Long Châu

Cây Bồ công anh: Thảo dược giúp an thần, trị ung thư

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bồ công anh là thảo dược quý có nhiều lợi ích sức khỏe như bổ, lọc máu, giúp tiêu hoá, tiêu độc, mụn nhọt, áp xe, bắp chuối, rôm xảy, đau vú; còn chữa vết thương nhiễm trùng, đau dạ dày (cả cây sắc uống).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Bồ công anh Việt Nam.

Tên khác: Rau bồ cóc; Diếp hoang; Diếp dại; Mót mét; Mũi mác; Diếp trời; Rau mũi cày, Phắc bao, Lin hán, Lằy mắy kìm.

Tên khoa học: Lactuca indica L. Họ Cúc (Asteraceae).

Đặc điểm tự nhiên

Bồ công anh là loại cây nhỏ, có chiều cao 0,6m đến 3m. 

Thân cây mọc thẳng, không cành hoặc rất ít cành nên nhìn như cây cỏ bụi.

Lá có có chia thùy hoặc mép răng cưa to, cuống ngắn nên nhìn như không cuống. Lá và thân Bồ công anh khi bấm hoặc cắt ra sẽ tiết ra nhũ dịch màu trắng đục như sữa, vị đắng.

Hoa mọc thành cụm, hình đầu, hoa chủ yếu có màu vàng (còn gọi là Hoàng hoa địa đinh), một số có màu tím (Tử hoa địa đinh).

Bồ công anh 1
Toàn cây Bồ công anh

Phân bố, thu hái, chế biến

Bồ công anh phân bố rộng rãi ở các tỉnh miền bắc nước ta. 

Bồ công anh có thể trồng bằng hạt, gốc rễ và trồng vào tháng 3 – 4 hoặc tháng 9 – 10. 

Bồ công anh sau khi thu hái, rửa sạch, có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng của Bồ công anh chủ yếu là rễ và lá.

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học của Bồ công anh gồm:

  • Protein, glucid, chất xơ, carotene, vitamin C.

  • Theo một số nghiên cứu cho biết cây có chứa lactuxerin (ete axetic của lactuxerola α và lactuxerola β), acid lacturic, lactucopicrin, lactuxin. Lactucopicrin là este p.hydroxy phenylaxetic của lactuxin.

  • β amyrin, taraxasterol, germanicol.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Bồ công anh Việt Nam là dược liệu từ xưa được dân gian dùng để chữa bệnh sưng vú, tắc tia sữa, tiêu độc, mụn nhọt đang sưng mù, hay bị mụn nhọt, nhiễm khuẩn. Ngoài ra còn bổ máu, mát gan, giải độc.

Theo y học hiện đại

An thần, gây ngủ nhẹ

Bồ công anh có tác dụng an thần gây ngủ nhẹ. 

Cung cấp nhiều chất xơ, giúp ngăn ngừa béo phì

Bồ công anh chứa nhiều chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa làm giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch.

Chống oxy hóa

Theo nghiên cứu của đại học Windsor Canada năm 2011, kết quả cho thấy rễ Bồ công anh có khả năng chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào gốc của cơ thể.

Chống nhiễm trùng da

Bồ công anh có công dụng tiêu viêm và sát khuẩn, sát trùng, diệt nấm và các vi khuẩn ngoài da.

Bổ xương khớp, chống đông máu

Trong thành phần hoạt chất Bồ công anh có hàm lượng vitamin K lớn. 

Vitamin K là vitamin giúp bổ sung chất khoáng cho xương và chống đông máu hiệu quả nên giúp xương chắc khỏe. Một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng Bồ công anh cung cấp 50% vitamin K cho cơ thể và 10% canxi cho xương.

Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường

Bồ công anh là thành phần có trong các thực phẩm chức năng hỗ trợ trị bệnh đái tháo đường. Khi đi vào cơ thể, Bồ công anh sẽ kích thích quá trình sản xuất insulin trong tủy và giữ lượng đường trong máu mức thấp nhất.

Mát gan, giải độc gan, lợi tiểu

Bồ công anh giúp ổn định mật của cơ thể, cung cấp một hàm lượng vitamin C cao hỗ trợ giảm sưng viêm, giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng hiệu quả.

Rễ cây Bồ công anh là thành phần trong bài thuốc lợi tiểu, thải độc gan, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa (giảm ợ nóng, chống nhiễm khuẩn đường ruột), giảm axit uric, lợi tiểu. 

Sử dụng Bồ công anh thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang.

Bồ công anh có nhiều tác dụng trị bệnh

 

Liều dùng & cách dùng

Liều lượng: 20 đến 40g (lá tươi) hoặc (10 đến 15 g) lá khô mỗi ngày. 

Cách dùng: Có thể dùng riêng lẻ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Chế biến bằng cách nấu nước uống, hãm như trà hoặc giã nát đắp ngoài.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa sưng vú, tắc tia sữa

Chuẩn bị: Lá Bồ công anh tươi 20 đến 40g.

Thực hiện: Rửa sạch lá Bồ công anh tươi, giã nát với ít muối, vắt lấy nước uống còn bã đắp lên chỗ vú bị sưng đau, làm như vậy đến khi hết.

Chữa ăn uống kém tiêu, hay bị mụn nhọt

Chuẩn bị: Lá Bồ công anh khô 10 đến 15g.

Thực hiện: Sắc lá Bồ công anh khô với 600ml nước đến khi còn 200ml. Uống liên tục trong 3 đến 5 ngày, có thể uống nhiều hơn nếu vẫn còn mụn nhọt.

Đơn thuốc chữa đau dạ dày

Chuẩn bị: Lá Bồ công anh khô 20g, lá Khôi 15g, lá Khổ sâm 10g. 

Thực hiện: Cho các vị trên vào 300ml nước, sắc trong vòng 15 phút. Thêm đường vào uống (chia 3 lần uống một ngày). Uống liên tục trong vòng 10 ngày, nghỉ 3 ngày rồi lại tiếp tục cho đến khi khỏi.

Hỗ trợ điều trị ung thư

Chuẩn bị: Rễ Bồ công anh 20g, lá Bồ công anh 20g, cây Xạ đen 40g.

Thực hiện: Sắc với 1 lít nước uống hàng ngày.

Trị mụn nhọt, rắn độc cắn 

Chuẩn bị: Lá Bồ công anh tươi.

Thực hiện: Sau khi hút hết độc tố và làm sạch vết thương, dùng lá Bồ công anh tươi giã nát, thêm chút muối rồi đắp lên vùng da có mụn nhọt hoặc vị trí bị rắn cắn rồi buộc lại bằng vải mỏng. Mỗi ngày làm một lần, liên tục trong 1 tuần.

Trị viêm túi mật, polyp túi mật

Chuẩn bị: Lá Bồ công anh phơi khô 30g.

Thực hiện: Dùng lá Bồ công anh phơi khô hãm nước uống hàng ngày.

Bồ công anh 2
Trà Bồ công anh

Tiểu đường 

Chuẩn bị: Cây Bồ công anh khô 35g.

Thực hiện: Dùng cây Bồ công anh phơi khô hãm nước uống hàng ngày như trà.

Lưu ý

Với những người có thể trạng tỳ vị hư hàn, hay bị đi tiêu phân lỏng thì không nên dùng.

Nguồn tham khảo

1. Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/bo-cong-anh.html 

2. Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).

3. Cây thuốc: https://caythuoc.org/bo-cong-anh.html

4. Sở Y tế Nam Định: https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/cong-dung-chua-benh-cua-cay-bo-cong-anh-4067