Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hoàng nàn: Vị thuốc độc nhiều công dụng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hoàng nàn là một cây thuốc có nguồn gốc từ mọc ở một số nơi của miền Bắc Việt Nam như Hà Tây (Ba Vì), Lai Châu, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Hoàng nàn hay Vỏ doãn, Mã tiền lá quế, có tên khoa học Strychnos wallichiana Steud. Đây là một loài thực vật trong họ Mã tiền (Loganiaceae). 

Đặc điểm tự nhiên

Hoàng nàn là một loại cây mọc leo, cành mảnh, nhẵn, có những gai mọc đối ở đầu các cành non, những đám màu vàng đỏ trên nền thân có vỏ xám.

Lá mọc đối diện, láng và dai, hơi hình bầu dục, phía cuống nhọn hay hơi tròn, đầu tù hay nhọn, dài 6 – 12cm và rộng 3 – 6cm, cuống ngắn. Hoa không có cuống, mọc thành chùy nằm ở phía cuối, phủ lông màu hung nâu.

Quả hình cầu, đường kính 4 - 5cm, vỏ cứng, dày 4mm, chứa nhiều hạt hình cúc áo, đường kính hơn 22mm, dày 18mm giống như hạt mã tiền, cho nên có người cho rằng hoàng nàn là vỏ cây mã tiền. Thu hái vỏ thì gọi là hoàng nàn, thu hái hạt gọi là mã tiền.

cây hoàng nàn
Cây hoàng nàn

Phân bố, thu hái, chế biến

Theo các tác giả nghiên cứu trước, hoàng nàn chỉ thấy mọc ở một số nơi của miền Bắc Việt Nam: Hà Tây (Ba Vì), Thanh Hoá, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại Lào cũng có cây khu trú trên cùng một vĩ tuyến. Có thể ở những vùng này chỉ khai thác vỏ cho nên cho đó là hoàng nàn, còn những vùng khác chỉ khai thác hạt cho nên cho đó là cây mã tiền. Cần xác minh thêm về điều này.

Thông thường hoàng nàn được chặt cả cành, cắt thành khúc rồi mang về bóc vỏ. Vỏ dài 4 – 5 cm có cuốn vòng, dày 1,5 – 2 mm, đường kính 1 - 3cm, mặt ngoài có những nốt sần đỏ nâu hay xám đen, có nốt sần to, mặt phía trong xám nâu nhạt, có vết kẻ dọc, vết bẻ láng, nhìn rõ hai lớp. Khi thêm một giọt acid nitric vào mặt trong thấy có màu đỏ như máu, mặt ngoài có màu xanh lục đen. Vị rất đắng.

Trước đây vỏ cây hoàng nàn được bán tự do ở khắp nơi, những cửa hàng tạp hoá đều có bán để mua về làm thuốc chữa hủi và những bệnh ngoài da khó chữa và chó dại cắn. Hiện nay việc buôn bán phải theo chế độ của thuốc độc.

Khi sử dụng, thông thường phải cạo hết lớp vỏ vàng bên ngoài cho đến lần vỏ đen bên trong. Muốn dễ cạo hơn, có thể ngâm vỏ với nước vo gạo đặc một ngày, một đêm hoặc ngâm nước thường hay nấu (đồ) lên cho mềm. Sau đó lại ngâm nước vo gạo trong ba ngày đêm rồi vớt ra phơi hay sấy khô, tán thành bột rồi sử dụng. Cũng có thể trước khi tán bột lại tẩm dầu vừng sao qua rồi mới tán. Vỏ vàng cạo ra cũng giống như nước ngâm hoàng nàn cần phải đổ bỏ đi cẩn thận để tránh gây ngộ độc.

vị thuốc hoàng nàn
Vị thuốc hoàng nàn

 

Bộ phận sử dụng

Vỏ thân và cành cây Hoàng nàn được thu hái quanh năm. Để khô các bộ phận dưới ánh nắng mặt trời hoặc lửa vừa.

Vị thuốc là mảnh vỏ to nhỏ mấp mô, cuộn lại hoặc uốn thành rãnh. Kích thước không đều, trung bình khoảng 5 – 12cm (chiều dài) x 2 – 4cm (chiều ngang), dày khoảng 0,1 – 0,2cm. Mặt ngoài dược liệu có nhiều nốt sần sùi màu đỏ nâu hay nâu, bên trong có màu đen. Vỏ rất giòn và dễ bẻ gãy, vết bẻ không nhẵn, vị rất đắng.

