Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nga truật (Thân rễ): Vị thuốc dân gian tốt cho phụ nữ

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nga truật là một loài vốn dĩ mọc hoang nhưng sau được trồng nhiều nơi để dùng làm thuốc. Nga truật (thân rễ) được dùng để chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi, tích huyết, hành kinh mà máu đông thành cục.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Nga truật (Thân rễ)

Tên khác: Nghệ đen; ngải tím; tam nại; bồng truật

Tên khoa học: Rhizoma Zedoariae, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cây thân cỏ, cao từ 1 – 1,5 m. Lá hình mũi mác, dài 30 – 60 cm, rộng 7 – 8 cm, không cuống, có bẹ dài ở gốc, đầu nhọn có đốm tía dọc theo gân giữa ở mặt trên, mép nguyên hơi uốn lượn. Cụm hoa hình trụ, dài 20 cm, rộng 5 cm, mọc từ thân rễ, trên 1 cán bên cạnh thân có lá, thường xuất hiện trước khi cây ra lá. Lá bắc phía dưới màu xanh nhạt, viền đỏ ở mép, lá bắc phía ngọn không mang hoa sinh sản, màu vàng nhạt, pha hồng ở đầu lá. Hoa nhiều, màu vàng. Đài dính thành ống, trên chia thành 3 răng, không đều, có lông. Tràng cũng dạng ống dài gấp 3 lần đài hoa, mang thùy hình mũi mác, bao phấn kéo dài thành cựa chẻ ngang, chung đới dạng bản tròn, ngắn. Chỉ nhị dính với các nhị lép. Cánh môi màu vàng, đầu lõm, thắt ở gốc. Bộ nhụy hình dùi, có lông ở bầu.

Thân rễ có dạng hình nón, với các đường vân ngang và khía dọc. Thân rễ này mang những củ hình trụ tỏa ra theo hình chân vịt, bẻ ngang có màu vàng nhạt ở trong và những vòng màu xám ở củ già. Ngoài những củ hình trụ, thân củ còn mang những củ hình trái xoan hoặc hình trứng, màu trắng, có cuống dài và mảnh.

nga truật
Nga truật thuộc họ Gừng (Zingiberaceae)

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Ở Việt Nam, cây mọc hoang hoặc được trồng ở nhiều nơi để làm thuốc. Ngoài ra, cây còn có ở Trung Quốc, Sri Lanka và những nước nhiệt đới khác.

Thu hái và chế biến

Cây được trồng bằng thân rễ. Thu hoạch vào mùa đông. Sau khi đào lên để thu lấy phần thân rễ, tiến hành cắt bỏ rễ con, rửa sạch đem nấu chín rồi cắt lát phơi khô. Hoặc ngâm dấm với tỉ lệ 600 g thân rễ Nga truật, 160 g dấm, 160 g nước, đun cạn rồi thái mỏng, phơi khô.

nga truật dược liệu
Cây Nga truật (Curcuma zedoaria (Berg.) Roscoe)

Bộ phận sử dụng

Thân rễ và rễ củ (Rhizoma et Radix Curcumae Zedoariae).

bông nga truật
Bông nga truật

 

Thành phần hoá học

 Nga truật chứa 1 -1,5% tinh dầu, 3,5% chất nhựa và chất nhầy. Trong tinh dầu, thành phần chính là các sequiterpen, zingiberen, cineol. Ngoài ra còn có curcumin, tinh bột, kẽm, đồng, niken, sắt, mangan, crom, chì, canxi, kali…

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, Nga truật có vị cay đắng, tính ôn vào kinh can, có tác dụng hành khí, phá huyết, thông bế kinh, được dùng làm thuốc chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi, tích huyết, hành kinh mà máu đông thành cục. 

Theo y học hiện đại

Khi cho chuột cống trắng uống bột thân rễ Nga truật trong thí nghiệm thấy có sự gia tăng tiết mật, đồng thời ức chế tiết dịch dạ dày. Ngoài ra, Nga truật còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, kiện vị, bài hơi.

Tinh dầu Nga truật có tác dụng kháng khuẩn.

Nga truật (Thân rễ) được dùng để làm thuốc bổ trong rượu trường sinh (Cách ngâm rượu này như sau: Nga truật 2,5 g, Lô hội 25 g, Long đởm thảo 5 g, Đại hoàng 2,5 g, Phan hồng hoa 2,5 g, Polyporus officinalis 2,5 g, tất cả thái nhỏ ngâm với 2 lít rượu 60 độ trong 10 ngày, lấy rượu uống, 2 – 5 ml/ngày).

Ở Ấn Độ, nước sắc Nga truật kết hợp với hạt Tiêu, Quế, mật ong chữa cảm lạnh.

Liều dùng & cách dùng

Dùng 3 - 6 g mỗi ngày, sắc uống hoặc dùng dạng bột. 

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa tích huyết, hành kinh máu đông thành cục, đau bụng kinh hoặc rong kinh ra huyết đặc ri rỉ

Nga truật và Ích mẫu, mỗi vị 15 g, sắc uống.

Bài thuốc chữa nôn sau khi trẻ bú sữa

Nga truật 4 g, muối ăn, sắc với sữa cho sôi chừng 5 phút, hòa tan ít Ngưu hoàng (cỡ hạt gạo) rồi cho trẻ uống.

Bài thuốc chữa cam tích, biếng ăn ở trẻ

Nga truật 6 g, Muồng trâu (hạt) 4 g, sắc nước uống.

Lưu ý

Không dùng cho phụ nữ mang thai và rong kinh nhiều.

Nguồn tham khảo
  1. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi, trang 377 - 378.

  2. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (Tập 1), trang 358 – 361.

  3. Từ điển cây thuốc Việt Nam (Tập 2) – Võ Văn Chi, trang 299 – 300.