Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cây chùm ngây có nhiều công dụng như làm thực phẩm (rau xanh), làm thuốc trị bệnh như chữa động kinh, hạ huyết áp, giảm lipid máu, chữa suy nhược cơ thể. Ngoài ra, dầu ép từ hạt có thể ngăn ngừa thụ thai, kháng viêm và kháng nấm như Trichophyton rubrum, hay Microsporum canis, Trichophyton mentagrophytes.
Tên Tiếng Việt: Cây Chùm ngây.
Tên khác: Ba Đậu dại; cây Thần diệu; cây Kỳ quan; cây Vạn năng; cây Độ sinh; cây Cải ngựa; cây Dùi trống; cây Dầu bel; cây Bồn bồn.
Tên khoa học: Moringa oleifera Lamk. Họ: Chùm ngây (Moringaceae).
Chùm ngây là cây nhỏ hay cây nhỡ, cao khoảng 5 – 10m.
Vỏ cây khá dày và có rãnh. Thân non có lông, thân già ít lông hơn.
Lá Chùm ngây là kiểu lá kép, mọc so le. Lá có màu xanh nhạt khi non và xanh sẫm khi già.
Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá. Hoa có màu trắng (giống hoa họ Đậu), tràng hoa có 5 cánh hình muỗng.
Quả Chùm ngây hình tam giác, dài khoảng 25 – 30cm, mọc rũ xuống, cánh dạng màng màu trắng.
Mùa hoa thường vào tháng 4 – 6, mùa quả tháng 7 – 9.
Chùm ngây phân bố rộng rãi từ miền Trung đến miền Nam. Chùm ngây sau khi thu hái, rửa sạch, có thể dùng dạng tươi hoặc phơi khô để dành dùng dần.
Bộ phận dùng của Chùm ngây là toàn cây cả rễ.
Thành phần hóa học của Chùm ngây:
Lá chứa gôm, moringin, moringinin.
Vỏ thân: Benzylamin, β sitosterol.
Cành non, lá non hoặc lá bánh tẻ, hoa và quả xanh nấu ăn (luộc) giúp hỗ trợ lưu thông máu huyết, kích thích tiêu hóa, giảm đau.
Lá non dùng để lợi sữa. Lá già có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Nhựa làm giảm đau.
Ở Ấn Độ, cây Chùm ngây chính là vị thuốc dân gian thông dụng với các công dụng như:
Vỏ thân: Trị nóng sốt, đau dạ dày, đau bụng kinh, sâu răng, trị hói tóc (thoa ngoài da đầu); trị đau họng; trị kinh phong; trị tiểu máu; trị thổ tả.
Hoa: Thuốc bổ, lợi tiểu.
Quả: Làm thuốc đắp trị gãy xương.
Lá: Trị ốm còi, gây nôn và giảm đau bụng kinh.
Hạt: Dầu từ hạt để trị phong thấp.
Kháng nấm
Dịch chiết cồn từ lá và hạt Chùm ngây có hoạt tính diệt nấm Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes, Epidermophyton floccosum và Microsporum canis.
Hỗ trợ điều trị tăng cholesterol và lipid trong máu
Nghiên cứu tại ĐH Baroda, Kalabhavan, Gujarat (Ấn Độ), thử nghiệm trên động vật cho kết quả gây hạ cholesterol, phospholipid, triglyceride, VLDL, LDL hạ tỷ số cholesterol/phospholipid trong máu động vật thí nghiệm. Ngoài ra, Chùm ngây còn có thêm tác dụng làm tăng đào thải cholesterol qua phân.
Chống co giật, kháng viêm, lợi tiểu
Nghiên cứu trên chân chuột bị gây phù bằng carrageenan và tác dụng lợi tiểu bằng lượng nước tiểu thu được khi chuột được nuôi nhốt trong lồng bằng dịch chiết từ hạt Chùm ngây cho thấy tác động ức chế sự co giật rõ rệt gây ra bởi acetylcholine ở liều ED50 = 65.6mg/ml môi trường; tác động ức chế phụ gây ra do carrageenan được định ở 1000mg/kg và hoạt tính lợi tiểu cũng ở 1000mg/kg.
