Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mupirocin: Kháng sinh phổ hẹp tại chỗ

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Mupirocin

Loại thuốc

Kháng sinh phổ hẹp tại chỗ.

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc mỡ bôi ngoài da: 2%, tuýp 15 g, 30 g, 60 g.

Cream bôi ngoài da mupirocin calci 2,15% (tương đương với mupirocin 2%): Tuýp 15 g, 30 g, 60 g.

Thuốc mỡ bôi niêm mạc mũi mupirocin calci 2,15% (tương đương với mupirocin 2%): Tuýp 1 g, 3 g, 6 g.

Chỉ định

Ngoài da:

  • Điều trị chốc lở do Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes.
  • Viêm nang lông, đinh nhọt, loét da diện tích nhỏ hoặc tổn thương da nhiễm khuẩn thứ phát sau chấn do S. aureus hoặc S. pyogenes.

Mũi:

  • Điều trị triệt để cho người lớn và cán bộ y tế nhiễm S. aureus kháng methicillin (MRSA) ở mũi.
  • Làm giảm nguy cơ lây bệnh cho người bệnh có nguy cơ cao nhiễm S. aureus kháng methicillin khi tần suất gây bệnh của vi khuẩn này gia tăng ở bệnh viện hoặc các cơ sở nội trú khác.

Dược lực học

Mupirocin là một kháng sinh (acid pseudomonic A) sản xuất bằng cách lên men Pseudomonas fluorescens. Thuốc ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn do gắn thuận nghịch vào isoleucyl ARNt synthetase của vi khuẩn, là enzyme xúc tác sự tạo thành isoleucyl ARNt từ isoleucin và ARNt.

Mupirocin ảnh hưởng không đáng kể đến sự tổng hợp ADN của vi khuẩn và tổng hợp peptidoglycan ở thành tế bào vi khuẩn, không tác động đến quá trình phosphoryl oxy hóa của vi khuẩn. Thuốc có tác dụng kìm khuẩn ở nồng độ thấp và diệt khuẩn ở nồng độ cao.

Sau khi bôi dạng cream mupirocin calci hoặc thuốc mỡ mupirocin 2%, thuốc đạt nồng độ diệt khuẩn tại da. Các nghiên cứu in vitro cho thấy mupirocin tác dụng tốt nhất ở môi trường acid yếu, vì vậy pH thông thường của da khoảng 5,5 được coi là yếu tố thuận lợi cho tác dụng của thuốc khi bôi ngoài da.

Phổ tác dụng:

Mupirocin có phổ kháng khuẩn hẹp, chủ yếu trên vi khuẩn gram dương hiếu khí. Hầu hết các chủng Staphylococci như Staphylococcus aureus (kể cả các chủng kháng methicillin và đa kháng), S. epidermidis, S. saprophyticus đều nhạy cảm với thuốc.

Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của mupirocin đối với các chủng S. aureus nhạy cảm dao động từ 0,04 – 0,32 mcg/mL, các chủng S. aureus kháng methicillin là 0,03 – 2 mcg/mL. Nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (MBC) của mupirocin đối với S. aureus thường cao gấp 8 – 32 lần nồng độ ức chế tối thiểu.

Thuốc có tác dụng trên phần lớn các chủng Streptococcus pneumoniae, S. pyogenes, S. agalactiae, S. viridans với nồng độ ức chế tối thiểu khoảng 0,12 – 2 mcg/mL. Mupirocin cũng có tác dụng trên Listeria monocytogenes (nồng độ ức chế tối thiểu khoảng 8 mcg/mL), Erysipelothrix rhusiopathiae (nồng độ ức chế tối thiểu 2 – 8 mcg/mL).

Nói chung các vi khuẩn gram âm hiếu khí ít nhạy cảm với thuốc. Tuy nhiên mupirocin tác dụng tốt trên Haemophilus influenzae, Neisseria spp., Branhamella catarrhalis, Bordetella pertussis, Pasteurella multocida.

Thuốc không có tác dụng đối với các vi khuẩn kị khí kể cả gram dương và gram âm, Chlamydia và nấm.

Kháng thuốc:

Chỉ có một số ít chủng S. aureus đề kháng thuốc tự nhiên, nhưng tỷ lệ này đã tăng lên sau khi điều trị lâu dài với mupirocin. Sự kháng thuốc này có thể xảy ra do isoleucyl transfer-RNA synthetase bị biến đổi hoặc qua trung gian plasmid.

