Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm kết mạc mắt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm kết mạc mắt đôi khi còn được gọi là đau mắt đỏ, là bệnh thường gặp khi phần lòng trắng của mắt chuyển sang màu hồng hoặc đỏ. Mắt có thể chảy nước, đau, ngứa, đôi khi tiết dịch dính màu trắng hoặc vàng. Viêm kết mạc mắt có thể do nhiễm trùng (vi khuẩn hoặc virus), dị ứng hoặc các chất kích thích như bụi, hóa chất. Bác sĩ chuyên khoa có thể cho bạn biết nguyên nhân gây ra viêm kết mạc mắt của bạn, liệu nó có lây nhiễm hay không và cách điều trị tốt nhất cho bạn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm kết mạc mắt là gì?

Viêm kết mạc mắt đôi khi còn được gọi là đau mắt đỏ, là một bệnh thường gặp khiến phần lòng trắng của mắt chuyển sang màu hồng hoặc đỏ. Mắt có thể chảy nước, đau, ngứa, đôi khi tiết dịch dính màu trắng hoặc vàng. Điều này là do tình trạng viêm lớp trong suốt bên ngoài của mắt (được gọi là kết mạc) và bên trong mí mắt.

Viêm kết mạc dị ứng có thể xảy ra theo mùa hoặc do các chất gây dị ứng cụ thể gây ra, chẳng hạn như phấn hoa hoặc lông động vật. Viêm kết mạc do virus và vi khuẩn có thể rất dễ lây lan và điều quan trọng là bác sĩ phải chẩn đoán nguyên nhân chính xác để đảm bảo bạn có được phương pháp điều trị phù hợp.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm kết mạc mắt

Triệu chứng của viêm kết mạc mắt phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm, có thể bao gồm:

  • Đỏ lòng trắng của mắt hoặc bên trong mí mắt;
  • Kết mạc sưng;
  • Nhiều nước mắt hơn bình thường;
  • Tiết chất dịch màu vàng đặc đóng vảy trên lông mi, đặc biệt là sau khi ngủ dậy. Nó có thể khiến mí mắt của bạn dính lại khi bạn thức giấc.
  • Chất dịch màu xanh hoặc trắng tiết ra từ mắt;
  • Ngứa mắt;
  • Cay mắt;
  • Mờ mắt;
  • Nhạy cảm hơn với ánh sáng;
  • Sưng hạch bạch huyết (thường do nhiễm virus).
Viêm kết mạc mắt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa viêm kết mạc mắt 4
Viêm kết mạc mắt có thể gây tiết dịch vàng hoặc trắng từ mắt

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm kết mạc mắt

Thông thường, bệnh viêm kết mạc mắt sẽ tự khỏi hoặc sau khi bạn dùng thuốc bác sĩ kê đơn mà không có vấn đề lâu dài. Bệnh viêm kết mạc mắt nhẹ gần như vô hại và sẽ thuyên giảm mà không cần điều trị.

Nhưng một số dạng viêm kết mạc mắt có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa thị lực vì chúng có thể để lại sẹo trên giác mạc của bạn. Chúng bao gồm viêm kết mạc do lậu, chlamydia hoặc một số chủng adenovirus.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Có những tình trạng bệnh nghiêm trọng có thể gây đỏ mắt. Những tình trạng này có thể gây đau mắt, cảm giác có vật gì đó trong mắt, mờ mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Nếu bạn gặp những triệu chứng này, hãy đến ngay cơ sở y tế.

Những người đeo kính áp tròng cần ngừng đeo ngay khi xuất hiện các triệu chứng viêm kết mạc mắt. Nếu các triệu chứng của bạn không thuyên giảm trong vòng 12 đến 24 giờ, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để đảm bảo bạn không bị nhiễm trùng mắt nghiêm trọng hơn liên quan đến việc sử dụng kính áp tròng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm kết mạc mắt

Có ba nhóm nguyên nhân gây viêm kết mạc mắt chính: Dị ứng, nhiễm trùng và hóa chất.

Viêm kết mạc dị ứng

Viêm kết mạc dị ứng xảy ra phổ biến hơn ở những người bị dị ứng theo mùa. Bệnh xuất hiện khi tiếp xúc với một chất gây ra phản ứng dị ứng.

Viêm kết mạc nhú gai khổng lồ là một loại viêm kết mạc dị ứng do sự hiện diện mạn tính của dị vật trong mắt. Những người đeo kính áp tròng cứng hoặc đeo kính áp tròng không được thay thường xuyên, có vết khâu hở trên bề mặt mắt hoặc có mắt giả có nhiều khả năng phát triển dạng viêm kết mạc mắt này hơn.

Viêm kết mạc nhiễm trùng

Viêm kết mạc do vi khuẩn là một bệnh nhiễm trùng thường do vi khuẩn tụ cầu hoặc liên cầu gây ra từ da hoặc hệ hô hấp của chính bạn. Côn trùng, tiếp xúc gần với người khác, vệ sinh kém (chạm vào mắt bằng tay không sạch) hoặc sử dụng mỹ phẩm trang điểm mắt và kem dưỡng da mặt bị ô nhiễm cũng có thể gây nhiễm trùng. Dùng chung đồ trang điểm và kính áp tròng hoặc vệ sinh không đúng cách cũng có thể gây viêm kết mạc mắt do vi khuẩn.

