Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Kim ngân hoa - vị thuốc thanh nhiệt, giải độc quen thuộc

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Kim ngân hoa được biết đến là một vị dược liệu quý được ứng dụng rộng rãi trong các bài thuốc thanh nhiệt của Y học cổ truyền. Kim ngân hoa với các tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, điều hòa miễn dịch và còn nhiều khả năng khác vẫn đang được nghiên cứu. Cùng tìm hiểu một số thông tin cơ bản về vị thuốc này qua bài viết bên dưới.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Kim ngân hoa.

Tên gọi khác: Nhẫn đông, song hoa.

Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb. Theo Dược điển Việt Nam V, một số loài khác cùng chi như Lonicera dasystyla Rehd.; Lonicera confusa DC.; Lonicera cambodiana Pierre cũng có thể dùng làm vị thuốc Kim ngân hoa.

Chi Lonicera, họ Caprifoliaceae, bộ Dipsacales.

Đặc điểm tự nhiên

Cây leo bằng thân quấn, có thể dài tận 10m hoặc hơn. Cành non của cây có lớp lông đơn ngắn mịn bao phủ và lông tuyến có cuống, thường hay thấy ở thân già, màu hơi đỏ có vân.

Lá mọc đối, hơi dày, phiến lá có hình mũi mác hoặc trái xoan. Chiều dài lá từ 4 - 7 cm, rộng 2 - 4 cm, gốc tròn, đầu nhọn, có nhiều nếp trừ các gân của mặt dưới, cuống lá dài 5-6 mm, có lông tơ mịn.

Cụm hoa mọc thành từng đôi ở kẽ các lá tận cùng, tràng màu trắng hoặc bạc sau một thời gian sẽ chuyển sang màu vàng (nên có tên là Kim ngân), có lông mịn và lông tuyến ở ngoài, mùi thơm nhẹ đặc trưng, ống tràng dài từ 1,8 - 2 cm, có 2 môi, môi dài 1,5 - 1,8 cm, nhị 5 thò ra ngoài, dính ở họng tràng hoa, bao phấn đính lưng. Hoa có kèm lá bắc hình mũi mác, tròn có lông thưa ở mép, dài 5 răng, mảnh, đôi khi không bằng nhau, có lông mịn.

Quả hình cầu hoặc hình trứng, dài khoảng 5mm, có màu đen.

Kim ngân hoa - vị thuốc thanh nhiệt, giải độc quen thuộc 1
Cây Kim ngân

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố: Có khoảng 10 loài thực vật thuộc chi Lonicera tại Việt Nam được dùng làm vị thuốc Kim ngân hoa. Kim ngân có nguồn gốc từ các vùng Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Sau này, cây được trồng rộng rãi tại nhiều nơi như Việt Nam, các nước Châu Mỹ, Úc,... Tại Việt Nam, Kim ngân hoa chủ yếu được thu hái tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang,...

Thu hái: Kim ngân trồng vào thời vụ mùa đông và mùa xuân rất thuận lợi để sinh trưởng. Việc thu hái hoa nên thực hiện khi hoa gần chớm nở vào khoảng 9 - 10 giờ sáng khi sương đã ráo. Dây lá thì có thể thu hái quanh năm.

Chế biến: Sau khi thu hái, loại bỏ tạp chất rồi phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ đến khi khô hoàn toàn. Tỷ lệ cành lá không quá 2%, các tạp chất khác không quá 0,5%.

Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh sâu mọt, độ ẩm không quá 12%.

Kim ngân hoa - vị thuốc thanh nhiệt, giải độc quen thuộc 2
Hoa Kim ngân

Bộ phận sử dụng

Nụ hoa của cây Lonicera japonica Thunb. hoặc các cây cùng chi được sử dụng làm thuốc.

Nụ hoa dùng làm thuốc hình ống cong dài từ 1 - 5cm, đầu to, đường kính từ 0,2 - 0,5cm, phủ đầy lông ngắn và có màu vàng hoặc vàng nâu. Mùi thơm nhẹ và vị hơi đắng. Tỷ lệ hoa nở không quá 10%.

Kim ngân hoa - vị thuốc thanh nhiệt, giải độc quen thuộc 3
Vị thuốc Kim ngân hoa

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị, quy kinh

Tính vị: Vị cam (ngọt), tính hàn.

Quy kinh: Phế, Tâm, Vị.

Công năng, chủ trị

Công năng: Thanh nhiệt giải độc, phát tán phong nhiệt.

Chủ trị: Những loại ôn bệnh gây triệu chứng phát nhiệt, phong nhiệt phạm biểu, ung nhọt, ban sởi, mày đay, mẩn ngứa.

Theo y học hiện đại

Tác dụng kháng khuẩn

Rahman và cộng sự (2009) đánh giá khả năng kháng khuẩn của tinh dầu hoa và chiết xuất ethanol từ lá của Lonicera japonica. Tác dụng kháng khuẩn đáng chú ý của chúng đã được phát hiện đối với Listederia monocytogenes ATCC 19116, Bacillus subtilis ATCC 6633, Bacillus cereus SCK 111, Staphylococcus aureus (ATCC 6538 và KCTC 1916)Salmonella enteritidis KCTC 12021, Salmonella typhimurium KCTC 2515, Enterobacter aerogenes KCTC 2190Escherichia coli ATCC 8739.

Theo nghiên cứu của Sun (2002) và nghiên cứu của Song (2003) Lonicera japonica cũng cho thấy hoạt tính kháng khuẩn rõ rệt chống lại 14 chủng, bao gồm Staphylococcus aureus, Streptococcus hemolyticus, Escherichia coli, Bacillus dysenteriae, Bacillus comma, Bacillus typhosus, Bacillus paratyphosus, Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella pneumoniae, Bacillus tuberculosis, Streptococcus mutans, Bacillus adhaerens, Bacteroides melanogenicus và Haemophilus actinomycetemcomitans,... Và nghiên cứu kháng khuẩn chống lại các chủng huyết thanh khác nhau của Streptococcus mutans đã chứng minh rằng dịch chiết của Lonicera japonica có thể ức chế 87,5% chủng có MIC 25 mg/ml.

Tác dụng kháng virus

Ma và cộng sự (2002) đã chọn 44 loại dược liệu được sử dụng để điều trị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc và đã thử nghiệm các hoạt động chống lại virus hợp bào hô hấp (RSV) bằng xét nghiệm tác dụng tế bào học (CPE). Lonicera japonica cho thấy hoạt tính kháng virus mạnh chống lại RSV, nồng độ ức chế 50% (IC50) là 50,0 μg/ml và chỉ số chọn lọc (SI) lớn hơn 20,0.

Xi và cộng sự (2008) cho rằng chiết xuất Lonicera japonica cho thấy tác dụng chữa bệnh rõ ràng đối với chuột bị viêm phổi do virus cúm A. Các chỉ số phổi của nhóm được sử dụng dịch chiết Lonicera japonica và nhóm ribovirin thấp hơn nhóm chứng với sự khác biệt có ý nghĩa (p<0,01). Lonicera japonica có thể làm giảm những thay đổi về mô bệnh học, sự nhân đôi của virus và hàm lượng acid nucleic của virus cúm (p<0,01), so với nhóm chứng. Đồng thời, biểu hiện TNF-α, IL-1β của nhóm Lonicera japonica và nhóm ribovirin đều thấp hơn nhóm chứng với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,01).

Các nghiên cứu khác còn cho thấy tác dụng của Lonicera japonica trên các loại virus khác như cytomegalovirus, herpes simplex (HSV-1F và HSV-1HS-1), H9N2, H1N1, NDV,...

Kim ngân hoa - vị thuốc thanh nhiệt, giải độc quen thuộc 4
Kim ngân hoa có tác dụng chống virus cúm A

Tác dụng chống oxy hóa

Chio và cộng sự (2007) đã đánh giá tác dụng chống oxy hóa của hoa Lonicera japonica. Phần EtOAc thể hiện hoạt động thu hồi/ức chế rõ rệt như sau: Giá trị IC50 là 4,37, 27,58±0,71, 0,47±0,05 và 12,13±0,79 μg/ml trong các xét nghiệm tương ứng là gốc 1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH), tổng loại oxy phản ứng (ROS), gốc hydroxyl (−OH) và peroxynitrite (ONOO−).

Li và cộng sự (2008) cho biết hoạt tính chống oxy hóa của các polysaccharide có trọng lượng phân tử khác nhau được tách ra khỏi Kim ngân hoa bằng phương pháp siêu lọc cũng được nghiên cứu. Khả năng khử của polysaccharides có mối tương quan trực tiếp giữa hoạt động chống oxy hóa và nồng độ của một số chiết xuất thực vật nhất định và phần siêu lọc có tác dụng ức chế đáng kể đối với các gốc superoxide được tạo ra trong hệ thống PMS/NADA/NBT. 

Khi dùng cho chuột, chiết xuất polysaccharides thô (50–400  mg/kg) có thể làm giảm hàm lượng lipid peroxidate malony dialdehyde (MDA), cải thiện hoạt động của glutathione peroxidase (GSH-Px) và catalase (CAT), đồng thời tăng cường đáng kể hoạt tính superoxide dismutase (SOD) trong huyết thanh và mô.

