Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Tim mạch/
  4. Bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bác sĩNguyễn Thị Thu Thảo

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược Thái Nguyên, bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm khám chữa bệnh Chuyên khoa Nội và Nhi. Với kiến thức chuyên môn vững chắc, bác sĩ luôn tận tâm chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Đặc biệt, bác sĩ đã hoàn thành khóa học về An toàn và Quản lý Chất lượng tại Đại học Y Hà Nội, đảm bảo việc khám chữa bệnh diễn ra an toàn, hiệu quả.

Xem thêm thông tin

Bệnh tim mạch là một tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến tim hoặc mạch máu. Nguy cơ mắc một số bệnh tim có thể tăng lên do hút thuốc, huyết áp cao, cholesterol cao, chế độ ăn uống không lành mạnh, lười vận động và béo phì. Bệnh tim phổ biến nhất là bệnh động mạch vành (động mạch vành hẹp hoặc tắc nghẽn), có thể dẫn đến đau thắt ngực, đau tim hoặc đột quỵ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung bệnh tim mạch

Bệnh tim mô tả một loạt các tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến tim. Các bệnh tim bao gồm:

Bệnh mạch máu (bệnh động mạch vành...).

Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim, nhịp nhanh, nhịp chậm...).

Các vấn đề về tim mắc phải từ khi sinh ra (dị tật tim bẩm sinh).

Bệnh cơ tim.

Bệnh van tim.

Nhiều dạng bệnh tim có thể được ngăn ngừa hoặc điều trị bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh.

Triệu chứng bệnh tim mạch

Các triệu chứng bệnh tim mạch phụ thuộc vào từng loại bệnh cụ thể.

Bệnh tim mạch máu

Bệnh động mạch vành là một bệnh tim phổ biến ảnh hưởng đến các mạch máu chính cung cấp cho cơ tim. Cholesterol lắng đọng thành mảng trên thành động mạch tim thường là nguyên nhân gây bệnh này. Sự tích tụ của những mảng này được gọi là xơ vữa động mạch, làm giảm lưu lượng máu đến tim và các bộ phận khác của cơ thể. Nó có thể dẫn đến đau tim, đau ngực (đau thắt ngực) hoặc đột quỵ.

Các triệu chứng bệnh động mạch vành ở nam giới và phụ nữ có thể khác nhau. Ví dụ: nam giới có khả năng bị đau thắt ngực cao hơn, trong khi đó, phụ nữ dễ gặp các triệu chứng khác kèm với khó chịu ở ngực, như khó thở, buồn nôn và cực kỳ mệt mỏi.

Các triệu chứng của bệnh động mạch vành bao gồm:

Đau ngực, tức ngực và khó chịu ở ngực (đau thắt ngực).

Khó thở.

Đau ở cổ, hàm, cổ họng, vùng bụng trên hoặc lưng.

Đau, tê, yếu hoặc lạnh ở chân hoặc tay nếu các mạch máu ở những vùng cơ thể đó bị thu hẹp.

Bệnh nhân có thể không được chẩn đoán mắc bệnh động mạch vành cho đến khi khởi phát đau tim, đau thắt ngực, đột quỵ hoặc suy tim. Bệnh tim mạch đôi khi có thể được phát hiện sớm khi đi khám sức khỏe định kỳ.

Bệnh nhịp tim

Các triệu chứng bệnh nhịp tim:

Đau hoặc khó chịu ở ngực;

Chóng mặt;

Ngất xỉu hoặc gần ngất xỉu;

Cảm thấy rung trong lồng ngực;

Cảm giác lâng lâng;

Nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường;

Khó thở.

Dị tật tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh nghiêm trọng thường được phát hiện ngay sau khi sinh. Các triệu chứng dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em bao gồm:

Da hoặc môi xanh xám hoặc xanh xao (tím tái).

Sưng ở chân, vùng bụng hoặc các vùng xung quanh mắt.

Trẻ sơ sinh khó thở khi bú dẫn đến chậm tăng cân.

Các dị tật tim bẩm sinh ít nghiêm trọng hơn thường không được phát hiện cho đến khi bệnh nhân lớn hơn hoặc trưởng thành. Các triệu chứng của dị tật tim bẩm sinh thường không đe dọa tính mạng ngay lập tức bao gồm:

Dễ bị hụt hơi, mệt mỏi khi tập thể dục hoặc hoạt động.

Sưng bàn tay, mắt cá chân hoặc bàn chân.

Bệnh cơ tim

Giai đoạn đầu của bệnh cơ tim có thể không gây ra các triệu chứng đáng chú ý. Khi tình trạng xấu đi, các triệu chứng có thể bao gồm:

Chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu.

Mệt mỏi.

Cảm thấy khó thở khi hoạt động hoặc khi nghỉ ngơi, vào ban đêm khi cố gắng ngủ hoặc thức dậy khó thở.

Nhịp tim bất thường, cảm thấy nhanh, đập thình thịch hoặc rung bất thường.

Sưng chân, mắt cá chân hoặc bàn chân.

