Long Châu

Đau dạ dày là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau dạ dày là một vấn đề phổ biến ở đường tiêu hóa, liên quan đến chế độ ăn hàng ngày. Bệnh có thể phòng ngừa bằng cách ăn uống khoa học và có lối sống lành mạnh. Theo cấu tạo của cơ thể người, dạ dày là một bộ phận quan trọng trong hệ tiêu hóa, đảm nhận nhiệm vụ thấm dịch vị lên thức ăn và nghiền nát cơ học đồng thời phân hủy chúng. Sau quá trình này, thức ăn sẽ tiếp tục được tiêu hóa và chuyển hóa ở ruột non một cách dễ dàng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau dạ dày là gì?

Đau dạ dày là tình trạng bệnh lý khi tại dạ dày xuất hiện các tổn thương, niêm mạc bị viêm thậm chí loét sâu khiến các hoạt động của nó bị đình trệ và gây ra các biểu hiện khó chịu, đau đớn cho người bệnh.

Đau dạ dày có thể là triệu chứng của bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư dạ dày,... Đau thượng vị là vị trí thường gặp trong đau dạ dày.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau dạ dày

Đau dạ dày là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể được nhận biết dễ dàng qua các triệu chứng dưới đây:

  • Đau bụng vùng thượng vị: Đây là triệu chứng phổ biến và dễ nhận biết nhất. Người bệnh thường bị đau rát vùng thượng vị, đôi khi tức ngực. Tuy nhiên triệu chứng này cũng có thể bị nhầm lẫn với 1 số bệnh lý khác tại vùng tương ứng. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể đau vùng giữa bụng hoặc bên trái.

  • Buồn nôn: Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương thì dạ dày sẽ bị kích thích, bệnh nhân luôn có cảm giác buồn nôn, khó chịu. 

  • Ợ chua: Một số nguyên nhân làm dạ dày tăng tiết dịch sẽ làm mất cân bằng pH dạ dày, dẫn đến chứng trào ngược thực quản gây nên ợ chua.

  • Chán ăn: Khi dạ dày không hoàn thành nhiệm vụ của mình, người bệnh sẽ không có cảm giác đói. Điều đó dẫn đến người bệnh cảm thấy chán ăn và không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, lâu dần gây suy nhược cơ thể.

  • Xuất huyết tiêu hóa: Các trường hợp viêm loét dạ dày nặng sẽ gây xuất huyết dạ dày. Biểu hiện là nôn ra máu tươi, phân màu cà phê,… Đây là một dấu hiệu cảnh báo sự nghiêm trọng của chứng đau dạ dày mà bạn không nên xem thường.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh đau dạ dày

Nếu không được xử lý kịp thời ở giai đoạn cấp tính thì bệnh lý dạ dày sẽ chuyển thành mãn tính dai dẳng. Hơn nữa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng mãn tính còn gây ra những biến chứng nguy hiểm dưới đây:

Xuất huyết tiêu hóa (chảy máu đường tiêu hóa)

Xuất huyết tiêu hoá là hiện tượng máu thoát ra khỏi lòng mạch chảy vào ống tiêu hoá, biểu hiện lâm sàng là nôn ra máu đi ngoài ra máu. Bệnh nhân cần được cấp cứu ngay lập tức để tránh tình trạng mất máu quá nhiều gây tử vong.

Thủng dạ dày – tá tràng

Xuất hiện cơn đau bụng đột ngột, dữ dội vùng thượng vị như dao đâm, thường có nôn ói và bụng cứng như gỗ.

Tắc nghẽn dạ dày

Sự tắc nghẽn có thể do sẹo, co thắt, hoặc viêm do loét. Các triệu chứng bao gồm nôn nhiều và tái phát nhiều lần, xảy ra thường xuyên hơn vào cuối ngày và thường là 6 giờ sau bữa ăn cuối cùng. Chán ăn kèm theo đầy bụng hoặc chướng bụng kéo dài sau khi ăn cũng hướng tới bệnh Nôn kéo dài có thể gây giảm cân, mất nước, và kiềm hóa.

Nếu bệnh nhân có tiền sử gợi ý tắc nghẽn, khám thực thể, hút dạ dày hoặc chụp Xquang có thể phát hiện dạ dày còn tồn dịch. Nghe tiếng óc ách bụng > 6 giờ sau bữa ăn hoặc hút dạ dày thấy dịch hoặc thức ăn > 200mL sau một đêm gợi ý tồn dư dịch dạ dày. Nếu hút dạ dày nghi ngờ có tồn dư dịch, dạ dày nên được làm trống và tiến hành nội soi hoặc chụp X quang để xác định vị trí, nguyên nhân và mức độ tắc nghẽn.

Hẹp môn vị

Lúc đầu ăn chậm tiêu, đầy bụng, nặng bụng, ợ nước chua nhất là về buổi chiều; tiếp theo bệnh nhân bị nôn ói sau ăn ngày càng nhiều hơn.

Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một bệnh ác tính của tổn thương dạ dày, nguyên nhân chưa rõ ràng, tiến triển nhanh, chẩn đoán sớm khó khăn, tiên lượng nặng, chưa có phương pháp giải quyết đặc hiệu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có các triệu chứng điển hình của chứng đau và viêm loét dạ dày, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được khám và điều trị sớm. Việc này sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý liên quan tới đau dạ dày, với mỗi tác nhân sẽ có những biểu hiện và mức độ khác nhau. Hiểu rõ về nhân tố gây ảnh hưởng đến tình trạng bệnh giúp quá trình điều trị sau đó sẽ hiệu quả tốt hơn.

Khi lớp hàng rào chất nhầy bảo vệ thành dạ dày bị tổn thương hoặc suy yếu sẽ cho phép dịch tiêu hóa tấn công và gây viêm lớp niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể là do một số bệnh lý như bệnh Crohn, bệnh sarcoidosis (u hạt).

Những nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh đau dạ dày đó là:

  • Nhiễm vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori): Đây là loại vi khuẩn có khả năng sinh sống tại vùng niêm mạc dạ dày, chống chịu với môi trường axit đậm đặc tại đây.

  • Ăn uống không điều độ: Bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ, có thói quen ăn đêm.

  • Ăn quá nhiều đồ ăn cay, nóng, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ.

  • Nghiện rượu, bia, cà phê.

  • Hút thuốc lá: Trong thuốc lá có chứa chất phá hủy niêm mạc dạ dày.

  • Căng thẳng, áp lực: Khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, hoạt động tiêu hóa không được ưu tiên từ đó dẫn tới tiêu hóa kém, thức ăn ứ đọng lâu dần gây bệnh.

  • Bệnh lý trào ngược dịch mật, thiếu máu ác tính cũng có thể gây đau dạ dày.

  • Lạm dụng thuốc kháng sinh.

  • Viêm dạ dày tự miễn. Đây là một rối loạn tự miễn khi cơ thể tự tạo ra kháng thể để tấn công chính các tế bào niêm mạc khỏe mạnh ở dạ dày. Phản ứng tự miễn này có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ dạ dày. Rối loạn có khi liên quan đến tình trạng thiếu vitamin B12. Một số rối loạn tự miễn khác cũng có thể tăng nguy cơ bị viêm dạ dày là bệnh Hashimoto và đái tháo đường tuýp 1.

Nguy cơ

Những người có nguy cơ mắc phải đau dạ dày

Đau dạ dày thường gặp ở người có thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Người lớn thường mắc bệnh do ăn cay, nóng nhiều, bỏ bữa và sinh hoạt thất thường. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau dạ dày

  • Đau dạ dày có thể liên quan đến một số vấn đề sức khỏe khác như HIV/AIDS, bệnh Crohn, nhiễm ký sinh trùng…

  • Tuổi tác. Người cao tuổi có nguy cơ bị viêm dạ dày cao hơn vì lớp niêm mạc tại dạ dày có xu hướng mỏng dần theo thời gian. Không những thế, nguy cơ nhiễm H. pylori hoặc bị rối loạn tự miễn ở người cao tuổi cũng cao hơn so với người trẻ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán đau dạ dày

Để chẩn đoán đau dạ dày, bác sĩ sẽ xem lại tiền sử gia đình, thăm khám đánh giá và có thể đề nghị một số xét nghiệm:

  • Nội soi tiêu hóa trên (thường gọi là nội soi dạ dày): Một ống nội soi nhỏ có gắn camera sẽ được đưa qua miệng của bạn xuống tới dạ dày để quan sát niêm mạc dạ dày. Bác sĩ sẽ kiểm tra hiện tượng viêm, xét nghiệm tìm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và có thể làm sinh thiết, một thủ thuật để lấy mẫu mô nhỏ và gửi tới phòng xét nghiệm phân tích.

  • Để chẩn đoán viêm dạ dày, bác sĩ sẽ xem lại tiền sử gia đình, thăm khám đánh giá và có thể đề nghị một số xét nghiệm.

  • Có thể dựa vào nồng độ gastrin huyết thanh.

Chẩn đoán loét đường tiêu hóa được nghĩ đến dựa vào tiền sử của bệnh nhân và được xác nhận bằng nội soi. Điều trị theo kinh nghiệm thường tiến hành mà không có chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, nội soi cho phép sinh thiết hoặc thu mẫu tế bào học của các tổn thương dạ dày và thực quản nhằm phân biệt giữa bệnh loét đơn thuần và ung thư dạ dày thể loét.

Ung thư dạ dày có thể biểu hiện với các triệu chứng tương tự và phải được chú ý loại trừ, đặc biệt ở những bệnh nhân > 45 tuổi, sút cân, có các triệu chứng nặng hoặc dai dẳng. Tỉ lệ loét tá tràng ác tính rất thấp, do đó sinh thiết tổn thương tá tràng thường không cần thiết. Nội soi cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán xác định nhiễm H. pylori, điều này cần làm khi phát hiện thấy vết loét.

