Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Là thảo sống lâu năm sống trong ao, hồ ngập nước hoặc vùng chiêm trũng, củ mã thầy ngoài công dụng làm thức ăn bổ và mát, còn được sử dụng làm thuốc chữa bệnh tiêu khát, bệnh vàng da, các trường hợp nhiệt khác như lỵ ra máu, đại tiện táo bón, mắt sưng đỏ…
Tên Tiếng Việt: Mã thầy.
Tên khác: Củ năng, củ năn, bột tề, thông thiện thảo, địa lê, ô vu, thủy vu, hắc sơn lang, hồng từ cô, địa lật.
Tên khoa học: Heleocharis plantaginea R. Br, Eleocharis dulcis (Burm.f.) Hensch var. tuberosa (Roxb.) T. Koyama.
Mã thầy thuộc loại cây thân thảo, sống lâu năm, có thân rễ nhỏ mọc bò dưới nước. Rễ củ hình có hình cầu dẹt, vỏ ngoài màu tím đen hoặc nâu đen, có vòng đốt rõ, phía trong ruột màu trắng. Thân có thể cao đến 1m, hình trụ, mập, rỗng, tròn dài, mặt ngoài có rãnh, mặt trong có những vách ngang, khi khô trở nên xốp.
Cây không có lá, gốc thân còn lại 2 – 3 lá chét, bẹ lá mỏng. Cụm hoa mọc ở ngọn thành bông nhỏ hình trụ xếp theo dạng xoắn ốc dài 1,5 – 4cm, hoa có màu vàng đỏ hoặc nâu nhạt, gồm nhiều vảy hình trái xoan rộng mọc đứng xếp lớp lên nhau, vảy có đầu bằng, lưng có nhiều rãnh. Quả bế có hình trứng ngược, hai mặt lồi và hơi có 3 cạnh, dài 2 – 4mm.
Phân bố
Mã thầy được trồng ở các vùng núi cao lạnh gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở các ao hồ (nước nông) hoặc đồng chiêm trũng ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên.... Ngoài ra, mã thầy có thể mọc hoang ở vùng Đồng Tháp Mười, chịu được đất phèn.
Thu hái, chế biến
Củ mã thầy sau khi thu hái về, đem cạo lớp vỏ màu nâu đen ở ngoài rồi ăn sống hoặc nấu với thịt, củ cũng được dùng nấu chè ăn cho mát.
Bộ phận sử dụng của mã thầy là củ, thân.
Củ mã thầy chứa 77% carbohydrat (gồm tinh bột và đường với số lượng bằng nhau), 8% protein, nhưng theo nghiên cứu của tác giả khác thì trong mã thầy chỉ có 60% tinh bột, 7% protein và một ít đường. Ngoài ra, mã thầy còn có acid (-) (1S, 3S) – 1 – methyl 1, 2, 3,4 – tetrahydro – β – carbon – 3 – carboxylic.
Một số tài liệu ghi nhận mã thầy có chất puchiin.
Mã thầy được dùng ăn sống hoặc nấu canh với thịt, có khi nấu chè hoặc làm mứt. Mã thầy là loại thức ăn bổ mát.
Ngoài công dụng làm thức ăn, mã thầy còn có tác dụng dùng làm thuốc chữa bệnh tiểu đường, bệnh gan vàng da, lỵ ra máu, đại tiện táo bón, mắt sưng đỏ, bệnh sởi ở trẻ em, thuốc tăng thị lực.
Ở Trung Quốc thân cây còn được dùng chữa tiểu tiện khó khăn, nấc ợ.
Tác dụng kháng khuẩn
Dịch ép từ mã thầy có tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng Staphylococcus aureus, Escherichia coli và Aerobacter aerogen. Hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn chiết từ mã thầy là puchiin.
Mã thầy có tác dụng cầm máu.
Tác dụng lợi tiểu
Thân cây mã thầy có tác dụng lợi tiểu.
Chữa tiểu đường, bệnh gan vàng da, lỵ ra máu, đại tiện táo bón, mắt sưng đỏ
Ngày dùng 10 – 20g củ, dưới dạng thuốc sắc.
Chữa tiểu tiện khó khăn, nấc ợ
Ngày dùng 9 – 10g thân, dưới dạng thuốc sắc.
Chữa phù toàn thân, tiểu tiện khó khăn
Thân cây mã thầy 10 – 20g, lô căn (tươi) 30g, sắc nước uống.
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng mã thầy:
Chưa thấy lưu ý gì đặc biệt.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi, trang 274.
Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 1), trang 562 - 563.