Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cỏ dùi trống hay còn gọi là Cốc tinh thảo, là cây cỏ nhỏ, mọc thành bụi, thu hái đầu hoa, có tác dụng khứ phong, thanh nhiệt, sáng mắt.
Cỏ dùi trống hay còn gọi là Cốc tinh thảo, Đầu đinh, Co nhả gô khao (Thái). Tên Cốc tinh thảo do người ta thấy cây này mọc nhiều sau khi gặt lúa, do đó cho là cốc tinh của lúa mọc lên.
Cỏ dùi trống có tên khoa học là Eriocaulon sexangulare L., họ Eriocaulonaceae (Cỏ dùi trống).
Cỏ dùi trống là một loại cỏ nhỏ, sống hàng năm, rễ chùm, thân rất ngắn. Cây thảo mọc thành bụi. Lá mọc vòng, dẹt, dài 15-40cm, rộng 2-10mm, nhẵn, có nhiều gân dọc, có vách. Cuống cụm hoa dài 10-55cm. Ðầu hoa có hình trứng hay hình trụ, đường kính 4-6 mm, có lá bắc kết hợp dày, các lá bắc ngoài màu vàng, các lá bắc trên xám, hoa mẫu 3, trừ hoa đực có hai lá đài; bao phấn đen.
Ra hoa quanh năm.
Cây mọc hoang ở những nơi ẩm thấp tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta như Bắc Giang, Thái Nguyên và Lạng Sơn. Cũng phân bố ở các xứ nóng.
Thu hái vào mùa hạ, tốt nhất vào mùa thu, hái cuống mang hoa, rửa sạch đất, bùn, phơi khô, bó thành từng bó.
Sử dụng đầu hoa – Flos Eriocauli.
Chưa có tài liệu nghiên cứu.
Tán thành bột hoặc sắc nước uống. Ngày dùng từ 6 - 10g.
Chữa viêm kết mạc, viêm giác mạc
Cỏ dùi trống, phòng phong (Siler divaricatum), hai vị bằng nhau, tán nhỏ. Ngày uống 3 lần mỗi lần uống 1-2g (kinh nghiệm dân gian).
Chữa thiên đầu thống
Cỏ dùi trống 10g, tán nhỏ trộn với hồ dán vào nơi đau.
Chữa nhức đầu, nhức lông mày
Cỏ dùi trống 8g, địa long (giun đất) 12g, nhũ hương 4g. Các vị tán nhỏ mỗi lần lấy 4g đốt lấy khói hun vào lỗ mũi bên đau.
Người bệnh âm hư huyết thiếu không dùng.