Long Châu

Hen phế quản là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính đường hô hấp lan tỏa do nhiều kích thích khác nhau gây co thắt phế quản phục hồi hoàn toàn hay một phần. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu thêm về bệnh hen phế quản và cách điều trị căn bệnh này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hen phế quản là gì? 

Hen phế quản là tình trạng đường hô hấp của bạn bị thu hẹp và sưng lên và có thể tiết thêm chất nhầy. Điều này có thể gây khó thở và gây ho, phát ra tiếng rít (thở khò khè) khi bạn thở ra và khó thở. Bệnh hen phế quản không thể chữa khỏi, nhưng các triệu chứng của nó có thể được kiểm soát.

Hen phế quản là bệnh rất phổ biến và có xu hướng ngày một tăng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ở Mỹ, hiện nay tần suất người bị hen phế quản khoảng 4,8%, ở Cu Ba có 9,74% dân số bị hen phế quản. Tại Việt Nam, hen phế quản chiếm tỷ lệ khoảng 2 – 6% dân số nói chung, và khoảng 8 – 10% trẻ em.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen phế quản

Cơn hen phế quản là triệu chứng chính của hen phế quản. Bạn có thể lên cơn hen suyễn không thường xuyên, chỉ có triệu chứng vào những thời điểm nhất định - chẳng hạn như khi tập thể dục - hoặc có triệu chứng mọi lúc.

Triệu chứng báo trước: Hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt hoặc đỏ mắt (viêm màng tiếp hợp dị ứng), ho khan vài tiếng, có khi buồn ngủ.

  • Cơn khó thở;

  • Tức ngực hoặc đau;

  • Thở khò khè khi thở ra, là dấu hiệu phổ biến của bệnh hen suyễn ở trẻ em;

  • Khó ngủ do khó thở, ho hoặc thở khò khè;

  • Các cơn ho hoặc thở khò khè trở nên tồi tệ hơn do virus đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh hen phế quản

Các biến chứng của hen phế quản bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn: Đợt bội nhiễm làm bệnh nặng thêm, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như sốt, khạc đờm đặc, khó thở, có khi biểu hiện đợt suy hô hấp;

  • Giãn phế nang;

  • Suy thất phải.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh hen phế quản

Tiếp xúc với các chất kích thích khác nhau và các chất gây dị ứng (chất gây dị ứng) có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen suyễn. 

Các chất gây dị ứng trong không khí, chẳng hạn như phấn hoa, mạt bụi, bào tử nấm mốc, lông thú cưng,...;

Nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường;

Hoạt động thể chất;

Không khí lạnh;

Các chất gây ô nhiễm và kích thích không khí;

Một số loại thuốc, bao gồm thuốc chẹn beta, aspirin và thuốc chống viêm không steroid,…;

Cảm xúc mạnh và căng thẳng;

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Nguy cơ

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) bệnh hen phế quản

Một số yếu tố được cho là có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh hen suyễn:

  • Có người thân mắc bệnh hen suyễn, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em ruột;

  • Có một tình trạng dị ứng khác, chẳng hạn như viêm da dị ứng (khiến da đỏ, ngứa) hoặc sốt cỏ khô (gây chảy nước mũi, nghẹt mũi và ngứa mắt);

  • Thừa cân, béo phì;

  • Tiếp xúc với khói thuốc hoặc hút thuốc lá;

  • Tiếp xúc với khói thải hoặc các loại ô nhiễm khác;

  • Tiếp xúc với các tác nhân gây ra nghề nghiệp, chẳng hạn như hóa chất được sử dụng trong nông nghiệp, làm tóc và sản xuất.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh hen phế quản

Nghĩ đến hen phế quản khi bệnh nhân có một trong những dấu hiệu hoặc triệu chứng sau:

Cơn hen với các đặc điểm, dấu hiệu đặc trưng;

Tiền sử có một trong các triệu chứng sau: Ho tăng về đêm; Tiếng rít tái phát; Khó thở tái phát; Nặng ngực nhiều lần;

Thăm dò chức năng hô hấp có rối loạn thông khí tắc nghẽn có hồi phục với thuốc giãn phế quản.

Ngoài ra, bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán phân biệt với các bệnh hô hấp khác như: X-quang phổi; Lưu lượng đỉnh kế; Khí máu; Xét nghiệm đờm; Điện tim,…

Phương pháp điều trị bệnh hen phế quản hiệu quả

Điều trị hen phế quản bao gồm kiểm soát yếu tố kịch phát, điều trị thuốc theo mức độ kiểm soát và độ nặng của bệnh, theo dõi đáp ứng điều trị và sự tiến triển bệnh và giáo dục bệnh nhân để tối ưu hóa tự chăm sóc bệnh.

Mục tiêu điều trị là ngăn ngừa đợt kích phát và các triệu chứng mạn tính như thức giấc về đêm, khám cấp cứu hay nhập viện, duy trì tình trạng ổn định và tránh tác dụng phụ của điều trị.

