Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhũ hương và những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhũ hương (Gôm nhựa) là một loại dược liệu quí hiếm và đắt đỏ. Ngày nay, nhũ hương và các chiết xuất của dược liệu này vẫn tiếp tục được nhân loại sử dụng làm thuốc trị bệnh bởi những công dụng trị liệu hiệu quả.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Nhũ hương có tên khoa học Boswellia carterii Birds, là một loài thực vật trong họ Trám (Burseraceae). Tên gọi nhũ hương hàm ý mô tả nhựa cây nhỏ thành từng giọt như nhũ và có hương thơm đặc trưng. Các tên gọi khác: Hắc lục hương, Địa nhũ hương, Thiên trạch hương.

nhũ hương
Nhũ hương là loại dược liệu quí giá có lịch sử lâu đời

Đặc điểm tự nhiên

Nhũ hương là loài cây có kích thước vừa phải, thân cây có nhiều cành to, vỏ cây trơn láng, màu nâu sáng, cây càng lớn càng có nhiều vảy nhỏ hơi bong tróc. Chiều cao của cây khoảng 4 - 5 mét, có khi lên đến 6 mét.

Lá cây thuộc dạng lá kép, trông giống lông vũ, mọc ở đầu cành, lá dài tầm 20 – 40 centimet. Lá chét không có cuống lá, có chiều dài cỡ 20 centimet, hình mũi mác, mép lá có răng cưa và được phủ bởi lông tơ màu trắng.

Hoa nhũ hương mọc thành cụm, dài khoảng 15 centimet, hoa nhỏ, màu trắng và hơi thưa. Một hoa bao gồm 5 cánh, nụ hoa hình bầu dục, đài hoa ngắn bằng phân nửa cánh hoa. Đài hoa có 5 mấu nhỏ hình tam giác. Nhụy đực, hơi xẻ ba. 

Quả hạch dạng trứng ngược, đầu tù. Vỏ quả chắc, mỗi ngăn có 1 hạt.

dược liệu nhũ hương
Cây nhũ hương Boswellia carterii Birds cho chất lượng nhựa thơm tốt nhất

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây nhũ hương mọc được ở nhiều nơi trên thế giới từ ven biển Địa Trung Hải đến Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc. 

Mùa xuân, hè là lúc thu hoạch nhựa cây lí tưởng nhất. Cách thu lấy nhựa là rạch thân cây theo chiều dọc từ dưới lên, nhựa cây nhiều hơn khi vết rạch sâu hơn. Lúc rạch không được để nhựa cây rơi xuống đất, không để tạp chất nhiễm vào. Trung bình một cây sẽ cho khoảng ba đến bốn kí nhựa.

Bào chế nhựa nhũ hương đúng cách sẽ phát huy tối đa dược tính của dược liệu: 

  • Cách 1: Sử dụng 40g nhũ hương sạch, đã loại bỏ tạp chất tán thành bột cùng với 1g Đăng tâm thảo. 

  • Cách 2: Đem nhũ hương sao lửa nhỏ cho hơi chảy, có màu vàng thì lấy ra khỏi chảo để nguội. 

  • Cách 3: Sao 1 kí nhũ hương trên lửa nhỏ cho bề mặt  chảy, dùng 0,6 lít dấm phun và sao tiếp cho đến khi bề mặt hạt nhũ hương trong và sáng hơn, lấy ra khỏi chảo và để nguội.

Bảo quản nhũ hương trong bao bì kín, để nơi khô ráo nhằm tránh làm mất hương thơm.

Bộ phận sử dụng

Nhựa cây khô dạng hạt, hình bầu dục hoặc hình tròn không đều, kích thước mỗi hạt nhỏ nhất khoảng 0,5 milimet, hạt to nhất khoảng 3 milimet, các hạt có thể dính với nhau thành cục. Tùy theo giống cây, thổ nhưỡng mà màu sắc và độ trong của hạt nhũ hương có khi màu lục nhạt, màu lam hay đỏ nâu, bề mặt hạt có  lớp bụi trắng, dù lau sạch lớp này hạt vẫn không bóng. Bên trong hạt dạng sáp cứng, giòn, không bóng, nếu làm vỡ hạt sẽ quan sát được một số mặt gãy óng ánh như pha lê. Mùi thơm nhẹ nhàng nhưng rất đặc biệt, vị nhẫn và đắng. Nếu ngậm và nhai hạt thì ban đầu hạt vỡ ra, sau đó mềm và dính như khối keo, hơi cay, thơm dịu.

nhũ hương chữa bệnh
Các màu sắc phổ biến của nhũ hương.

