Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết là một tình trạng nhiễm trùng rất nghiêm trọng có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Quan ngại lớn nhất của nhiễm trùng huyết là tập hợp những biểu hiện lâm sàng của tình trạng nhiễm trùng – nhiễm độc toàn thân, gây choáng (sốc), suy đa tạng và tử vong nhanh. Các biểu hiện:
Sốt: Sốt cao trên 38oC là dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất của nhiễm trùng huyết;
Hạ thân nhiệt: Trong một số hiếm trường hợp, đáp ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng là hạ thân nhiệt. Hạ thân nhiệt có thể là tình trạng nhiễm trùng huyết nặng hơn và tiên lượng cũng xấu hơn;
Ớn lạnh: Ớn lạnh kèm theo sốt và một số dấu hiệu điển hình khác, bệnh nhân có thể được chẩn đoán nhiễm trùng huyết;
Thở nhanh: Khi nhiễm trùng xảy ra ở phổi, lượng oxy cơ thể hít vào giảm đi do đó bệnh nhân phải thở nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu oxy, điều này khiến người bệnh khó thở;
Đau nhức: Xảy ra ở toàn bộ cơ thể hoặc chỉ một số bộ phận;
Tim đập nhanh, hạ huyết áp: Tim cố gắng bơm máu đi để chống lại tình trạng nhiễm trùng do đó nhịp đập nhanh hơn bình thường. Huyết áp hạ là một trong những triệu chứng có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng – giai đoạn nghiêm trọng nhất của nhiễm trùng huyết;
Vùng da đổi màu: Khi bị nhiễm trùng huyết, cơ thể ưu tiên vận chuyển máu tới các cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, máu cũng di chuyển từ các cơ quan ít quan trọng hơn tới các cơ quan quan trọng để giúp bạn duy trì sự sống dẫn đến lượng máu tới da có thể giảm đi và khiến da trở nên tím tái, nhợt nhạt;
Tâm thần kinh: Mệt mỏi, li bì, lơ mơ hoặc vật vã kích thích và hôn mê. Rối loạn ý thức thường đi kèm shock nhiễm khuẩn;
Gan, lách to: Phản ứng của hệ võng nội mô, thường hay gặp gan to nhiều hơn lách to.
Không phải tất cả các ca bệnh nhiễm trùng huyết đều có biểu hiện giống nhau, tùy vào từng trường hợp với mức độ khác nhau mà triệu chứng sẽ có sự thay đổi.
Biến chứng có thể gặp khi mắc nhiễm trùng huyết
Hậu quả của nhiễm trùng máu là hết sức nặng nề, có thể gây viêm nội mạc mao quản, gan, lách sưng to, áp-xe não, viêm màng não, suy thận cấp hoặc tác động xấu đến xương khớp (viêm tủy xương, viêm tràn dịch mủ khớp), viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm tắc tĩnh mạch thứ phát, viêm động mạch.
Bệnh nhân nhiễm trùng huyết thường có tiên lượng tử vong cao hơn những bệnh nhân mắc các nhiễm trùng khác. Biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi mắc nhiễm trùng huyết:
Sốc nhiễm trùng: Khó thở, nhịp tim nhanh, rối loạn tâm thần,… Biến chứng sốc nhiễm trùng gây tỷ lệ tử vong cao. Tình trạng diễn biến nặng hơn với người cao tuổi, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh;
Hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS): Suy hô hấp cấp tiến triển là vấn đề lớn nhất trong hồi sức cấp cứu với tỷ lệ dẫn đến tử vong lên tới 45%. Suy hô hấp tiến triển gây ra một loạt biểu hiện nặng, khởi phát nhanh: Thiếu oxy máu, thâm nhiễm phổi lan tỏa dẫn đến suy hô hấp;
Rối loạn đông máu: Máu chảy không đông lại như bình thường do sự thiếu hụt các yếu tố đông máu. Người mắc biến chứng này dễ rơi vào tình trạng nguy kịch, trụy mạch do sốc nhiễm trùng;
Suy giảm chức năng gan, thận: Gan, thận bị tổn thương đến mức không thể tự phục hồi và hoạt động bình thường trở lại.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.
Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.
Hỏi đáp (0 bình luận)