Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Me đất

Me đất: Dược liệu giải nhiệt, kháng viêm, kháng khuẩn, trợ tiêu hóa

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Me đất là một loài cây thông dụng thường thấy ở vườn nhà hoặc bờ ruộng khắp các tỉnh thành của nước ta. Ngoài công dụng dùng làm rau ăn (nấu canh chua), cây này còn giúp giải nhiệt, có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích tiêu hóa và hạ huyết áp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Me đất

Tên khác: Toan tương thảo; Tam diệp toan; Tạc tương thảo; Ba chìa; Chua me đất

Tên khoa học: Oxalis corniculata L. (Me đất hoa vàng), Oxalis corymbosa DC. (Me đất hoa đỏ)

Đặc điểm tự nhiên

Me đất hoa vàng là một loại thân cỏ, mọc bò, sát mặt đất và sống nhiều năm. Thân dạng sợi mảnh, có lông, màu đỏ nhạt. Lá kép mang 3 lá chét ở đỉnh cuống. Cuống lá dài. Phiến lá hình tim ngược, mỏng có vị chua. Cụm hoa đơn dạng tán, mang 2 – 4 hoa. Đài hoa gồm 5 lá đài. Tràng hoa đều, rời, mang các cánh hoa màu vàng (Me đất hoa vàng) hoặc màu đỏ (Me đất hoa đỏ). 10 nhị không đều, xếp trên hai vòng. 5 lá noãn tạo thành bầu 5 ô, mang 5 vòi nhụy ở đỉnh. Quả thuộc loại quả nang, thuôn dài mang lá đài tồn tại, mở bằng 5 van và phát tán hạt đi xa. Hạt màu nâu sẫm, dẹt, hình trứng.

Cây thường ra hoa từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm.

me-dat-1
Cây me đất rất dễ tìm thấy trong tự nhiên

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây phân bố phổ biến ở khắp cả nước. Cây thường sinh sống ở nơi ẩm mát, có ánh sáng trong vườn nhà, hoặc bãi đất hoang, bờ ruộng ẩm. Ngoài châu Á, cây còn sống ở châu Âu.

Mùa thu hái tốt nhất là khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm.

Cây thường dùng tươi. Đôi khi cũng có thể phơi khô để sử dụng. Mẫu sau khi thu hái phải rửa sạch và chỉ phơi ở chỗ râm mát.

me-dat-2
Cây me đất thường sống ở nơi ẩm uớt

Bộ phận sử dụng

Có thể sử dụng toàn cây (Herba Oxalis Corniculatae) nhưng thường hay lấy lá.

Thành phần hoá học

Thành phần chính trong thân và lá cây Me đất là acid oxalic, acid tartric, acid citric, acid malic; ngoài ra còn có kali oxalat và một số thành phần khác như phospho, caroten, vitamin B1, vitamin B2, vitamin C.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Me đất có vị chua, tính mát, không gây độc, giúp giải nhiệt, có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích tiêu hóa và hạ huyết áp.

Toàn cây được sử dụng làm thuốc giải nhiệt, điều trị xích bạch đới, sát trùng, ứ huyết do ngã hay bị đánh đập.

Trong đời sống hàng ngày, cây được thu hái rồi sắc uống trị lỵ hoặc hạ sốt.

Lá tưới nhai với muối trị viêm họng, khan tiếng.

Giã lấy nước để rửa những chỗ bị ghẻ lở, ung nhọt, sưng hoặc loét.

Ở Ấn Độ, Phillipin, dược liệu này được dùng để trị bệnh Scorbut hoặc thuốc thông tiểu, chữa viêm đường tiểu, viêm tai, mụn cóc, u lồi ở da. Nước sắc lá cũng dùng để súc miệng. Ở Nepal, giã lá để xoa bóp chỗ bị bong gân, sưng tấy hoặc sát trùng vết thương, cầm máu.

Ngoài ra, cây còn được sử dụng để đánh bóng các vật dụng bằng đồng trong gia đình.

me-dat-3
Me đất giúp giải nhiệt

Theo y học hiện đại

Cao nước của Me đất có thể kháng tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Nước ép toàn cây Me đất có hoạt tính kháng lại các vi khuẩn gram dương.

Me đất cũng có tác dụng tiêu diệt côn trùng.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng 30 – 50 g dược liệu tươi hoặc 5 – 10 g dược liệu khô (sắc uống).

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa ho

Me đất, Rau má (mỗi thứ 40 g); Cỏ seo gà, lá Xương sông (mỗi thứ 20 g). Tất cả dùng tươi, rửa sạch, giã lấy nước, đun sôi, chia thành 3 lần để uống (thêm ít đường nếu cần).

Bài thuốc chữa ho, viêm họng

Nhai tươi 10 – 20 g Me đất tươi với ít muối rồi nuốt hoặc dùng thêm ít rễ Dâu tằm, Măng tre, Gừng giã nhỏ, thêm nước rồi uống.

Bài thuốc chữa nhọt, sưng tấy, bong gân

Giã Me đất, đem hơ nóng rồi đắp lên chỗ nhọt hoặc bong gân.

Bài thuốc chữa lở ngứa, chảy nước vàng

80 g Me đất, 20 g Bồ kết đem nấu nước xông chỗ viêm, ngày 1 lần.

Bài thuốc chữa viêm da do tiếp xúc với dị ứng nguyên (nổi mẩn đỏ, sưng ngứa trên diện rộng):

Dùng lá Me đất, hoặc lá Khế chà xát lên chỗ bị viêm.

Bài thuốc chữa lở loét do tiếp xúc với vôi hồ

Rửa chỗ loét bằng Bồ kết hoặc Bồ hòn, sau đó xát lá Me đất vào.

Bài thuốc chữa sốt cao, trằn trọc, khát nước

Giã Me đất, vắt lấy nước đem pha loãng để uống.

Bài thuốc chữa bí tiểu

Giã Me đất và Mã đề lấy nước uống (thêm đường nếu cần).

Bài thuốc chữa sưng đau hậu môn

Me đất, rau sam, mỗi thứ một nắm tay cộng với 1 quả Bồ kết đem giã nhỏ, nấu lấy nước ngâm rửa.

Bài thuốc chữa bỏng, rôm sảy, ngứa

Giã nát cây me đất để lấy nước tưới vào chỗ bỏng hoặc xoa vào chỗ bị rôm sảy.

Lưu ý

Me đất chứa muối oxalat nên nếu dùng liều cao sẽ gây độc. Cụ thể, kali oxalat ở Me đất khi vào cơ thể sẽ kết hợp với calci huyết thanh tạo calci oxalat không tan và gây hạ calci máu. Hậu quả là gây kích thích cơ và dẫn đến co giật, cuối cùng là trụy tim mạch. Đồng thời các tinh thể calci oxalat có thể làm tắt nghẽn tiểu quản thận gây suy thận cấp.

Triệu chứng ngộ độc oxalate: Vô niệu.

Liều 20 – 30 g dược liệu khô có thể gây độc.

Không dùng cho bệnh nhân bị sỏi thận vì dược liệu này có thể làm tăng lượng sỏi.

Ngoài Me đất hoa vàng, ở nước ta còn có:

  • Me đất hoa đỏ (Oxalis deppei Sw.) hay dùng để luộc ăn chứ không làm thuốc.

  • Me đất núi (Oxalis acetosella L.) phân bố ở vùng núi phía Bắc (Sapa) và được dùng để làm nước giải khát, chữa bệnh scorbut, điều kinh.

  • Rau bợ (Oxalis corymbosa DC.) được dùng để thanh nhiệt, lợi tiểu.
Nguồn tham khảo