Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mẫu đơn bì: Vị thuốc tốt cho bệnh phụ khoa

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mẫu đơn bì là vỏ rễ của cây Mẫu đơn, còn được gọi là Đơn bì, Bạch thược, tiếng Tày là Màu đàn. Vị thuốc này tác dụng trấn kinh, giảm đau, chữa kinh nguyệt không đều và nhiều bệnh sau khi sanh nở.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt:  Mẫu đơn bì (Vỏ rễ).

Tên khác:  Cortex Paeoniae suffruticosae; Cortex Moutan; Đan bì; Đơn bì; Đơn căn; Bạch lượng kim; Thử cô; Lộc cửu; Mộc thược dược; Mẫu đơn căn bì; Hoa tướng; Huyết quỷ.

Tên khoa học: Paeonia suffruticosa Andr.

Họ: Paeoniaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Mẫu đơn là cây sống lâu năm, cao từ 1-1,5 m, rễ thường phát triển thành củ. Lá mọc so le với nhau, mỗi lá thường chia thành 3 lá chét, riêng lá chét giữa chia thành 3 thuỳ. Mặt trên lá màu xanh, mặt dưới lá màu trắng nhạt vì có lông phủ lên. Hoa mọc đơn độc ở đầu mỗi cành, kích thước rất to, đường kính có thể đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, có mùi hương gần giống mùi hương của hoa hồng. Cuống hoa dài 6-10 cm.

Mẫu đơn bì (vỏ rễ) hình ống hoặc nửa hình ống, có khe nứt dọc, hai mép thường cuộn cong vào trong hoặc mở ra, dài 5-20 cm, đường kính 0,5-1,2 cm, dày 0,1-0,4 cm. Mặt ngoài màu nâu hay vàng nâu, có nhiều lỗ bì nằm ngang và vết sẹo rễ nhỏ, nơi tróc vỏ bẩn, có màu phấn hồng. Mặt trong của vỏ màu vàng tro hoặc nâu nhạt, có vân dọc nhỏ, rõ, thường có nhiều tinh thể nhỏ sáng. Chất cứng giòn, dễ gãy. Mặt gãy gần phẳng, có tinh bột, màu phớt hồng. Vị hơi đắng và se. Mùi thơm đặc biệt.

Mẫu đơn bì 1
Hoa Mẫu đơn bì

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây Mẫu đơn nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó được di thực sang châu Âu làm cây cảnh. Tại các nước này hoa nở vào khoảng tháng 5-7, ra quả vào khoảng tháng 7-8. Tại Việt Nam cây này mới được di thực trong phạm vi thí nghiệm ở vùng khí hậu mát.

Trước đây vào ngày gần Tết, nước ta có nhập từ Trung Quốc cả cây vào làm cảnh với giá rất cao. Gần đây thì ít nhập cây làm cảnh, mà chỉ nhập vỏ cây dùng làm thuốc. Hiện nay, điều kiện để di thực và giữ giống tốt hơn. 

Tại Trung Quốc, vỏ rễ thu hoạch ở những cây đã trồng được 3-5 năm. Vào khoảng tháng 9 người ta đào lấy rễ, rửa sạch, xắt dọc vỏ rễ và phơi khô. Cách khác là trước khi xắt vỏ có thể dùng dao hay mảnh thủy tinh cạo sạch vỏ rồi mới khạy lấy vỏ phơi khô. Cách trên cho vị nguyên đơn bì, cách dưới cho vị quát đơn bì (mẫu đơn cạo vỏ). Có cách sơ chế khác là sao cho vàng đen gọi là mẫu đơn bì thán mới dùng.

Vỏ rễ Mẫu đơn bì
Vỏ rễ Mẫu đơn bì

Bộ phận sử dụng

Vỏ rễ cây.

Thành phần hoá học

Trong cây Mẫu đơn bì tươi có một glucozit, khi chất glucozit này tiếp xúc với một chất men có trong vỏ cây này, sẽ tạo glucoza và paeonola; là một chất phenol C9H10O3. Ngoài ra còn có axit benzoic, phytosterol. 

Paeonola có tinh thể hình kim, độ nóng chảy 500, mùi thơm, vị cay, ít tan trong nước lạnh, tan nhiều hơn trong nước nóng, ete, cồn, cloroform, cacbon sulfua, benzen.

Dung dịch paeonola trong cồn khi thêm sắt III clorua sẽ cho màu xanh tím đen.

Khi cần chiết paeonola, dùng ete trộn với bột rễ mẫu đơn bì, thêm Na2CO3 để loại tạp chất, sau đó gạn lấy lớp ete, thêm vào dung dịch NaOH để hòa tan paeonola cuối cùng dùng H2SO4 để tủa paeonola. Hòa tan paeonola lại trong ete, chờ bốc hơi để kết tinh. Tinh chế lại bằng cồn một vài lần.

Năm 1958, Viện Y học Bắc Kinh phân tích Mẫu đơn bì Tứ Xuyên có 5,66% glucozit, 0,4% alkaloid và 12,54% saponin. Trong Quát đơn bì có 3,58% glucozit.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Có người cho rằng Mẫu đơn bì không có tác dụng gì đặc biệt. Tác dụng điều kinh và chữa trị của Mẫu đơn bì không do các thành phần hoá học nói trên. Nhưng lại có tác giả cho rằng chất paeonola trong Mẫu đơn bì có tác dụng xung huyết ở vùng tử cung của động vật, do đó có tác dụng điều kinh, nhưng yếu và chậm. 

Thí nghiệm trên thỏ, nhận thấy Mẫu đơn bì có tác dụng trị sốt. Có tác giả cho rằng thành phần chủ yếu tác dụng trong Mẫu đơn bì là axit benzoic.

Thí nghiệm tác dụng kháng sinh của Mẫu đơn bì cho thấy có tác dụng trên vi trùng thương hàn, thổ tả và lỵ.

Theo y học hiện đại

Chưa có nghiên cứu.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng từ 6 g đến 12 g, dạng thuốc sắc hay hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Mẫu đơn bì 6
Mẫu đơn bì

Bài thuốc kinh nghiệm

Mẫu đơn bì có vị đắng, cay, tính hơi hàn, đi vào 4 kinh tâm, can, thận và tâm bào, tác dụng thanh huyết nhiệt, tán ứ huyết. Dùng chữa nhiệt nhập doanh phận, phát cuồng kinh giản, thổ huyết, máu cam, lao nhiệt cốt trưng, kinh bế.

Hiện nay Mẫu đơn được dùng làm thuốc trấn kinh giảm đau, chữa nhức đầu, đau lưng, đau kinh nguyệt, đau khớp. Ngoài ra dùng trị kinh nguyệt không đều, một số bệnh sau khi sinh nở. 

Đơn thuốc có Mẫu đơn:

Chữa bệnh của phụ nữ, kinh nguyệt không đều, các bệnh sau khi sanh:

Mẫu đơn bì thang: Mẫu đơn bì 5 g, đương quy 5 g, thược dược 3 g, sinh địa 6 g, trần bì 4 g, bạch truật 4 g, hương phụ 3 g, sài hồ 2 g, hoàng cầm 2 g, cam thảo 2 g, nước 600 ml. Sắc còn 200 ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

Lưu ý

Phụ nữ có thai không nên dùng mẫu đơn bì vì có thể bị sẩy thai.

Nguồn tham khảo
  1. https://tracuuduoclieu.vn/mau-don-bi.html
  2. https://duocdienvietnam.com/mau-don-bi-vo-re/
  3. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, tr.253.