Thành phần hoá học

Trong hoàng nàn có 2 hoạt chất là strychnin, brucin. Hàm lượng alkaloid toàn phần lên tới 5,23% trong đó brucin chiếm 2,81% và strychnin chiếm 2,37 - 2,43%. Tuy nhiên do chất nhựa kèm theo nên việc chiết xuất những alkaloid bằng phương pháp thông thường thường gặp trở ngại.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Vị: Đắng, tính lạnh nhưng mạnh, rất độc.

Quy kinh: Vào tỳ và can.

Công dụng: Trừ phong hàn, giảm đau, thông kinh lạc. Khử trùng đường hô hấp và làm long đờm, dễ khạc đờm.

Theo y học hiện đại

Do dược liệu có chứa strychnin ở liều lượng rất thấp, hoàng nàn có tác dụng kích thích thần kinh trung ương và ngoại vi, nhưng dễ gây ra các triệu chứng như co giật, nôn mửa, sợ ánh sáng. 

Strychnin: Đối kháng chọn lọc và cạnh tranh của glycine tại các thụ thể glycine ở tủy sống. 

Kích thích phản xạ tủy sống, tăng dẫn truyền thần kinh cơ, tăng dinh dưỡng và hoạt động của cơ. Thường được dùng chữa đau thần kinh ngoại biên, đau khớp, tê liệt, suy nhược, đái dầm, liệt dương.

Gây kích thích tiêu hóa, tăng nhu động ruột, giúp ăn ngon, dễ tiêu, tăng tiết dịch vị. 

Kích thích vào trung tâm nghe, nhìn, ngửi do đó làm tăng nhạy cảm của các cơ quan cảm giác. 

Ở liều cao, hoàng nàn kích thích mạnh tuỷ sống làm tăng phản xạ và gây cơn co giật giống như co giật uốn ván.

Liều dùng & cách dùng

Hoàng nàn là một vị thuốc rất độc. Tuy nhiên nhân dân nhiều tỉnh nước ta dùng hoàng nàn chữa bệnh dại, bệnh phong, bệnh ghẻ và một số bệnh ngoài da khó chữa. Ngoài ra, còn có đơn thuốc dùng hoàng nàn chữa thấp khớp.

Để chữa bệnh ghẻ, hoàng nàn thường được dùng phối hợp với thủy ngân và lá trầu không. Hoàng nàn trước khi dùng phải được chế biến như phần thu hái chế biến đã nêu phần trên.

cây hoàng nàn chữa ghẻ
Một trong những công dụng của Hoàng nàn là chữa ghẻ

Ở một số vùng miền Trung nước ta lại dùng hoàng nàn để làm thuốc cường dương, kích thích dục tính của phụ nữ.

Thuốc có độc do đó người không có kinh nghiệm không được dùng.

Bài thuốc kinh nghiệm

Đơn thuốc chữa tê thấp:

Hoàng nàn chế sao vàng 600g, hương phụ tứ chế 160g, đại hồi bỏ hạt, lấy vỏ 20g, thảo quả không sao, bỏ vỏ lấy hạt 20g. Bốn vị thuốc tán nhỏ. Uống 2 - 3 g thuốc này sau bữa ăn nửa giờ, chiêu bằng nước hoặc bằng rượu. Uống xong rồi thì đi nằm. Chữa nhức xương, tê thấp, sưng đầu gối. Một số người uống thuốc này vào thấy đau hơn, nhưng sau đó thì đỡ.

Bài thuốc có hàm lượng alkaloid mỗi lần uống liều 100mg, cần thận trọng khi sử dụng bài viết chỉ nên mang tính tham khảo (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi).

Trị vết loét và mụn ghẻ:

Điều chế dùng ngoài tán bột ngâm rượu, dùng với lá trầu không bôi lên các vết loét hoặc mụn ghẻ.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cây hoàng nàn

Vì thảo dược có độc (alkaloid và strychnin) do đó khi dùng cần thận trọng:

  • Mỗi lần dùng 0,1g. Liều tối đa trong ngày không được vượt quá 0,4g.

  • Phụ nữ có thai không dùng.

Hoàng nàn là loài cây phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Hoàng nàn có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm.

Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo
  1. Tra cứu dược liệu Hoàng nàn: https://tracuuduoclieu.vn/hoang-nan.html.

  2. Đỗ Huy Bích , Đặng Quang Chung , Bùi Xuân Chương , Nguyễn Thượng Dong , Đỗ Trung Đàm , Phạm Văn Hiền , Vũ Ngọc Lộ , Phạm Duy Mai , Phạm Kim Mãn , Đoàn Thị Nhu , Nguyễn Tập , Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.

  3. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học.