Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ngưu bàng (Quả): Dược liệu giúp bổ phổi, tiêu viêm rất hiệu quả

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Quả ngưu bàng hay còn gọi là ngưu bàng tử là dược liệu được trồng khá nhiều nhằm mục đích chữa bệnh. Đây là vị thuốc mang nhiều tác dụng dược lý như bổ phổi, tiêu viêm, giúp chữa các chứng ho, đau họng, cảm sốt, phù thũng… Ngoài ra, ngưu bàng tử còn giúp nhanh lành thủy đậu, mụn nhọt và giúp thông tiểu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Ngưu bàng (Quả)

Tên khoa học: Arctium lappa L. Họ: Asteraceae (Cúc)

Tên khác: Cây ngưu, bàng; Đại đao tử; á thực; Hắc phong tử; Thử niêm tử; Lệ Thực; Mã Diệc Danh Thử Niêm; Ngưu Bảng; Đại Lực Tử; Bảng Ông Thái; Tiện Khiên Ngưu; Biên Bức Thứ

Đặc điểm tự nhiên

Ngưu bàng là loại cây có tuổi thọ 1 – 2 năm. Cây cao khoảng 1 – 1,5 m, phía trên phân thành nhiều cành. Lá ngưu bàng to rộng, đường kính có thể đến 40 – 50 cm, có hình tim, mặt dưới lá mang nhiều lông trắng với cuống lá dài. Lá cây mọc thành hoa thị ở gốc và mọc so le ở trên thân. Cụm hoa có hình đầu, mọc ở đầu cành với đường kính 2 – 4 cm. Cánh hoa màu tím khá đẹp. Quả ngưu bàng là quả bế, hơi cong và có màu xám nâu. 

Ngưu bàng ra hoa vào tháng 6 – 7 và ra quả vào tháng 7 – 8.

ngưu bàng
Hoa Ngưu bàng 
dược liệu ngưu bàng tử
Hoa ngưu bàng màu hồng tím mọc ở đầu cành

Phân bố, thu hái, chế biến

Ở Trung Quốc, nguồn cung cấp ngưu bàng chủ yếu là do trồng, lượng cây mọc hoang rất ít. Năm 1967, người ta đã tìm thấy cây ngưu bàng mọc hoang ở vùng cao huyện Bát Xát, Trung Quốc. Từ năm 1959, cây ngưu bàng bắt đầu du nhập vào nước ta.

Người ta thường hái khi quả chín vào tháng 8 – 9, sau đó đập lấy quả bế đem phơi khô. Khi hái cần chú ý đeo găng tay để tránh bị gai của quả đâm vào. Sau khi hái quả xong thì cắt hạt gieo ngay giúp hạt mọc tốt.

tác dụng của ngưu bàng tử
Ngưu bàng tử có nhiều tác dụng dược lý

Nếu sử dụng rễ thì tiến hành thu hái vào mùa xuân năm thứ hai của cây, sau khi gieo hạt 18 tháng, trước khi ra hoa để rễ thu được không bị xơ nhiều và mất tác dụng. Rễ sau khi đào về thì rửa sạch và cắt thành từng miếng dày khoảng 2 cm, đem phơi hoặc sấy thật khô, bảo quản ở nơi phù hợp, tránh ẩm mốc.

Bộ phận sử dụng

Quả bế của cây.

Thành phần hoá học

Người ta đã chiết xuất được từ quả ngưu bàng 25 – 30% chất béo (chủ yếu gồm các glyceride của acid palmitic, acid stearic và acid oleic), glucoside actin C27H34O11.H2O, alkaloid lappin. Khi thuỷ phân actin bằng acid nhẹ sẽ thu được arctigenin C21H24O6 và glucose.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Ngưu bàng có vị cay, đắng, tính hành, quy vào 2 kinh phế và vị. Vị thuốc có tác dụng tán phong nhiệt, thanh nhiệt giải độc, tuyên phế, thấu chẩn. Ngưu bàng được dùng để chữa ngoại cảm biểu chứng, cảm sốt, ma chẩn, chữa sưng vú, sưng đau cổ họng, viêm phổi, viêm tai, giúp thông tiểu, nhanh khỏi thủy đậu, phong chấn, tiêu thũng, tiêu viêm, sát trùng. Ngoài ra, dược liệu còn làm mụn nhọt đang mưng mủ nhanh vỡ và khỏi.