Kháng thuốc mạnh qua trung gian plasmid (MIC > 500 mcg/mL) của một số chủng S. aureus và Staphylococci coagulase âm tính (kể cả S. epidermidis) đã được thông báo.

Do cơ chế tác dụng của mupirocin khác với các kháng sinh hiện có nên ít có sự kháng chéo với các kháng sinh khác. Một nghiên cứu gần đây cho thấy không có sự kháng chéo với chloramphenicol, erythromycin, acid fusidic, gentamicin, lincomycin, methicillin, neomycin, novobiocin, penicillin, streptomycin, tetracycline.

Để giảm sự đề kháng thuốc, thời gian điều trị một đợt không quá 7 ngày. Nếu MRSA đã kháng mupirocin hoặc không đáp ứng sau 2 đợt điều trị, cân nhắc thay thuốc khác như thuốc cream chlorhexidine.

Động lực học

Hấp thu

Khi bôi ngoài da hoặc vào niêm mạc mũi, một lượng thuốc rất nhỏ được hấp thu vào vòng tuần hoàn chung. 

Phân bố

Tỉ lệ mupirocin gắn kết với protein huyết tương: ≥ 95 – 97%. 

Chưa biết khả năng phân bố vào sữa mẹ hay đi qua nhau thai của thuốc.

Chuyển hóa

Thuốc được chuyển hoá thành acid monic không hoạt tính.

Thải trừ

Mupirocin được bài tiết qua nước tiểu phần lớn dưới dạng acid monic.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Mupirocin có thể làm giảm tác dụng của vaccine thương hàn.

Các nghiên cứu in vitro với Escherichia coli cho thấy chloramphenicol đối kháng với tác dụng của mupirocin trên sự tổng hợp ARN của vi khuẩn, tuy nhiên ý nghĩa lâm sàng chưa được xác định.

Tương kỵ thuốc 

Không dùng phối hợp thuốc mỡ, thuốc cream mupirocin với thuốc khác.

Không trộn thuốc mỡ, thuốc cream mupirocin với thuốc mỡ khác, vì nồng độ mupirocin giảm, tính thấm vào niêm mạc thay đổi có thể làm mất hoặc giảm tác dụng của thuốc và mất tính ổn định của dạng thuốc.

Chống chỉ định

Quá mẫn với mupirocin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Mupirocin 

Người lớn

Chốc lở do S. aureus và S. pyogenes:

  • Bôi thuốc mỡ lên vùng nhiễm khuẩn 3 lần/ngày, trong 5 – 10 ngày.
  • Nếu sau 3 – 5 ngày không có tác dụng cần gặp bác sĩ để đánh giá lại.

Nhiễm khuẩn da thứ phát:

  • Bôi cream lên vùng nhiễm khuẩn 3 lần/ngày, trong 10 ngày.
  • Nếu sau 3 – 5 ngày không có tác dụng cần gặp bác sĩ để đánh giá lại.

Trong mũi (người lành mang S. aureus):

  • Bôi vào mỗi lỗ mũi một nửa tuýp (khoảng 0,25 g) thuốc đóng gói liều đơn dùng một lần, ấn 2 bên mũi để thuốc trải đều trên niêm mạc mũi, 2 lần/ngày, trong 5 ngày.
  • Tối đa 7 ngày.

Trẻ em 

Trẻ em ≥ 2 tháng tuổi bị chốc lở do S. aureus và S. pyogenes:

  • Bôi thuốc mỡ lên vùng nhiễm khuẩn 3 lần/ngày, trong 5 – 10 ngày.
  • Nếu sau 3 – 5 ngày không có tác dụng cần gặp bác sĩ để đánh giá lại.

Trẻ em ≥ 3 tháng tuổi bị nhiễm khuẩn da thứ phát:

  • Bôi cream lên vùng nhiễm khuẩn 3 lần/ngày, trong 10 ngày.
  • Nếu sau 3 – 5 ngày không có tác dụng cần gặp bác sĩ để đánh giá lại.

Trong mũi (người lành mang S. aureus):

  • Với trẻ em ≥ 12 tuổi, bôi vào mỗi lỗ mũi một nửa tuýp (khoảng 0,25 g) thuốc đóng gói liều đơn dùng một lần, ấn 2 bên mũi để thuốc trải đều trên niêm mạc mũi, 2 lần/ngày, trong 5 ngày.
  • Tối đa 7 ngày.