Viêm kết mạc do virus thường gây ra bởi các loại virus lây nhiễm liên quan đến cảm lạnh thông thường. Nó có thể phát triển thông qua việc tiếp xúc với dịch tiết từ ho hoặc hắt hơi của người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Viêm kết mạc mắt do virus cũng có thể xảy ra khi virus lây lan dọc theo màng nhầy của cơ thể, từ phổi, cổ họng, mũi, ống lệ và kết mạc. Vì nước mắt chảy vào đường mũi nên việc xì mũi mạnh có thể khiến virus di chuyển từ hệ hô hấp đến mắt của bạn.

Ophthalmia neonatorum là một dạng viêm kết mạc mắt do vi khuẩn nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh. Đây là tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn nếu không được điều trị ngay lập tức. Bệnh này xảy ra khi trẻ sơ sinh tiếp xúc với chlamydia hoặc bệnh lậu khi được qua đường âm đạo.

Viêm kết mạc hóa học

Viêm kết mạc hóa học có thể do các chất kích thích như ô nhiễm không khí, clo trong bể bơi và tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Viêm kết mạc mắt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa viêm kết mạc mắt 5
Đeo kính áp tròng cứng hoặc không được thay thường xuyên có thể gây viêm kết mạc mắt

Nguy cơ

Những ai có thể mắc phải viêm kết mạc mắt

Một số đối tượng có thể mắc phải viêm kết mạc mắt:

  • Trẻ em.
  • Người có cơ địa dị ứng.
  • Người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc virus.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm kết mạc mắt

Các yếu tố nguy cơ gây viêm kết mạc mắt bao gồm:

  • Tiếp xúc với người bị viêm kết mạc mắt do virus hoặc vi khuẩn.
  • Tiếp xúc với thứ gì đó mà bạn bị dị ứng, ví dụ như viêm kết mạc dị ứng.
  • Sử dụng kính áp tròng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm kết mạc mắt

Bác sĩ nhãn khoa hoặc bác sĩ nhi khoa sẽ kiểm tra mắt của bạn hoặc mắt của con bạn. Bác sĩ thường có thể chẩn đoán viêm kết mạc mắt dựa trên các triệu chứng và bệnh sử. Bạn có thể được kiểm tra thị lực. Hãy nói cho bác sĩ biết nếu bạn có:

  • Dị ứng;
  • Gần đây bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn;
  • Gần đây có bất cứ thứ gì gây khó chịu (như hóa chất hoặc vật lạ) trong mắt bạn;
  • Từng tiếp xúc với bệnh lây truyền qua đường tình dục;
  • Tiền căn gia đình mắc bệnh tự miễn hoặc lý do khác để nghĩ rằng bạn mắc bệnh tự miễn.

Mặc dù không thường gặp nhưng nếu bác sĩ cho rằng vi khuẩn gây viêm kết mạc mắt hoặc nếu tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, họ có thể đề nghị thêm xét nghiệm. Bác sĩ sẽ sử dụng tăm bông để lấy dịch tiết xung quanh mắt của bạn, sau đó gửi mẫu đến phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm sẽ tiến hành các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc của bạn.

Viêm kết mạc mắt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa viêm kết mạc mắt 6
Bác sĩ thực hiện thăm khám cho người bệnh viêm kết mạc mắt

Phương pháp điều trị viêm kết mạc mắt hiệu quả

Điều trị viêm kết mạc mắt tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

  • Virus: Loại viêm kết mạc mắt này thường do virus gây cảm lạnh thông thường. Giống như cảm lạnh phải tự khỏi, bệnh thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Nó có thể rất dễ lây lan, vì vậy hãy làm mọi cách có thể để ngăn chặn sự lây lan của nó. Thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích được gì do virus gây ra. Bệnh viêm kết mạc mắt do virus herpes gây ra có thể rất nghiêm trọng và cần dùng thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ hoặc thuốc kháng virus theo toa.
  • Vi khuẩn: Nếu vi khuẩn, bao gồm cả những vi khuẩn liên quan đến bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra bệnh viêm kết mạc mắt, bạn sẽ phải dùng thuốc kháng sinh. Tình trạng nhiễm trùng của mắt sẽ cải thiện trong vòng một tuần. Dùng hoặc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, ngay cả sau khi các triệu chứng đã biến mất.
  • Hoá học: Đối với bệnh viêm kết mạc mắt do chất gây kích ứng, dùng nước để rửa chất đó ra khỏi mắt trong 5 phút. Mắt của bạn sẽ cải thiện dần trong vòng 4 giờ. Nếu viêm kết mạc mắt của bạn là do chất axit hoặc kiềm như thuốc tẩy, hãy rửa mắt ngay với nhiều nước và gọi ngay cho bác sĩ.
  • Dị ứng: Viêm kết mạc do dị ứng sẽ cải thiện sau khi bạn được điều trị dị ứng và tránh được tác nhân gây dị ứng. Thuốc kháng histamin (dạng uống hoặc nhỏ) có thể giúp giảm triệu chứng trong thời gian này. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn cho rằng bệnh đau mắt đỏ của mình là do dị ứng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm kết mạc mắt

