Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh tim mạch là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh tim mạch là một tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến tim hoặc mạch máu. Nguy cơ mắc một số bệnh tim có thể tăng lên do hút thuốc, huyết áp cao, cholesterol cao, chế độ ăn uống không lành mạnh, lười vận động và béo phì. Bệnh tim phổ biến nhất là bệnh động mạch vành (động mạch vành hẹp hoặc tắc nghẽn), có thể dẫn đến đau thắt ngực, đau tim hoặc đột quỵ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh tim mạch là gì?

Bệnh tim mô tả một loạt các tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến tim. Các bệnh tim bao gồm:

  • Bệnh mạch máu (bệnh động mạch vành...).

  • Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim, nhịp nhanh, nhịp chậm...).

  • Các vấn đề về tim mắc phải từ khi sinh ra (dị tật tim bẩm sinh).

  • Bệnh cơ tim.

  • Bệnh van tim.

Nhiều dạng bệnh tim có thể được ngăn ngừa hoặc điều trị bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim mạch

Các triệu chứng bệnh tim mạch phụ thuộc vào từng loại bệnh cụ thể.

Bệnh tim mạch máu

Bệnh động mạch vành là một bệnh tim phổ biến ảnh hưởng đến các mạch máu chính cung cấp cho cơ tim. Cholesterol lắng đọng thành mảng trên thành động mạch tim thường là nguyên nhân gây bệnh này. Sự tích tụ của những mảng này được gọi là xơ vữa động mạch, làm giảm lưu lượng máu đến tim và các bộ phận khác của cơ thể. Nó có thể dẫn đến đau tim, đau ngực (đau thắt ngực) hoặc đột quỵ.

Các triệu chứng bệnh động mạch vành ở nam giới và phụ nữ có thể khác nhau. Ví dụ: nam giới có khả năng bị đau thắt ngực cao hơn, trong khi đó, phụ nữ dễ gặp các triệu chứng khác kèm với khó chịu ở ngực, như khó thở, buồn nôn và cực kỳ mệt mỏi.

Các triệu chứng của bệnh động mạch vành bao gồm:

  • Đau ngực, tức ngực và khó chịu ở ngực (đau thắt ngực).

  • Khó thở.

  • Đau ở cổ, hàm, cổ họng, vùng bụng trên hoặc lưng.

  • Đau, tê, yếu hoặc lạnh ở chân hoặc tay nếu các mạch máu ở những vùng cơ thể đó bị thu hẹp.

Bệnh nhân có thể không được chẩn đoán mắc bệnh động mạch vành cho đến khi khởi phát đau tim, đau thắt ngực, đột quỵ hoặc suy tim. Bệnh tim mạch đôi khi có thể được phát hiện sớm khi đi khám sức khỏe định kỳ.

Bệnh nhịp tim

Các triệu chứng bệnh nhịp tim:

  • Đau hoặc khó chịu ở ngực;

  • Chóng mặt;

  • Ngất xỉu hoặc gần ngất xỉu;

  • Cảm thấy rung trong lồng ngực;

  • Cảm giác lâng lâng;

  • Nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường;

  • Khó thở.

Dị tật tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh nghiêm trọng thường được phát hiện ngay sau khi sinh. Các triệu chứng dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em bao gồm:

  • Da hoặc môi xanh xám hoặc xanh xao (tím tái).

  • Sưng ở chân, vùng bụng hoặc các vùng xung quanh mắt.

  • Trẻ sơ sinh khó thở khi bú dẫn đến chậm tăng cân.

Các dị tật tim bẩm sinh ít nghiêm trọng hơn thường không được phát hiện cho đến khi bệnh nhân lớn hơn hoặc trưởng thành. Các triệu chứng của dị tật tim bẩm sinh thường không đe dọa tính mạng ngay lập tức bao gồm:

  • Dễ bị hụt hơi, mệt mỏi khi tập thể dục hoặc hoạt động.

  • Sưng bàn tay, mắt cá chân hoặc bàn chân.

Bệnh cơ tim

Giai đoạn đầu của bệnh cơ tim có thể không gây ra các triệu chứng đáng chú ý. Khi tình trạng xấu đi, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu.

