Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Thành phần khác/
  3. hợp chất curcu (chiết xuất lá cây nghệ trắng và lá cây nghệ đen)

Củ nghệ trắng: Loại gia vị với tác dụng chống oxy hoá cao

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Củ nghệ trắng, còn có tên gọi khác là ngải trắng, đây là một loại gia vị được sử dụng nhiều trong chế biến thức ăn. Tại Việt Nam, có nhiều loại nghệ trắng được tìm thấy ở nhiều khu vực khác nhau. Do nghệ trắng mọc hoang, nên không phổ biến như nghệ vàng và nghệ đen. Tuy nhiên, nghệ trắng có nhiều công dụng khác nhau trong việc điều trị bệnh, mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Củ nghệ trắng.

Tên khác: Ngải trắng, nghệ rừng, nghệ sùi, nghệ mọi.

Tên khoa học: Curcuma aromatica Salisb, thuộc chi nghệ (Curcuma), họ gừng (Zingiberaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cây nghệ trắng là một loại cây thân thảo, có chiều cao từ 20 đến 60cm, có thể cao đến 1m. Củ nghệ trắng dài, hình trụ hoặc hình trứng, bên ngoài có nhiều vảy, ruột có màu vàng nhạt và rất thơm.

Lá cây nghệ trắng hình giáo, mặt trên nhẵn và mặt dưới có lông mịn, lá dài, khoảng 30 đến 60cm, rộng khoảng 10 - 20 cm.

Hoa nghệ trắng mọc ở bên, có dạng hình nón và xếp chồng lên nhau. Mỗi cụm hoa có khoảng 3 đến 6 hoa mọc riêng lẻ. Ở gần phần gốc là vảy màu xanh nhạt, tiếp đến là vảy màu hồng hoặc tím nhạt mọc thưa. Hoa trên cùng có màu tím, mùa hoa của cây nghệ trắng nằm trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6.

Phân bố, thu hái, chế biến

Trên thế giới, củ nghệ trắng phân bố ở các vùng núi khí hậu nhiệt đới hoặc các vùng lân cận. Nghệ trắng còn phổ biến ở Ấn Độ, Nam Á. Tại Việt Nam, củ nghệ trắng có đến 27 loại, được tìm thấy nhiều ở các tỉnh Tây Bắc, Đắk Lắk, Quảng Bình, Lâm Đồng.

Củ nghệ trắng được thu hái vào mùa thu hoặc đông. Sau khi thu hái, phần rễ con sẽ được loại bỏ, củ nghệ trắng được rửa sạch, ngâm 2 đến 3 giờ cho mềm, thái mỏng rồi đem sấy hoặc phơi khô, bảo quản dùng dần.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng của nghệ trắng là thân rễ.

Củ nghệ trắng: Loại gia vị với tác dụng chống oxy hoá cao 1
Củ nghệ trắng

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Củ nghệ trắng theo Y học cổ truyền có vị cay, đắng, tính hàn và quy vào các kinh Phế, Can, Tâm.

Theo Đông Y, củ nghệ trắng có tác dụng hành khí, lương huyết, phá ứ. Có thể dùng trong điều trị các chứng về kinh đới như kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh. Củ nghệ trắng còn được sử dụng để điều trị các chứng ho gà, đau mỏi cơ nhục, gân cốt, viêm gan vàng da, đau tức ngực sườn hay chứng bụng đầy trướng.

Củ nghệ trắng: Loại gia vị với tác dụng chống oxy hoá cao 3
Theo Đông y, củ nghệ trắng có công dụng giúp chữa ho gà

Theo y học hiện đại

Trong điều trị kháng khuẩn

Theo một nghiên cứu vào năm 2013 của tác giả Revathi và công sự nhằm đánh giá hoạt tính kháng khuẩn của nghệ trắng. Chiết xuất hexane của nghệ trắng đã được thử nghiệm trên 10 chủng vi khuẩn khác nhau, gồm cả vi khuẩn gram âm và gram dương. Kết quả cho thấy rằng, chiết xuất hexane của nghệ trắng được phát hiện là có hoạt tính chống lại tất cả các vi khuẩn gram dương được thử nghiệm, nhưng không có hoạt tính chống lại các vi khuẩn gram âm thử nghiệm. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, chiết xuất nghệ trắng không chỉ có tác dụng ức chế mà còn có tác dụng diệt khuẩn.

Trong hoạt tính chống oxy hoá

Nghệ đen hay nghệ vàng từ lâu đã được nghiên cứu về công dụng chống oxy hóa, nhưng các nghiên cứu chưa phổ biến ở nghệ trắng. Do đó, một nghiên cứu về hoạt tính chống oxy hoá của củ nghệ trắng đã được thực hiện bởi tác giả Bùi Thị Kim Lý và cộng sự vào năm 2021. Từ kết quả của nghiên cứu cho thấy, chiết xuất của củ nghệ trắng có nhiều hợp chất như glycoside, saponin, tím, đường khử. Bên cạnh đó, hàm lượng cao của polyphenol và flavonoids được tìm thấy. Nghiên cứu này cũng cho kết quả rằng cao chiết nghệ trắng có khả năng chống oxy hóa cao qua phương pháp đánh giá bắt gốc tự do ABTS và DPPH.

