Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ngâu: Tác dụng chữa bệnh từ loại dược liệu có hương thơm

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ngâu là loại cây phổ biến ở nước ta, hoa Ngâu có tác dụng hành khí, giải uất, ngoài công dụng dùng ướp chè cho thơm, hoa và lá ngâu dùng chữa sốt, vàng da, hen suyễn, ăn không tiêu, bụng đầy trướng, ngực đau nhói, ngoài ra còn dùng trong trị hen suyễn, đờm tắc nghẽn, sốt rét, vàng da.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp 

Tên Tiếng Việt: Ngâu

Tên khác: Ngâu tán tròn, Ngâu ta, Mộc ngưu

Tên khoa học: Aglaia duperreana Pierre, thuộc họ Xoan (Meliaceae)

Đặc điểm tự nhiên 

Ngâu thuộc loại cây nhỡ, cao 4 – 7m. Lá có dạng lá kép lông chim lẻ, lá chét mọc so le, dài 4 – 9cm, rộng 1,5 – 3cm, có 5 – 7 lá chét nhỏ, lá chét hình trứng ngược, đầu tù, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, cuống lá có cánh. Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, đơn hoặc phân nhánh, hình cầu nhỏ, cuống dài mảnh, bằng hoặc dài hơn lá, hoa nhỏ màu vàng, rất thơm, lưỡng tính hay đực do nhụy tiêu giảm. Đài, tràng, nhị điều mẫu 5, bầu nhỏ, 2 ô. Quả hạch, hình cầu, khi chín màu đỏ. Hạt có áo hạt.

cây ngâu
Cụm hoa Ngâu

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Ngâu là loài cây mọc hoang dại và được trồng phổ biến ở nhiều nơi để làm cảnh và lấy hoa ướp trà. Trên thế giới, Ngâu có nhiều ở Trung Quốc, Thái Lan, Philippin. Đây là loại cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, mọc tự nhiên ở các kiểu rừng thưa, có khả năng chịu hạn tốt.

Thu hái, chế biến

Hoa hái vào lúc đã chín vàng nhạt và thơm, phơi hay sấy khô để dùng dần.

Lá sau khi thu hái, dùng tươi.

lá ngâu dùng làm dược liệu
Lá Ngâu sau khi hái có thể dùng được ngay

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng của Ngâu là cành, lá và hoa, rễ, quả.

làm thuốc từ cây ngâu
 Làm thuốc từ cành, lá, hoa, rễ, quả của cây Ngâu

 

Thành phần hoá học

Lá Ngâu chứa aglaiastatin A, aglaiastatin B, aglaiaslalin C, rocaglaol, pyrimidinon. rocaglainid (CA 126: 277.383s; CA 126: 308 796k; CA 126: 308.797m; CA 118: 230.148p; CA 118. 187.811k).

Lá còn chứa tinh dầu, trong đó có linalol, hendecan, α - copaen, β - clemen, β - caryophylen, α - humulen, aromadendren, γ - cadinen, α - hunachalen, α - cadinen, β - guaien, γ - gurjuen, γ - clemen, humulen epoxyd I, humulen cpxxyd II, β - elemen, 9β - ol, β - humulen - 7 - ol, farnesol, β - santalol, elemol. Các chất có hàm lượng cao nhất là β caryophylen 22,25%, α - humulen 17,58%, caryophylenon I 17,21%.

Cành có rocaglamid (chất này có tính chất diệt côn trùng), odorinol (CA 118: 187811k).

Hoa Ngâu chứa tinh dầu gồm các chất hendecan, linalol, decanal, copaen, β - caryophylen, β - humulen, β - elemen, β - silenen, humuladienon, humulen epoxyd I, Me tridecanoat, β - humulen - 7 ol, β - humulen - 7 - yl acetat, jumper camphor, heptadecan khusol acetat, octadecan, monodecan, eicosan, heneicosan và doclosan.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Hoa Ngâu có vị cay, ngọt, tính bình, có tác dụng hành khí, giải uất. Ngoài công dụng dùng ướp chè cho thơm, hoa và lá ngâu dùng chữa sốt, vàng da, hen suyễn, ăn không tiêu, bụng đầy trướng, ngực đau nhói.

Cành lá Ngâu có tính bình, hơi ôn, có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, tiêu thủng, giảm đau. Ngoài ra, còn có tác dụng gây nôn, dùng trong trị hen suyễn, đờm tắc nghẽn, sốt rét, vàng da. 

Lá tươi còn dùng để tắm ghẻ, mụn nhọt, đòn ngã tổn thương. 

Rễ và quả Ngâu tươi, giã nát chế với nước uống để gây nôn.

Theo y học hiện đại

Tác dụng chống ung thư

Chất aglaiastatin A và aglaiastatin B có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào u K – ras – NRK in vitro với nồng độ ức chế 50% lần lượt là 5,9ng/ml và 5,1ng/ml. Kết luận rằng, các chất aglaiastatin trong lá Ngâu có tác dụng ức chế khả năng sinh ung thư.

Tác dụng diệt côn trùng

Các chất thuộc dẫn chất rocaglamis, desmethyltrocaglamid, methyl rocaglat và rocaglaol chiết từ cành lá Ngâu có tác dụng diệt côn trùng mạnh trên ấu trùng và sâu của loài sâu ngài Peridroma saucia.

Liều dùng & cách dùng

Cành lá Ngâu: Ngày 10 – 16g sắc uống.

Lá tươi nấu trị ghẻ, mụn nhọt: Không kể liều lượng.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa sốt, vàng da

Lá Ngâu, Mã đề, lá hoặc quả Dành dành, mỗi vị 10 – 16g, sắc uống.

Bài thuốc có tác dụng gây nôn để giải độc thực phẩm, đờm tích lâu ngày

Lá Ngâu 20g, giã nát, vắt lấy nước cốt uống, hoặc 30g sắc uống. Sau khi xổ đờm, hoặc nôn được chất độc ra, cho bệnh nhân ăn cháo đậu xanh, tiếp tục dùng các thuốc khác để điều trị các triệu chứng khác.

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Ngâu: Chưa thấy có lưu ý gì đặc biệt khi dùng cây Ngâu.

Nguồn tham khảo
  1. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi, trang 675-676.
  2. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2), trang 371-373.