  • Mệt mỏi.

  • Cảm thấy khó thở khi hoạt động hoặc khi nghỉ ngơi, vào ban đêm khi cố gắng ngủ hoặc thức dậy khó thở.

  • Nhịp tim bất thường, cảm thấy nhanh, đập thình thịch hoặc rung bất thường.

  • Sưng chân, mắt cá chân hoặc bàn chân.

Bệnh van tim

Tim có bốn van gồm van động mạch chủ, van hai lá, van phổi và van ba lá, chúng mở và đóng để di chuyển máu qua tim. Van tim có thể bị hẹp, hở (trào ngược hoặc suy) hoặc đóng không đúng cách (sa).

Tùy thuộc vào van hoạt động bất thường, các triệu chứng bệnh van tim thường bao gồm:

  • Tức ngực;

  • Ngất xỉu;

  • Mệt mỏi;

  • Nhịp tim không đều;

  • Khó thở;

  • Sưng bàn chân hoặc mắt cá chân.

Viêm nội tâm mạc

Một bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến van tim và lớp lót bên trong của buồng tim và van tim (màng trong tim). Các triệu chứng viêm nội tâm mạc có thể bao gồm:

  • Ho khan hoặc dai dẳng;

  • Sốt;

  • Nhịp tim thay đổi;

  • Khó thở;

  • Phát ban trên da hoặc các nốt bất thường;

  • Sưng chân hoặc vùng bụng;

  • Suy nhược hoặc mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tim mạch

Suy tim: Suy tim là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh tim, xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Cơn đau tim: Có thể xảy ra nếu cục máu đông làm tắc mạch máu đi đến tim.

Đột quỵ: Do thiếu máu cục bộ xảy ra khi các động mạch đến não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Đột quỵ là một trường hợp nguy hiểm, cần được cấp cứu ngay vì mô não bắt đầu chết chỉ trong vòng vài phút sau đột quỵ.

Phình mạch: Tại vị trí động mạch nếu túi phình bị vỡ, bệnh nhân có thể bị xuất huyết trong, đe dọa tính mạng.

Bệnh động mạch ngoại vi: Tình trạng cánh tay hoặc chân - thường là chân - không nhận đủ máu, gây ra các triệu chứng, đáng chú ý nhất là đau chân khi đi bộ (claudication). Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại vi.

Ngừng tim đột ngột: Tình trạng mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức đột ngột, thường do hệ thống điện của tim có vấn đề. Ngừng tim đột ngột là một cấp cứu y tế, có thể dẫn đến đột tử do tim nếu không được điều trị ngay lập tức.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch

Nguyên nhân của bệnh mạch vành

Sự tích tụ các mảng chất béo trong động mạch (xơ vữa động mạch) là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh mạch vành. Các yếu tố nguy cơ bao gồm chế độ ăn uống nghèo nàn, lười vận động, béo phì và hút thuốc. Lựa chọn lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.

Nguyên nhân của loạn nhịp tim

Các nguyên nhân phổ biến của rối loạn nhịp tim hoặc các tình trạng có thể dẫn đến chúng bao gồm:

  • Bệnh cơ tim;

  • Bệnh động mạch vành;

  • Bệnh đái tháo đường;

  • Lạm dụng ma túy;

  • Căng thẳng cảm xúc;

  • Sử dụng quá nhiều rượu hoặc caffeine;

  • Có vấn đề về tim lúc mới sinh (dị tật tim bẩm sinh);

  • Huyết áp cao;

  • Hút thuốc;

  • Bệnh van tim;

  • Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm cả những loại thuốc không kê đơn, dược liệu, thực phẩm chức năng.

Nguyên nhân dị tật tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh phát triển trong khi bào thai đang trong bụng mẹ, khoảng một tháng sau khi thụ thai. Dị tật tim bẩm sinh làm thay đổi lưu lượng máu trong tim. Một số điều kiện y tế, thuốc men và gen làm tăng nguy cơ dị tật tim bẩm sinh.

