặc đỏ không được dùng làm thuốc.
Hoa đậu ván cũng được dùng đắp lên vết rắn cắn.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
1000 cây thuốc và động vật làm thuốc – Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiển, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn.
Tuệ Tĩnh toàn tập – Nguyễn Bá Tĩnh.