Khả năng ngừa thai của rễ Chùm ngây
Nghiên cứu tại ĐH Jiwaji, Gwalior (Ấn độ) về các hoạt tính estrogen, kháng estrogen, ngừa thai của nước chiết từ rễ Chùm ngây ghi nhận kết quả chuột đã bị cắt buồng trứng, sau khi uống nước chiết rễ Chùm ngây thấy có sự gia tăng trọng lượng của tử cung.
Hoạt tính kháng sinh của hạt Chùm ngây
Cây Chùm ngây có thành phần hoạt chất là 4 (alpha-L-Rhamnosyloxy)benzyl isothiocyanate, chất này có hoạt tính kháng sinh mạnh nhất, sau đó là benzyl isothiocyanate.
Giảm hình thành sỏi thận
Rễ Chùm ngây hạn chế cặn lắng nước tiểu nhờ quá trình tổng hợp oxalate trong cơ thể, vì vậy ngăn ngừa hình thành sỏi thận.
Làm đẹp da
Chùm ngây có tác dụng làm đẹp da. Có thể dùng lá Chùm ngây giã nát đắp mặt hoặc dùng tinh dầu đắp mặt thường xuyên sẽ giúp da căng mịn hơn.
Dùng như thực phẩm
Dùng như vị thuốc
Liều khoảng 100 đến 150g cho dạng tươi và khoảng 30g cho dạng khô. Có thể sắc hoặc hãm trà đều dùng được.
Trị tăng cholesterol, tăng lipid máu, tăng triglycerid, làm giảm axit uric, ngăn ngừa sỏi oxalat
Chuẩn bị: Rễ Chùm ngây tươi 100g (30g khô).
Thực hiện: Rửa sạch rễ Chùm ngây và đem nấu với 1 lít nước sôi trong khoảng 15 phút. Uống thay trà trong ngày.
Hỗ trợ ổn định huyết áp và đường huyết, lợi gan mật, trị suy nhược cơ thể
Chuẩn bị: Lá Chùm ngây non 150g.
Thực hiện: Rửa sạch lá Chùm ngây, giã nát và thêm 300ml nước sạch, lọc lấy nước cốt. Thêm mật ong vào nước cốt và chia uống 3 lần trong ngày.
Trị u xơ tiền liệt tuyến
Bài 1:
Chuẩn bị: Rễ Chùm ngây tươi 100g (khô 30g), lá Trinh nữ hoàng cung tươi 80g (khô 20g).
Thực hiện: Nấu các vị thuốc trên với 2 lít nước đến khi còn lại 500ml. Chia làm 3 lần, uống trong ngày.
Bài 2:
Chuẩn bị: Chùm ngây tươi đã có hạt già.
Thực hiện: Lấy hạt Chùm ngây giã nát ngâm với 3 lít nước trong 5 phút. Sau đó để lắng khoảng 2 giờ thì có nước trong dùng được.
Thuốc ngừa thai của dân tộc Raglai
Chuẩn bị: Rễ cây Chùm ngây tươi 150g.
Thực hiện: Băm nhỏ lá cây Chùm ngây và nấu với 2 lít nước, nấu đến khi còn nửa lít, uống 2 lần trong ngày (cứ 5 ngày thì dùng 1 lần).
Chống chỉ định dùng cây Chùm ngây cho phụ nữ có thai.
1. Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/cay-chum-ngay.html
2. Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).
3. Sở Y tế Hà Nội: https://soyte.hanoi.gov.vn/y-hoc-co-truyen/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/thuoc-tu-cay-chum-ngay
4. Sức khỏe đời sống: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tu-cay-chum-ngay-169163619.htm