Nguyên nhân bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim giãn nở. Nguyên nhân của loại bệnh cơ tim phổ biến nhất này thường không được biết rõ, có thể liên quan đến di truyền. Bệnh cơ tim giãn nở thường bắt đầu ở tâm thất trái. Nhiều yếu tố có thể gây tổn thương cho tâm thất trái, như đau tim, nhiễm trùng, độc tố và một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc điều trị ung thư.

Bệnh cơ tim phì đại. Bệnh này có tính di truyền.

Bệnh cơ tim hạn chế. Ít phổ biến nhất và xảy ra mà không rõ lý do. Đôi khi được gây ra bởi sự tích tụ của protein amyloid trong tim (bệnh amyloidosis tim) hoặc rối loạn mô liên kết.

Nguyên nhân của nhiễm trùng tim

Nhiễm trùng tim, chẳng hạn như viêm nội tâm mạc, xảy ra khi vi khuẩn đến tim hoặc van tim. Các nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm trùng tim là:

  • Vi khuẩn;

  • Virus;

  • Ký sinh trùng.

Nguyên nhân của bệnh van tim

Một số người đã mắc bệnh van tim ngay từ khi sinh ra. Bệnh van tim cũng có thể do nguyên nhân như:

  • Thấp khớp;

  • Nhiễm trùng (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng);

  • Rối loạn mô liên kết.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm:

Tuổi tác: Tuổi càng cao nguy cơ động mạch bị tổn thương và thu hẹp cũng như cơ tim bị suy yếu hoặc dày lên càng tăng.

Giới tính: Nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn và nguy cơ cũng tăng đối với phụ nữ sau khi mãn kinh.

Tiền sử gia đình mắc bệnh tim: Tiền sử gia đình mắc bệnh tim làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đặc biệt nếu cha hoặc mẹ mắc bệnh này khi còn nhỏ (trước 55 tuổi đối với người thân nam - cha hoặc anh em trai và 65 tuổi đối với người thân nữ - mẹ hoặc chị em gái).

Hút thuốc lá: Các chất trong khói thuốc làm hỏng các động mạch nên những cơn đau tim thường xảy ra ở những người hút thuốc lá hơn người không hút.

Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn thực phẩm giàu chất béo, muối, đường và cholesterol có liên quan đến bệnh tim.

Huyết áp cao: Huyết áp không được kiểm soát có thể làm cho các động mạch trở nên cứng và dày, làm gián đoạn lưu lượng máu đến tim và cơ thể.

Cholesterol cao: Tăng cholesterol làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch - yếu tố liên quan đến các cơn đau tim và đột quỵ.

Bệnh đái tháo đường: Bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Béo phì và huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim.

Béo phì: Cân nặng quá mức thường làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ bệnh tim khác.

Lối sống ít vận động: Lối sống có liên quan đến nhiều dạng bệnh tim và một số yếu tố nguy cơ của nó.

Căng thẳng: Căng thẳng không được giải tỏa có thể làm hỏng các động mạch và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.

Vệ sinh răng miệng kém: Phải chải răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên đồng thời đi khám răng định kỳ. Răng và nướu không khỏe mạnh sẽ khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào máu và di chuyển đến tim, có thể gây ra viêm nội tâm mạc.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tim mạch

Nhiều xét nghiệm khác nhau được sử dụng để chẩn đoán bệnh tim. Bên cạnh xét nghiệm máu và chụp X quang phổi, các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tim có thể bao gồm:

Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Một xét nghiệm nhanh chóng và không gây đau đớn để ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Nó cho biết tim đập quá nhanh hay quá chậm.

Holter: Một thiết bị điện tâm đồ di động được đeo thường xuyên để ghi lại hoạt động của tim trong các hoạt động. Thử nghiệm này có thể phát hiện nhịp tim không đều mà không được tìm thấy khi kiểm tra điện tâm đồ thông thường .

Siêu âm tim: Phương pháp kiểm tra không xâm lấn này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh chi tiết của trái tim đang hoạt động, cho thấy cách máu di chuyển qua tim và van tim. Siêu âm tim có thể giúp xác định xem van có bị hẹp hoặc rò rỉ hay không.

Bài kiểm tra gắng sức: Theo dõi tim khi bệnh nhân đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe, cho biết cách tim phản ứng với hoạt động thể chất và liệu các triệu chứng bệnh tim có xảy ra khi tập thể dục hay không. 

