Long Châu

Mụn trứng cá là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mụn trứng cá là một bệnh ngoài da thường gặp, đặc biệt là ở lứa tuổi dậy thì, phụ nữ mãn kinh, người tiếp xúc nhiều với môi trường khói bụi,... Bệnh nhân có thể để làm giảm sự hoạt động của tuyến bã nhờn, giảm viêm, giảm hình thành nhân mụn, giảm lượng vi khuẩn gây mụn và bình thường hóa quá trình sừng hóa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Mụn trứng cá là gì? 

Mụn trứng cá là sự hình thành của mụn bọc, sẩn, mụn mủ, nốt sần và/hoặc u nang do sự tắc nghẽn và viêm đơn vị nang lông tuyến bã (nang lông và tuyến bã nhờn đi kèm). Mụn thường mọc ở mặt và phần thân trên.

Mụn thường do 4 yếu tố sau tạo thành:

  • Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức.

  • Bã nhờn gây bít tắc nang lông và tế bào sừng.

  • Vi khuẩn kị khí Propionibacterium acnes phát triển quá mức.

  • Sản xuất quá mức các chất trung gian gây viêm.

Mụn trứng cá được phân thành 2 loại:

Mụn không viêm

Mụn đầu đen, mụn đầu trắng. Hình thành do sự tắc nghẽn chất bã ở nang lông. Được gọi là mụn đầu đen (nang lông mở trên bề mặt da) và mụn đầu trắng (nang lông đóng trên bền mặt da).

Nhân mụn đầu đen thì dễ lấy nhưng nhân mụn đầu trắng lại khó lấy hơn. Mụn đầu trắng thường là tiền thân của mụn viêm.

Mụn viêm

Bao gồm sẹo, mụn mủ, u nang và nốt sần. Hình thành do vi khuẩn Propionibacterium acnes tạo ra các mụn có nhân đóng, phá vỡ chất nhờn thành acid béo tự do gây kích ứng biểu mô nang lông, từ đó dẫn đến các phản ứng viêm gây ra bởi bạch cầu trung tính, lympho bào và làm phá vỡ lớp biểu mô. Việc các nang viêm vỡ đi vào lớp hạ bì tạo nên các phản ứng viêm mạnh hơn, hình thành nốt sần và mụn mủ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của mụn trứng cá

Mụn đầu trắng là các tổn thương có màu da hay màu trắng, đường kính từ 1 – 3 mm; mụn đầu đen có hình dáng tương tự nhưng phần trung tâm thường thẫm màu.

Nốt sần và u nang có thể gây đau.

Sẩn và mụn bọc là những tổn thương có màu đỏ, đường kính từ 2 – 5 mm, tương đối sâu.

Các nốt sần tương đối lớn và sâu hơn sẩn. U nang là những nốt mềm, hiếm khi hình thành áp xe sâu. Mụn trứng cá dạng nang để lâu ngày thường gây ra sẹo và rỗ trên mặt.

Mụn bọc thường là dạng nặng nhất của mụn trứng cá, nam giới thường bị nhiều hơn nữ giới. Mụn bọc thường gây áp xe và mủ, mụn thường rò mũ, gây sẹo lồi hay sẹo phì đại. Phần lưng và ngực của bệnh nhân cũng có những thương tổn nặng. Cánh tay, mông, bụng và da đầu đều có thể bị.

Mụn trứng cá bộc phát (fulminans) là những tổn thương dạng cấp tính, có kèm sốt, đặc trưng bằng sự xuất hiện đột ngột của thương tổn dạng áp xe cho đến hoạt tử xuất huyết. Có thể có cả tăng bạch cầu và sưng đau khớp.

Viêm da mủ vùng mặt (rosacea fulminans) thường xuất hiện đột ngột trên mặt, đặc biệt là ở những phụ nữ trẻ tuổi. Nó có thể tương tự như mụn trứng cá bộc phát, bao gồm các mảng hồng ban, mụn mủ mọc ở trán, má và cằm. 

Tác động của mụn trứng cá đối với sức khỏe

Mụn trứng cá là bệnh da liễu phổ biến, không gây nguy hiểm nhưng làm người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến mụn trứng cá

Ở giai đoạn dậy thì, androgen kích thích sự hoạt động của tuyến bã nhờn và quá trình sừng hóa phát triển quá mức. Ngoài ra, một số yếu tố cũng có thể làm khởi phát mụn như sự thay đổi nội tiết, sử dụng mỹ phẩm, xà phòng không phù hợp.

Một số nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa sữa và chế độ ăn có nhiều glycemic với sự khởi phát mụn.

Ánh sáng mặt trời có tác dụng chống viêm, mụn trứng cá có thể giảm đi vào mùa hè.

Một số loại thuốc như corticosteroid, phenytoin, lithium và isoniazid có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải mụn trứng cá?

Đối tượng nguy cơ bệnh mụn trứng cá:

  • Trẻ dậy thì;

  • Phụ nữ mãn kinh;

  • Người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hóa chất.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải mụn trứng cá

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc mụn trứng cá, bao gồm:

  • Sự thay đổi nội tiết khi có thai hay đến chu kì kinh nguyệt;

  • Độ ẩm cao;

  • Đổ mồ hôi nhiều;

  • Mỹ phẩm, xà phòng không phù hợp;

  • Ô nhiễm môi trường.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mụn trứng cá

Mụn trứng cá có thể được chẩn đoán bằng:

  • Đánh giá các yếu tố gây mụn;

  • Xác định mức độ bệnh;

  • Đánh giá tâm lý người bệnh.

Chẩn đoán phân biệt với trứng cá đỏ (không có nhân mụn), trứng cá do corticosteroid gây ra (không có nhân mụn, nhiều mụn mủ), viêm da quanh miệng (thường phân bố quanh mắt và miệng), phát ban dạng mụn trứng cá do dùng thuốc).