Chế độ sinh hoạt:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm, đặc biệt là trước khi ăn.
  • Giữ cho đôi mắt của bạn sạch sẽ. Rửa sạch chất dịch chảy ra từ mắt nhiều lần trong ngày bằng bông gòn hoặc khăn giấy sạch. Sau đó, vứt bông gòn hoặc khăn giấy đi và rửa tay bằng xà phòng và nước ấm.
  • Giặt hoặc thay vỏ gối mỗi ngày cho đến khi hết nhiễm trùng. Khi giặt đồ, hãy giặt khăn trải giường, vỏ gối và khăn tắm bằng nước nóng và chất tẩy rửa. Giữ khăn tắm, khăn lau và gối của riêng bạn tách biệt với những người khác hoặc sử dụng khăn giấy.
  • Đừng chạm hoặc dụi mắt bị nhiễm trùng bằng ngón tay, hãy dùng khăn giấy để lau.
  • Không đeo và không bao giờ dùng chung đồ trang điểm mắt, thuốc nhỏ mắt hoặc kính áp tròng. Đeo kính cho đến khi mắt lành lại. Và vứt bỏ tròng kính dùng một lần hoặc đảm bảo làm sạch tròng kính đeo lâu dài và tất cả hộp đựng kính mắt.
  • Sử dụng một miếng gạc ấm, chẳng hạn như khăn mặt ngâm trong nước ấm. Đặt nó lên mắt trong vài phút, ba đến bốn lần một ngày. Điều này giúp giảm đau và giúp phá vỡ một số lớp vỏ có thể hình thành trên lông mi của bạn.
  • Hạn chế nhỏ thuốc nhỏ mắt. Không sử dụng chúng quá một vài ngày trừ khi bác sĩ nhãn khoa yêu cầu bạn. Nó có thể làm cho vết đỏ trở nên tồi tệ hơn.
  • Bảo vệ mắt bạn khỏi bụi bẩn và những thứ khác gây khó chịu cho chúng.
  • "Nước mắt nhân tạo" không cần kê đơn, một loại thuốc nhỏ mắt, có thể giúp giảm ngứa và rát do những nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc mắt. Không sử dụng cùng một lọ thuốc nhỏ cho mắt không bị nhiễm trùng.
Viêm kết mạc mắt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa viêm kết mạc mắt 7
Người bệnh viêm kết mạc mắt không nên dùng tay chạm hoặc dụi mắt

Chế độ dinh dưỡng:

Người bị viêm kết mạc mắt cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Bên cạnh đó, hãy tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, cà chua, cải xoăn, dầu gan cá,... thực phẩm giàu vitamin C như cam, việt quất, mâm xôi, ổi, dâu tây, kiwi,...

Phương pháp phòng ngừa viêm kết mạc mắt hiệu quả

Sau đây là một số gợi ý giúp bạn phòng ngừa bệnh viêm kết mạc mắt:

  • Giữ bàn tay của bạn sạch sẽ. Rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt nếu bạn chạm vào mắt hoặc vùng xung quanh.
  • Nhiễm trùng cũng có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi và miệng. Vì vậy, đừng dùng chung khăn lau, khăn tắm, vỏ gối hoặc khăn tay với người khác, kể cả với gia đình. Không sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc mỹ phẩm của người khác, đặc biệt là bút chì kẻ mắt và mascara.
  • Nếu bệnh đau mắt đỏ của bạn có liên quan đến dị ứng, hãy tránh các tác nhân gây bệnh. Đừng dụi mắt, điều này có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Rửa mặt và mắt bằng nước lạnh hoặc chườm mát. Kiên trì điều trị dị ứng của bạn.
  • Đôi khi, hóa chất dùng để lau kính áp tròng có thể gây kích ứng mắt. Bạn có thể thấy nhẹ nhõm nếu thay đổi cách vệ sinh kính áp tròng, nhưng hãy nhớ khử trùng chúng trước khi đeo lại vào mắt.
Nguồn tham khảo
  1. Conjunctivitis (pink eye): https://www.healthdirect.gov.au/conjunctivitis
  2. Conjunctivitis (pink eye): https://www.aoa.org/healthy-eyes/eye-and-vision-conditions/conjunctivitis?sso=y
  3. Conjunctivitis (Pinkeye): https://www.webmd.com/eye-health/eye-health-conjunctivitis
  4. Pink eye (conjunctivitis): https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/symptoms-causes/syc-20376355
  5. Pink Eye (Conjunctivitis): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8614-pink-eye 

Các bệnh liên quan

  1. Sụp mi

  2. Vẩn đục dịch kính

  3. Loét giác mạc

  4. Tắc động mạch võng mạc trung tâm

  5. Tật không nhãn cầu

  6. Lác mắt

  7. Nhức mỏi mắt

  8. Bọng mắt

  9. Viêm giác mạc chấm nông

  10. Khô mắt