Kiểm soát các yếu tố kịch phát bệnh

Bao gồm các yếu tố dị ứng và không dị ứng của môi trường xung quanh. Bệnh nhân hen lưu ý tránh các thuốc aspirin, NSAID, ức chế β, kể cả dạng dùng tại chỗ.

Điều trị thuốc

Gồm kích thích β2, anticholinergics, corticoid, anti leukotrien và methylxanthine.

Thuốc kích thích β2

SABA (Ventoline): 2 – 8 nhát bóp khi cần thiết để giảm co thắt phế quản cấp tính và ngừa co thắt phế quản do gắng sức. Tác dụng trong vòng vài phút và kéo dài vài giờ tùy loại (6 – 8 giờ).

LABA: Dùng ban đêm hay 2 lần/ ngày, thời gian tác dụng tới 12 giờ. Được dùng cho hen trung bình hay nặng cũng như hen nhẹ nhưng gây thức giấc về đêm. Hiệp đồng tác dụng với corticoid hít và giúp giảm liều corticoid.

Anticholinergic

Có hiệu quả hiệp đồng khi dùng với SABA (Berdual, Combivent). Tác dụng phụ gồm giãn đồng tử, nhìn mờ, khô miệng. 

Corticoid

Kháng viêm, phục hồi chức năng thụ thể β, ức chế tổng hợp leukotriene và ức chế sản xuất cytokine. Có ba dạng sử dụng là uống, hít và tiêm.

Corticoid hít không hiệu quả trong cơn cấp, chỉ định cho kiểm soát lâu dài. Giúp giảm nhu cầu corticoid uống, cải thiện chức năng phổi. Tác dụng phụ gồm khàn tiếng, nấm Candida miệng. Tác dụng phụ toàn thân xảy ra với liều trên 800 µg/ ngày.

Thuốc ức chế leukotriene

Nên tránh nếu có thể trong thời gian mang thai và cho con bú. Thuốc dùng đường uống nhằm kiểm soát lâu dài cũng như phòng ngừa triệu chứng hen trên bệnh nhân hen nhẹ tới nặng nhất là hen có kèm viêm mũi dị ứng. Tác dụng phụ chủ yếu là tăng men gan.

Methylxanthine

Thuốc được dùng như dạng bổ sung kích thích beta, dạng giải phóng chậm giúp kiểm soát hen về đêm. Tác dụng phụ gồm nhức đầu, nôn, loạn nhịp tim và co giật. Cần theo dõi nồng độ định kỳ trong khi dùng và duy trì từ 5 – 15 mg/ L. Nhiều thuốc tương tác với methylxanthine.

Kháng thể Anti IgE

Thuốc được dùng trong hen dị ứng nặng có nồng độ IgE cao. Thuốc giúp giảm nhu cầu corticoid uống và giảm triệu chứng.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh hen phế quản

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm;

  • Không hút thuốc lá, tránh những nơi môi trường bị ô nhiễm, khói, bụi, mùi thơm, tránh hoạt động gắng sức, tránh dùng các thực phẩm chứa các chất phụ gia có gốc sulfite và gây dị ứng, tránh xúc động mạnh,...;

  • Vệ sinh: Hàng tuần giặt là chăn ga gối nệm và phơi nắng, không dùng các vật dụng trong nhà có khả năng bắt bụi cao như thảm, rèm treo, dùng thuốc diệt côn trùng,...;

  • Không nuôi chó mèo.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa bệnh hen phế quản hiệu quả

  • Xác định và tránh các yếu tố kịch phát của bệnh, khi người bệnh tránh được các yếu tố kịch phát (dị nguyên và các chất kích thích làm nặng bệnh) thì có thể ngăn ngừa được triệu chứng và cơn hen xuất hiện, do đó giảm được việc dùng thuốc;

  • Loại bỏ được yếu tố kích thích: Không hút thuốc, tránh khói bụi trong nhà, môi trường ô nhiễm;

  • Nâng cao và giữ gìn sức khỏe, giữ ấm vào mùa lạnh;

  • Tiêm phòng vắc xin cúm và phế cầu;

  • Bỏ thuốc lá, nếu bạn hút thuốc.

Nguồn tham khảo
  1. Bệnh học nội khoa, Trường đại học Y Hà Nội.

  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/asthma/symptoms-causes/syc-20369653

  3. https://www.nhs.uk/conditions/asthma/

  4. https://www.healthline.com/health/asthma.

Các bệnh liên quan

  1. Bụi phổi

  2. Bụi phổi bông

  3. Xuất huyết phế nang vô căn

  4. Dị vật đường thở

  5. Viêm màng phổi

  6. Cúm A

  7. Khó thở

  8. Cơn hen phế quản

  9. Tràn khí màng phổi

  10. Ho ra máu