Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Rắn hổ mang có hai chi rắn khác nhau ở nước ta mang tên hổ mang là chi Naja và chi Agkistrodon. Tây y thường dùng nọc rắn thường được ứng dụng dưới dạng cao dán, cao bôi ngoài giúp trị các chứng viêm khớp, viêm dây thần kinh, thấp khớp hoặc dưới dạng thuốc tiêm giúp giảm các triệu chúng đau.
Tên Tiếng Việt: Nọc rắn hổ mang
Tên khác: Nọc rắn hổ mang khô
Tên khoa học: Naja-naja L., Naja hannah Cantor thuộc họ Elapidae (Họ rắn hổ).
Naja-naja L.: Miền Nam thường gọi là hổ đất, miền Bắc gọi là hổ mang, hổ trâu, thuộc họ Elapidae (họ rắn hổ). Pháp vẫn gọi rắn này là cobra hay serpent à lunette (rắn mang kính, nhãn kính xà). Thân có thể dài tới 2m. Màu sắc thay đổi nhưng thường màu nâu đen, đều một màu. Khi nào nó tức giận thì đầu cất cao, thân phía trên đứng thẳng lên, cổ banh ra phun phì phì ( do đó nó có tên con phì, hổ phì). Trên cổ có một điểm trắng to hình mặt trăng (ở những con còn nom nom rất rõ, ở những con già ít rõ).
Tại Ấn Độ và một số ít nơi ở nước ta có loại rắn trên cổ có hai điểm trắng này gần nhau giống nhau như 2 mắt kính, do đó có tên là rắn đeo kính. Phía dưới đầu và cổ có màu trắng phân cách với màu sẫm toàn thân bằng một vạch đen và vạch màu nhạt hơn. Quanh cổ có 21 đến 35 hàng vảy, giữa thân có 17 đến 25 hàng vảy. Rắn hổ mang là một loại rắn hay tức giận, tự vệ rất hăng khi người ta tấn công nó, nhưng thường nó hay trốn đi nếu không bị trêu tức. Nó hoạt động cả ngày và đêm, nhưng chủ yếu về đêm.
Najs hannah Cantor: Còn gọi là đại nhân kính xà- rắn hổ mang chúa (cobra royal). Thân có thể dài tới 4-5 m, trung bình 3,4 m. Thường ban ngày nó ẩn trong hốc cây và chỉ hoạt động ban đêm thôi cho nên chỉ khi phá hoang mới bị nó cắn. Nước ngoài người ta gọi nó là King cobra, Naja bungare-hamadryas hay Ophiophage. Cổ nó banh ít hơn con trên, cổ không có điểm trắng, con lớn có màu sẫm đều, con non có nhiều vạch ngang hẹp và sáng hơn. Số vẩy quanh cổ là 17 đến 21, giữa thân là 15.
Rắn hổ mang thường được bắt nhiều ở dọc sông Hoàng Hà, bãi Trung Hà, Tứ Tổng, tại những đống gạch, bụi tre, bờ đê. Ngoài ra, còn hay tìm thấy rắn hổ mang ở ven bờ sông Phả Lai (Hà Bắc), dọc sông Hát Mông (Hà Tây), thường hổ mang ở những hang cao ráo, sạch sẽ.
Naja-naja L.: Rắn này rất hay gặp ở Việt Nam cả miền núi lẫn đồng bằng. Nó bơi giỏi nhưng không sống dưới nước.
Najs hannah Cantor: Con này lại nguy hiểm hơn con trên, sống ở khắp nước ta miền núi cũng như miền đồng bằng.
Cách lấy nọc đơn giản là để con rắn cắn vào miệng đĩa petri. Lấy tay xoa và bóp nhẹ vào hai tuyến nọc ở sau tai, nọc sẽ chảy vào đĩa. Chú ý đừng bóp mạnh quá, nọc chảy ra sẽ lẫn dãi và máu làm giảm chất lượng nọc thu được. Nọc lúc mới chảy ra lỏng và hơi sánh, màu hơi vàng nhạt, có thể làm đông khô hay làm trong bình làm khô có chứa silicagel. Nọc khô có thể bảo quản hàng chục năm vẫn còn hoạt tính. Nọc này được dùng làm thuốc hay xuất khẩu. Đối với mục đích nghiên cứu, có đến 1g nọc độc thu được qua quá trình vắt nọc.
Nọc rắn hổ mang.
Nọc độc của rắn được nghiên cứu tương đối kỹ hơn. Nhưng vì rắn gồm nhiều loại cho nên đây chỉ là một số nét chung. Hiện nay người ta mới biết rằng nọc rắn độc không phải do một chất ancaloit hay glucozit nào, mà có lẽ do các chất men (enzym) như proteaza, photphatidaza hoặc là do các phức chất tác động trên tổ chức thần kinh hoặc trên máu và thành mạch máu.
