Long Châu

Viêm phổi - Làm thế nào để trị dứt điểm viêm phổi?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm phổi là một bệnh gây viêm hoặc nhiễm trùng phổi thường gặp, đặc biệt là ở các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như hệ miễn dịch yếu, điều kiện môi trường sống ô nhiễm, hút thuốc lá và dùng chất kích thích nhiều… Mức độ nghiêm trọng của bệnh tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh và sức đề kháng của bệnh nhân. Khi có các dấu hiệu gợi ý viêm phổi, bệnh nhân nên đi khám và điều trị ngay để tránh các tổn thương lan rộng hơn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm phổi là gì? 

Viêm phổi là tình trạng viêm, nhiễm trùng ở mô phổi. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, cả người lớn và trẻ sơ sinh, cả nam và nữ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi

Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng tùy vào nguyên nhân gây bệnh và sức đề kháng của bệnh nhân:

  • Đau ngực khi thở hoặc ho;

  • Lú lẫn hoặc thay đổi nhận thức (thường ở người trên 65 tuổi);

  • Ho, có thể có đờm;

  • Hụt hơi;

  • Mệt mỏi;

  • Sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh;

  • Giảm nhiệt độ cơ thể (ở người trên 65 tuổi và người có hệ miễn dịch kém);

  • Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy;

  • Giảm ngon miệng;

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể không có bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng hoặc đôi khi có thể có các triệu chứng như nôn mửa, sốt, ho, bồn chồn, mệt mỏi và không có năng lượng, khó thở, khó ăn.

Tác động của viêm phổi đối với sức khỏe 

Viêm phổi thường gây khó thở, hụt hơi, ho, làm người bệnh mệt mỏi, khó chịu, không thể sinh hoạt như bình thường được. Với các trường hợp nặng, viêm phổi còn gây ra các biến chứng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bệnh nhân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm phổi

Nếu viêm phổi không được phát hiện hoặc không được điều trị hợp lý, có thể dần phát triển thành viêm phổi mạn tính, gây xơ phổi, nặng hơn nữa có thể gây biến chứng suy tim phải, suy hô hấp và tử vong.

Viêm phổi do vi khuẩn nếu không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì có thể gây nhiễm trùng máu, lan đến các cơ quan khác và làm suy đa tạng. Trong trường hợp có mủ ở khoang trong phổi, nếu không điều trị kịp có thể dẫn đến áp xe phổi.

Bên canh đó, việc tích tụ chất lỏng xung quanh phổi sẽ gây ra tràn dịch màng phổi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm phổi

Viêm phổi cộng đồng: Do các tác nhân trong môi trường sống như vi khuẩn (Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Haemophilus influenzae, Legionella pneumophila…), virus (Covid 19, virus hợp bào hô hấp RSV, virus cúm…), nấm (Pneumocystis jirovecii, Cryptococcus spp…)

Viêm phổi bệnh viện: Mắc phải trong thời gian nằm viện vì một bệnh khác. Trường hợp này nghiêm trọng hơn viêm phổi cộng đồng vì vi khuẩn gây bệnh đã kháng nhiều kháng sinh và sức khỏe bệnh nhân cũng đang không tốt.

Viêm phổi hít: Do bị sặc hoặc hít phải các dị vật (thức ăn, nước uống, nước bọt, dịch tiết hầu họng …) vào trong phổi. Bệnh thường gặp ở người có vấn đề về nuốt hoặc sử dụng quá nhiều thuốc an thần, rượu, ma túy.

Viêm phổi sau khi điều trị ung thư bằng bức xạ ở vùng ngực, phổi hoặc toàn thân.

Một số loại thuốc có thể gây viêm phổi nếu dùng lâu dài hoặc quá liều (quá liều aspirin, corticosteroid…).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm phổi?

Người có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy yếu.

Người đang nằm viện.

Người hít phải các chất độc, ô nhiễm ở nơi làm việc hoặc môi trường sống.

