Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Lý chua đen là cây bản địa tại những vùng khí hậu ôn đới lạnh (boreal zone) hay ôn hòa từ Pháp, Anh, ở phía Tây cho tới vùng Mãn Châu ở phía Đông. Về phía Nam loại cây này hiện diện ở Armenia hay Himalaya và về phía Bắc thì ở vùng Lapland. Lý chua đen được sử dụng trong y học dân gian Trung Quốc có tác dụng lợi tiểu, tiêu độc, hạ sốt.
Tên Tiếng Việt: Lý chua đen.
Tên khác: Blackcurrant.
Tên khoa học: Ribes nigrum.
Lý chua đen cao khoảng từ 1 – 2 m, là một loại cây bụi, sinh trưởng ở vùng có khí hậu ôn hòa hoặc ôn đới. Lá hình trái tim, rộng tới 10 cm, mép lá có răng cưa, mặt dưới có lông. Hoa màu xanh tím nâu. Trái màu đen, mọc thành chùm. Bụi cây này không có gai. Loài lý chua đỏ (Ribes rubrum) có mùi thơm, nhờ đó phân biệt với loài lý chua đen (Ribes nigrum) lại có mùi khó chịu.
Mùa hoa: Tháng 4 - 5.
Lý chua đen là cây bản địa tại những vùng khí hậu ôn đới lạnh (boreal zone) hay ôn hòa từ Pháp, Anh, ở phía Tây cho tới vùng Mãn Châu ở phía Đông. Về phía Nam loại cây này hiện diện ở Armenia hay Himalaya và về phía Bắc thì ở vùng Lapland.
Bộ phận sử dụng của cây lý chua đen là lá, hoa, quả, hạt và rễ cây.
Ngoài hàm lượng cao vitamin C (acid L-ascorbic), quả còn chứa flavonoid, bao gồm quercetin, myricetin và kaempferol cũng như ít nhất 15 acid phenolic khác nhau, bao gồm anthocyanins và proanthocyanidins.
4 anthocyanins chính đã được xác định từ lý chua đen là: Delphinidin-3-O-glucoside, delphinidin-3-O-rutinoside, cyanidin-3-O-glucoside, và cyanidin-3-O-rutinoside.
Acid p-coumaric là một trong những acid phenolic chiếm ưu thế.
Ngoài ra, quả còn chứa hàm lượng khoáng chất cao, bao gồm kali, canxi, magiê và sắt.
Mùi thơm của chiết xuất từ nước ép lý chua đen là do sự hiện diện của terpen, este và rượu.
Dầu từ hạt của cây chứa một lượng khác nhau (15% đến 19%) acid béo: Acid gamma- và alpha-linolenic và acid stearidonic, cũng như anthocyanins, flavonoid và 2 nitrile.
Các lá của cây có chứa prodelphinidins.
Lý chua đen được bắt đầu sử dụng được khoảng 400 – 500 năm về trước. Nó được sử dụng trong y học dân gian Trung Quốc có tác dụng lợi tiểu, tiêu độc, hạ sốt.
Lá cây được dùng để điều trị phù thũng, đau thấp khớp, ho gà, viêm họng và loét miệng.
Quả có chứa nhiều vitamin C nên hay được sử dụng cho bệnh cúm.
Rễ non và nước sắc từ vỏ rễ cũng được sử dụng.
Tác dụng chống ung thư: Nghiên cứu in vitro cho thấy chiết xuất từ cây lý chua đen có thể ức chế mạnh sự gia tăng của các tế bào ung thư vú và ức chế yếu các tế bào ung thư ruột kết. Mối quan hệ nghịch đảo giữa hàm lượng vitamin C và sự tăng sinh tế bào ung thư đã được nghiên cứu, do đó lý chua đen có hàm lượng vitamin C cao có thể ức chế mạnh các tế bào ung thư.
Một nghiên cứu in vitro khác cho thấy lý chua đen ức chế hiệu quả sự gia tăng của các dòng tế bào ung thư khác nhau, bao gồm các dòng tế bào Caco-2, MCF-7, AGS và MDA-MB-231 (ung thư tuyến vú, dạ dày và đại trực tràng).
Dịch chiết từ vỏ quả lý chua đen có tác dụng gây độc tế bào, chống lại các tế bào ung thư gan ở người là HepG2.
Tác dụng kháng khuẩn: Chiết xuất từ lý chua đen ức chế sự nhân lên của virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus – RSV), virus cúm 1 và B, virus herpes loại 1.
Tác dụng chống oxy hóa: Hoạt động chống oxy hóa của lý chua đen đã chứng minh được tác dụng có lợi trên tim mạch và khả năng chống ung thư. Khả năng chống oxy hóa của quả lý chua đen tương đối cao và có tương quan chặt chẽ với tổng hàm lượng phenol, tuy nhiên, các hợp chất phenolic riêng lẻ có thể góp phần vào các mức độ khác nhau. Người ta cho rằng khả năng chống oxy hóa ưa béo thấp, trong khi khả năng chống oxy hóa ưa nước của các hợp chất phenolic cao hơn. Hàm lượng vitamin C là yếu tố đóng góp chính vào khả năng chống oxy hóa của lý chua đen.
