Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Disodium EDTA được ứng dụng phổ biến trong các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân với vai trò chính như một chất bảo quản và những tính năng phụ như kháng khuẩn, ổn định độ pH, bảo vệ kết cấu của sản phẩm
Ethylene diamine tetraacetic acid, viết tắt là EDTA, là một loại axit hữu cơ mạnh. NH2 và 4 gốc carboxyl COOH là hai nhóm amin được chứa trong cấu trúc của EDTA.
EDTA và các muối của nó thường ở dạng tinh thể hoặc dạng bột màu trắng, không bay hơi, có độ tan cao trong nước, có độ pH 10.5 – 11.5.
Có hai dạng EDTA chính thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân gồm Tetrasodium EDTA và Disodium EDTA. Tetrasodium EDTA và Disodium EDTA khác nhau ở cấu trúc của các phân tử và độ pH. Nhưng hai loại này lại có công dụng tương tự nhau khi được ứng dụng trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Disodium EDTA có khả năng cô lập các ion kim loại nặng, giúp sản phẩm không bị tác động bởi các phản ứng hóa học giữa kim loại và các hợp chất khác, tạo sự ổn định cho sản phẩm.
Ngoài ra, chất này có trong nhiều sản phẩm chăm sóc da và tóc như một chất bảo quản, giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, nấm men và nấm mốc trong sản phẩm chăm sóc da. Tuy chất bảo quản không tốt khi dùng nhưng chúng giúp kéo dài thời hạn sử dụng sản phẩm. So với một số chất bảo quản tự nhiên, chất bảo quản tổng hợp cũng ít gây kích ứng da hơn và ít có khả năng tương tác với các thành phần khác trong công thức.
Ngoài công dụng chính là chất bảo quản, Disodium EDTA cũng được sử dụng để cải thiện khả năng tạo bọt của sản phẩm. Do đó EDTA thường có mặt trong xà phòng và chất tẩy rửa.
EDTA lần đầu tiên được tổng hợp vào năm 1935 bởi Ferdinand Münz từ sự kết hợp của Ethylenediamine và Acid chloroacetic. Ngày nay, EDTA chủ yếu được tổng hợp từ Ethylenediamine, Formaldehyd và Natri cyanide.
Một trong những chức năng của Disodium EDTA là đóng vai trò như một tác nhân tạo phức. Disodium EDTA liên kết với các ion kim loại nặng và các nguyên tố vi lượng có trong nước cứng (loại nước có chứa hàm lượng các khoáng chất hòa tan dưới dạng các ion), từ đó làm cho chúng không còn hoạt động để ngăn chặn tác động bất lợi của chúng với sự ổn định của sản phẩm. Cụ thể, thành phần này ngăn không cho các kim loại này đọng trên da, tóc và da đầu. Sau khi các ion kim loại liên kết với EDTA, các ion kim loại vẫn ở trong dung dịch nhưng tính chất phản ứng giảm dần.
Các ion kim loại liên kết trong mỹ phẩm có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt từ các thành phần có nguồn gốc tự nhiên có thể có tạp chất kim loại. Ngoài ra, hệ thống nước hoặc các dụng cụ kim loại có thể chứa tạp chất. Nếu không được khử hoạt tính, các ion kim loại này có thể làm hỏng các sản phẩm mỹ phẩm bằng cách làm giảm độ trong, làm mất tính toàn vẹn của nước hoa và gây ra mùi ôi.
Mặc dù nước cứng không gây hại cho sức khỏe nhưng có thể làm ảnh hưởng đến tóc và da. Nước cứng làm tăng nguy cơ tích tụ kim loại trên tóc, khiến tóc nhuộm nhanh bị mất màu và làm tăng nguy cơ gãy rụng. Đồng thời nước cứng còn khiến việc rửa sạch da với xà phòng trở nên khó khăn hơn, dẫn đến da sẽ dễ bị khô và kích ứng. Disodium EDTA giúp chống lại tác động gây hại của nước cứng lên da. Nhờ đó, chất này đã được chọn để trở thành một thành phần đặc biệt trong các chất tẩy rửa trên da.