 

Thành phần hoá học

Các nhà khoa học sử dụng công nghệ sắc ký để tách và tinh chế nhũ hương, phương pháp phân tích quang phổ để làm sáng tỏ cấu trúc cúa các thành phần.

Có 6 hợp chất được phân lập và cấu trúc của chúng lần lượt là: Axit axetyl-alpha-boswellic (1), axit axetyl-beta-boswellic (2), lup-20 (29) -en-3 alpha-acetoxy-24-oic axit (3), axit alpha-boswellic (4), axit beta-boswellic (5) và axit axetyl-11-keto-beta-boswellic (6).

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị : Vị cay, đắng, tính ôn.

Quy kinh: Tám, can, tỳ, phế, thận.

Công năng: Hoạt huyết, chỉ thống, khử ứ, tiêu sưng, giải độc, bổ tâm, tỳ.

Chủ trị: Thống kinh, xương khớp đau nhức, cơ co cứng, mề đay, mụn nhọt.

Theo y học hiện đại

Tính chất dược lý của nhũ hương tương tự các thuốc giảm đau không steroid, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cơ chế ức chế các chất trung gian hóa học gây đau như cytokines, enzyme 5-lipoxygenase…của hoạt chất có trong nhũ hương như acid boswellic. Ngoài ra nhũ hương còn có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, se niêm mạc làm lành vết thương, nhờ các monoterpenes, diterpenes, triterpenes, axit pentacyclic triterpenic…

Liều dùng & cách dùng

Nhũ hương có thể dùng dưới dạng tán bột làm hoàn, thuốc sắc, dùng thoa ngoài da, …và tùy mục đích sử dụng có thể phối hợp với các dược liệu khác trong nhiều thang thuốc. Điều chế nước hoa, tinh dầu trong công nghiệp mỹ phẩm.

Liều dùng:

  • Dùng trong các bài thuốc trị bệnh: 3 - 10g/ngày.
  • Dùng ngoài: Bôi da, lượng không cố định.

Bài thuốc kinh nghiệm

Giảm sưng đau do chấn thương

Bài thuốc Nhũ hương định thống tán: Nhũ hương, Một dược, Xuyên khung mỗi vị 5g, Bạch chỉ, Sinh địa, Xích thược, Đơn bì, mỗi vị 10g, Cam thảo 3g, tán thành bột chưng lên với rượu mỗi lần uống 3 – 4g, ngày 2 lần.

Chữa và làm lành mụn nhọt

Bài thuốc Nhũ hương tiêu độc tán: Nhũ hương, Một dược, mỗi vị 5g, Đại hoàng, Hoàng kỳ, Thiên hoa phấn, Ngưu bàng tử, Mẫu lệ mỗi vị 10g, Kim ngân hoa 15g, Cam thảo 3g, sắc thuốc uống mỗi ngày 2 - 3 lần.

Bột nhũ hương hoặc nhũ hương chiết xuất trong dầu nền bôi lên miệng vết nhọt đã vỡ để làm lành vết thương, liền da.

Trị bế kinh, thống kinh

Bài thuốc kết hợp nhữ hương các vị Hồng hoa, Đào nhân, Đương quy.

Giảm đau đầu, có cứng cơ và đau nhức cơ thể 

Bài thuốc Nhũ Hương Hoàn – Chứng Trị Chuẩn Thằng: Nhũ hương, Một dược, Thảo ô, Ngũ linh chi, Vãn tàm sa, Mộc miết tử, đem các vị thuốc này tán thành bột mịn, trộn với rượu trắng và hồ tinh bột làm hoàn khoảng bằng hạt bắp, uống với nước sắc Bạc hà mỗi lần 7 viên.

Lưu ý

Tác dụng phụ: Có thể xuất hiện các triệu chứng ở đường tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng,...

Chống chỉ định: Phụ nữ có thai, đang cho con bú không nên dùng.

Lưu ý về thời gian sử dụng thuốc: Dùng đường uống khoảng 6 tháng liên tục, dùng ngoài da dưới 30 ngày, người có bệnh dạ dày nên giảm liều. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng vị  thuốc đúng cách, đạt hiệu quả tối ưu và tránh được các tác dụng không mong muốn.

Nguồn tham khảo
  1. https://duocdienvietnam.com/nhu-huong/ 

  2. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12567779/#:~:text=Results%3A%20Six%20compounds%20were%20isolated,%2Dboswellic%20acid%20(6) 

  3. Sách Những cây thuốc và vị thuốc – Đõ Tất Lợi