Long Châu

Thủy đậu là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng toàn thân cấp tính, thường xảy ra ở trẻ em do virus varicella-zoster (loại virus gây bệnh ở người herpesvirus type 3). Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng toàn thân nhẹ sau đó tiến triển thành các tổn thương da, đặc trưng bằng phát ban dạng chấm, sẩn đỏ, mụn nước.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thủy đậu là gì?

Thủy đậu (hay còn gọi là đậu mùa, cháy rạ) do virus varicella-zoster (loại virus gây bệnh ở người herpesvirus type 3) gây ra. Virus này có kích thước từ 150 đến 200 mm với nhân là DNA. Thủy đậu rất dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp như:

  • Đường niêm mạc (mũi, hầu họng) qua giọt bắn trong không khí.

  • Đường tiếp xúc trực tiếp với virus (qua nơi thương tổn trên da).

Thủy đậu dễ lây nhất trong giai đoạn ủ bệnh và giai đoạn đầu của đợt bùng phát, nó có thể lây lan từ 48 giờ trước khi các tổn thương trên da xuất hiện cho đến khi các tổn thương này đóng vảy. 

Sau khi người bệnh bị thủy đậu thì vẫn còn một ít virus varicella-zoster tồn tại ở trạng thái tiềm ẩn không gây bệnh. Các virus này trú ngụ ở các hạch thần kinh trong thời gian dài (vài tháng đến vài năm). Đến khi cơ thể người nhiễm bị suy giảm miễn dịch hoặc suy nhược cơ thể, các virus này sẽ tái hoạt, nhân lên và phát triển lan dọc theo các đầu dây thần kinh gây nên bệnh zona.

Bệnh nhân có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng trên thần kinh, phổi, suy giảm miễn dịch và một số bệnh lý nền khác. Chẩn đoán dựa trên lâm sàng. Những người có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng cần điều trị dự phòng sau khi nhiễm bệnh bằng globulin miễn dịch và nếu bệnh tiến triển, cần được điều trị bằng thuốc kháng virus. Thủy đậu hiện đã có vaccine phòng ngừa.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thủy đậu

Ở trẻ em có miễn dịch bình thường, thủy đậu thường ít khi trầm trọng nhưng ở người lớn và trẻ bị suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng có thể trở nên nghiêm trọng.

Nhức đầu, sốt nhẹ, khó chịu xảy ra từ 7 đến 21 ngày sau khi nhiễm.

Đầu tiên là sự phát ban dạng chấm trên da rồi lan ra khắp cơ thể. Trong vòng vài giờ, các thương tổn trở thành sẩn và mụn nước màu đỏ hình thành, gây ngứa dữ dội, cuối cùng đóng vảy. Sự bùng phát ban (trong trường hợp nghiêm trọng) thường xảy ra ở phần thân mình, tứ chi, mặt (chủ yếu ở phần thân trên).

Các vết thương dạng loét thường phát triển trên tế bào niêm mạc (như niêm mạc miệng và niêm mạc họng, đường hô hấp trên, niêm mạc trực tràng hay âm đạo). Ở trong miệng, các mụn nước hay bị vỡ ngay lập tức nên khó phân biệt được với các bệnh viêm lợi quanh chân răng (đều gây đau khi nuốt).

Vào ngày thứ 5 sau khi nhiễm thường không xuất hiện thêm các tổn thương mới, các tổn thương cũ đóng vảy vào ngày thứ 6 và đa số các lớp vảy biến mất sau 20 ngày.

Nhiễm lại varicella

Đôi khi trẻ đã được tiêm vaccine phòng ngừa nhưng vẫn bị nhiễm lại varicella (gọi là breakthrough varicella), trong trường hợp này, các triệu chứng thường nhẹ hơn, thời gian bệnh ngắn hơn.

Tác động của thủy đậu đối với sức khỏe 

Bệnh thủy đậu ở trẻ em thường ít khi nghiêm trọng. Trường hợp bệnh nặng hay tử vong thường là các trường hợp:

  • Người lớn.

  • Người suy giảm miễn dịch liên quan tới tế bào T (như ung thư mô lưới hạch bạch huyết).