Mức độ bệnh được phân ra 3 loại nhẹ, trung bình và nặng dựa vào số lượng và các loại tổn thương, cụ thể như bảng sau:

Mức độ bệnh

Định nghĩa

Nhẹ

< 20 mụn không viêm hoặc < 15 mụn viêm hoặc tổng số < 30 mụn.

Trung bình

20 – 100 mụn không viêm hoặc 15 – 50 mụn viêm hoặc tổng số 30 – 125 mụn.

Nặng

> 5 u nang hoặc > 100 mụn không viêm hoặc > 50 mụn viêm hoặc > 125 mụn.

Phương pháp điều trị mụn trứng cá hiệu quả

Các biện pháp điều trị bệnh mụn trứng cá:

  • Mụn không viêm: Tretinoin tại chỗ.

  • Mụn viêm nhẹ: Retinol tại chỗ dùng đơn độc hay phối hợp với kháng sinh đường tại chỗ, benzoyl peroxide hay cả hai.

  • Mụn viêm trung bình: Dùng kháng sinh đường uống kết hợp với thuốc bôi nhưng đối với mụn viêm nhẹ.

  • Mụn viêm nặng: Isotretinoin dạng uống.

  • Mụn nang: Triamcinolone.

Điều trị mụn trứng cá dùng nhiều loại thuốc bôi tại chỗ hay toàn thân để giảm hoạt động của tuyến bã nhờn, giảm viêm và số lượng vi khuẩn gây bệnh.

Thuốc tránh thai đường uống có hiệu quả khi điều trị mụn trứng cá viêm và không viêm. Spironolactone liều 50 mg/lần/ngày, sau tăng lên 100 đến 150 mg, tối đa 200 mg/lần/ngày có thể hữu ích với phụ nữ.

Các liệu pháp ánh sáng được sử dụng hiệu quả, hầu hết là đối với mụn viêm.

Mụn viêm nhẹ

Điều trị mụn viêm nhẹ nên được điều trị trong 6 tuần hoặc đến khi cho đáp ứng. Điều trị chính là bôi tretinoin hằng ngày. Nếu không dung nạp tretinoin, có thể dùng adapalene, tazarotene, acid azelaic, acid glycolic hay salicylic.

Đối với mụn viêm dạng dẩn nhẹ có thể dùng liệu pháp bôi tretinoin và benzoyl peroxide, thuốc kháng sinh đường tại chỗ hay cả hai. Nếu bệnh nhân vẫn không đáp ứng với thuốc bôi tại chỗ thì có thể loại bỏ nhân mụn bằng cách trích nhân mụn, việc này nên được thực hiện bởi bác sĩ hay y tá. Nếu tổn thương lan rộng, có thể dùng kháng sinh dạng uống.

Mụn viêm trung bình

Điều trị bằng kháng sinh đường toàn thân như minocycline, tetracycline, erythromycin, doxycycline trong ≥ 12 tuần. Thuốc bôi có thể dùng như đối với mụn viêm nhẹ.

Mụn viêm nặng

Isotretinoin dạng uống là phương pháp điều trị tốt nhất. Liều dùng thường là 1 mg/kg/ngày trong 16 đến 20 tuần (nhưng có thể tăng lên 2 mg/kg/ngày). Nếu không dung nạp được tác dụng phụ, có thể giảm liều xuống 0,5 mg/kg/ngày.

Mụn nang

Tiêm 0,1 ml triamcinolone acetonide 2,5 mg/ml.

Các dạng mụn trứng cá khác:

  • Viêm da mủ vùng mặt: Điều trị bằng corticosteroid và isotretinoin đường uống.

  • Mụn trứng cá bộc phát: Điều trị bằng corticosteroid và kháng sinh toàn thân đường uống.

  • Mụn bọc: Điều trị bằng kháng sinh toàn thân, nếu không đáp ứng, điều trị với isotretinoin đường uống.

  • Sẹo: Điều trị bằng lột da hóa học, tái tạo da bằng laser. Tổn thương sâu hơn có thể điều trị bằng cách tách sẹo, bào da hay tiêm collagen, sử dụng chất làm đầy.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của mụn trứng cá

Chế độ sinh hoạt:

  • Rửa mặt 2 lần/ngày và sau khi đổ nhiều mồ hôi;

  • Cạo râu cẩn thận;

  • Thường xuyên gội đầu, không nên để tóc chạm vào mặt;

  • Không sờ tay lên mặt;

  • Cẩn thận khi sử dụng mỹ phẩm;

  • Chống nắng kỹ;

  • Không tự ý nặn mụn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống đủ nước;

  • Không ăn nhiều dầu, mỡ;

  • Bổ sung đầy đủ vitamin;

  • Không ăn quá cay.

Phương pháp phòng ngừa mụn trứng cá

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giữ làn da luôn sạch sẽ;

  • Dưỡng ẩm đầy đủ;

  • Hạn chế trang điểm, nếu có, tẩy trang sạch sẽ;

  • Bảo vệ da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời;

  • Tập thể dục thường xuyên;

  • Hạn chế căng thẳng (stress) kéo dài.

Nguồn tham khảo
  1.  MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/vi-vn/
  2. Sức khỏe đời sống: https://suckhoedoisong.vn/mun-trung-ca-nguyen-nhan-va-cach-kiem-soat-mun-hieu-qua-169211213101852617.htm

Các bệnh liên quan

  1. Gàu

  2. Gai đen

  3. Bệnh tự miễn

  4. Lichen nitidus

  5. U mềm lây

  6. Mụn lưng

  7. Chàm

  8. Da khô

  9. Loạn dưỡng móng

  10. Ngứa