Nọc độc hình thành trong tuyến giải phẫu có tên là tuyến nọc độc sau ổ mắt. Chất ophiotoxin hay cobratoxin, nọc độc của một loại rắn hổ mang Naja tripudians là một chất trắng vàng nhạt, tan trong nước, khi bảo quản cần tránh không khí và độ ẩm để giữ nguyên vẹn hiệu lực. Nọc độc của rắn hổ mang chúa chứa gồm cytotoxin và neurotoxin, bao gồm cả alpha-neurotoxin (α-Neurotoxin) và độc tố ba ngón tay (3FTx).
Các thành phần độc tố khác ảnh hưởng đến tim mạch. Chất neurotoxin của rắn hổ mang cobra bị khí sunfuarơ (SO2) làm mất tác dụng. Khi tiêm mạch nhỏ giọt nọc độc của rắn hổ mang cobra vào phổi mèo hay chuột bạch sẽ gây giải phóng chất histamin. Ngoài ra, trong nọc rắn người ta thấy có lượng rất cao chất kẽm (Zn), ion kẽm cần thiết cho tác dụng của nọc rắn và đóng vai trò giống như vai trò của các ion kim loại trong các men (diastaza).
Tại Việt Nam, rắn hổ mang cũng là một trong những vị thuốc “danh bất hư truyền” trị các bệnh về khớp. Theo “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, nọc rắn có tác dụng chỉ thống (giảm đau khớp). Trong Đông y, nọc rắn hổ mang làm cao thuốc là loại thuốc được xếp vào bảng đầu với công dụng chữa các bệnh như: Viêm khớp, thấp khớp, tê liệt, đau nhức,… Ngoài các hiệu quả với xương khớp, bài thuốc này còn được các quý ông ưa chuộng bởi khả năng cải thiện và làm tăng sinh lực phái mạnh.
Nọc rắn là bộ phận có chứa chất độc duy nhất của rắn hổ mang. Nọc rắn thường được ứng dụng trong y học hiện đại ngày nay dưới dạng cao dán hoặc cao bôi ngoài. Chuyên trị các chứng viêm khớp, viêm dây thần kinh, thấp khớp. Nọc rắn còn có tác dụng ức chế sự phát triển của một số loại tế bào ung thư, hạ huyết áp trong bệnh cao huyết áp.
Thuốc tiêm nọc rắn
Mỗi ống 1ml chứa 0,1mg nọc rắn khô hòa tan trong thanh huyết mặn đẳng trương. Qua những thí nghiệm đã tiến hành, chúng ta biết rằng nọc rắn hổ mang có tác dụng giảm đau kéo dài mà không gây nghiện, thường dùng trong những trường hợp đau ung thư.
Ngày đầu người ta tiêm 0,5ml chứa 0,05 nọc rắn hoặc 5 đơn vị chuột là lượng nọc cần thiết để giết chết một con chuột nhắt nặng 25g. Chỉ tiêm dưới da hay tiêm bắp. Tuyệt đối không tiêm mạch máu. Trước khi tiêm, không làm sát trùng da bằng cồn iốt vì cồn có tác dụng hủy nọc rắn. Thường 7 - 8 ngày mới tiêm một lần.
Những lần sau, nếu bệnh nhân chịu thuốc có thể tăng liều tiêm lên 0,6ml, 0,7ml đến 1ml một lần. Nếu bệnh nhân không chịu, thì ngừng thuốc.
Cao dán nọc rắn
Cao dán nọc rắn là một trong những phương án điều trị bệnh phong thấp được nhiều người bệnh ứng dụng. Khi dùng cao dán cần làm sạch phần da, để khô ráo, bóc lớp chắn bên ngoài, dán vào chỗ đau ngày 1 - 2 lần, mỗi lần 12 - 24 tiếng. Người bệnh cần lưu ý các trường hợp cụ thể để sử dụng và tần suất sử dụng cao dán để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh.
Thuốc xoa dùng chữa thấp khớp, viêm cơ mang tên Vipratox (Cộng hòa liên bang Đức), Viprosalum (Liên Xô cũ). Mỗi 100g thuốc Vipratox có 0,1mg nọc rắn, 6g salixylat metyl và 3g long não.
Trên cơ sở những vị thuốc chữa đau nhức thấp khớp sẵn có trong nước, chúng tôi đã chế một loại thuốc xoa bóp có nọc rắn gồm có: Nọc rắn hổ mang khô 0,1mg, tinh dầu quế 1ml, tinh dầu hồi 1ml, tinh dầu khuynh diệp 5ml, tinh dầu hương nhu 0,5ml, long não 3g, tá dược (kem stearat natri) vừa đủ cho 100g thuốc. Khi dùng lấy 3 - 5g thuốc này bôi lên nơi đau, xoa bóp cho đều. Ngày xoa 1 đến 2 hoặc 3 lần.
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng nọc rắn hổ mang:
Nọc rắn hổ mang phải bảo quản theo chế độ thuốc rất độc vì chỉ sơ ý có thể gây chết người.
Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam_ Đỗ Tất Lợi.
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/ran.html
Wikipedia.org: https://vi.wikipedia.org/wiki/R%E1%BA%AFn_h%E1%BB%95_ch%C3%BAa