Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Câu kỷ tử

Câu kỷ tử: Loại quả có nhiều tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Câu kỷ tử là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Câu kỷ tử vừa có tác dụng trong việc điều trị các bệnh như đái tháo đường, viêm phổi, ho, lao phổi,... lại có tác dụng bồi bổ cơ thể, khí huyết, cơ thể trẻ khỏe.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng việt: Câu kỷ tử.

Tên khác: Câu khởi, Khởi tử, Địa cốt tử, Kỷ tử.

Tên khoa học: Lycium sinense Mill. (Lycium barbarum L. var. sinense Ait), thuộc họ cà - Solanaceae.

Câu kỷ tử (Fructus Lycii) là quả chín phơi hay sấy khô của cây kỷ tử Lycium sinense.

Đặc điểm tự nhiên

Cây kỷ tử Lycium sinense có chiều cao trung bình từ 0,5 – 1,5m cành nhỏ, có thể có gai dài khoảng 5cm mọc ở kẽ lá. Lá cây hình mác, dài khoảng 5cm, rộng 0,6 - 2,5cm, đầu lá nhọn, rìa lá nguyên, mọc so le hoặc mọc vòng. Cuống lá hẹp, ngắn 2 - 6mm.

Cây ra hoa vào khoảng tháng 6 - 9. Hoa màu tím đỏ, nhỏ, mọc đơn hoặc chùm tại kẽ lá. Mùa quả vào tháng 7 - 10. Quả hình trứng, mọng nước, chiều dài 0,5 - 2cm, đường kính 4 – 8mm. Quả khi chín có màu đỏ sẫm hoặc vàng đỏ. Hạt nhiều, hình thận, dạt, dài 2 – 2,5mm.

câu kỷ tử
Quả khi chín có màu đỏ sẫm

Phân bố, thu hái, chế biến

Câu kỷ tử mọc ở các nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc. Ở Trung Quốc, cây được trồng ở nhiều ở các tỉnh giáp Việt Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam,... Ở nước ta, vị thuốc này chủ yếu được nhập từ Trung Quốc.

Cây Câu kỷ tử là một cây lâu năm, cây có thể trồng bằng hạt hoặc dâm cành. Sau 3 năm trồng, cây có thể cho trái để thu hoạch. Thời gian thu hoạch đỉnh điểm là vaò năm thứ 10 và tiếp tục kéo dài cho đến 20 - 30 năm tùy theo cách chăm sóc.

Quả được thu hái chủ yếu vào mùa hạ và mùa thu. Để giữ được chất lượng của qủa, thời điểm thu hái cần tránh nắng nóng (thích hợp là sáng sớm hoặc chiều mát), phơi trong bóng râm mát sau đó mới đem phơi nắng để thật khô. Nhiệt độ sấy chỉ từ 30 – 45°.

Câu kỷ tử có thể dùng tươi hoặc dùng khô. Quả tươi có thể đem tẩm rượu trong 24 giờ, rồi giã dập trước khi dùng. Hoặc đem quả tươi đem tẩm với mật ong sắc lấy nước đặc. Quả khô có thể tán thành bột mịn để dùng.

Để bảo quản Câu kỷ tử cần phun rượu hoặc xông diêm sinh định kỳ để tránh nấm mốc phát triển và để ở nơi thoáng mát, thông gió.

câu kỷ tử khô
Câu kỷ tử khô

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng của Câu kỷ tử là: Quả khô.

Thành phần hoá học

Trong Kỷ tử có chừng 0,09% chất betain C5H11O2N.

Theo các nghiên cứu của Từ Quốc Vân và Triệu Thủ Huấn, Câu kỷ tử chứa nhiều thành phần bổ dưỡng cho cơ thể như: Carotene (0,00396%), vitamin C (0,003%), acid nictinic (0,0017%), amon sulfat (0,00023%) và các vi khoáng như canxi (0,15%), sắt (0,0034%), P (0,0067%).

Ngoài ra, một số báo cáo khác còn cho biết, trong Câu kỷ tử còn chứa các chất như lysine; choline; betain 2,2%; chất béo và 4,6% protein; acid hydroxyanic; và có thể có atropin.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo tài liệu cổ, Kỷ tử có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh Phế, Can và Thận; có tác dụng:

  • Bổ can thận.

  • Nhuận phế táo.

  • Mạnh gân cốt.

  • Dùng chữa chân tay yếu mỏi, mắt mờ, di mộng tinh.

Kỷ tử vừa có tác dụng bồi bổ cơ thể, vừa có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh: Tăng cường sức khỏe cho người gầy yếu, mệt mỏi, bổ tinh khí huyết, hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, ho lao, lao phổi.