Không sử dụng ngưu bàng tử cho những người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy.

Theo y học hiện đại

Ngưu bàng tử được sử dụng chữa các bệnh da liễu như lở loét, mụn trứng cá, hắc lào.

Dược liệu còn có tác dụng ở bệnh nhân tê thấp, đau và nhức xương khớp.

Liều dùng & cách dùng

Sắc 6 – 10 g ngưu bàng tử uống mỗi ngày, có thể dùng riêng lẻ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trị thủy đậu mọc trong miệng

Sắc uống dùng trong ngày các vị thuốc theo liều lượng sau: 8 g ngưu bàng tử, 6 g cát cánh, 3 g cam thảo.

Chữa thủy đậu mọc không hết ở trẻ em, nóng sốt, nghẹn ở cổ họng

Sắc uống các vị thuốc theo liều lượng sau: 5 g ngưu bàng đã được sao vàng, 1 g kinh giới tuệ, 2 g cam thảo. Sắc với 200 ml nước đến khi còn 50 ml thì lấy uống. Vẫn uống khi thủy đậu đã mọc được rồi.

Trị cảm mạo, phù thũng, phù chân tay

Sao vàng 80 g ngưu bàng tử rồi nghiền thành bột. Dùng nước nóng hòa tan 8 g bột thuốc/ngày, chia làm 3 lần uống.

Trị cảm lạnh, trúng gió, sợ lạnh, ho, phát sốt, khô rát họng, có đờm vàng

Sắc uống 1 thang/ngày theo liều lượng sau: 5 g bạc hà, 12 g ngưu bàng tử, 6 g thuyền thoái.

Tán thành bột các vị thuốc sau: 40 g kim ngân, 24 g cát cánh, 20 g cam thảo, 16 g hoa kinh giới, 24 g ngưu bàng tử, 40 g liên kiều, 24 g bạc hà, 20 g đạm đậu xị, 4 g lá tre. Sau đó trộn đều, mỗi lần hãm 24 g bột với nước sôi, uống như trà. Dùng 3 – 4 lần/ngày tùy bệnh.

Bài thuốc dưỡng âm bổ phế, chỉ khái huyết

Tán nhỏ thành bột mịn và trộn đều dược liệu theo liều lượng sau: 60 g a giao (mạch sao), 20 g mã đầu linh, 10 g ngưu bàng tử, 10 g chích thảo, 6 – 7 g hạnh nhân, 40 g gạo nếp đã sao. Đem sắc lấy nước uống, 8 g/lần uống.

Giảm đau, mát họng

Sắc uống 1 thang/ngày theo liều lượng sau: 12 g đại hoàng, 4 g bạc hà, 4 g cam thảo, 16 g ngưu bàng tử, 12 g phòng phong, 8 g kinh giới tệ. 

Làm dịu cơn hen, trừ đờm

Sắc uống các vị thuốc theo liều lượng sau: 12 g kinh giới, 12 g ngưu bàng tử, 4 g cam thảo.

Trị phù thận cấp tính (theo kinh nghiệm của Diệp Quyết Tuyền)

Tán nhỏ và trộn đều dược liệu theo liều lượng sau: 6 g ngưu bàng tử (3 g đã sao, 3 g dược liệu tươi hoặc đã phơi khô), 6 g phù bình đã sao khô. Uống 5 g/lần x 3 lần/ngày, dùng nước nóng hòa tan bột thuốc rồi uống.

Lưu ý

Không sử dụng ngưu bàng tử cho những người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy.

Nguồn tham khảo

Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi)

https://tracuuduoclieu.vn/nguu-bang.html

https://thuocdantoc.vn/duoc-lieu/nguu-bang-tu