Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Gentamycin

Gentamicin: Chỉ định, liều lượng, cách dùng và một số tác dụng phụ có thể gặp

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Gentamicin (hay Gentamycine) là một kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosides thường được sử dụng trong điều trị bệnh nhiễm trùng hiện nay. Mặc dù Gentamicin đã được chứng minh là có thể được sử dụng trong nhiều trong điều trị, nhưng thuốc có liên quan đến các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm độc tính trên thận và độc tính trên tai.

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (hoạt chất)

Gentamicin

Loại thuốc

Kháng sinh nhóm Aminoglycosid.

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch tiêm 5 mg/ml; 10 mg/ml; 40 mg/ml.

Dung dịch tiêm truyền 1 mg/ml (80ml); 3 mg/ml (80ml, 120ml); 0,4 mg/ml (40 mg); 0,6 mg/ml (60 mg); 0,8 mg/ml (40 mg, 80 mg).

Thuốc bôi 1mg/g; 3mg/g.

Thuốc nhỏ mắt 3mg/ml; 5mg/ml.

Gentamicin và những điều cần biết 1.png
Cấu tạo của Gentamicin

Chỉ định

Gentamicin đường tiêm được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn Gram âm nhạy cảm, bao gồm nhiễm khuẩn sơ sinh; nhiễm khuẩn huyết và các nhiễm khuẩn nặng trên hệ thống tủy sống (như viêm màng não); trường hợp nặng của nhiễm khuẩn đường mật và đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp; nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (bao gồm viêm phúc mạc); nhiễm khuẩn da, xương, khớp và mô mềm (bao gồm cả bỏng); nhiễm khuẩn mắt và viêm tuyến tiền liệt.

Ngoài ra, Gentamicin đường tiêm cũng được sử dụng cho mục đích dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật như trong các phẫu thuật thay khớp.

Gentamicin và những điều cần biết 2.png
Gentamicin được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn huyết

Gentamicin còn được sử dụng đường nhỏ mắt và nhỏ tai để điều trị nhiễm trùng mắt và tai do vi khuẩn nhạy cảm, bao gồm viêm giác mạc, viêm kết mạc, viêm giác-kết mạc, viêm mí mắt, viêm túi lệ, viêm tuyến Meibomius cấp, viêm tai ngoài và dự phòng nhiễm khuẩn tai.

Trong các trường hợp chưa xác định được tác nhân gây bệnh, Gentamicin thường được sử dụng kết hợp với các kháng sinh khác thuộc nhóm beta-lactam theo kinh nghiệm. Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn kỵ khí, Gentamicin thường được sử dụng kết hợp với kháng sinh có phổ phù hợp trên vi khuẩn kỵ khí như Metronidazol.

Tuy nhiên, Gentamicin đường tiêm không được chỉ định đầu tay cho các trường hợp nhiễm khuẩn có biến chứng trừ khi vi khuẩn gây bệnh vẫn nhạy cảm và không thể sử dụng các kháng sinh ít độc tính hơn.

Trong một số loại nhiễm khuẩn cụ thể, gentamicin có thể được kết hợp với các kháng sinh khác như Ampicilin, Penicilin G, Oxacillin, Vancomycin để điều trị viêm màng trong tim do vi khuẩn Gram dương (như Streptococci, Enterococci, Staphylococci) và vi khuẩn nhóm HACEK.

Trong trường hợp nhiễm khuẩn ổ bụng, Gentamicin thường được kết hợp với Clindamycin, Metronidazol, Piperacillin và Tazobactam, Ampicillin và Sulbactam để điều trị các nhiễm khuẩn ổ bụng nặng (cả viêm phúc mạc) do các vi khuẩn nhạy cảm như Citrobacter, E. coli, Enterobacter, Klebsiella, Serratia, Proteus, S. aureus hoặc Pseudomonas aeruginosa.

Trong điều trị viêm màng não và các nhiễm khuẩn thần kinh trung ương khác, Gentamicin thường được sử dụng kết hợp với các kháng sinh khác như Ampicillin, Ceftazidime, Cefotaxime, Vancomycin để điều trị nhiễm khuẩn như S. aureus, Citrobacter, Enterobacter, E. coli, Klebsiella, Proteus, Serratia, Pseudomonas aeruginosa.

