Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đại táo (Quả): Vị thuốc rất phổ biến trong y học cổ truyền

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đại táo hiện nay vẫn hoàn toàn phải nhập của Trung Quốc. Tại Trung Quốc, Đại táo nhiều nhất ở Sơn Đông, Phúc Kiến, Hà Bắc, Hà Nam, Thiềm Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên. Đại táo (quả) có tác dụng bổ trung, ích khí, dưỡng huyết, an thần.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt:  Đại táo (Quả).

Tên khác:  Táo tàu; táo đen; hồng táo; Nhẫm táo; Thích táo; Ngưu đầu; Phác lạc tô…

Tên khoa học:  Zizyphus jujuba Mill.

Đặc điểm tự nhiên

Đại táo là một cấy nhỡ hay cây to, có thể cao 8 – 10m. Thân cành lúc non có màu lục vàng, sau đó chuyển sang màu xám rồi nâu đỏ, có gai ngắn ở mấu. Lá mọc so le; cuống lá ngắn 0,5 - 1cm, phiến lá hình trứng, đầu hẹp lại, dài 3 - 7cm, rộng 2 - 3,5cm, mép có răng cưa thô, nổi rõ 3 gân chính và các gân phụ trên mặt. Lá kèm thường thành gai.

Hoa mọc tụ tập thành tán ở kẽ lá, mỗi tán gồm 7 - 8 hoa. Hoa nhỏ, cánh hoa màu vàng xanh nhạt. Đài, tràng và nhị đều 5. 

Quả hình trứng hoặc hình bầu dục, dài khoảng 2 - 3,5cm, đường kính khoảng 1,5 - 2,5cm, gốc lõm, cuống ngắn. Vỏ quả ngoài mỏng, nhăn nheo, hơi sáng bóng, màu hồng tối; vỏ quả giữa xốp, mềm, ngọt và có dầu, màu nâu nhạt hoặc vàng nâu; vỏ quả trong là một hạch hình thoi dài, cứng rắn, 2 đầu nhọn, có 2 ô chứa các hạt nhỏ hình trứng. Mùi thơm đặc biệt, vị ngọt.

Mùa hoa: Tháng 4 đến tháng 5.

Mùa quả: Tháng 7 đến tháng 9.

Cây Đại táo 1
Cây Đại táo

Phân bố, thu hái, chế biến

Đại táo vốn là cây sống ở Trung Quốc, vùng ôn đới ẩm, phân bố nhiều ở Sơn Đông, Phúc Kiến, Hà Bắc, Hà Nam, Thiềm Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên. Cây còn có ở Nhật Bản. Ở Việt Nam, Đại táo trồng ở SaPa sinh trưởng tốt, ra hoa vào tháng 5 nhưng không đậu quả. Theo các cán bộ ở đây, sở dĩ không cỏ quả, có lẽ do mùa hoa của cây thường đúng vào thời kỳ có mưa. Trong khi đó, một số cây Đại táo trồng ở vườn mỗi gia đình ở xã Cao Phong, Cao Lộc, Lạng Sơn (giống lấy từ Trung Quốc), cứ cách 1 - 2 năm lại cho ra quả 1 lần.

Quả nhỏ, khi chín ăn ngon. Cây trồng ở Việt Nam rụng lá vào mùa đông, mùa xuân có hoa sau khi đã mọc nhiều lá non. Đại táo có khả năng sinh nhiều cây chồi mọc từ rễ và loại cây chồi này được sử dụng để gây giống. 

Tuy ở nước ta đã trồng được Đại táo nhưng vẫn chưa đủ số lượng và chất lượng để được sử dụng làm thuốc, loại dược liệu này vẫn phải nhập từ Trung Quốc.

Vào tháng 9, thu hoạch quả chín rồi đem phơi khô hoặc sấy khô. Thường những quả mẫm, màu đỏ, vị ngọt, hạch nhỏ được coi là tốt.

Bộ phận sử dụng

Là quả chín (Fructus Zizyphi jujubae) đã chế biến phơi hay sấy khô của Đại táo.

Quả Đại táo khô

Thành phần hoá học

Quả chứa:

Vitamin: Vitamin B2, vitamin A, 0,6 - 0,8% vitamin C, 0,3% vitamin C ở dạng kết hợp.

Triterpen: Acid netulonic, acid olcanonic, acid betulinic, acid alphitolic, acid ursolic, actd maslinic, acid oleanolic, các ester của acid p-coumaric, acid maslinic và acid alphnolic.

Flavonoid: Kaempferol, myricetin.

Alcaloid: zZizyphusin, stepharin, asimilobin, N-nor-nuciferin, dachucyclopeptid.

Nucleotid đóng vòng adenosin-3', 5’- monophosphat 100-500 nmol/g, guanosin-3', 5’- monophosphat 30 - 50 nmolg.

Acid hữu cơ: Acid malic, acid tartric.

Acid amin tự do.

Nguyên tố (vết).

Hạt chứa:

Saponin (0,2%) : ziziphin (ziziphin có khả năng ức chế độ ngọt), jujubosid A và jujubosid B. Cả 3 chất trên đều chứa sapogenin là jujubogenin.

Flavonoid: swertisin, spinosin, feruloylspinosin, p-coumaroylspinosin.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Cam, ôn. Vào các kinh tỳ, vị.