Trong điều trị kháng viêm giảm đau

Tác giả Xiang và cộng sự năm 2017 đã kết luận các hợp chất tìm thấy trong chiết xuất nghệ trắng bao gồm 8,9-dehydro-9-formyl-cycloisolongifolene, germacrone, ar-turmerone, turmerone, ermanthin (0.75-13.26%), β-sesquiphyllandrene và ar-curcumene. Nghiên cứu còn đánh giá hoạt tính chống viêm của chiết xuất nghệ trắng. Kết quả cho thấy, tác dụng chống viêm của chiết xuất nghệ trắng bằng cách giảm đáng kể sự biểu hiện của yếu tố hoại tử khối u (TNF-alpha) và cyclooxygenase-2 (COX-2).

Trong điều trị chống ung thư

Một nghiên cứu năm 2017 tại Trung Quốc đánh giá thành phần hoá học, hoạt tính chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống ung thư của nghệ trắng đã cho thấy trong nghệ trắng có tới 12 loại tinh dầu với 78 thành phần được xác định. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất củ nghệ trắng có hoạt tính chống ung thư, chống lại các tế bào khối u ác tính (B16) và tế bào ung thư tiền liệt tuyến (LNCaP). Nghiên cứu cũng kết luận rằng thành phần và hoạt tính sinh học của củ nghệ trắng là khác nhau, có thể dựa vào các điều kiện môi trường sống khác biệt.

Củ nghệ trắng: Loại gia vị với tác dụng chống oxy hoá cao 4
Chiết xuất củ nghệ trắng có tác dụng giúp chống lại các tế bào ung thư

Trong ung thư phổi không tế bào nhỏ

Ung thư phổi không tế bào nhỏ là một loại ung thư phổ biến, chiếm 85% tổng số ca ung thư phổi, đây là một bệnh lý có khả năng di căn cao và tiên lượng xấu. Một nghiên cứu nhằm đánh giá hoạt tính chống khối u của tinh dầu củ nghệ trắng được thu hoạch vào mùa xuân và mùa thu trên ung thư phổi không tế bào nhỏ đã được thực hiện. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng, chiết xuất tinh dầu củ nghệ trắng có công dụng giúp gây ra chết tế bào theo chu trình (apoptosis) ở các tế bào ung thư.

Nghiên cứu cũng cho thấy tinh dầu nghệ trắng ức chế đường truyền tín hiệu Akt/NF-κB trong tế bào NCI-H1299, đồng thời cũng giúp ức chế đáng kể sự phát triển ung thư phổi không tế bào nhỏ ở chuột thí nghiệm. Do đó, có thể thấy, tinh dầu chiết xuất củ nghệ trắng có tiềm năng trong việc trở thành một sản phẩm mới để phòng ngừa và điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai để có thể kết luận và sử dụng củ nghệ trắng trong ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Liều dùng & cách dùng

Vị thuốc từ củ nghệ trắng có thể dùng dưới dạng sắc uống, dạng tán bột mịn hoặc ngâm rượu dùng ngoài. Liều dùng khuyến cáo của củ nghệ trắng từ 2 đến 4g mỗi ngày.

Củ nghệ trắng: Loại gia vị với tác dụng chống oxy hoá cao 5
Củ nghệ trắng có thể dùng dưới dạng tán bột mịn để uống

Lưu ý

Mặc dù củ nghệ trắng thường được sử dụng trong Y học cổ truyền để điều trị nhiều bệnh lý, củ nghệ trắng cũng được xem là ăn toàn do không có độc tố. Tuy nhiên, một số lưu ý khi sử dụng củ nghệ trắng như:

  • Tuân thủ theo chỉ định sử dụng của bác sĩ Y học cổ truyền trong việc sử dụng củ nghệ trắng để điều trị bệnh.
  • Các trường hợp huyết hư không có ứ trệ không nên dùng.
  • Phụ nữ có thai không nên sử dụng.

Trong một nghiên cứu về hợp chất phân lập từ củ nghệ trắng đã cho thấy chiết xuất nghệ trắng có thể ức chế enzym P450 ở người. Điều này đồng nghĩa với việc chiết xuất nghệ trắng có thể gây ra các tương tác thuốc và thực phẩm qua ức chế cytochrome P450. Do đó, mặc dù không độc tính, nhưng việc sử dụng củ nghệ trắng nên tuân theo chỉ định, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh tương tác thuốc.

Củ nghệ trắng: Loại gia vị với tác dụng chống oxy hoá cao 7
Củ nghệ trắng có thể có các tương tác với thuốc khác
Nguồn tham khảo