Ung thư tiết gastrin và gastrinoma nên được xem xét khi có nhiều ổ loét, khi loét phát triển ở những vị trí không điển hình (ví dụ như đoạn sau hành tá tràng) hoặc không đáp ứng với điều trị hay khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng tiêu chảy nổi bật hoặc sút cân. Nồng độ gastrin trong huyết thanh nên được đánh giá ở những bệnh nhân này.

Phương pháp điều trị đau dạ dày hiệu quả

Việc điều trị đau bụng phụ thuộc vào nguyên nhân của nó, và có thể bao gồm:

  • Thuốc để giảm viêm, ngăn ngừa trào ngược axit hoặc điều trị loét hoặc nhiễm trùng. 

  • Phẫu thuật để điều trị một vấn đề với một cơ quan.

Thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin và ibuprofen có thể gây kích ứng dạ dày và làm cơn đau của bạn trầm trọng hơn. Đừng dùng chúng trừ khi bác sĩ đã chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng của bạn và khuyến nghị sử dụng chúng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau dạ dày

Một số thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp giảm đau bụng do đầy hơi và khó tiêu. Dưới đây là một số điều bạn có thể thử:

  • Ăn các phần nhỏ hơn vào các bữa ăn thường xuyên hơn.

  • Ăn chậm.

  • Nhai kỹ thức ăn.

  • Uống đồ uống ở nhiệt độ phòng.

  • Tránh thức ăn gây đầy hơi hoặc khó tiêu. Tránh các thức ăn kích thích niêm mạc dạ dày như rượu, bia, nước ngọt có ga, các loại thức ăn chua cay như canh chua, dưa muối, cà muối, cam, chanh, dứa, khế, sấu, tiêu, ớt, tỏi…

  • Các loại thực phẩm nên dùng: Trứng, sữa, gạo nếp,... Uống sữa với chế độ hợp lí sẽ có tác dụng tốt đối với bệnh nhân đau dạ dày.

  • Kiểm soát căng thẳng, stress.

  • Hạn chế rượu và caffein. Nên ngừng hút thuốc và ngừng sử dụng rượu hoặc hạn chế (dùng một lượng nhỏ rượu pha loãng).

  • Ngồi thẳng sau khi ăn.

  • Hoạt động thể chất thường xuyên và đi bộ ngắn sau khi ăn.

Phương pháp phòng ngừa đau dạ dày hiệu quả

Chế độ sinh hoạt:

Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc lá không chỉ gây đau dạ dày mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Vì vậy nếu bạn đang có thói quen này thì nên tìm cách cai thuốc càng sớm càng tốt.

Tránh sử dụng thuốc tây bừa bãi: Hầu hết các loại thuốc tây đều có hại cho dạ dày, gan, thận. Vì vậy, nếu có bệnh thì bạn nên đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị phù hợp. Tránh tự ý mua thuốc về uống bừa bãi.

Giảm cân nếu cần thiết: Béo phì làm tăng nguy cơ bị trào ngược ở những người bị đau dạ dày. Tham khảo ý kiến các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ giảm cân khoa học nếu bạn đang có vấn đề với cân nặng.

Kiểm soát tốt căng thẳng: Bệnh đau dạ dày rất dễ tái phát khi thần kinh bị căng thẳng quá mức. Nếu bạn không muốn rơi vào tình trạng này thì hãy sắp xếp lại thời gian làm việc, học tập và nghỉ ngơi cho hợp lý, tham gia các hoạt động thể thao, xem phim, chia sẻ với người thân… để đầu óc luôn được thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế ăn các món nướng, chiên rán, các đồ ăn nhanh để phòng bệnh ung thư dạ dày.

  • Ăn chín, uống sôi. Không sử dụng các thức ăn còn tươi sống hoặc mới chỉ được nấu chín tái, chẳng hạn như gỏi cá, nem chua…

  • Ăn uống đúng giờ giấc. Tránh bỏ bữa sáng hoặc để dạ dày quá đói. Từ bỏ các thói quen ăn khuya hoặc vừa ăn vừa uống.

  • Từ từ nhai kỹ trước khi nuốt để dạ dày không phải làm việc quá nhiều.

  • Chỉ ăn đủ no. Không tiêu thụ quá nhiều thức ăn một lúc sẽ khiến dạ dày bị quá tải và lên cơn đau.

  • Sau khi ăn xong chỉ nên đi lại, vận động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động thể lực mạnh.

  • Hạn chế các thực phẩm chua, gia vị cay.

  • Không ăn quá nhiều đồ mặn, uống nước ngọt có ga hoặc uống nhiều bia rượu.

  • Bổ sung thực phẩm tốt cho dạ dày như: Thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, thực phẩm dễ tiêu hóa,…

Nguồn tham khảo
  1. Webmd: https://www.webmd.com/

  2. https://syt.bacgiang.gov.vn/

  3. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/

Các bệnh liên quan

  1. Viêm dạ dày mạn tính

  2. Viêm niêm mạc trực tràng

  3. Bệnh não gan

  4. Viêm ruột mạn tính

  5. Gan to

  6. Cường lách

  7. Polyp dạ dày

  8. Viêm dạ dày

  9. Thủng dạ dày

  10. Phình đại tràng bẩm sinh