Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Trong Y học dân gian từ ngày xưa, Mè đen đã được sử dụng trong điều trị những bệnh lý như thiếu máu do huyết hư, tóc bạc sớm, xuất huyết do giảm tiểu cầu, táo bón, sau đẻ ít sữa. Ngoài ra, do còn chứa các chất béo tốt cho sức khỏe với hàm lượng cao, nên hạt Mè đen còn được ép để lấy dầu để sử dụng nấu ăn hằng ngày.
Tên Tiếng Việt: Mè đen.
Tên khác: Vừng đen; kala Til; Chi ma; Hồ ma; Hồ ma nhân; du tử miêu; cự thắng tử; bắc chi ma.
Tên khoa học: Semen Sesami Nigrum – hạt già phơi khô của cây Mè đen (Sesamum indicum). Đây là loài cây có hoa thuộc họ Pedaliaceae (họ Vừng).
Cây mè đen thuộc loại cây thảo sống hằng năm, cao chừng 0,6m, thân có nhiều lông mịn. Lá ở gốc mọc so le và lá phía trên mọc đối, đơn, không có lá kèm, mép nguyên hoặc hơi khía, có cuống, gốc và đầu thuôn, gân lá hình mạng rõ ở mặt dưới.
Hoa lưỡng tính màu trắng hoặc hơi hồng, mọc đơn độc ở kẽ lá gần ngọn, có cuống ngắn. Đài hơi hợp ở gốc. Tràng hình ống loe ở đầu, cánh hoa hàn liền chia thành 2 môi, môi dưới gồm 3 thùy, môi trên 2 thùy; 4 nhị, 2 dài 2 ngắn; bầu 4 ô, chứa nhiều noãn và có lông mềm. Quả nang có lông, hình trụ dài, có khía dọc, mở thành 4 mảnh.
Nhiều hạt nhỏ hình trái xoan dẹt, màu vàng hay nâu đen, nhẵn bóng hoặc hơi có vân lưới. 1 đầu nhọn, 1 đầu tròn, dài chừng 3 - 5 mm, rộng 2 mm. Vỏ hạt mỏng, có hạt noãn màu nâu ở đầu nhọn, 2 lá mầm màu trắng có dầu. Hạt có mùi thơm, vị hơi ngọt.
Mùa hoa quả: Tháng 4 đến tháng 6.
Thế giới: Cây Mè đen được trồng ở vùng nhiệt đới châu Á từ cổ xưa. Hiện nay, cây phân bố ở các tỉnh phía nam Trung Quốc (bao gồm cả đảo Hải Nam), Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Ấn Độ...
Việt Nam: Cây được trồng ở khắp cả nước.
Thu hái: Thu hoạch vào mùa thu (khoảng tháng 7, 8, 9) khi quả chín. Cắt cả cây đem phơi khô đập lấy hạt, loại bỏ tạp chất rồi tiếp tục phơi khô.
Chế biến: Sao hạt Mè đen với lửa nhỏ tới khi hạt nổ lách tách, phồng đều, mùi thơm đặc trưng rồi lấy ra, tãi mỏng cho nguội. Ngoài ra còn có thể ép hạt lấy dầu.
Bảo quản: Để nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.
Hạt đã phơi khô.
Dầu là thành phần chiếm hàm lượng cao nhất trong hạt mè đen, từ 40 - 55% có khi lên tới 60%. Ngoài ra, hạt còn chứa khoảng 20 - 22% protein (chủ yếu là α-globulin và β-globulin), 5 - 6% nước, 5% tro (trong đó có 1,7mg đồng; 6,3 - 8,8% hợp chất không có nitơ, 1% calci oxalat; choline, lexitin, pentozan và phytin.
Dầu Mè đen chứa khoảng 75 - 80% acid béo dạng lỏng (bao gồm 48% acid oleic, 30% acid linolic và 0,04% acid lignoceric), 12 - 16% acid béo dạng rắn (bao gồm 7,7% acid palmitic; 4,6% acid stearic và 0,4% acid arachidic), khoảng 1% lexitin và 0,9 - 1,7% thành phần không xà phòng hóa.
Trong một số nghiên cứu khác còn cho thấy trong hạt Mè đen còn chứa các hoạt chất không tìm thấy được trong các loại dầu thực vật khác là: sesamin, sesamolin và sesamol.
Carbohydrate có mặt dưới dạng alcohol ester như glucose, sucrose, galactose, planteose và raffinose.
Ngoài ra, một số thành phần khác cũng được tìm thấy là các glucosid, lignan glycosid, hợp chất triterpen, hợp chất naphthoquinone, chất ức chế phospholipase A2, các hợp chất thơm và các vitamin.
