Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Bìm bìm biếc có tên khoa học là Pharbitis nil (L.) Choisy. Hạt bìm bìm biếc có vị đắng, tính hàn, hơi có độc vào các kinh phế, thân, đài tràng có tác dụng tả thủy (tiêu thoát nước) tiêu thũng, lợi tiểu, diệt trùng, công tích trê, trục đờm.
Tên tiếng Việt: Bìm bìm biếc.
Tên khác: Hắc sửu, bìm bìm lam, bạch sửu, khiên ngưu, mắc chủng (Tày).
Tên khoa học: Pharbitis nil (L.) Choisy. Họ Bìm bìm (convolvulaceae).
Tên đồng nghĩa: Phabitis purpurea (L.) Voigt, ipomoea nil (L.) rotb, ipomoea hederacea (L.) jacq.
Dây leo bằng thân cuốn. Thân, cành mảnh, có lông rải rác. Lá mọc so se, có cuống dài, chia 3 thùy, gốc hình tim, đầu nhọn, dài 14 cm, rộng 12 cm, mặt trên nhẵn, màu lục, mặt dưới nhạt, có lông ở gân, gân gốc 5 - 7, cuống dài 5 - 9 cm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá, thành xim 1 - 3 hoa to màu hồng tím hoặc lam nhạt, cuốn hoa ngắn, có lông và mang 2 lá bắc mọc đối, đài hình chuông, có 5 răng đều, hẹp nhọn, mặt ngoài có lông; tràng hình phễu có ống dài khoảng 3 - 5 cm, 5 cánh hoa hàn liền, nhị 5 không đều, chỉ nhị phồng và có lông ở gốc, bao phấn hình mũi tên, bầu 3 ô, mỗi ô đựng 2 noãn.
Quả nang, hình cầu nhẵn, đường kính 8 mm,, bao bọc trong đài đồng trưởng, hạt 2 - 4 có 3 cạnh, màu đen, mặt ngoài có lông mềm.
Mùa hoa quả: Tháng 9 – 11.
Tránh nhầm lẫn với nhiều loại hoa bìm bìm khác có dáng cây và màu hoa tương tự.
Hiện nay bìm bìm biếc mọc trong trạng thái hoang dại ở các bờ rào vườn, ven đường đi Tam Đảo, thị xã Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên và một số nơi khác.
Cây ưa ẩm, thường có hiện tượng tàn lụi vào mùa đông, ra hoa quả nhiều hàng năm. Số cây con mọc từ hạt xung quanh cây mẹ thấy cũng nhiều. Khi cây bị chặt phá nhiều lần trong năm, phần còn lại vẫn có khả năng tái sinh.
Hạt đã phơi hay sấy khô.
Hạt bìm bìm biếc chứa 2% pharbitin, 11% chất béo, acid nilic, tysergol, chanoclavin, isopeniciavin, elymoclavin.
Hạt bìm bìm biếc có vị đắng, tính hàn, hơi có độc vào các kinh phế, thân, đại tràng có tác dụng tả thủy (tiêu thoát nước) tiêu thũng, lợi tiểu, diệt trùng, công tích trê, trục đờm.
Dạng nước chiết hoặc chiết cồn hoặc hạt bìm bìm biếc thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng đường uống với liều 1.5 mg/kg có tác dụng tẩy xổ.
Chất pharbitin chiết từ hạt có tác dụng kích thích co bóp của ruột thỏ cô lập và tử cung cô lập chuột cống trắng. Với liều 1.0 mg/kg pharitin bằng đường tiêm tĩnh mạch (i/v) trên chó và thỏ gây mê không có ảnh hưởng đáng kể đối với huyết áp và hô hấp.
Hạt bìm bìm biếc còn có tác dụng lợi tiểu, diệt ký sinh trùng đường ruột như giun đũa và có tác dụng gây sảy thai.
Hạt bìm bìm biếc chữa phù thũng cổ trướng, đau bụng giun, hen suyễn có đờm, táo bón.
Liều dùng: Hàng ngày 3 - 4 g, sắc nước uống. Nếu dùng nhựa khiên ngưu, mỗi ngày 0.2 – 0.4 g.
Chữa phù thũng, đại tiểu tiện không thông
Hạt bìm bìm biếc nghiền nhỏ thành bột. Mỗi lần uống 3.5 g với nước đun sôi để nguội.
Chữa đau bụng giun
Hạt bìm bìm biếc phối hợp với hạt cau, đại hoàng. Mỗi thứ lượng bằng nhau, nghiền thành bột, mỗi lần uống 2.5 – 3.5 g với nước đun sôi để nguội.
Phụ nữ mang thai không được dùng, người ốm yếu khi dùng phải thận trọng.
Không dùng chung với ba đậu.
Tránh nhầm lẫn với nhiều loại hoa bìm bìm khác có dáng cây và màu hoa tương tự.
Bìm bìm biếc là loài cây đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Bìm bìm biếc có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
https://tracuuduoclieu.vn/bim-bim-biec.html