Dược lực học

Gentamicin là một kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosid, có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn. Nó tác động lên tiểu đơn vị 30S của vi khuẩn nhạy cảm, gây sai lệch trong quá trình tổng hợp protein và ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Gentamicin có hiệu quả phụ thuộc vào nồng độ và có tác dụng hậu kháng sinh trong nghiên cứu in vitro và in vivo.

Gentamicin là kháng sinh có phổ tác dụng rộng trên nhiều chủng vi khuẩn Gram âm như E. coli, Proteus, Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella, Enterobacter, Serratia, và các vi khuẩn Gram dương như Staphylococcus aureus, Listeria monocytogenes,... Tuy nhiên, nó không có hiệu quả đối với vi khuẩn kỵ khí, Enterococci Streptococci. Gentamicin cũng có thể được phối hợp với các kháng sinh khác như Penicillin G, Amoxicillin, Carbenicillin, Oxacillin và Vancomycin để tăng cường tác dụng diệt khuẩn như Penicillin G, Amoxicillin, Vancomycin.

Gentamicin và những điều cần biết 4.png
Gentamicin có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn

Động lực học

Hấp thu

Gentamicin hấp thu kém qua đường tiêu hóa nếu được sử dụng qua đường uống, vì vậy nó chỉ được sử dụng thông qua đường tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, qua da hoặc nhỏ trực tiếp vào mắt. Thuốc được hấp thu nhanh và hoàn toàn sau khi tiêm bắp.

Phân bố

Gentamicin ít gắn kết với protein huyết tương (0 - 30%). Thuốc chủ yếu khuếch tán vào các dịch ngoại bào, vì vậy thể tích phân bố của Gentamicin gần bằng với thể tích của các dịch ngoại bào. Sau khi được tiêm, Gentamicin phân bố trong hệ bạch huyết, mô dưới da, phổi, màng phổi, đờm, dịch phế quản, màng tim, màng hoạt dịch và dịch ổ bụng. Gentamicin ít phân bố vào gan, mật và mắt. Khi dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, thuốc ít khuếch tán vào dịch não tủy (nồng độ Gentamicin trong dịch não tủy tương đương khoảng 30% so với nồng độ trong huyết tương khi màng não bị viêm). Gentamicin có khả năng vượt qua hàng rào nhau thai, nhưng chỉ một lượng nhỏ thuốc được chuyển qua sữa mẹ.

Chuyển hóa

Gentamicin không bị chuyển hóa trong cơ thể.

Thải trừ

Gentamicin được thải qua thận dưới dạng không thay đổi. Nửa đời thải trừ của Gentamicin trong huyết tương là từ 2 - 4 giờ ở người lớn và trẻ em có chức năng thận bình thường. Tuy nhiên, nửa đời thải trừ có thể kéo dài ở trẻ sơ sinh (từ 4,2 - 8,8 giờ) và người bị suy thận (có thể lên đến 50 - 70 giờ). Sự thanh thải của Gentamicin giảm ở người cao tuổi. Sau khi dùng một liều tiêm bắp, khoảng 50 - 93% Gentamicin được thận lọc trong vòng 24 giờ ở người có chức năng thận bình thường. Gentamicin cũng có thể được loại bỏ qua quá trình thẩm tích máu và thẩm phân màng bụng.

Chống chỉ định

Chống chỉ định tuyệt đối:

  • Tiền sử dị ứng với Gentamicin hoặc các aminoglycosid khác.
  • Gentamicin dạng nhỏ tai cho người đã hoặc nghi ngờ bị thủng màng nhĩ.

Chống chỉ định tương đối:

  • Phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú;
  • Suy thận;
  • Bệnh nhược cơ, hội chứng Parkinson hoặc người bệnh có triệu chứng yếu cơ.
Gentamicin và những điều cần biết 3.png
Cần thận trọng khi sử dụng Gentamicin cho phụ nữ có thai

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Liều lượng của Gentamicin cần được điều chỉnh tùy theo tình trạng và tuổi tác của người bệnh. Việc điều chỉnh liều thuốc là quan trọng để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ phản ứng phụ. Những yếu tố như chức năng thận, tuổi tác, trọng lượng cơ thể và tình trạng sức khỏe tổng quát sẽ được xem xét để quyết định liều lượng thích hợp cho mỗi bệnh nhân.

