Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Cỏ sữa lá nhỏ

Cây Cỏ sữa lá nhỏ: Lợi sữa cho phụ nữ cho con bú

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Cây Cỏ sữa lá nhỏ là thảo dược dân gian được dùng nhiều trong đời sống. Cây Cỏ sữa lá nhỏ chủ yếu được dùng để lợi sữa ở phụ nữ mới sinh còn ít sữa hoặc phụ nữ cho con bú bị tắc tia sữa, ngoài ra còn có công dụng chữa lỵ, mụn nhọt, kháng khuẩn, tiêu viêm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cỏ sữa lá nhỏ.

Tên khác: Cẩm địa; Vú sữa đất; Cỏ sữa đỏ; Thiên căn thảo; Nhả nậm mòn; Nhả nực nọi; Chạ cam.

Tên khoa học: Euphorbia thymifolia L. Họ: Euphorbiaceae (Thầu dầu).

Đặc điểm tự nhiên

Cỏ sữa lá nhỏ là cây thân thảo, sống hằng năm hoặc sống lâu năm. Cây có nhựa mủ. Thân và cành có sữa lá nhỏ màu tím hoặc nâu, thân nhỏ mảnh. Cây phân nhánh mọc lan rộng trên mặt đất, vỏ ngoài có lông rất nhỏ.

Cỏ sữa lá nhỏ
Hình ảnh cây Cỏ sữa lá nhỏ

Lá Cỏ sữa mọc đối, hình bầu dục, đầu lá tù, chiều dài 7m, bề rộng phiến lá 4mm, mép lá có răng cưa nhỏ. Mặt trên và mặt dưới phủ lông mịn.

Hoa mọc thành cụm. Hoa hình chuông, bầu có lông.

Quả nang, có lông nhỏ phủ bên ngoài; hạt nhẵn bóng có 4 cạnh. Mùa hoa quả thường vào tháng 5 - 10.

Cỏ sữa lá nhỏ chữa bệnh
Hoa của cây Cỏ sữa màu lá nhỏ có màu đỏ hồng, tím mọc ra từ nách lá

Phân bố, thu hái, chế biến

Cỏ sữa lá nhỏ phân bố nhiều ở khu vực nhiệt đới như: Châu Á (Ấn Độ, Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia, Philippin, Brunei, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam). Ngoài ra, Cỏ sữa lá nhỏ cũng tìm thấy ở một số nước vùng Nam Mỹ.

Ở Việt Nam, Cỏ sữa lá nhỏ phát triển rộng khắp các tỉnh đồng bằng, ven biển, hải đảo, trung du và miền núi.

Cỏ sữa lá nhỏ được thu hái vào mùa hè. Có thể cùng tươi hay phơi khô để dành dùng dần.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng của cây Cỏ sữa lá nhỏ là toàn cây.

cỏ sữa lá nhỏ dược liệu
Hình ảnh toàn cây Cỏ sữa lá nhỏ

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học của cây Cỏ sữa là nhỏ là:

  • Epitaraxerol, quercetin 30-galactoside.

  • Flavonoid: Cosmosin.

  • Alcol myricylic, taraxerol và tirucallol.

  • Tinh dầu: Thymol, carvacrol, limonen, sesquiterpen và acid salicylic.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Đắng the, tính bình, mát.

Công năng: Cầm máu, giảm đau, kháng khuẩn, lợi sữa, lợi tiểu.

Chữa lỵ trực khuẩn, rối loạn tiêu hóa, mụn nhọt, phụ nữ băng huyết tắc tia sữa

Theo y học hiện đại

Kháng khuẩn

Cao lỏng Cỏ sữa lá nhỏ có tác dụng ức chế sự phát triển của trực khuẩn lỵ Shigella flexner, S. sonnei, S. shigae.

Cao chiết nước Cỏ sữa lá nhỏ có tác dụng kháng khuẩn ở mức độ trung bình với các chủng vi khuẩn tụ cầu vàng, Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella pneumoniae, Escherichia coli, Proteus vulgaris, Salmonella typhi, Bacillus anthracis, Streptococcus faecalis, Streptococcus pneumoniae.

Tác dụng ngưng kết hồng cầu

Nghiên cứu cho thấy Cỏ sữa lá nhỏ có hoạt tính đặc biệt gây ngưng kết hồng cầu đối với hồng cầu thỏ.

Tác dụng gây hạ đường huyết

Cao chiết cồn của Cỏ sữa lá nhỏ có tác dụng gây hạ đường huyết (theo nghiên cứu đã được báo cáo).