Theo y học hiện đại

Tăng cường miễn dịch

Nước sắc Câu kỷ tử 50% với liều 2,5g/kg/ngày, dùng bằng đường uống trong 3 ngày liên tiếp, làm tăng cường khả năng thực bào của đại thực bào trong xoang bụng chuột nhắt, đồng thời tăng cường hoạt động của men lysozyme trong huyết thanh và nâng cao hiệu quả kháng thể kháng hồng cầu cừu của huyết thanh và tăng số lượng tế bào có kháng thể hình thành trong tổ chức nách.

Quan sát trên lâm sàng ở những người già mà chức năng miễn dịch giảm, dùng đang chiết từ Câu kỷ tử hoặc ăn quả Câu kỷ tươi thì hệ thống miễn dịch đã bị giảm của họ được điều chỉnh, tỷ lệ chuyển hóa của nguyên bạch cầu (Leukocytoblast), globulin miễn dịch trong huyết thanh như IgG, IgA và IgM đều tăng.

Hạ cholesterol huyết, đường huyết, bảo vệ gan

Dạng chiết nước từ Câu kỷ tử dùng cho chuột cống trắng và thỏ có tác dụng làm giảm cholesterol và có tác dụng bảo vệ gan. Nuôi chuột dài ngày (75 ngày) bằng thức ăn có trộn dạng chiết từ câu kỷ tử (0,5% và 1%) hoặc betain (0,1%) có tác dụng bảo vệ gan, chống lại những tổn thương do tetraclorua cacbon gây nên.

Dạng chiết từ quả L.barbarum dùng cho chuột cống trắng có tác dụng hạ đường huyết rõ rệt và kéo dài, đồng thời khả năng dung nạp đường tăng cao.

Trên lâm sàng, những người già trên 60 tuổi uống dạng chiết từ Câu kỷ tử liều 100mg liên tục trong 4 tuần thì cholesterol huyết, β – lipoprotein và triglycerid đều giảm.

Tác dụng làm chậm sự suy lão

Dạng chiết nước từ Câu kỷ tử cho vào thức ăn của ruồi giấm tăng 47% và ức chế sự tích lũy fuscin của ruồi.

Người già mỗi ngày dùng 5 g quả Câu kỷ tử trong 10 ngày liên tiếp thì hoạt độ của men superoxide dismutase (SOD) tăng 48%, hemoglobin (Hb) tăng 12% và lipid peroxide giảm 65%.

Tác dụng đối với hệ thống máu

Nước sắc Câu kỷ tử (10%) dùng cho chuột nhắt trắng với liều 0,5 ml/ chuột, liên tục trong 10 ngày làm tăng lượng bạch cầu. Dạng đông khô câu kỷ tử có tác dụng ngăn ngừa hiện tượng giảm bạch cầu do cyclophosphamide gây nên trong điều trị ung thư thực nghiệm trên chuột cống trắng.

Người bình thường hoặc bệnh nhân ung thư ăn quả Câu kỷ tử khô 5 g/ ngày liên tục trong 10 ngày thì số lượng bạch cầu tăng lên rõ rệt.

Các tác dụng khác

Betain làm tăng số lượng gà nuôi thịt so với lô đối chứng, và làm tăng lượng trứng đẻ ở gà mẹ. Dịch chiết Câu kỷ tử tác dụng trực tiếp lên tuyến yên của chuột cống trắng kích thích rụng trứng.

câu kỷ tử chữa bệnh
Câu kỷ tử có nhiều tác dụng chữa bệnh

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng của câu kỷ từ từ 6 – 15g dưới dạng sắc hoặc rượu uống.

Bài thuốc kinh nghiệm

Rượu câu kỷ tử

Câu kỷ tử 600g, Giả nhỏ, cho 2 lít rượu (35 - 40°) vào ngâm trong 2 tuần trở lên. Lọc lấy rượu uống. Ngày uống 1 - 2 cốc nhỏ làm thuốc bổ.

Đơn thuốc bổ chữa di tinh

Câu kỷ tử 6g, Sinh khương 2g, Nhục thong dong 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, uống 3 lần trong ngày.

Hữu quy hoàn

Thục địa 32g, Sơn dược sao 16g, Sơn thù 12g, Câu kỷ tử 16g, Đỗ trọng (tẩm gừng sao) 16g, Thỏ ty tử 16g, Thục Phụ tử 8 – 14g, Nhục quế 8 – 16g, Đương quy 12g, Lộc giác giao 16g. Tất cả đem tán thành bột mịn luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 4 – 8g, có thể sắc uống. Thuốc có tác dụng bồi bổ tinh huyết, bổ thận tráng dương giúp điều trị các bệnh, triệu chứng liên quan đến thận dương hư.

Lưu ý

Câu kỷ tử có độc tính thấp.

Nguồn tham khảo