Thông tim: Để phát hiện các tắc nghẽn trong động mạch tim. Một ống mềm dài và mỏng (ống thông) được đưa vào mạch máu, thường là ở bẹn hoặc cổ tay, và dẫn đến tim. Sau đó bơm thuốc cản quang đến các động mạch ở tim để giúp các động mạch hiển thị rõ ràng hơn trên hình ảnh X quang được chụp trong quá trình kiểm tra.

Chụp CT tim: Thu thập hình ảnh về tim và lồng ngực.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: MRI tim sử dụng từ trường và sóng vô tuyến do máy tính tạo ra để tạo ra hình ảnh chi tiết của tim.

Phương pháp điều trị bệnh tim mạch hiệu quả

Điều trị bệnh tim phụ thuộc vào nguyên nhân và loại tổn thương tim. Các thói quen sống lành mạnh - chẳng hạn như chế độ ăn ít chất béo, ít muối, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc, và không hút thuốc - là một phần quan trọng của điều trị.

Thuốc men

Nếu chỉ thay đổi lối sống không hiệu quả, có thể cần dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng bệnh tim và ngăn ngừa các biến chứng. Loại thuốc được sử dụng tùy thuộc vào loại bệnh tim.

Phẫu thuật hoặc các phương pháp khác

Một số người bị bệnh tim có thể cần một thủ thuật hoặc phẫu thuật. Loại thủ thuật hoặc phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào loại bệnh tim và mức độ tổn thương của tim.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tim mạch

Chế độ sinh hoạt:

  • Đừng hút thuốc: Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim, đặc biệt là xơ vữa động mạch. Bỏ thuốc lá là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và các biến chứng của bệnh. Nếu cần trợ giúp bỏ thuốc, hãy nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ chủ trị.

  • Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế đường, muối và chất béo bão hòa.

  • Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Kiểm tra huyết áp ít nhất hai năm một lần kể từ 18 tuổi trở lên. Nếu có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim hoặc trên 40 tuổi, cần kiểm tra thường xuyên hơn. 

  • Kiểm tra cholesterol: Xét nghiệm cholesterol cơ bản ở độ tuổi 20 và sau đó ít nhất 4 - 6 năm/lần. Cần phải bắt đầu xét nghiệm sớm hơn nếu trong người thân gia đình có cholesterol cao. Kiểm tra thường xuyên hơn nếu kết quả xét nghiệm không nằm trong phạm vi mong muốn hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim.

  • Quản lý bệnh đái tháo đường: Kiểm soát lượng đường trong máu chặt chẽ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

  • Tập thể dục: Hoạt động thể chất giúp đạt được và duy trì cân nặng hợp lý. Tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường, cholesterol cao và huyết áp cao - tất cả các yếu tố nguy cơ của bệnh tim. Mỗi ngày nên tập luyện 30 - 60 phút (không tính thời gian khởi động) trong ít nhất 5 ngày/tuần. 

  • Duy trì cân nặng hợp lý vì thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tham khảo ý kiến của bác sĩ và đặt mục tiêu về chỉ số khối cơ thể (BMI) và cân nặng.

  • Quản lý căng thẳng: Tìm cách giúp giảm căng thẳng cảm xúc. Tập thể dục nhiều hơn, thiền và nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè để giảm và quản lý căng thẳng. Nếu bị lo lắng hoặc trầm cảm, cần nhận tư vấn tâm lý càng sớm càng tốt.

  • Thực hành vệ sinh tốt: Thường xuyên rửa tay, chải răng và dùng chỉ nha khoa để giữ gìn sức khỏe.

  • Thực hành thói quen ngủ tốt: Ngủ không ngon giấc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh mãn tính khác. Người lớn nên ngủ 7 - 9 tiếng/ngày và trẻ em thường cần nhiều hơn; đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.

Chế độ dinh dưỡng:

Thực phẩm nên tăng cường sử dụng

Rau xanh ít calo và giàu chất xơ, tạo cảm giác no lâu hơn và còn là nguồn cung cấp kali, magie tự nhiên rất quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp. Ăn nhiều rau xanh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và duy trì cân nặng hợp lý.