Liều dùng & cách dùng

Liều chữa lỵ trực khuẩn:

15 – 20g/ngày đối với trẻ em và 100 – 150g đối với người lớn.

Thời gian điều trị thường từ 5 – 7 ngày. Dùng dạng thuốc sắc.

Liều chữa đi tiêu phân xanh (trẻ em), mụn nhọt, phụ nữ băng huyết, tắc tia sữa:

Ngày dùng 40 – 100g, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa lỵ trực khuẩn, hội chứng lỵ, tiêu chảy:

Chuẩn bị: Cỏ sữa lá nhỏ 100g, Rau sam 80g, nước 300ml.

Thực hiện: Sắc các vị trên đến khi còn 150ml, uống 3 lần một ngày.

Chữa kiết lỵ:

Bài 1:

Chuẩn bị: Cỏ sữa lá nhỏ 100g.

Thực hiện: Cỏ sữa lá nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần một ngày.

Bài 2:

Chuẩn bị: Cỏ sữa lá nhỏ 100g, Rau sam 80g.

Thực hiện: Sắc hai vị thuốc trên với 300ml nước còn 150ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống 5 - 7 ngày.

Bài 3:

Chuẩn bị: Cỏ sữa lá nhỏ 100g, lá Mơ lông 20g, hạt Cau 25g, Rau sam 100g.

Thực hiện: Sắc các vị trên rồi uống chia 3 lần, mỗi ngày dùng 1 thang.

Chữa đại tiện, táo bón ra máu:

Chuẩn bị: Cỏ sữa lá nhỏ 100g, Cỏ nhọ nồi 60g, nước 400ml.

Thực hiện: Sắc các vị trên đến khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày. Dùng liên tục 2 - 3 ngày.

Lợi sữa, trị tắc tia sữa:

Chuẩn bị: Cỏ sữa lá nhỏ tươi 100g, hạt cây Bông gạo 40g.

Thực hiện: Sắc hai vị thuốc trên lấy nước rồi cho gạo vào nấu cháo. Ăn ngày 1 lần, ăn liên tục khoảng 5 - 7 ngày.

Mẩn ngứa ngoài da:

Chuẩn bị: Cỏ sữa lá nhỏ.

Thực hiện: Rửa sạch Cỏ sữa lá nhỏ rồi giã nát thoa lên vùng mẩn ngứa.

Chữa mụn nhọt ngoài da (vẫn còn nguyên mụn mủ):

Chuẩn bị: Cỏ sữa lá nhỏ.

Thực hiện: Giã nát cỏ sữa lá nhỏ và đắp lên mụn mủ trong khoảng 2 giờ. Đắp khoảng 2 lần/ngày. Cách khác có thể phơi khô Cỏ sữa lá nhỏ rồi nghiền thành bột mịn để trong lọ dùng dần. Dùng hỗn hợp bột mịn đã hòa với nước thoa lên vùng da bị mụn mủ trong khoảng 20 phút rồi rửa sạch.

Chữa giun sán:

Chuẩn bị: Lá cây Cỏ sữa lá nhỏ.

Thực hiện: Giã nát cây Cỏ sữa lá nhỏ và vắt lấy nước cốt cho trẻ uống giúp trị giun sán.

Chữa viêm lưỡi hoặc nứt môi:

Chuẩn bị: Nhựa cây Cỏ sữa lá nhỏ.

Thực hiện: Nhựa cây Cỏ sữa lá nhỏ thoa lên môi giúp vết nứt mau lành.

Nuôi dưỡng và kích thích mọc tóc:

Chuẩn bị: Nhựa cây Cỏ sữa lá nhỏ.

Thực hiện: Dùng nhựa cây Cỏ sữa thoa lên da đầu, giúp tóc mọc nhanh và khỏe.

Cầm máu:

Chuẩn bị: Cỏ sữa lá nhỏ.

Thực hiện: Giã nát Cỏ sữa lá nhỏ, đắp lên chỗ vết thương sẽ giúp cầm máu và nhanh lành vết thương.

Lưu ý

Cỏ sữa lá nhỏ giúp lợi sữa cho phụ nữ cho con bú nhưng đối với phụ nữ đang mang thai thì phải dùng thận trọng.

Tránh nhầm lẫn giữa cây Cỏ sữa lá nhỏ và Cỏ sữa lá lớn, mặc dù cả hai đều có công dụng trị bệnh nhưng Cỏ sữa lá lớn nhiều độc tính hơn. Vì vậy cần thận trọng trong việc thu hái và chế biến Cỏ sữa lá nhỏ.

Nguồn tham khảo