Việc Disodium EDTA hoạt động bằng cách liên kết với các ion kim loại trong dung dịch giúp ngăn các công thức mỹ phẩm không bị biến chất. Disodium EDTA bảo vệ tính toàn vẹn của các sản phẩm chăm sóc da, không làm thay đổi độ pH, mùi hoặc kết cấu. Ngoài ra, khi liên kết với canxi, sắt hoặc magiê, Disodium EDTA giúp tăng cường khả năng tạo bọt và làm sạch nên được sử dụng phổ biến trong các công thức chăm sóc da như một chất đồng bảo quản.
Disodium EDTA có khả năng kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Nhờ vậy, chất này đóng vai trò như chất bảo quản trong các sản phẩm chăm sóc da và tóc.
Một công dụng khác cũng được chú ý đến là tác dụng kháng khuẩn cho làn da.
Disodium EDTA còn làm ổn định độ pH có trong mỹ phẩm.
Đặc biệt, Disodium EDTA giúp chống lại sự oxy hóa của các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E...giúp giảm các nếp nhăn.
Với khả năng cô lập được Canxi và Magie trong nước cứng, Disodium EDTA được dùng cho các trường hợp nhiễm độc chì, thủy ngân ở người vô cùng hiệu quả.
Nồng độ sử dụng Disodium EDTA thông thường là dưới 2%. Các muối khác đang được sử dụng hiện nay có ở nồng độ thậm chí còn thấp hơn. Liều thấp nhất của Disodium EDTA được báo cáo là gây ra tác dụng độc ở động vật là 750mg/kg/ngày.
Disodium EDTA và muối của nó đã được áp dụng vào mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc và thậm chí cả thực phẩm. Riêng với lĩnh vực làm đẹp, bạn có thể tìm thấy Disodium EDTA trong hầu hết mọi loại sản phẩm chăm sóc cá nhân như kem dưỡng da cho mặt và mắt, kem chống nắng, các phương pháp chống lão hóa, sữa rửa mặt, dầu gội dầu xả, thuốc nhuộm tóc, chất tẩy tóc, sữa tắm, các sản phẩm nước cân bằng da…
Hội đồng chuyên gia đánh giá thành phần mỹ phẩm (CIR) cho biết rằng Disodium EDTA an toàn khi được sử dụng trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Các xét nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng nồng độ tiêu chuẩn của Disodium EDTA không gây kích ứng, mẫn cảm hoặc thâm nhập vào da. Tuy nhiên, nếu sử dụng EDTA trong thời gian dài với liều lượng lớn cũng có thể gây hại đến sức khỏe.
Nguyên nhân là do chất này làm tăng nguy cơ hấp thụ các loại hóa chất nguy hiểm trong các loại sản phẩm vào da. Có thể đe dọa đến quá trình sinh sản, gây dị tật thai nhi, nhất là dẫn tới viêm da tiếp xúc và làm tổn hại thận. Do đó, khi dùng Disodium EDTA, người dùng cần lưu ý sử dụng đúng cách, đúng liều lượng để đảm bảo an toàn cho làn da và sức khỏe.
Disodium Edta hiện nay được sử dụng phổ biến trong các loại mỹ phẩm chăm sóc da. Tốt nhất, người dùng nên hạn chế sử dụng các sản phẩm có thành phần này. Thay vào đó hãy dùng các sản phẩm có thành phần thiên nhiên lành tính để đảm bảo an toàn cho làn da.
Disodium EDTA Skincare Ingredient - L'Oréal Paris (lorealparisusa.com)
Calcium Disodium EDTA: Applications, Safety and Side Effects (healthline.com)
4 Reasons EDTA Is in Your Skincare and Cleansers - The Dermatology Review (thedermreview.com)