Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Màng tang

Màng tang: Dược liệu họ Long não có nhiều công dụng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Màng tang là loài cây mọc tự nhiên ở nhiều vùng tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Màng tang chứa nhiều tinh dầu tốt cho sức khỏe. Từ xưa, Màng tang đã được sử dụng trong điều trị các tình trạng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, bụng lạnh đau, nôn mửa, nấc, kiết lỵ...

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Màng tang.

Tên khác: Tất trùng già; Sơn thương; Mộc khương.

Tên khoa học: Litsea cubeba (Lour.) Pers – là một loài thực vật có hoa thuộc họ Lauraceae (họ Long não).

màng tang 1
Cây Màng tang – Litsea cubeba (Lour.) Pers.

Đặc điểm tự nhiên

Màng tang là loài cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 6 đến 8m. Cành cây màu xám hình trụ, mang nhiều nốt sần nhỏ và khía dọc.

Lá mọc so le, hình mác, gốc thuôn, đầu nhọn, mép nguyên, rộng 2 - 2,5 cm, dài 7 - 10 cm, hai mặt nhẵn, mặt dưới trắng xám, mặt trên màu lục sẫm bóng. Cuống lá ngắn, chỉ khoảng 1 - 1,2 cm. Lá vò ra có mùi thơm mát khá giống mùi sả.

Cụm hoa đơn tính màu trắng mọc ở kẽ lá, nhiều tán đơn có cuống chung dài 0,8 - 1 cm, mỗi tán có 4 - 6 hoa. Lá bắc 4 khum, có lông ngắn ở mặt trong, nhẵn ở mặt ngoài. Ống bao hoa ngắn, có 6 thùy gần bằng nhau xếp thành 2 hàng. Hoa đực có 9 nhị, bao gồm: 6 cái ở phía ngoài dài 2mm, chỉ nhị mảnh, bao phấn thuôn dẹt, có lông ở gốc; 3 cái thụt vào phía trong, chỉ nhị có tuyến. Nhị hoa cái tiêu giảm chỉ còn lại những chỉ nhị, 3 cái phía trong có tuyến dẹt ở gốc; bầu hình trứng, nhẵn.

Quả mọng, màu xanh và chuyển sang màu đen khi chín, hình tròn hoặc hình trứng.

Mùa hoa: Tháng 3 – 5.

Mùa quả: Tháng 7 - 8.

màng tang 2
Hoa Màng tang

Phân bố, thu hái, chế biến

Màng tang là loài cây bản địa của Trung Quốc và vùng Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, cây mọc hoang dại ở khắp vùng rừng núi cao có khí hậu lạnh mát như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái.

Thu hái: Thu hái rễ, cành và lá quanh năm, thu hoạch quả vào lúc tiết trời chuyển từ hè sang thu.

Chế biến: Rửa nhiều lần các bộ phận thu hoạch với nước sạch để loại bỏ tạp chất, bụi bẩn rồi cắt thành từng đoạn nhỏ và sấy khô hoặc phơi khô. Quả Màng tang cũng được rửa sạch và chưng cất lấy tinh dầu.

Bảo quản: Dược liệu sau khi đã làm khô được bảo quản trong bao bì kín. Tinh dầu được cho vào hũ thủy tinh đậy chặt bằng nắp và để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời.

Bộ phận sử dụng

Rễ, lá, cành và quả cây Màng tang.

Thành phần hoá học

Quả chứa 2 – 6% tinh dầu màu vàng nhạt, một số nơi lên đến 10 – 15%. Thành phần chủ yếu bao gồm: 70% citral, 20% methyl heptenon, dipenten, limonene, linalool và 2% eter.

Hoa chứa 44,8% alcol tự do, 8,1% citral, 2,7% ester, geraniol và terpineol.

Lá chứa 0,2 – 0,4% tinh dầu, gồm: 80% cineol, 7% alpha terpineol, 4% camphen, 1% sesquiterpen.

Vỏ thân chứa 36,5% geraniol, 10% citronelal, 8% citral và ester.

