Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Địa liền (Thân rễ)

Cây Địa Liền: Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Địa liền có các công dụng: Chữa ngực, bụng lạnh đau, thổ tả, nôn, cảm sốt, nhức đầu, tê thấp đau nhức (Thân rễ sắc hoặc tán bột uống, hay dùng để xoa bóp).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Địa liền (Thân rễ).

Tên khác: Sơn nại; Tam nại; Sa khương.

Tên khoa học: Kaempferia galanga L.

Họ: Zingiberaceae (Gừng).

Đặc điểm tự nhiên

Cây thân thảo, sống lâu năm, không thân. Thân rễ có nhiều củ nhỏ, củ hình trứng mọc liên tiếp nhau, có rất nhiều vân ngang.

Có 2 - 3 cái lá hình trứng gần tròn, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có lông mịn, mép mỏng màu đỏ, hai mặc có nhiều chấm hình tròn, xòe rộng sát mặt đất, đầu tù rồi thuôn nhọn, gốc thuôn hẹp thành một cuống ngắn rộng có rãnh, phiến lá dài 8 - 10cm, rộng 6 - 7cm.

Cụm hoa không có cuống, nằm giấu trong bẹ lá; lá bắc hình mũi mác nhọn; hoa 6 - 12 cái, xếp thành hình cái bánh xe, hoa có màu trắng và có đốm tím ở giữa; đài có 3 răng dài, hẹp và nhọn; tràng có ống, dài mang 3 thùy; nhị không có chỉ nhị, bao phấn có 2 ô song song; có nhị lép, cánh môi to chẻ thành 2 thùy. Toàn cây nhất là phần thân rễ có mùi thơm và vị nóng.

Mùa hoa quả: tháng 5 đến tháng 7.

Cần tránh bị nhầm lẫn với cây Kaempferia angustifolia mà người dân ở Phú Thọ cũng gọi với tên Địa liền.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi, có 9 - 10 loài ở nước ta. Cây còn mọc ở Campuchia, Lào, Trung quốc (Quảng đông, Quảng tây, Vân nam, Đài Loan), Malaixia, Ấn Độ.

Thu hái:

Từ tháng 12 - 3 năm sau, người ta đào củ về, cần chọn những cây đã trên 2 năm, rửa sạch sạch đất cát, thái thành miếng mỏng, xông diêm sinh một ngày rồi phơi khô. Tuyệt đối không sấy than, củ sẽ đen mùi kém thơm. Có nơi chỉ đào củ về, rửa sạch phơi khô.

Địa liền rất dễ bảo quản, hầu như không bị mốc mọt mặc dù điều kiện bảo quản không hơn so với các vị thuốc khác.

địa liền 1
Cây Địa liền

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng được là thân rễ. Được thu hái vào mùa đông, rửa sạch rồi phơi khô, không được sấy bằng than.

địa liền 2
Thân rễ Địa liền

Thành phần hoá học

Thân rễ Địa liền khô chứa từ 2,4 - 3,9% tinh dầu. Thành phần chủ yếu là acid p-methoxycinamic p-methoxy ethylcinamat, và ethylcinamat.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo tài liệu cổ xưa ghi chép, Địa liền có vị cay, tính ôn, quy kinh tỳ và vị, có tác dụng ôn trung tán hàn và trừ thấp. Tác dụng chữa ngực bụng đau lạnh, đau răng và bài khí độc.

Theo y học hiện đại

Dựa trên kinh nghiệm sử dụng làm thuốc thu thập trong dân gian, ở Việt Nam, Địa liền đã được tiến hành nghiên cứu một số công dụng sau:

Tác dụng giảm đau:

Trên mô hình gây đau nội tạng khi tiêm dung dịch acid acetic 0,6% vào khoang bụng của chuột nhắt trắng tạo nên những cơn đau quặn thắt, Địa liền dùng với liều 5g/kg thể trọng chuột, đường uống, một giờ sau khi dùng thuốc người ta nhận thấy công dụng làm giảm 69% số lần xuất hiện cơn đau. Cơn trên mô hình gây đau bằng sức nóng, Địa liền không thể hiện tác dụng giảm đau kiểu morphin.

Tác dụng chống viêm:

Trên mô hình gây phù bàn chân chuột cống trắng bằng cách tiêm nhũ dịch kaolin 10%, Địa liền có tác dụng chống viêm rất rõ rệt, dạng cao cồn với liều 10g/kg thể trọng chuột ức chế viêm đến 63,8%, dạng cao nước với liều 10g/kg thể trọng cũng ức chế viêm 60% (p<0,02). Tinh dầu và dạng tinh thể chiết từ Địa liền cũng có tác dụng ức chế viêm tương tự.

Tác dụng hạ sốt:

Địa liền với liều 5g/kg thể trọng dùng bằng đường uống, sau 2 giờ khi uống thuốc, làm hạ sốt 0,4 - 0,5 độ so với lô đối chứng. Theo tài liệu nước ngoài, Địa liền còn có những tác dụng khác.

Cao chiết bằng ethanol từ Địa liền có tác dụng gây độc tế bào đối với tế bào carcinom cổ tử cung (Hela) và diệt amip. Các thành phần ethyl cinnamat, p – methoxy – cinnamat và acid p – methoxy cinnamic, có tác dụng diệt dòi bọ. Borneol có tác dụng làm đổ mồ hôi, gây hưng phấn và giảm co thắt.

Liều dùng & cách dùng

Địa liền thường được dùng làm thuốc trợ tiêu hoá, làm ngon miệng, chóng tiêu và còn dùng làm thuốc xông. Ngâm rượu dùng xoa bóp chữa phù tê tay chân, tê thấp nhức đầu, đau nhức.

Ngày dùng 2 - 4g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc viên hay pha chè để uống.

Địa liền còn dùng trong kỹ nghệ cất tinh dầu chế nước hoa và bảo vệ quần áo chống nhậy.

Bài thuốc Địa liền

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa chứng ăn uống không tiêu, đau dạ dày, đau thần kinh (Diệp Quyết Tuyền):

Địa liền 2g, quế chi 1g, hai vị tán nhỏ chia làm 3 lần uống trong một ngày, mỗi lần 0,5 hay 1g bột.

Chữa ngực bụng lạnh đau:

Địa liền, Đinh hương, Đương quy, Cam thảo lấy với lượng bằng nhau. Tán tất cả thành bột, trộn với hồ làm thành viên nhỏ bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 10 viên.

Lưu ý

Tránh nhầm lẫn với cây Kaempferia angustifolia mà nhân dân Phú Thọ cũng gọi là Địa liền.

Địa liền là loài cây dược liệu đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Địa liền có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo