Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sởi là bệnh gì? Dấu hiệu nào để nhận biết bệnh Sởi?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sởi là căn bệnh nguy hiểm do virus sởi gây ra, thường gặp đối với trẻ em và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện ở người lớn nếu tiêm phòng không đúng cách. Bệnh Sởi rất dễ lây lan, có thể lây truyền trong không gian nhỏ, ngay cả khi không tiếp xúc giữa người với người. Đặc trưng bởi phát ban, sốt, ho, sổ mũi và viêm kết mạc.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sởi là gì? 

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp do virus thuộc giống Morbillivirus, họ Paramyxoviridae gây ra, thường gặp ở trẻ em. Mặc dù phần lớn trẻ mắc bệnh đều có thể hồi phục sau thời gian điều trị, nhưng ở những trẻ có sức đề kháng kém thì bệnh có thể diễn tiến nặng và dẫn đến biến chứng về sau.

Sởi lưu hành rộng, bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, cộng thêm khả năng lây lan rất nhanh của bệnh nên rất dễ bùng phát thành dịch. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ đem đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sởi

Để phát hiện kịp thời khi mắc bệnh sởi, cần lưu ý những dấu hiệu mà hầu như ai cũng gặp phải khi mắc sởi: Sốt, phát ban, ho, viêm kết mạc mắt, chảy nước mũi.

Sau khi nhiễm sởi, thời gian ủ bệnh thông thường của sởi từ 12 – 14 ngày, thậm chí kéo dài đến 21 ngày. Đặc biệt, sởi có thể lan truyền từ 1 ngày trước khi bắt đầu giai đoạn khởi phát đến 4 ngày sau khi xuất hiện ban. Triệu chứng sởi có những biểu hiện sau:

  • Khi sởi bắt đầu khởi phát, bệnh nhân thường biểu hiện: Sốt cao, viêm kết mạc, viêm đường hô hấp trên, viêm thanh quản cấp.
  • Sau khoảng 3 – 4 ngày, ban bắt đầu xuất hiện, ban sởi có màu hồng và xuất hiện lần lượt từ sau tai, trán, xuống vùng ngực đến lưng, rồi xuống đùi và cuối cùng là bàn chân. Khi ban sởi biến mất sẽ để lại vảy, vết thâm trên da.
  • Thông thường, sởi rất dễ bị nhầm lẫn với Rubella do có nhiều triệu chứng giống nhau. Để có thể phân biệt được hai căn bệnh này, có thể dựa vào một số điểm đặc trưng sau.

Bệnh sởi

Bệnh Rubella

Triệu chứng của bệnh có thể kéo dài lên đến 10 ngày.

  • Phát ban nổi rõ thành từng đốm, lành vẫn có thể để lại dấu vết;

  • Sốt cao có thể lên đến 400C;

  • Có giai đoạn tiền triệu chứng đặc trưng với các biểu hiện như sốt, chảy nước mũi, ho khan, viêm kết mạc.

Triệu chứng bệnh có thể kéo dài khoảng 5 ngày.

  • Phát ban nhẹ, mờ nhanh, sau khi khỏi ban biến mất hoàn toàn;

  • Sốt nhẹ;

  • Không có giai đoạn tiền triệu chứng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc sởi

Sởi nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm:

  • Tiêu chảy là biến chứng thường gặp nhất, tiêu chảy do bệnh sởi có thể dẫn đến tình trạng dinh dưỡng giảm sút. Các biến chứng đường tiêu hóa khác: Viêm nướu, viêm dạ dày – ruột, viêm ruột thừa, viêm gan, viêm hạch mạc treo ruột;

  • Hầu hết các trường hợp tử vong do biến chứng đường hô hấp hoặc viêm não;

  • Ức chế miễn dịch và nhiễm trùng thứ phát: Nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm dạ dày ruột và viêm tai giữa, nguyên nhân quan trọng gây tử vong liên quan đến sởi;

  • Biến chứng thần kinh liên quan sởi: Viêm não, viêm não lan tỏa cấp tính và viêm não xơ cứng bán cấp;

  • Biến chứng ở mắt của bệnh sởi: Viêm giác mạc (nguyên nhân phổ biến gây mù lòa) và loét giác mạc;

  • Biến chứng tim của bệnh sởi: Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp do virus thuộc giống Morbillivirus, họ Paramyxoviridae gây ra.

Virus sởi có 2 kháng nguyên: Kháng nguyên tan hồng cầu (Hemolysin) và kháng nguyên ngưng kết hồng cầu (Hemagglutinin).

Virus sởi sau khi xâm nhập qua niêm mạc đường hô hấp hoặc kết mạc, bắt đầu nhân lên ở tế bào biểu mô và lây lan đến các hạch bạch huyết. Sau đó, virus vào máu và lan đến lưới nội mô khác.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sởi

Sởi có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sởi

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này, như:

  • Sởi rất dễ lây lan, sự lây truyền xảy ra khi tiếp xúc giữa người với người cũng như lây lan trong không khí. Sởi có thể lây truyền trong không gian nhỏ, ngay cả khi không tiếp xúc giữa người với người;

  • Ở khu vực ôn đới, tỷ lệ mắc sởi cao nhất vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân;

  • Người có nguy cơ mắc bệnh sởi: Trẻ quá nhỏ chưa đến tuổi chủng ngừa, những người chưa được chủng ngừa;

  • Du lịch đến khu vực lưu hành sởi hoặc tiếp xúc những người bị sởi đến từ các khu vực này sẽ làm tăng nguy cơ phơi nhiễm sởi;

  • Nhóm người nguy cơ cao mắc biến chứng của sởi: Bệnh nhân suy giảm miễn dịch, người bị thiếu vitamin A hoặc tình trạng dinh dưỡng kém, phụ nữ có thai và người ở độ tuổi quá cao.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sởi

Chẩn đoán phải dựa vào triệu chứng lâm sàng của sởi và xét nghiệm cần thiết:

Triệu chứng lâm sàng:

Sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt) hoặc chảy nước mũi.

Xét nghiệm:

  • Xét nghiệm Measles IgM: Phát hiện kháng thể IgM đáp ứng miễn dịch đặc hiệu với virus sởi. IgM xuất hiện trung bình sau 4 – 5 ngày khi người bệnh bắt đầu phát ban, mất dần từ tuần thứ 7 trở đi và mất hoàn toàn vào tuần thứ 8. Kết quả xét nghiệm dương tính có thể cho ta biết được cấp độ của bệnh.

  • Xét nghiệm Measles IgG: Kháng thể IgG xuất hiện cao nhất sau khoảng 4 tuần phát bệnh và tồn tại thời gian dài sau nhiễm trùng.

  • Xét nghiệm Measles PCR: Phát hiện các RNA của sởi ngay khi trong giai đoạn ủ bệnh. Phương pháp có giá trị chẩn đoán cao kể cả khi kháng thể IgG và IgM chưa xuất hiện.

Phương pháp điều trị sởi

Việc điều trị bệnh sởi mang tính chất hỗ trợ, không có liệu pháp kháng virus sởi cụ thể được chấp thuận để điều trị bệnh sởi.

Nguyên tắc điều trị:

Cách ly bệnh nhân sởi.

Biện pháp điều trị:

Điều trị hỗ trợ:

  • Vệ sinh miệng họng, da, mắt;
  • Hạ sốt;
  • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng;
  • Bổ sung vitamin A: Thiếu vitamin A góp phần làm chậm hồi phục và dẫn đến tỷ lệ cao biến chứng sau sởi. Ngoài ra, nhiễm trùng sởi có thể dẫn đến thiếu vitamin A cấp tính. Sử dụng vitamin A cho trẻ em mắc bệnh sởi có liên quan đến giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Điều trị biến chứng:

  • Điều trị kháng sinh khi bội nhiễm vi khuẩn;
  • Hạn chế truyền dịch khi có biến chứng viêm phổi, viêm não hoặc viêm cơ tim;
  • Điều trị hỗ trợ duy trì chức năng sống cho bệnh nhân khi viêm màng não cấp tính.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của sởi

Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.

Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị.

Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.

Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ và thường xuyên.

Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.

Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất đinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa sởi

Tiêm phòng vaccine sởi đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y Tế.

Cách ly người mắc sởi, tránh tập trung đông người khi có dịch.

Những người tiếp xúc với bệnh nhân và bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế.

Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường thường xuyên.

Nâng cao thể trạng, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng.

Nguồn tham khảo
  1. Measles: Epidemiology and transmission –  UpToDate 2021

  2. Measles: Clinical manifestations, diagnosis, treatment, and prevention –  UpToDate 2021

  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/symptoms-causes/syc-20374857

  4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/diagnosis-treatment/drc-20374862

  5. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8584-measles

Các bệnh liên quan

  1. Viêm não Nhật Bản

  2. Nhiễm giun đũa

  3. Viêm màng não do liên cầu

  4. Bệnh do vi-rút Zika

  5. Cúm H1N1

  6. Nhiễm sán máng

  7. Bạch hầu

  8. Ghẻ cóc (do nhiễm Treponema pertenue)

  9. Nhiễm giun lươn

  10. Bệnh viêm màng não do Haemophilus