Bổ trung, ích khí, dưỡng huyết, an thần. Chủ trị: Tỳ hư kém ăn, kém sức, hysteria, đại tiện phân lỏng.

Theo y học hiện đại

Thịt quả:

Tác dụng tăng trọng: Thí nghiệm cho chuột nhắt trắng uống nước sắc đại táo trong 3 tuần, kết quả cho thấy trọng lượng của chuột tăng nhiều hơn so với lô chứng có ý nghĩa thống kê.

Tác dụng tăng lực: Thí nghiệm cho chuột bơi, kết quả cho thấy chuột ở lô dùng đại táo có thời gian bơi dài hơn so với lô đối chứng.

Tác dụng bảo vệ gan: Thực nghiệm gây tổn thương gan bằng carbon tetraclorid ở chuột nhắt trắng, sau đó cho uống nước sắc quả Đại táo mỗi ngày trong một tuần. Kết quả cho thấy chuột ở lô dùng đại táo có hàm lượng albumin và protein cao hơn so với lô đối chứng, chứng tỏ tác dụng bảo vệ gan của Đại táo.

Tác dụng trên cAMP: Đã xác định được trong Đại táo có một hàm lượng nhất định cAMP, cAMP có vai trò rất quan trọng trong quá trình phosphoryl hoá và điều hoà sự chuyển đổi các protein trong tế bào. Trong thực nghiệm cho chuột uống Đại táo hoặc các bài thuốc y học cổ truyền có Đại táo, kết quả cho thấy hàm lượng cAMP trong tế bào bạch cầu tăng hơn nhiều so với lô chuột đối chứng.

Nhân hạt Đại táo:

Tác dụng trên aldose reductase: Thí nghiệm cho thấy dịch chiết nhân hạt Đại táo với nồng độ 25 µg/ml có tác dụng ức chế rất mạnh aldose reductase.

Tác dụng an thần: Nhân hạt Đại táo chứa spinosin có tác dụng an thần và một chất khác cho tác động hạ huyết áp.

Liều dùng & cách dùng

Dùng từ 6 - 15g/ngày.

Đại táo được dùng rất nhiều trong các đơn thuốc, cho uống từ 5 đến 10 quả/ngày làm thuốc bổ tỳ vị, điều hòa khí huyết, nhuận phế, chữa ho.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa sau khi khỏi sốt, cổ đau, miệng khô

20 quả Đại táo, 10 quả Ô mai, đem 2 loại dược liệu giã nát, cho thêm mật và dùng ngậm trong nhiều ngày.

Phụ nữ có thai hay đau bụng

Dùng 14 quả Đại táo đốt thành than cho uống với nước.

Trẻ con cam tẩu mã

Đại táo 1 quả, Hoàng bá 6g. Hai vị đốt ra than. Tán nhỏ. Sát vào răng.

Bát trân thang

Sinh khương 2 – 3 lát, đương quy (tẩm rượu) 12g, Đại táo 2 quả, đảng sâm 12g, Bạch truật (sao) 12g, Bạch thược 12g, Bạch linh 12g, Thục địa 12g, Chích thảo 2 – 4 g, Xuyên khung 6 – 8g.

Chữa chứng bồn chồn không ngủ được

Đại táo 14 quả, Hành trắng 7 củ với 3 thăng nước, sắc đến khi còn 1 thang thì uống.

Chữa lở loét không lành

Lấy 3 thang Đại táo sắc lấy nước rửa vết thương ngoài da.

Bổ thận, an thai

Đại táo 10 quả, Gạo nếp 100 g, Đỗ trọng 16g. Đem Đại táo và Đỗ trọng nấu lấy nước, bỏ bã, sau đó cho Gạo nếp vào hầm thành cháo. Nêm nếm đủ vị rồi chia làm 2 lần ăn một ngày vào buổi sáng và buổi chiều khi đói bụng.

Chữa điếc tai, mất thính giác

Đại táo loại bỏ vỏ và hạt rồi giã nát với 300 hạt Tỳ ma tử, sau đó cho tất cả dược liệu vào trong một túi bông nhét vào tai, mũi 1 lần/ngày.

Chữa buồn bực, khó ngủ

Nấu chín và ăn 14 quả Đại táo 14 quả, 210 gam Long nhãn 210 g đem nấu chín rồi ăn.

Chữa miệng khô, cổ đau

Đại táo 20 quả, Ô mai 10 quả đem giã nát và trộn đều với mật, dùng ngậm trong nhiều ngày.

Cây Đại táo 2
Đại táo có nhiều công dụng

Lưu ý

Kiêng kỵ:

  • Không sử dụng Đại táo cho người bị đau răng, đầy bụng, đờm nhiệt.

  • Không dùng Đại táo ở trẻ em bị nhiệt cam, đau bụng do giun, người bị đau dạ dày do khí bế.

Tương kỵ: 

  • Không phối hợp đại táo cùng 2 vị thuốc dược liệu là Bạch vi và Nguyên sâm vì chúng tương kỵ với nhau.

Nguồn tham khảo

1) Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/dai-tao.html 

2) Dược điển Việt Nam: https://duocdienvietnam.com/dai-tao-qua/ 

3) Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập 1.