  • Người dùng corticosteroid hay hóa trị liệu.

  • Người bị ức chế miễn dịch.

  • Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF)

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thủy đậu

Bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu có thể gặp các biến chứng:

  • Nhiễm khuẩn thứ phát (streptococcal hay staphylococcal) của mụn nước có thể xảy ra gây viêm tế bào, hoại tử xơ cứng hay sốc nhiễm độc do streptococcal.

  • Viêm phổi thường làm trầm trọng hơn bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh, người lớn, bệnh nhân suy giảm miễn dịch (ở mọi lứa tuổi).

  • Biến chứng xuất huyết, viêm tủy cắt ngang, viêm cơ tim và viêm gan cũng có thể xảy ra.

  • Chứng thiếu máu não cấp sau nhiễm khuẩn là một trong những biến chứng thần kinh phổ biến nhất của thủy đậu, thường xảy ra ở trẻ em.

  • Hội chứng Reye là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ở trẻ em, khởi phát từ 3 – 8 ngày sau khi phát ban và sử dụng aspirin.

  • Viêm não do mắc thủy đậu có thể gặp ở người lớn, tỷ lệ tử vong rất cao.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thủy đậu

Virus Varicella-zoster hay virus Herpes zoster, thuộc họ Herpesviridae là tác nhân gây bệnh thuỷ đậu và người là nguồn lây bệnh duy nhất. Bệnh lây lan qua đường hô hấp như ho khan, hắt xì, tiếp xúc qua nước miếng, chất lỏng chảy ra từ mụn nước, dịch tiết.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải thủy đậu?

Đối tượng có nguy có mắc phải thủy đậu:

  • Trẻ em dưới 10 tuổi.

  • Trẻ sơ sinh có mẹ mắc thủy đậu.

  • Người chăm sóc trẻ bị thủy đậu.

  • Người chưa tiêm vaccine.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thủy đậu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thủy đậu, bao gồm:

  • Làm việc trong môi trường có nhiều trẻ em.

  • Sử dụng đồ dùng cá nhân chung với người bệnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thủy đậu

Đánh giá lâm sàng

Bệnh thủy đậu nên được nghi ngờ nếu bệnh nhân có phát ban đặc trưng, cần quan sát kỹ để phân biệt với các bệnh nhiễm trùng do virus khác.

Nếu nghi ngờ chẩn đoán, có thể làm các kiểm tra sau:

  • PCR DNA của virus.

  • Nhuộm miễn dịch huỳnh quang phát hiện kháng nguyên của virus có trong tổn thương hay nuôi cấy.

  • Xét nghiệm huyết thanh.

Trong các xét nghiệm huyết thanh học, kháng thể igM hay chuyển đổi huyết thanh từ âm tính thành dương tính với kháng thể của virus varicella-zoster (VZV) có thấy có nhiễm trùng cấp tính.

Phương pháp điều trị thủy đậu hiệu quả

Điều trị triệu chứng

Bệnh nhân ≥ 12 tuổi: Valacyclovir hoặc famciclovir.

Acyclovir tiêm tĩnh mạch cho người suy giảm miễn dịch hay người có nguy cơ biến chứng nặng.

Trẻ em bị thủy đậu chỉ cần điều trị triệu chứng, giảm đau, giảm ngứa. Nếu ngứa ngáy dữ dội, có thể dùng thuốc kháng histamine đường toàn thân hay tắm bột yến mạch dạng keo có thể hữu ích.

Không dùng thuốc sát trùng trừ khi tổn thương bị nhiễm trùng. Bội nhiễm cần được điều trị bằng kháng sinh.

Thuốc kháng virus đường uống được sử dụng cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch trong 24 giờ sau khi phát ban, có tác dụng làm giảm nhẹ mức độ bệnh, thời gian bệnh. 

Nên dùng valacyclovir đường uống, acyclovir hay famciclovir cho các đối tượng:

  • ≥ 12 tuổi trở lên (18 tuổi với famciclovir).

  • Có vấn về về da (đặc biệt là bệnh chàm).

  • Mắc bệnh phổi mãn tính.

  • Dùng liệu pháp salicylate dài hạn.

  • Đang dùng corticosteroid.