Cách dùng

Thuốc bôi ngoài da không được bôi vào niêm mạc mũi hoặc niêm mạc mắt. 

Thuốc bôi niêm mạc mũi không được bôi vào niêm mạc mắt.

Đối với dạng thuốc cream, vùng da bôi thuốc có chiều dài tối đa 10 cm hoặc diện tích tối đa 100 cm2.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Chưa có thông tin.

Ít gặp 

Cảm giác nóng rát, ngứa, ban đỏ, buốt, phù nề ở vị trí bôi thuốc, viêm mô tế bào, viêm da tiếp xúc, khô da, thay đổi vị giác.

Hiếm gặp

Đau tai, đau bụng, chóng mặt, viêm loét miệng, nhiễm khuẩn vết thương thứ phát, vết loét hoặc đốm trắng trên môi/lưỡi.

Không xác định tần suất 

Ho, khó nuốt, chóng mặt, nhịp tim nhanh, tức ngực, đau bụng dữ dội, tiêu chảy nặng.

Lưu ý

Lưu ý chung

Tá dược polyethylene glycol (PEG) có trong thuốc mỡ bôi ngoài da có thể hấp thu khi dùng kéo dài, khi bôi thuốc trên diện tích lớn hoặc vùng da bị tổn thương, gây độc cho người bệnh. Vì thế không dùng thuốc mỡ mupirocin bôi da cho người bị bỏng, đặc biệt là những trường hợp bỏng trên diện rộng.

Cần thận trọng khi dùng chế phẩm có chứa PEG cho người suy thận. 

Cần chú ý thuốc mỡ hoặc cream mupirocin dùng bôi ngoài da không thể dùng thay thế thuốc mỡ bôi mũi. Các chế phẩm đều không được dùng cho mắt.

Mupirocin dùng ngoài kéo dài sẽ dẫn tới sự phát triển quá mức các chủng không nhạy cảm với thuốc bao gồm cả nấm. Nếu tình trạng bệnh không được cải thiện rõ ràng sau 3 – 5 ngày điều trị với mupirocin, cần ngừng thuốc và đánh giá lại điều trị, có thể đổi sang thuốc kháng sinh khác.

Triệu chứng tiêu chảy do Clostridioides difficile có thể xảy ra sau hơn 2 tháng ngừng thuốc. Nếu tình trạng này được nghi ngờ hoặc xác định, ngừng sử dụng thuốc, tiến hành các liệu pháp kháng sinh diệt Clostridioides difficile và chăm sóc hỗ trợ.

Hiệu quả và độ an toàn của thuốc mỡ hoặc dạng cream mupirocin bôi ngoài da chưa được xác định ở trẻ dưới 2 hoặc 3 tháng tuổi tương ứng.

Hiệu quả và độ an toàn của thuốc mỡ mupirocin calci bôi niêm mạc mũi cũng chưa được xác định ở trẻ dưới 12 tuổi, tuy nhiên một nghiên cứu dược động học cho thấy có sự hấp thu đáng kể vào vòng tuần hoàn chung khi dùng mupirocin bôi niêm mạc mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ sinh thiếu tháng.

Với người cao tuổi, hiệu quả và độ an toàn của thuốc cũng tương tự như với người lớn bình thường.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Các nghiên cứu trên chuột và thỏ, dùng mupirocin đường tiêm bắp, uống, tiêm dưới da với liều cao tới 100 lần so với liều thường dùng ngoài da cho người, không thấy tác dụng có hại với thai nhi hoặc làm giảm khả năng sinh sản.

Tuy nhiên, chưa có đầy đủ các nghiên cứu có kiểm soát ở phụ nữ mang thai, vì vậy chỉ dùng mupirocin cho phụ nữ mang thai khi thực sự cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Chưa rõ thuốc có tiết vào sữa mẹ hay không, cần thận trọng khi dùng mupirocin cho phụ nữ cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Thuốc không ảnh hưởng lên khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quá liều Mupirocin và xử trí

Quá liều và độc tính

Không có thông tin về quá liều mupirocin khi dùng ngoài da. Rất ít có khả năng gây quá liều.

Cách xử lý khi quá liều

Rửa sạch da hoặc niêm mạc mũi.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy bôi càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và bôi liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Mupirocin

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2015

  2. Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/mupirocin.html

  3. EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/1156/smpc

Ngày cập nhật: 18/7/2021