Người lớn

Đối với người có chức năng thận bình thường sử dụng liều 3 mg/kg/ngày, chia làm 2 - 3 lần.

Trẻ em

Đối với người có chức năng thận bình thường sử dụng liều 3 mg/kg/ngày, chia làm 3 lần.

Đối với người bệnh suy thận, rất quan trọng phải điều chỉnh liều thuốc và theo dõi chức năng thận, ốc tai và tiền đình một cách đều đặn. Kiểm tra nồng độ thuốc trong huyết thanh cũng là điều cần thiết.

Cách dùng

Đường tiêm: Gentamicin thường được dùng đường tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch không liên tục. Trường hợp tiêm truyền tĩnh mạch, pha Gentamicin với dung dịch Natri clorid hoặc glucose đẳng trương theo tỷ lệ 1 ml dịch truyền cho 1 mg Gentamicin. Thời gian sử dụng kéo dài từ 30 - 60 phút.

Gentamicin và những điều cần biết 5.png
Gentamicin thường được sử dụng dưới dạng tiêm

Tiêm vào não thất hoặc tiêm vào tủy sống: Gentamicin có thể được sử dụng cùng với việc tiêm trực tiếp vào não thất hoặc tủy sống để tăng nồng độ gentamicin trong dịch não tủy và điều trị viêm màng não.

Sử dụng tại chỗ trong nhiễm khuẩn tai hoặc mắt: Gentamicin có thể được sử dụng dưới dạng mỡ (nồng độ 0,3%) để bôi lên mắt hoặc tai, mỗi ngày dùng 2 - 3 lần.

Dung dịch nhỏ mắt hoặc tai gentamicin (nồng độ 0,3%): Có thể được nhỏ vào mắt hoặc tai mỗi 4 giờ, hoặc 2 giọt mỗi lần trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng.

Thời gian sử dụng: Thường là trong khoảng 7 - 10 ngày tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn. Nếu cần sử dụng lâu hơn 10 ngày, cần theo dõi chức năng thận, thính giác và tiền đình.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Nhiễm độc tai không phục hồi và thường xảy ra khi tích tụ liều thuốc quá cao, gây ảnh hưởng đến cả ốc tai (gây điếc, đặc biệt là với âm tần số cao) và hệ thống tiền đình (gây chóng mặt, hiện tượng thấy hoa mắt).

Gentamicin và những điều cần biết 6.png
Gentamicin có thể gây tác dụng phụ chóng mặt

Ít gặp

Nhiễm độc thận có khả năng hồi phục. Suy thận cấp thường nhẹ, tuy nhiên cũng có các trường hợp gây hoại tử ống thận hoặc viêm thận kẽ.

Thuốc có khả năng ức chế dẫn truyền thần kinh cơ, và có thể gây suy hô hấp và liệt cơ ở một số trường hợp.

Khi tiêm dưới kết mạc, có thể gây đau, sưng và chảy máu kết mạc. Tiêm trong mắt có thể gây thiếu máu cục bộ ở võng mạc.

Hiếm gặp

Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Hạ kali máu, hạ calci máu, hạ magie máu, gây ra hội chứng giả Bartter khi điều trị liều cao trong thời gian dài (hơn 4 tuần), giảm cân, chán ăn.

Hệ thần kinh: Bệnh đa thần kinh và ngoại biên.

Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tăng tiết nước bọt, viêm dạ dày.

Hệ gan mật: Tăng AST, ALT, tăng phosphatase kiềm, tăng bilirubin có thể hồi phục.

Da và mô dưới da: Da đỏ.

Hệ cơ, xương, khớp: Đau cơ.

Hệ thận, tiết niệu: Tăng nitơ máu có thể hồi phục.

Toàn thân: Tăng nhiệt độ cơ thể.