Liều lượng famciclovir cho người lớn là 500 mg x 3 lần/ngày hay valacyclovir 1 g x 3 lần/ngày. Acyclovir ít được chọn vì sinh khả dụng đường uống kém nhưng vẫn có thể dùng với liều 20 mg/kg x 4 lần/ngày trong 5 ngày cho trẻ em (≥ 2 tuổi và ≤ 40 kg). Liều lượng cho trẻ em > 40 kg và người lớn là 800 mg x 4 lần/ngày trong 5 ngày.

Trẻ > 1 tuổi bị suy giảm miễn dịch nên tiêm IV acyclovir liều 10 mg/kg mỗi 8 giờ, còn liều cho người lớn bị suy giảm miễn dịch là 10 – 12 mg/kg tiêm IV 8 giờ/lần.

Phụ nữ có thai có nguy cơ bị biến chứng khi mắc thủy đậu rất cao, một số chuyên gia khuyên dùng acyclovir đường uống hay valacyclovir.

Tiêm vaccine phòng ngừa thủy đậu

Tất cả trẻ em khỏe mạnh và người lớn nên tiêm 2 liều vaccine thủy đậu sống giảm độc lực. Tiêm phòng rất quan trọng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, người có nguy cơ nhiễm cao. 

Chống chỉ định vaccine thủy đậu đối với các đối tượng sau:

  • Người đang mắc bệnh cấp tính từ trung bình đến nặng.

  • Người suy giảm miễn dịch.

  • Phụ nữ có thai.

  • Phụ nữ có ý định có thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm chủng.

  • Người dùng corticosteroid liều cao toàn thân.

  • Trẻ đang dùng salicylat.

  • Phòng ngừa sau khi nhiễm virus.

Sau khi nhiễm virus, có thể ngăn ngừa hay giảm độc lực bằng cách tiêm bắp globulin miễn dịch varicella-zoster (VariZIG). Các đối tượng cần tiêm bao gồm:

  • Người bị bệnh bạch cầu, suy giảm miễn dịch, suy nhược cơ thể.

  • Phụ nữ mang thai.

  • Trẻ sơ sinh có mẹ bị thủy đậu trong vòng 5 ngày trước hay 2 ngày sau sinh.

  • Trẻ sơ sinh dưới 28 tuần tuổi và có tiếp xúc với nguồn bệnh.

  • Globulin miễn dịch nên được tiêm càng sớm càng tốt, trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc với nguồn bệnh để có thể ngăn chặn, làm nhẹ cơn bệnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thủy đậu

Chế độ sinh hoạt:

  • Cần tắm rửa thường xuyên.

  • Thường xuyên thay quần áo và đồ lót.

  • Cắt móng tay sạch sẽ.

  • Không được gãi.

  • Có thể dùng băng ép ngâm lạnh để làm giảm nhẹ ngứa ngáy.

  • Không bóc tách các vảy, để bong tự nhiên.

  • Nghỉ ngơi đầy đủ.

  • Tránh làm vỡ mụn nước.

  • Nơi ở cần thoáng khí.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và vitamin.

  • Hạn chế đồ cay nóng, dầu mỡ.

Phương pháp phòng ngừa thủy đậu hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tiêm phòng vaccine đầy đủ để tránh nguy cơ bị nhiễm bệnh.

  • Hạn chế tiếp xúc nhất có thể với người đang bị thủy đậu.

  • Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, quần áo.

  • Không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, đồ lót,..

Nguồn tham khảo
  1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/b%E1%BB%87nh-truy%E1%BB%81n-nhi%E1%BB%85m/herpesviruses/th%E1%BB%A7y-%C4%91%E1%BA%ADu
  2. Sức khỏe đời sống: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-lon-co-mac-benh-thuy-dau-cach-nhan-biet-va-dieu-tri-169220406185035675.htm

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm sán máng

  2. Sởi

  3. Sán dây lợn

  4. Sốt hồi quy

  5. Viêm ruột do Giardia

  6. Bệnh Lyme

  7. Ghẻ cóc (do nhiễm Treponema pertenue)

  8. Viêm màng não do vi khuẩn

  9. HIV/AIDS

  10. Phong