Mè đen có vị ngọt, béo, tính bình, không độc; quy vào 4 kinh phế, tỳ, can, thận.
Tác dụng: Bổ can thận, bổ não tuỷ, dưỡng huyết, chi huyết, bền gân cốt, sáng tai mắt, kéo dài tuổi thọ, nhuận tràng, thông tiện, lợi sữa.
Chủ trị: Thiếu máu do huyết hư, tóc bạc sớm, xuất huyết do giảm tiểu cầu, táo bón, sau đẻ ít sữa.
Tác dụng chống tăng huyết áp
Hoạt chấ sesamin trong dầu Mè đen có tác dụng chống tăng huyết áp khi thử nghiệm gây tăng huyết áp do bọc ép thận và chống sự giãn nở to của tim.
Tác dụng chống oxy hoá
Sesaminol phân lập từ hạt Mè có tác dụng ức chế mạnh sự peroxide hóa lipid.
Tác dụng ổn định tinh thần
Những triệu chứng cai nghiện như lo lắng, kích thích, bồn chồn, phản ứng hoảng sợ, ảo giác, nhức đầu, chuột rút và run mất định hướng bắt đầu giảm sau khi điều trị 4 đến 5 ngày và hết sau 10 ngày.
Tác dụng chống ung thư
Glycosid phân lập từ hạt mè được chứng minh có tác dụng chống ung thư.
Ngày dùng 12 đến 60g mè đen dạng bột hoặc nấu cháo.
Trị cao huyết áp
Mè đen, hà thủ ô, ngưu tít lấy lượng bằng nhau, tán nhỏ, thêm mật ong và viên thành viên bằng hạt ngô. Uống 3 g/lần x 3 lần/ngày.
Lợi sữa
Sao hạt mè đen rồi giã nhỏ và thêm ít muối. Ăn hằng ngày.
Trị xích bạch ly ở trẻ em
Hoà 5 - 10g g dầu mè đen (tùy theo tuổi) với mật ong và cho uống.
Bổ ngũ tạng, nhuận tràng, mạnh gân cốt và bổ sung vitamin E
Sao 6g Mè đen đến khi thơm. Cho 30g gạo tẻ vào nồi thêm nước nấu thành cháo, khi cháo chín cho mè đen vào khuấy đều.
Trị viêm mũi mạn tính
Đun sôi nhẹ một ít dầu mè đen trong 15 phút. Chờ đến khi nguội, đổ dầu vào lọ sạch có nút kín. Ngày nhỏ mũi 3 lần, mới đầu chỉ nhỏ 2 - 3 giọt, tăng lên 4 - 5 giọt khi đã quen.
Trị chân tay đau buốt hơi thũng
Rang 40g mè đen đến khi có mùi thơm, tán bột, ngâm qua đêm với 40g rượu. Chia đều uống nhiều lần.
Trị táo bón kéo dài
Mè đen, lá dâu, mỗi vị 100g; mạch môn, sa sâm, mỗi vị 200g. Tán bột, làm hoàn với mật ong, uống 10 - 20 g/ngày.
Mè đen 20g; thạch hộc 12; huyền sâm, mạch môn, sa sâm, sinh địa, mỗi vị 16g. Tán bột, làm hoàn với mật ong, uống 10 - 20 g/ngày.
Trị trĩ
Mè đen, bạch thược, trắc bách diệp, sinh địa, mỗi vị 12g; đào nhân, hồng hoa, hoè hoa, chỉ xác, đương quy, xuyên khung, mỗi vị 8g; đại hoàng 4g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Bổ thận âm, dùng thay lục vị
Mè đen, lá dâu non (đồ chín phơi khô), mỗi vị 500g; thục địa 1000g; hạt sen già 150; lá vông nem 100g. Tán nhỏ, trộn với mật làm viên hoàn bằng quả táo. Dùng 2 lần/ngày lúc sáng sớm và trước khi đi ngủ.
Trị vảy nến
Mè đen, huyền sâm, ké đầu ngựa, hà thủ ô, kim ngân, sinh địa, mỗi vị 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Trị bỏng, vết thương
Trộn dầu mè với lá dâu non, đốt tồn tính rồi tán nhỏ. Bôi lên vết bỏng mỗi ngày 2 đến 3 lần.
Người đang bị tiêu chảy, tỳ vị hư hàn không nên dùng.
Mè đen là loài cây được trồng ở nhiều nơi tại Việt Nam cũng như các nước châu Á khác. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Mè đen có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm.
Dược điển Việt Nam V
https://tracuuduoclieu.vn/vung.html
Sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập 2"
https://suckhoedoisong.vn/15-tac-dungcua-cay-ma-dedoi-voi-suc-khoe-con-nguoi-169169596.htm