Người có vấn đề về nuốt (người bị chấn thương sọ não, sa sút trí tuệ, Parkinson…) dễ mắc viêm phổi hít.

Người đã từng điều trị ung thư bằng bức xạ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi, bao gồm:

  • Hệ miễn dịch kém (trẻ dưới 2 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, người nhiễm HIV/AIDS, ghép tạng…).

  • Đang nằm viện, đặc biệt nếu có sử dụng máy thở.

  • Đang mắc bệnh mạn tính khác (hen, COPD…)

  • Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, chất kích thích (làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công).

  • Nghề nghiệp (người làm về nông nghiệp hít phải thuốc trừ sâu hoặc các hóa chất dạng xịt khác, người nuôi gia cầm tiếp xúc nhiều với lông và phân gia cầm…).

  • Người mắc ung thư đã hoặc đang xạ trị/hóa trị.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phổi

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn và tiến hành khám sức khỏe, nghe phổi bằng ống nghe để kiểm tra xem có bọt khí bất thường hoặc âm thanh gợi ý bệnh viêm phổi hay không. Khi nghi ngờ viêm phổi, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sau:

Xét nghiệm máu;

Xét nghiệm mẫu đờm;

Chụp X quang, CT phổi;

Đo nồng độ oxy bão hòa trong máu;

Kiểm tra chức năng phổi: Đo dung tích phổi;

Nội soi phế quản;

Sinh thiết phổi;

Cấy dịch màng phổi.

Phương pháp điều trị viêm phổi hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Thuốc

Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp viêm phổi do vi khuẩn. Trước khi kê đơn cho bệnh nhân, bác sĩ phải cho xét nghiệm loại vi khuẩn gây bệnh và thực hiện kháng sinh đồ để sử dụng kháng sinh hiệu quả nhất.

Thuốc kháng nấm nếu bị viêm phổi do nấm.

Thuốc ho, long đờm.

Thuốc hạ sốt, giảm đau (aspirin, ibuprofen, acetaminophen…).

Thuốc kháng viêm corticoid.

Nếu bệnh nhân khó thở nhiều hoặc chỉ số SpO2 trong máu giảm nhiều, có thể cần phải thở oxy.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn, không lao lực quá độ đến khi khỏi hẳn.

  • Bỏ hẳn thuốc lá vì đây có thể là nguyên nhân gây bệnh và khiến bệnh trầm trọng hơn.

  • Nếu có dùng thuốc kháng sinh, bệnh nhân phải uống đủ liều theo chỉ định của bác sĩ.

  • Có thể súc họng bằng nước muối loãng để giảm bớt cơn ho.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống đủ nước, đặc biệt là nước lọc, có thể bổ sung thêm nước trái cây. 

  • Hạn chế uống rượu bia và đồ uống chứa cồn.

Phương pháp phòng ngừa viêm phổi hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tiêm phòng vaccin viêm phổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi dễ bị nhiễm phế cầu khuẩn. Các bác sĩ cũng khuyến cáo nên tiêm phòng vaccin cúm cho trẻ trên 6 tháng.

  • Vệ sinh sạch sẽ, đeo khẩu trang khi ra đường hoặc khi vào bệnh viện để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng phổi.

  • Không hút hoặc bỏ hẳn thuốc lá.

  • Giữ cho hệ thống miễn dịch của cơ thể được khỏe mạnh bằng cách ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng; ngủ đủ giấc; tập luyện thể dục thường xuyên.

  • Đối với bệnh nhân bị khó nuốt, cần ăn thức ăn loãng, ăn chậm để tránh sặc gây viêm phổi hít.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pneumonia/symptoms-causes/syc-20354204
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pneumonitis/symptoms-causes/syc-20352623
  3. https://www.webmd.com/lung/understanding-pneumonia-basics
  4. https://www.healthline.com/health/pneumonia#diagnosis

Các bệnh liên quan