Các loại quả mọng giàu chất chống oxy hóa anthocyanin tự nhiên như việt quất, mâm xôi, cherry, dâu tây… giúp bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng viêm, bệnh tim mạch, ung thư và tăng cường hệ miễn dịch.

Trái cây họ cam quýt, táo giàu chất xơ hòa tan, giúp giảm lượng cholesterol LDL, giảm viêm và giảm huyết áp. 

Bơ cung cấp chất béo không bão hòa đơn rất tốt cho tim mạch, giúp giảm cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và hội chứng chuyển hóa.

Hạnh nhân, quả óc chó, hạt chia, hạt lanh… chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ, omega-3 giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chống viêm, giảm cholesterol xấu, duy trì cholesterol tốt, kiểm soát huyết áp.

Cá hồi, cá thu, cá mòi và cá ngừ chứa nhiều acid béo omega-3 có lợi cho sức khỏe tim mạch, giúp giảm mức cholesterol toàn phần, giảm triglycerid máu, giảm đường huyết lúc đói và huyết áp. Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần. 

Ngũ cốc nguyên hạt (lúa mì nguyên hạt, gạo lứt, yến mạch, lúa mạch, kiều mạch, quinoa...) bổ sung chất xơ, magie, sắt, selen, kali, vitamin nhóm B… giúp cải thiện hệ tiêu hóa, kiểm soát lượng đường trong máu, hỗ trợ giảm cân và tăng cường sức khỏe tim mạch.

Dầu olive chứa nhiều chất chống oxy hóa, acid béo không bão hòa đơn làm giảm viêm, giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp.

Sữa và các chế phẩm sữa ít béo, tách béo là cung cấp calci giúp xương chắc khỏe, điều hòa hoạt động của natri và kali qua màng tế bào, làm giãn cơ trơn mạch máu và giảm áp lực động mạch.

Thực phẩm không tốt cho tim mạch

Ngũ cốc tinh chế (bột mì trắng, gạo trắng, bánh mì trắng, nhiều loại bánh mì, ngũ cốc, bánh quy giòn, món tráng miệng và bánh ngọt ) là ngũ cốc đã được loại bỏ cả cám và mầm cũng như nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, chất xơ. Chế độ ăn nhiều ngũ cốc tinh chế có liên quan đến bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường type 2.

Nước ngọt chứa một lượng lớn đường, dễ gây tăng cân nhiều hơn, béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch.

Thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói… và thức ăn nhanh (gà rán, khoai tây chiên...) chứa nhiều chất béo bão hòa và muối gây tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, rối loạn lipid, tăng huyết áp, ung thư…

Khi uống nhiều rượu bia, các chất chuyển hóa của rượu có khuynh hướng tổng hợp thành chất béo dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu, tổn thương tế bào gan, tế bào thần kinh, đột quỵ. Vì vậy, cần hạn chế tối đa sử dụng các loại thức uống có cồn.

Phương pháp phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Từ bỏ thói quen hút thuốc và hạn chế rượu bia.

  • Ăn một chế độ ăn ít muối và ít chất béo bão hòa.

  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần.

  • Duy trì cân nặng hợp lý.

  • Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, giảm thiểu và quản lý căng thẳng.

  • Kiểm soát huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh đái tháo đường.

  • Ngủ đủ giấc, 7 - 9 giờ mỗi ngày đối với người lớn.

Nguồn tham khảo

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-disease/diagnosis-treatment/drc-20353124

2. https://suckhoedoisong.vn/nhung-thuc-pham-nguoi-benh-tim-mach-nen-an-va-nen-tranh-16922041821132298.htm

3. https://www.cdc.gov/heartdisease/risk_factors.htm

Các bệnh liên quan

  1. Viêm cơ tim

  2. Viêm đa vi mạch

  3. Loạn sản sợi cơ

  4. Thông liên nhĩ

  5. Phù bạch huyết

  6. Đường huyết cao

  7. Viêm màng ngoài tim

  8. Bệnh Buerger

  9. Hạ thân nhiệt

  10. Hở van hai lá