Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Ngó sen có tên khoa học là Nodus Nelumbinis Rhizomatis thuộc họ Sen - Nelumbonaceae có tác dụng cầm máu, tráng dương, an thần.
Tên Tiếng Việt: Liên ngẫu.
Tên khác: Ngẫu tiết; Ngó sen.
Tên khoa học: Nodus Nelumbinis Rhizomatis thuộc họ Sen - Nelumbonaceae.
Cây sen là một loài cây thuốc quý, mọc dưới nước trong bùn lầy. Thân rễ có dáng hình trụ, có thể dùng chế biến thực phẩm còn được gọi là Ngó sen hay ngẫu tiết. Lá vươn ra khỏi mặt nước, phiến lá hình khiên to rộng có gân tỏa tròn, với đường kính khoảng 60 - 70 cm, cuống lá dài, có gai nhỏ trên cuống.
Hoa thường có màu trắng hoặc đỏ hồng, dạng lưỡng tính. Đài 3 - 5, màu lục. Tràng gồm nhiều cánh hoa màu hồng hoặc phớt trắng, những cánh ngoài có thể có màu lục như màu của lá đài. Nhị gồm bao phấn 2 ô, nứt dọc. Gạo sen là phần trung đới mọc dài ra thành một phần hình trắng, dân gian thường dùng gạo sen để ướp chè. Gương sen (liên phòng) gồm nhiều lá noãn rời nhau đựng trong một đế hoa loe ra thành hình nón ngược. Mỗi lá noãn có 1 - 3 tiểu noãn.
Liên nhục chính là quả chứa hạt nhưng không có nội nhũ. Hai lá mầm dày, liên tâm chính là gồm 4 lá non gập vào phía trong tạo nên chồi mầm.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây có xuất xứ từ các vùng Malaysia, châu Ðại dương và vùng Ðông Dương. Sen được trồng ở nhiều nơi thường mọc hoang ở các vùng ao hồ, đầm lầy ở nước ta.
Sen được dùng để chế biến món ăn và dùng để trị bệnh thường kết hợp với các loại thảo dược khác. Mùa thu hoạch rơi vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 trong năm.
Toàn cây đều có thể dùng làm thuốc. Bài này sẽ đề cập đến bộ phận Ngó Sen – Nodus Nelumbinis Rhizomatis, thường gọi Ngẫu tiết trong việc dùng làm thuốc.
Ngó Sen chứa 70% tinh bột, 8% asparagin, arginin, trigonellin, tyrosinglucose, vitamin C, A, B, PP, tinh bột và một ít tanin.
Tính vị: Vị ngọt, tính mát. Quy kinh: Vào kinh Tâm, Can, Tỳ.
Công dụng: Lương huyết chỉ huyết, thanh tả vị hỏa, tiêu thực, bổ tâm, thanh nhiệt.
Chủ trị: Dùng chữa bệnh sốt có khát nước và dùng cầm máu (ỉa ra máu, đái ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, đẻ xong xuất huyết) và trị bạch đới, ỉa chảy, tác dụng tráng dương, an thần.
Không tìm thấy thông tin.
Liều dùng: Liều thường dùng dưới dạng thuốc sắc hay dùng sống khoảng 12 – 20g/ngày, ta có thể phơi khô, sao thơm hay có thể sao tồn tính đều được.
Ngó sen được dùng phơi khô sắc uống hàng ngày có liều thường khoảng 5 đến 12g. Ta còn có thể dùng cách khác đó là lấy Ngó sen giã tươi, sau đó vắt lấy nước uống.
Tuổi già thường thấy mệt mỏi: Củ sen tươi khoảng 100g đem nấu chín, mỗi ngày dùng 2 lần vào buổi sáng và chiều.
Chữa ho ra máu: Nguyên liệu gồm Ngó sen 20g, cỏ nhọ nồi 10g, bách hợp hoặc lá trắc bá 20g. Sau đó đem thái nhỏ, phơi khô, nấu sắc với 400ml nước xuống còn 100ml. Thuốc uống chia ra hai lần dùng trong ngày.
Chữa băng huyết: Nguyên liệu mỗi vị 8g gồm các loại sau Ngó sen sao, tam lăng, nga truật, huyết dụ, bồ hoàng và 6g bách thảo sương. Tất cả thái nhỏ, đem sắc uống mỗi ngày một thang thuốc trên.
Trị chảy máu cam: Ngó sen đem rửa thật sạch, sau đó giã vắt lấy nước cốt uống, nhỏ vài giọt vào mũi.
Chữa nôn ra máu, tiểu tiện, đại tiện ra máu: Nguyên liệu gồm Ngó sen 100g, cuống lá sen 25g và đường 50g. Cuống lá sen và Ngó sen đem giã nát rồi trộn chung với đường, hòa cùng với khoảng 3 bát nước, đem đi sắc đến khi còn 1 bát thì có thể dùng uống.
Chữa di mộng tinh, thần kinh suy nhược: Nguyên liệu gồm Ngó sen 80 g, cánh hoa sen 70g, hạt sen 90g. Phơi khô tất cả nguyên liệu thuốc trong chỗ râm mát, tránh ánh sáng. Sau đó đem tán nhỏ, chia ra dùng ngày 2 lần (sáng, tối), mỗi lần uống 5g kết hợp 30ml rượu trắng 25 - 30 độ được hâm nóng.
Một số lưu ý khi sử dụng Ngó sen:
Trong Đông y, người có thể hàn uống vào ngủ được tuy nhiên về lâu dài dễ gây các triệu chứng mệt mỏi, trí nhớ suy giảm, nhịp tim thất thường.
Vì Ngó sen thành phần chứa đến 70% tinh bột nên cần thận trọng khi dùng cho người bị tiểu đường, không nên lạm dụng dùng quá nhiều Ngó sen cho người bị tiểu đường.
Đối với các đối tượng có các bệnh lý về dạ dày, đại tràng thì không nên sử dụng thường xuyên củ sen vì dễ gặp phải tình trạng chướng bụng, khó tiêu hóa.
Đối với trường hợp dùng Ngó sen để trị viêm xoang thì nên lưu ý không sử dụng cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Ngó sen có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Vì vậy, không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết sử dụng đúng cách và phù hợp với tình trạng cơ thể.
Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Đỗ Tất Lợi.
Tracuuduoclieu.vn: https://tracuuduoclieu.vn/sen.html.
Botanyvn.com: http://www.botanyvn.com/cnt.asp?param=news&newsid=159.