Lưu ý

Lưu ý chung

Tất cả các Aminoglycosid, trong đó có Gentamicin, đều có khả năng gây độc đối với cơ quan thính giác và thận. Tác dụng phụ không mong muốn thường xảy ra đặc biệt trong nhóm người cao tuổi và/hoặc bị suy thận.

Việc theo dõi cẩn thận là cần thiết đối với những người được điều trị với liều cao hoặc kéo dài, trẻ em, người cao tuổi và người suy thận, và trong những trường hợp này, liều thuốc cần được giảm.

Những người bệnh có rối loạn chức năng thận, rối loạn thính giác... có nguy cơ cao hơn bị tổn thương cơ quan thính giác.

Việc sử dụng Gentamicin cần được tiến hành cẩn thận đối với những người bị nhược cơ nặng, bị bệnh Parkinson hoặc có triệu chứng yếu cơ.

Nguy cơ nhiễm độc thận tăng ở những người bị hạ huyết áp, bị bệnh gan hoặc phụ nữ.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Tất cả các Aminoglycosid đều có khả năng đi qua hàng rào nhau thai và có thể gây tổn thương cho hệ thống thận của thai nhi. Hiện chưa có đủ thông tin nghiên cứu về tác động của Gentamicin trên người, tuy nhiên, việc sử dụng Gentamicin trong thai kỳ nên được hạn chế, trừ khi thực sự cần thiết.

Trước khi sử dụng Gentamicin, cần xem xét kỹ lợi ích mà thuốc mang lại cho mẹ so với nguy cơ tiềm tàng đối với thai nhi. Thường chỉ khi mắc các bệnh đe dọa tính mạng hoặc nghiêm trọng mà không có thuốc khác có thể sử dụng hoặc không hiệu quả, việc sử dụng Gentamicin mới được xem xét.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Gentamicin có khả năng được bài tiết vào sữa mẹ, nhưng lượng này thường rất nhỏ. Tuy nhiên, vì nguy cơ tiềm tàng cho trẻ sơ sinh, cần thận trọng khi sử dụng Gentamicin cho người đang cho con bú.

Trong trường hợp muốn sử dụng Gentamicin trong khi đang cho con bú, cần cân nhắc lợi ích của thuốc đối với mẹ so với nguy cơ có thể gây ra cho trẻ. Thông thường, nếu có thể, nên tìm các phương pháp điều trị khác thay thế gentamicin trong thời gian đang cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không dùng Gentamicin khi lái xe hoặc vận hành máy.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Độc tính trên thận: Gentamicin đã được báo cáo về các tác dụng phụ trên thận khi được sử dụng trong thời gian dài hoặc liều lượng cao hơn so với khuyến cáo. Tổn thương thận được biểu hiện bằng tăng BUN, creatinin máu; xuất hiện trụ tế bào hoặc protein trong nước tiểu; thiểu niệu.

Gentamicin và những điều cần biết 7.png
Gentamicin sử dụng trong thời gian dài hoặc quá liều có thể gây độc thận

Độc tính trên hệ thần kinh: Tác dụng phụ nghiêm trọng trên cả phần tiền đình và thính giác của dây thần kinh số 8 đã được báo cáo, đặc biệt trên bệnh nhân suy thận (đặc biệt nếu cần phải lọc máu) và ở những bệnh nhân dùng liều cao và/hoặc điều trị kéo dài.

Cách xử lý khi quá liều

Hiện nay không có thuốc giải độc đặc hiệu cho Gentamicin, điều trị quá liều hoặc các phản ứng độc của Gentamicin chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Điều trị được khuyến cáo:

  • Thực hiện thẩm tách máu hoặc thẩm tách phúc mạc nhằm loại bỏ Aminoglycosid ra khỏi máu của người bệnh suy thận.
  • Sử dụng thuốc kháng cholinesterase, muối calci hoặc hô hấp nhân tạo để điều trị tình trạng chẹn thần kinh cơ, gây yếu cơ kéo dài, suy hô hấp hoặc liệt (ngừng thở) có thể xảy ra khi sử dụng hai hoặc nhiều aminoglycosid cùng lúc.

Quên liều và xử trí

Gentamicin thường được chỉ định dưới sự giám sát của bác sĩ nên rất hiếm khi xảy ra trường hợp quên liều.

Nguồn tham khảo