Viêm da dị ứng: Một nghiên cứu đã cho thấy việc bổ sung dầu ép từ hạt lý chua đen cho phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh 12 tháng tuổi làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc viêm da dị ứng ở trẻ sơ sinh.
Tác dụng trên tim mạch: Một nghiên cứu đã chứng minh người sử dụng nước ép lý chua đen nồng độ cao (20%) trong 6 tuần đã cải thiện đáng kể chức năng nội mô thông qua đáp ứng giãn mạch qua trung gian dòng chảy (FMD) so với nhóm giả dược hoặc sử dụng nước ép nồng độ thấp (6,4%). Một nghiên cứu khác được thực hiện khi cho nam tình nguyện viên sử dụng chiếu xuất lý chua đen (chứa 105 mg anthocyanin) ở liều 300, 600 và 900 mg/ngày trong 7 ngày, kết quả cho thấy sự khác nhau về liều dẫn đến sự tác động ở mức độ khác nhau lên huyết áp động mạch trung bình, cung lượng tim, thể tích máu tống bởi tâm thất trong thời kỳ tâm thu và tổng trở ngoại vi.
Tác dụng kiểm soát đường huyết: Lý chua đen ức chế alpha-glucosidase, với các tác dụng tương tự như acarbose, cho thấy khả năng sử dụng trong chế độ ăn uống để kiểm soát đường huyết ở bệnh tiểu đường type 2. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy sử dụng lý chua đen cải thiện được đường huyết, đặc biệt là giảm đường huyết săn ăn.
Tác dụng lên hệ miễn dịch: Trong một nghiên cứu đánh giá tác động của quả lý chua đen đối với phản ứng miễn dịch của những người cao tuổi khỏe mạnh, liều lượng sáu viên nang 750 mg mỗi ngày (4,5g/ngày) chứa dầu hạt lý chua đen (như một nguồn acid gamma-linolenic) cho kết quả lý chua đen có ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch và có tác dụng tăng cường miễn dịch vừa phải do giảm sản xuất prostaglandin E2.
Tác dụng kháng khuẩn: Nghiên cứu trên tình nguyện viên khỏe mạnh sử dụng chiết xuất từ lý chua đen 672 mg/ngày trong 2 tuần, kết quả cho thấy so với lúc ban đầu, kích thước quần thể vi khuẩn đường ruột được cải thiện, cụ thể là các loài Lactobacillus và Bifidobacterium, tăng đáng kể (P < 0,0001), trong khi những loài vi khuẩn có hại, cụ thể là các loài Clostridium và Bacteroides, giảm đáng kể (P < 0,0001). Hoạt động của enzym vi sinh vật có khả năng phản ánh sự gia tăng hoạt động của Lactobacilli đã tăng đáng kể sau 2 tuần và vẫn tăng đáng kể trong 2 tuần sau khi ngừng sử dụng chiết xuất lý chua đen (P < 0,05). Sự giảm 24,4% hoạt động của beta-glucuronidase, một dấu hiệu sinh học cho nguy cơ ung thư ruột kết và một loại enzyme vi sinh vật được biết là làm tăng sự hình thành các chất gây ung thư trong ruột, cũng có ý nghĩa thống kê so với ban đầu (P < 0,05).
Viêm khớp dạng thấp: Dữ liệu thử nghiệm cho thấy acid gamma-linolenic trong lý chua đen làm giảm cứng khớp và đau khớp vào buổi sáng.
Sỏi niệu: Trong một nghiên cứu nhỏ ở nam giới khỏe mạnh, lý chua đen làm tăng độ pH trong nước tiểu (tác dụng kiềm hóa), cũng như tiết acid citric và oxalic.
Tác dụng trên mắt: Trong một thử nghiệm trên bệnh nhân bị tăng nhãn áp góc mở sử dụng 50 mg/ngày anthocyanins của lý chua đen trong 2 năm, kết quả cho thấy liều anthocyanins 50 mg/ngày của lý chua đen làm giảm nhãn áp sau 2 và 4 tuần, cũng như sau 24 tháng điều trị do sự gia tăng endothelin-1 trong huyết thanh của bệnh nhân lên mức tương đương với nhóm chứng khỏe mạnh.
Có thể dùng trà làm từ 2 - 4 g lá cắt nhỏ nhiều lần mỗi ngày.
Các sản phẩm chiết xuất thương mại từ lý chua đen đã được sử dụng với liều hàng ngày từ 300 mg đến 6 g trong 1 đến 2 tuần để cải thiện và phục hồi sức khỏe.
Nước ép lý chua đen với nồng độ (6,4%) và cao (20%), sử dụng khoảng 250 ml/ngày trong 6 tuần có thể cải thiện các thông số nguy cơ tim mạch.
Chưa có dữ liệu.
Nên thận trọng khi sử dụng lý chua đen vì có thể bị khó tiêu, tiêu chảy và tăng số lần đi tiểu.