Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Diệp hạ châu: Dược liệu có nhiều công dụng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Diệp hạ châu là một loài thảo mộc sinh trưởng ở nhiều vùng của Việt Nam, đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu trong dân gian. Cây có nhiều tác dụng như sát trùng, tiêu độc, tiêu viêm, thông huyết mạch, tán ứ, lợi tiểu...

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Diệp hạ châu.

Tên khác: Chó đẻ thân xanh; Cây chó đẻ răng cưa; diệp hạ châu đắng; cây Cau trời.

Tên khoa học: Phyllanthus amarus Schumach & Thonn. Đây là một loài thực vật có hoa trong họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

cây diệp hạ châu
Cây Diệp hạ châu

Đặc điểm tự nhiên

Diệp hạ châu là loài cây thân thảo, cao 20 – 30 cm, đôi khi có thể phát triển đến 60 – 70 cm, sống hàng năm hay sống nhiều năm. Thân thường có màu xanh và nhẵn nhụi.

Lá Diệp hạ châu hình bầu dục, mặt dưới màu xám nhạt, bên trên xanh lục nhạt, rộng 3 – 4 mm, dài 1 – 1,5 cm, mọc so le, xếp sát nhau thành hai dãy giống một lá kép lông chim; cuống lá rất ngắn.

Hoa đơn tính cùng gốc có cuống ngắn và mọc ở kẽ lá. Hoa đực có 6 lá dài, 3 nhị với chỉ nhị ngắn, xếp ở đầu cành; hoa cái có 6 lá đài, bầu hình trứng và xếp ở cuối cành.

Quả dạng nang, mọc rủ xuống ở dưới lá, hình cầu, hơi dẹt, có gai nhỏ và khía mờ. Hạt Diệp hạ châu hình 3 cạnh.

Mùa hoa nở thường vào tháng 4 – 6; và cho quả vào tháng 7 – 9.

quả cây diệp hạ châu
Quả cây Diệp hạ châu mọc rủ dưới lá

Phân bố, thu hái, chế biến

Chi Phyllanthus L. có nhiều loài, gồm những các cây bụi hay gỗ nhỏ đến cây thảo, phân bố chủ yếu ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới Châu Á như Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ và Nam Trung Quốc. 

Ở Việt Nam, có khoảng 40 loài thuộc chi này, trong đó 2 loài Phyllanthus niruri L. và P. urinaria L. có hình dáng tương tự giống nhau, sinh trưởng ở khắp nơi trừ những vùng núi cao có nhiệt độ thấp. 

Diệp hạ châu là cây ưa sáng và ưa ẩm và có thể chịu bóng, thường mọc lẫn với các cây khác trong các bãi cỏ, nương rẫy, vườn nhà, ruộng cao (đất trồng màu) hoặc đôi khi ở vùng đồi núi.

Thu hái và chế biến: Thu hái Diệp hạ châu quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa hạ và mùa thu. Có thể dùng Diệp hạ châu tươi sau khi rửa sạch hoặc phơi gần khô rồi bó lại, tiếp tục phơi trong bóng râm (phơi âm can) đến khô hoàn toàn. Khi dùng, rửa qua nước để loại bỏ tạp chất, cắt thành đoạn 5 - 6cm và phơi khô. Có thể ép lá thành từng bánh để dễ vận chuyển. 

Bảo quản: Để Diệp hạ châu ở nơi khô, tránh ẩm ướt và mốc mọt.

Bộ phận sử dụng

Toàn cây Diệp hạ châu bỏ rễ, rửa sạch, dùng tươi hay sấy khô.

diệp hạ châu khô
Dược liệu Diệp hạ châu khô

 

Thành phần hoá học

Flavonoid: Kaempferol, quercetin, rutin.

Triterpen: Stigmasterol, stigmasterol – 3 – 0 – b – glucosid, b – sitosterol, b – sitosterol glucosid, lup – 20 – en – 3b – ol.

Tanin: Acid elagic, acid 3, 3′, 4 – tri – 0 – methyl elagic, acid galic.

Phenol: Methylbrevifolin carboxylat.

Acid hữu cơ: Acid succinic, acid ferulic, acid dotriacontanoic.

Các thành phần khác: N-octadecan, acid dehydrochebulic methyl ester, triacontanol, phylanthurinol acton.

Lignan: Phylanthin (Không nhầm Phylantin = methoxysecurinin là alcaloid có nhân quinolizidin với phylantin là lignan).

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Diệp hạ châu có vị ngọt đắng, tính bình, quy vào hai kinh Can, Phế. 

Tác dụng: Sát trùng, tiêu độc, tiêu viêm, thông huyết mạch, tán ứ, lợi tiểu.

Người dân thường dùng cây Diệp hạ châu để chữa sản hậu ứ huyết gây đau bụng, đau họng, viêm họng, mụn nhọt, đinh râu, lở ngứa, viêm da, tưa lưỡi ở trẻ em (bôi nước cốt lấy từ cây giã nhuyễn), chàm má (đắp lá đã giã). Ngoài ra, Diệp hạ châu còn dùng trong chữa rắn rết cắn, bệnh gan, sốt với liều lượng không hạn chế.

Theo y học hiện đại

Trong điều trị viêm gan

Nhiều công trình nghiên cứu của trong nước và cả nước ngoài (Ấn Độ, Nhật Bản…) đã chứng minh công dụng giải độc gan và điều trị bệnh viêm gan, đặc biệt là viêm gan siêu vi B của các hoạt chất có trong Diệp hạ châu. Một số chế phẩm từ Diệp hạ châu cũng đã được phân phối ra thị trường như bột Phyllanthin của nhóm nghiên cứu của Trần Danh Việt, Nguyễn Thượng Dong (Viện Dược Liệu 2001), Hepamarin của nhóm nghiên cứu Lê Võ Định Tường (Học Viện Quân Y 1990 – 1996)...