Tác dụng chống viêm

Lee và cộng sự (1998) đã đánh giá hoạt tính chống viêm của phần n -butanol (BuOH, 4,2% dựa trên trọng lượng khô) của Lonicera japonica. Ở liều uống 400 mg/kg, nó cho thấy hoạt động chống viêm đáng kể với các mô hình gây viêm ở chuột nhắt và chuột cống, mức ức chế tương ứng là 27%, 23%, 26%, 18% và 42%. Tỷ lệ ức chế của thuốc tương đương với aspirin (100 mg/kg) lần lượt là 27%, 13%, 13%, 0% và 58%.

Kang và cộng sự (2004) đã nghiên cứu ảnh hưởng của dịch chiết Lonicera japonica trong nước đến hoạt hóa tế bào mast do trypsin gây ra (HMC-1). Sau khi được kích thích bằng trypsin (100  μM), Lonicera japonica có thể ức chế sự bài tiết TNF-α, biểu hiện mRNA của tryptase và quá trình phosphoryl hóa ERK do trypsin gây ra theo cách phụ thuộc vào liều lượng. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng đến hoạt động của trypsin ngay cả với 1000  μg/ml. Tất cả những điều này đều chỉ ra rằng Lonicera japonica có thể ức chế sự kích hoạt tế bào mast do trypsin gây ra thông qua việc ức chế quá trình phosphoryl hóa ERK hơn là ức chế hoạt động của trypsin

Xu và cộng sự (2007) báo cáo đặc tính chống viêm được đánh giá trong tế bào A549 của dịch chiết nước từ hoa Lonicera japonica. Chiết xuất này ức chế trực tiếp cả hoạt động của COX-1 và COX-2, sự biểu hiện của protein COX-2 và mRNA do IL-1β gây ra. Nhưng liều chiết xuất cần cao hơn để ngăn chặn sự biểu hiện của mRNA so với protein. Kết quả này chỉ ra rằng chiết xuất hoạt động dịch mã hoặc hậu dịch mã ở liều thấp hơn và phiên mã hoặc hậu phiên mã ở liều cao hơn.

Tác dụng bảo vệ gan

Ở chuột bị xơ gan do dimethylnitrosamine (35 mg/kg trong 7 ngày), chiết xuất ethanol 75% của Lonicera japonica cho thấy tác dụng bảo vệ gan đáng kể. Có tổng cộng 19 hợp chất như 8-phenyl-8-azbicyclo[4,3,0]non-3-ene-7,9-dione, 3-[1,3]dioxolan-2-yl-4-methoxy-6-nitro-benzo[d]isoxazol,(E)-2-(5,5,5-Yip richloro-3-penten-1-yl)-1,3-dioxolane, 3,3-diphenyl-cyclopropen,  2-(methoxy-imino)-hexanedioic acid, gamma-lactone-2-methoximinegluconic acid, 2-(6-heptynyl)-1,3-dioxolane, and bis(o-methyloxime)-4-ketoglucose đã được phân lập và xác định bằng phương pháp tách chiết trong ethanol 75%.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng từ 12g đến 16g, dạng thuốc sắc, trà tẩm, hoàn, tán hoặc có thể ngâm rượu. Thường dùng độc vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Kim ngân hoa - vị thuốc thanh nhiệt, giải độc quen thuộc 5
Trà Kim ngân hoa

Lưu ý

Người có Tỳ vị hư hàn gây tiêu lỏng, hoặc vết thương hở, mụn nhọt có mủ loãng do khí hư; mụn nhọt đã có mủ và vỡ loét không nên dùng.

Nguồn tham khảo
  1. Shang X, Pan H, Li M, Miao X, Ding H. Lonicera japonica Thunb.: ethnopharmacology, phytochemistry and pharmacology of an important traditional Chinese medicine. J Ethnopharmacol. 2011;138(1):1-21. doi:10.1016/j.jep.2011.08.016
  2. He H, Zhang D, Gao J, Andersen TR, Mou Z. Identification and evaluation of Lonicera japonica flos introduced to the Hailuogou area based on ITS sequences and active compounds. PeerJ. 2019;7:e7636. Published 2019 Sep 3. doi:10.7717/peerj.7636
  3. Sun CY, Zhao P, Yan PZ, Li J, Zhao DS. Investigation of Lonicera japonica Flos against Nonalcoholic Fatty Liver Disease Using Network Integration and Experimental Validation. Medicina (Kaunas). 2022;58(9):1176. Published 2022 Aug 30. doi:10.3390/medicina58091176
  4. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  5. Bộ Y tế (2020). Dược điển Việt Nam IV.