Vỏ rễ chứa 0,2 – 1,2% tinh dầu; chủ yếu gồm: 8 – 12% citrinellol, 10% citral.

màng tang 3
Dầu từ quả Màng tang

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Màng tang có vị cay, tính ôn. Tác dụng ôn trung, hành khí, chỉ thống, noãn thận, kiên vị, tiêu.

Dân gian thường dùng Màng tang trong điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, bụng lạnh đau, nôn mửa, nấc, kiết lỵ.

Rễ cây màng tang chữa rắn độc cắn rất hiệu quả, thường dùng phối hợp với quả xuyên tiêu.

Các dân tộc Tày, Nùng ở miền Bắc dùng rễ màng tang kết hợp với rễ ba chẽ, chữa kém ăn, mất ngủ, cơ thể yếu ở phụ nữ sau đẻ.

Ngoài ra, tinh dầu màng tang còn được dùng làm chất thơm, làm xà phòng, chế biến nước hoa trong công nghiệp. Thành phần citral chiết từ tinh dầu màng tang có mùi thơm dễ chịu hơn loại chiết xuất từ sả.

Theo y học hiện đại

Theo một số nghiên cứu ở Việt Nam, tinh dầu chiết từ quả màng tang đã được chứng minh có tác dụng chống rối loạn nhịp tim, ức chế kết tập tiểu cầu, trì hoãn thời gian hình thành huyết khối và tác dụng kháng khuẩn.

Nước sắc Màng tang có ức chế co bóp ruột,chống co thắt khí quản do hoạt chất histamin gây ra.

Tinh dầu màng tang có tác dụng an thần, làm giảm căng thẳng.

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng: Rễ 10 đến 15 g/ngày, quả 3 đến 9 g/ngày dưới dạng thuốc sắc.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trị cảm mạo, tê thấp, đau nhức xương

Rửa sạch 15 – 30g rễ hoặc thân màng tang rồi cho vào ấm sắc lấy nước uống. Mỗi ngày dùng 1 thang, có thể chia thành nhiều lần.

Trị viêm vú cấp tính

Rửa sạch 1 ít lá màng tang tươi rồi giã cho hơi dập, cho vào nước vo gạo dầm và dùng đắp ngoài da.

Trị phù chân lâu ngày

Cho 30g lá màng tang tươi, 9g cỏ gấu tươi, 20g cành lá non cơm cháy vào cối giã nhuyễn. Thêm vào 1 lượng rượu trắng, trộn đều và đắp trực tiếp lên vùng chân bị tổn thương.

Trị đau bụng kinh niên, đầy hơi, tiêu chảy

Rửa sạch quả màng tang, rễ chanh, rễ cúc áo hoa vàng, rễ kim sương, rễ xuyên tiêu (lượng bằng nhau) rồi cho hết vào ấm, thêm nước và sắc trên lửa nhỏ đến khi thành cao lỏng. Bỏ phần bã và uống phần nước sắc.

Trị muỗi, côn trùng cắn

Chưng cất lá màng tang (lượng tùy thích) lấy lượng tinh dầu. Bôi tinh dầu vào chỗ bị muỗi đốt hoặc những nơi muỗi hay trú ngụ trong nhà. Cũng có thể giã nát lá tươi rồi vắt lấy nước và bôi ngoài da.

Trị căng cơ do vận động nhiều

Rửa sạch các dược liệu tươi gồm: Lá màng tang, ngũ gia bì gai, mỗi vị 20g; bạc hà, hương phụ, mỗi vị 4g; tiên mao 16g. Cho vào cối giã nhuyễn, thêm 1 ít rượu trắng. Dùng bó trực tiếp lên vị trí tổn thương, băng lại trong 3 giờ, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Trị tỳ vị kém, đầy bụng, tiêu hóa kém

Cho 10g quả màng tang; gừng tươi, thủy xương bồ và trần bì, mỗi vị 5g vào ấm sắc với 1 thăng nước trong 30 phút. Ngày uống 1 lần trong 3 – 5 ngày liên tục.

Lưu ý

Màng tang là loài cây chứa nhiều loại tinh dầu, có tác dụng điều trị những bệnh về hệ tiêu hoá. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng dược liệu Màng tang có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.

Nguồn tham khảo