Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Cỏ đuôi ngựa

Cỏ đuôi ngựa: Vị thuốc lợi tiểu

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Cỏ đuôi ngựa hay còn gọi là Cỏ tháp bút, mọc nhiều tại các đồng ruộng, là cây cỏ sống lâu nhờ thân rễ và thân khí sinh. Cây cỏ này có tác dụng tăng sự thải nước, tăng số lần đi tiểu hay lợi niệu. Ngoài ra, các thành phần hóa học trong cây Cỏ đuôi ngựa còn có tác dụng chống oxi hóa và kháng viêm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cỏ đuôi ngựa.

Tên khác: Dương xỉ đuôi ngựa; cỏ tháp bút; common horsetail; Equisetum; field horsetail; horse herb; horsetail grass; horsetail rush...

Tên khoa học: Equisetum arvense L. thuộc họ Cỏ tháp bút (Equisetaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cỏ đuôi ngựa là cây thảo, sống lâu nhờ có thân rễ dưới đất và thân khí sinh trên mặt đất. Các thân khí sinh mọc thẳng đứng, có khi mọc nằm, màu lục, nhiều rảnh dọc, dài từ 20 - 60 cm. Trên thân có các nhánh phụ mảnh, mọc vòng trải ra rồi mọc đứng lên, dài từ 10 - 20 cm, không phân nhánh. Tận cùng ở đỉnh là một bông lá bào tử, hình trứng kéo dài, gồm nhiều vẩy dạng đinh mang các túi bào tử mặt dưới. Ở mỗi mấu có nhánh thì có 8 - 12 lá dạng vẩy tạo thành một bẹ màu nâu.

Cỏ đuôi ngựa
Cỏ đuôi ngựa

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây cỏ đuôi ngựa rất phổ biến ở Âu châu, các nước khí hậu ôn đới và cây mọc ở chỗ ẩm ướt như đồng ruộng. Ở Việt Nam, chỉ tìm thấy chúng ở các nơi ẩm ướt, núi cao như Sapa, Lào Cai.

Thường thu hái các chồi màu lục ở đầu cành (nhánh) vào thời gian cuối mùa hè, sau đó rửa sạch và phơi khô.

Thân Cỏ đuôi ngựa
Thân Cỏ đuôi ngựa

Bộ phận sử dụng

Toàn cây – Herba Equiseti Arvensis, thường gọi là Vấn kinh.

Thành phần hoá học

Cỏ đuôi ngựa chứa hỗn hợp alkaloid gọi là equisetin; nicotin, palustrin; phytosterol; saponoside là equisetonosid hay equisetonin; heterosid flavonic; galuteosid (galuteolin), isoquercitrosid (isoquercitrin) equisetrosid. Còn có vitamin C, flavoxanthin, xanthophylle…

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, cỏ đuôi ngựa có vị ngọt hơi đắng, tính bình; có các tác dụng như lợi tiểu, cầm máu, làm se và tiếp khoáng, điều kinh, làm liền sẹo.

Cây Cỏ đuôi ngựa thường dùng để chủ trị:

  • Phù thũng mà thiểu niệu;

  • Ho ra máu, băng huyết, chảy máu dạ dày, kinh nguyệt quá nhiều;

  • Lao phổi.

Dùng ngoài làm tăng sự lành sẹo của mụn nhọt, trị đau mắt, cho ra mồ hôi giải cảm.

Theo y học hiện đại

Chưa có nghiên cứu.

Liều dùng & cách dùng

Vị thuốc này dùng dưới dạng bột hoặc nước hãm hay chiết xuất hoặc có thể sắc uống. Dùng ngoài lấy cây tươi giã nát rồi bôi lên vết thương.

Bài thuốc kinh nghiệm

Điều trị rong kinh, băng huyết kéo dài dai dẳng và rong huyết sau mãn kinh

  • Chuẩn bị: 20 g thân và nhánh cỏ đuôi ngựa.

  • Thực hiện: Sao khô rồi cho vào ấm, đổ nước vào nấu sôi rồi uống.

Điều trị tiêu chảy ra máu không ngừng

  • Chuẩn bị: 20 g cỏ.

  • Thực hiện: Nấu lấy nước uống, uống vào lúc đói trước khi ăn.

Điều trị chứng mắt có màng mộng, giúp lợi gan mật và tiêu ích báng

  • Chuẩn bị: Từ 6 – 8 g thân và cành cỏ đuôi ngựa.

  • Thực hiện: Cho thuốc vào ấm, thêm nước vào và sắc lấy nước uống.

co duoi ngua 4
Cỏ đuôi ngựa điều trị rong kinh, băng huyết kéo dài

Lưu ý

Người bệnh cần được thăm khám bởi thầy thuốc có chuyên môn. Không nên tự ý sử dụng thuốc.

Các đối tượng đặc biệt cần tránh sử dụng vị thuốc này: Phụ nữ có thai và cho con bú, rối loạn sử dụng rượu, dị ứng nicotin và cà rốt, hạ kali máu.

Nguồn tham khảo