Bệnh van tim

Tim có bốn van gồm van động mạch chủ, van hai lá, van phổi và van ba lá, chúng mở và đóng để di chuyển máu qua tim. Van tim có thể bị hẹp, hở (trào ngược hoặc suy) hoặc đóng không đúng cách (sa).

Tùy thuộc vào van hoạt động bất thường, các triệu chứng bệnh van tim thường bao gồm:

Tức ngực;

Ngất xỉu;

Mệt mỏi;

Nhịp tim không đều;

Khó thở;

Sưng bàn chân hoặc mắt cá chân.

Viêm nội tâm mạc

Một bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến van tim và lớp lót bên trong của buồng tim và van tim (màng trong tim). Các triệu chứng viêm nội tâm mạc có thể bao gồm:

Ho khan hoặc dai dẳng;

Sốt;

Nhịp tim thay đổi;

Khó thở;

Phát ban trên da hoặc các nốt bất thường;

Sưng chân hoặc vùng bụng;

Suy nhược hoặc mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tim mạch

Suy tim: Suy tim là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh tim, xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Cơn đau tim: Có thể xảy ra nếu cục máu đông làm tắc mạch máu đi đến tim.

Đột quỵ: Do thiếu máu cục bộ xảy ra khi các động mạch đến não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Đột quỵ là một trường hợp nguy hiểm, cần được cấp cứu ngay vì mô não bắt đầu chết chỉ trong vòng vài phút sau đột quỵ.

Phình mạch: Tại vị trí động mạch nếu túi phình bị vỡ, bệnh nhân có thể bị xuất huyết trong, đe dọa tính mạng.

Bệnh động mạch ngoại vi: Tình trạng cánh tay hoặc chân - thường là chân - không nhận đủ máu, gây ra các triệu chứng, đáng chú ý nhất là đau chân khi đi bộ (claudication). Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại vi.

Ngừng tim đột ngột: Tình trạng mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức đột ngột, thường do hệ thống điện của tim có vấn đề. Ngừng tim đột ngột là một cấp cứu y tế, có thể dẫn đến đột tử do tim nếu không được điều trị ngay lập tức.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân bệnh tim mạch

Nguyên nhân của bệnh mạch vành

Sự tích tụ các mảng chất béo trong động mạch (xơ vữa động mạch) là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh mạch vành. Các yếu tố nguy cơ bao gồm chế độ ăn uống nghèo nàn, lười vận động, béo phì và hút thuốc. Lựa chọn lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.

Nguyên nhân của loạn nhịp tim

Các nguyên nhân phổ biến của rối loạn nhịp tim hoặc các tình trạng có thể dẫn đến chúng bao gồm:

Bệnh cơ tim;

Bệnh động mạch vành;

Bệnh đái tháo đường;

Lạm dụng ma túy;

Căng thẳng cảm xúc;

Sử dụng quá nhiều rượu hoặc caffeine;

Có vấn đề về tim lúc mới sinh (dị tật tim bẩm sinh);

Huyết áp cao;

Hút thuốc;

Bệnh van tim;

Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm cả những loại thuốc không kê đơn, dược liệu, thực phẩm chức năng.

Nguyên nhân dị tật tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh phát triển trong khi bào thai đang trong bụng mẹ, khoảng một tháng sau khi thụ thai. Dị tật tim bẩm sinh làm thay đổi lưu lượng máu trong tim. Một số điều kiện y tế, thuốc men và gen làm tăng nguy cơ dị tật tim bẩm sinh.

Nguyên nhân bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim giãn nở. Nguyên nhân của loại bệnh cơ tim phổ biến nhất này thường không được biết rõ, có thể liên quan đến di truyền. Bệnh cơ tim giãn nở thường bắt đầu ở tâm thất trái. Nhiều yếu tố có thể gây tổn thương cho tâm thất trái, như đau tim, nhiễm trùng, độc tố và một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc điều trị ung thư.

Bệnh cơ tim phì đại. Bệnh này có tính di truyền.

Bệnh cơ tim hạn chế. Ít phổ biến nhất và xảy ra mà không rõ lý do. Đôi khi được gây ra bởi sự tích tụ của protein amyloid trong tim (bệnh amyloidosis tim) hoặc rối loạn mô liên kết.

Nguyên nhân của nhiễm trùng tim

Nhiễm trùng tim, chẳng hạn như viêm nội tâm mạc, xảy ra khi vi khuẩn đến tim hoặc van tim. Các nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm trùng tim là:

Vi khuẩn;

Virus;

Ký sinh trùng.

Nguyên nhân của bệnh van tim

Một số người đã mắc bệnh van tim ngay từ khi sinh ra. Bệnh van tim cũng có thể do nguyên nhân như:

Thấp khớp;

Nhiễm trùng (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng);

Rối loạn mô liên kết.

Chia sẻ:
Nguồn tham khảo

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-disease/diagnosis-treatment/drc-20353124

2. https://suckhoedoisong.vn/nhung-thuc-pham-nguoi-benh-tim-mach-nen-an-va-nen-tranh-16922041821132298.htm

3. https://www.cdc.gov/heartdisease/risk_factors.htm

Hỏi đáp (0 bình luận)