Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cây Cải cúc: Loại rau có nhiều tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cải cúc thuộc họ: Asteraceae (Cúc). Cải cúc có nhiều công dụng như: Điều trị lậu, chữa đau bụng, hỗ trợ tiêu hoá, trừ đờm, tán phong nhiệt; chữa ho lâu ngày, trị đau mắt (cả cây)...

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Rau cúc, Cải cúc, Xoòng hao (Tày).

Tên khác: Tần ô; rau cúc; cúc tần ô; rau tần ô; đồng cao; xuân cúc.

Tên khoa học: Chrysanthemum coronarium L.

Họ: Asteraceae (Cúc).

Đặc điểm tự nhiên

Cây thân thảo sống hàng năm, mọc thẳng, thân mang nhiều cành phân nhánh sum suê, cao từ 0,5 đến 0,8m và có thể đến 1m. Cành non màu xanh lục, mềm. Cành già màu nâu nhạt, cứng. Lá ôm vào thân, mọc so le, phiến chẻ 2 lần lông chim hai mặt nhẵn, dài đến 20cm.

Cụm hoa hình đầu màu vàng, mọc riêng lẻ gồm những hoa ở phía ngoài hình lưỡi rộng màu trắng, hoa ở trong hình ống màu vàng, thơm, lá bắc khô xác ở mép, xếp thành 2 – 4 hàng.

Quả bế, dài 2 - 3mm.

Mùa ra hoa quả: từ tháng 1 đến tháng 3.

cải cúc
Cải Cúc

Phân bố, thu hái, chế biến

Cải cúc phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm và được chọn lọc để trồng làm cảnh, lấy rau ăn hay làm thuốc trừ sâu.

Cải cúc có xuất xứ từ Vùng Địa Trung Hải và sau đó du nhập sang khu vực châu Âu, Bắc Phi và châu Á. Mỗi nơi có một mục đích sử dụng khác nhau. Ở châu Âu do nhu cầu trồng làm cảnh, người ta chọn giống có hoa to và đẹp. Ở Trung Quốc và Nhật Bản để làm thức ăn nêm sử dụng các giống là có mùi thơm để ăn sống hay nấu canh. Các nước vùng đông nam á trong đó có Việt Nam trồng giống Cải cúc có tên là ”tangho”, xuất xứ từ Trung Quốc do phù hợp với khí hậu nóng ẩm của vùng nhiệt đới, là loại rau xanh được nhiều người ưa chuộng.

Không biết từ bao giờ Cải cúc đã xuất hiện ở Việt Nam. Hiện nay hầu hết các tỉnh phía Bắc đều trồng loại cây này. Đà Lạt( Lâm Đồng) là địa phương ở miền Nam có trồng loại cây này. Đây là loại cây ngắn ngày, thích nghi được nhiều loại đất, ưa sáng và ưa ẩm. Phổ nhiệt độ sinh trưởng của cây rộng, có thể từ 5 đến 25°C. Ở Việt Nam, cây được trồng ra hoa kết quả tốt. Do cây mọc rất đều, hoa đẹp nên ngoài việc trồng để lấy rau ăn, có thể trồng thành đám lớn ở nơi công cộng để làm cảnh.

Bộ phận sử dụng

Cả thân và lá, có thể dùng tươi hoặc phơi khô để sử dụng dần.

Thành phần hoá học

Trong Cải cúc cho tinh dầu có mùi thơm đặc biệt, ngoài ra còn chứa 5,57% hydrate cacbon, 1,85% protein, 0,43% chất béo, nhiều vitamin B, ngoài ra còn chứa vitamin A và C.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Cải cúc có vị ngọt, hơi đắng nhẹ, mùi thơm, the. Do có tính mát nên Cải cúc được xem như một loại rau, giúp khai vị, ăn ngon miệng, hỗ trợ tiêu hoá, trừ đờm, giải nhiệt.

canh cải cúc
Canh Cải cúc

Theo y học hiện đại

Một thí nghiệm ở Tây Ban Nha về tác dụng kháng khuẩn của 3 dung dịch chiết là nước, ethanol và ether của thân, lá, hoa Cải cúc cho thấy dịch chiết ethanol có tác dụng trên Bacillus subtilis và Micrococcus luteus lufe, không có tác dụng trên Escherichia Coli, còn 2 dịch chiết còn lại không có tác dụng đối với cả 3 loại vi khuẩn.

Cao được chiết từ thân, lá và hoa Cải cúc không có tác dụng kháng khuẩn thực thể.

Liều dùng & cách dùng

Cải cúc hiện nay được dùng chủ yếu để ăn sống hay nấu canh, chữa ho đối với những người ho lâu ngày. Khi dùng làm thuốc, Cải cúc chữa đau mắt, đau đầu kinh niên, thổ huyết. Mỗi ngày uống 10 - 16g dưới dạng thuốc pha hay sắc.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa ho trẻ em

Cắt nhỏ 6g lá Cải cúc, thêm đường hoặc mật ong, đem hấp cho tiết nước rồi chia uống nhiều lần trong ngày.

cải cúc chữa bệnh ho ở trẻ em
Cải cúc có thể chữa ho ở trẻ em

Chữa ăn uống kém tiêu, viêm họng, đau mắt

Ăn sống hoặc nấu canh.

Lưu ý

Cải cúc vừa là thực phẩm giúp bồi bổ sức khỏe, vừa là thuốc chữa bệnh. Do Cải cúc có tính mát nên người bị tiêu chảy, thể trạng hư hàn và lạnh bụng cần tránh.

Ngoài ra, Cải cúc dễ nhiễm trứng giun nên cần nấu chín trước khi ăn, nếu ăn sống cần rửa kĩ để loại bỏ giun và trứng giun.

Rau Cải cúc có thể hỗ trợ hạ huyết áp, giải cảm, giảm ho và trị ít sữa tuy nhiên tác dụng chậm nên cần kiên trì sử dụng liên tục trong 3 – 10 ngày để đạt được kết quả mong muốn. Nếu bệnh nghiêm trọng, nênthăm khám để được điều trị đặc hiệu.

Nguồn tham khảo

1. https://tracuuduoclieu.vn/cai-cuc.html

2. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Đỗ Tất Lợi: https://drive.google.com/file/d/11HYLqPu7eW-p5LePwUl4L2z18YnIRfQH/view?usp=sharing.