Trong điều trị giải độc

Người dân ở Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ đã dùng Diệp hạ châu để trị các chứng mụn nhọt, lở loét, đinh râu, rắn cắn, ký sinh trùng hệ tiêu hoá. Ở Malaysia, theo kinh nghiệm dân gian, Diệp hạ châu có thể trị các bệnh viêm đường tiết niệu, viêm da, viêm âm đạo, giang mai…

Trong điều trị bệnh đường tiêu hoá

Diệp hạ châu có khả năng kích thích trung tiện, kích thích ăn ngon. Người Ấn Độ cũng dùng cây thuốc để chữa các bệnh vàng da, viêm gan, táo bón, kiết lỵ, viêm đại tràng và thương hàn. Nhân dân vùng Haiti, Java dùng vị thuốc này trị chứng  rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày…

Trong điều trị bệnh đường hô hấp

 Người Ấn Độ sử dụng Diệp hạ châu để điều trị các bệnh trên đường hô hấp như ho, lao phổi, viêm phế quản, hen phế quản

Trong điều trị giảm đau

Theo nghiên cứu của Kenneth Jones và các nhà nghiên cứu Brazil trên một vài loại Phyllanthus cho thấy, Diệp hạ châu cho tác dụng giảm đau mạnh hơn hoạt chất morphin gấp 3 lần và gấp 4 lần so với indomethacin. Tác dụng này của Diệp hạ châu là do hỗn hợp hoạt chất steroid và ester ethyl (beta sitosterol và stigmasterol), acid gallic.

Trong tác dụng lợi tiểu

Tại một số nước, Diệp hạ châu đã được dùng để làm thuốc lợi tiểu, trị phù thũng theo kinh nghiệm dân gian. Ngoài ra, một alkaloid trong Diệp hạ châu còn có tác dụng chống co thắt cơ trơn và cơ vân, nên có thể ứng dụng trong  điều trị sỏi thận, sỏi mật.

Trong điều trị tiểu đường

Theo một số nghiên cứu trên Diệp hạ châu vào khoảng những năm 1995, cho thấy tác dụng hạ đường huyết đáng kể khi dùng thuốc trên những bệnh nhân đái tháo đường trong 10 ngày.

Liều dùng & cách dùng

Mỗi ngày dùng 8 – 20g Diệp hạ châu dạng thuốc sắc hoặc dạng dược liệu phơi khô.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa nhọt độc sưng đau

Giã nhỏ một nắm Diệp hạ châu với một ít muối, thêm nước chín đã nấu chín vào, vắt lấy nước cốt uống và đắp bã vào mụn nhọt (theo Bách gia trân tàng).

Chữa bị thương ứ máu

Giã một nắm nhỏ lá cành cây Diệp hạ châu và mần tưới, thêm đồng tiện (nước tiểu trẻ em trai), vắt lấy nước uống và đắp bã vào vết thương. Ngoài ra, để tăng hiệu quả, có thể hoà thêm 8 – 12g bột Đại hoàng (theo Hoạt nhân toát yếu).

Chữa bị vết thương chảy máu do bị đứt, bị chém

Giã nhỏ Diệp hạ châu với vôi rồi đắp vào vết thương (theo Bách gia trân tàng).

Chữa lở loét không lành, gây thối thịt

Giã nhỏ lá cây Diệp hạ châu và lá thồm lồm với lượng bằng nhau, thêm 1 nụ đinh hương 1 nụ rồi đắp (theo Bách gia trân tàng).

Chữa bệnh chàm (eczema) mạn tính

Vò nát Diệp hạ châu rồi chà xát nhiều lần lên vết chàm, làm liên tục hàng ngày sẽ khỏi bệnh.

Chữa viêm thận tiểu máu, viêm gan vàng da, mắt đau sưng đỏ, viêm ruột tiêu chảy

Sắc 40g Diệp hạ châu 40g, 12g Dành dành và 20g Mã đề rồi uống.

Chữa sốt rét (Triệt ngược thang)

Sắc các vị thuốc: Diệp hạ châu 8g; dây cóc (Derris trifoliata Lour.), Binh lang (hạt cau), Ô mai, mỗi vị 4g; dây Hà thủ ô, Thảo quả, Thường sơn, lá Mãng cầu ta tươi, dây Gắm, mỗi vị 10g; với 600ml nước đến khi còn 200ml, chia thành 2 lần, uống trước khi lên cơn sốt rét 2 giờ. Thêm 10g Sài hồ nếu người bệnh không hết cơn.

Chữa ăn đau bụng, nước tiểu màu sẫm, không ngon miệng, sốt

Phơi khô trong bóng râm 1g Diệp hạ châu, 1g Xuyên tâm liên và 2g Nhọ nồi rồi tán bột. Sắc bột thuốc này với nước rồi uống ngay, mỗi ngày dùng 3 lần (theo Y học dân gian Ấn Độ).  

Lưu ý

Không nên dùng Diệp hạ châu cho phụ nữ có thai không nên dùng.

Diệp hạ châu là một loại dược liệu quý có nhiều tác dụng, sinh trưởng ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Diệp hạ châu có chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ và thường dễ bị nhầm lẫn với các loài cây khác. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo

Dược điển Việt Nam V.

Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).

Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/cho-de-rang-cua-diep-ha-chau-dang.html

Sách " Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập 1 +2 ".