Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Qua lâu (quả): loại quả có tác dụng kháng viêm và chữa ung thư

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Qua lâu là dược liệu thuộc họ Bí, các bộ phận như hạt, vỏ quả, rễ củ đều có thể dùng làm dược liệu. Quả của cây qua lâu khi chưa chín có màu xanh, đôi khi có sọc, khi chín thì có màu đỏ, bên trong chứa nhiều hạt (qua lâu nhân). Qua lâu nhân có công dụng chữa ho khan, nóng sốt, nôn ra máu (thổ huyết), táo bón.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Qua lâu.

Tên khác: Dưa trời; dưa núi; hoa bát; vương qua; dây bạc bát; thau ca (Tày), bát bát trâu.

Tên khoa học: Trichosanthes kirilowi Cucurbitaceae.

Đặc điểm tự nhiên 

Qua lâu là cây dạng dây leo, dài từ 3 đến 10 cm. Thân cây có rãnh và những chấm trắng. Lá qua lâu mọc so le, lá dày, đường kính từ 10 đến 12 cm, gốc lá hình tim và đầu hơi nhọn, xẻ thành 5 thùy, mép lá răng cưa. Tua cuốn mọc đối xứng với lá, chia 3 đến 5 nhánh.

Hoa đơn tính, màu trắng, cánh hoa có lông, hoa có hoa đực và hoa cái.

Quả hình cầu hoặc hình trứng, màu lục, có sọc trắng, khi chín có màu đỏ.

Quả qua lâu có chứa nhiều hạt, có hình trứng màu nâu nhạt.

Rễ củ giống như củ sắn.

Hoa tháng 3 đến tháng 6, mùa quả từ tháng 7 đến tháng 10.

Qua lâu 1
Hoa của qua lâu

Phân bố, thu hái, chế biến

Qua lâu là cây ưa ánh sáng và có thể chịu bóng, ưa ẩm, thường phát triển ở vùng rừng núi đá vôi ẩm hoặc ven rừng giáp núi.

Qua lâu phân bố chủ yếu ở Đông Á, gồm Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Lào. Ở Việt Nam, cây thường phân bố ở khu vực miền núi phía Bắc như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Quả qua lâu có thể ăn được, chủ yếu là ăn phần thịt quả.

Mùa quả vào tháng 9 đến tháng 10, thu hái quả lấy vỏ quả và hạt đem phơi khô. Mùa thu hái rễ củ là mùa đông. Rễ củ rửa sạch, cắt thành từng đoạn và phơi khô.

Tùy vào mục đích thu hái quả hay rễ củ mà người ta có thể quyết định cho cây ra hoa hay không. Nếu thu hái rễ củ thì khi cây ra hoa sẽ ngắt bỏ hết hoa, không cho cây kết quả, như vậy cây sẽ dồn dinh dưỡng nuôi rễ củ, rễ củ sẽ phát triển nhiều hơn.

Qua lâu 2
Quả qua lâu khi chín

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng của qua lâu là hạt (qua lâu nhân), vỏ quả (qua lâu bì), rễ củ (thiên hoa phấn hay qua lâu can).

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học của:

  • Hạt qua lâu: Hợp chất triterpenoid có tác dụng chống viêm, hợp chất protein (có tác dụng ức chế hoạt động của ribosom, gây sảy thai), sterol, acid béo.

  • Rễ củ: Protein, trichosanthin (tác dụng chống u, chống HIV), karasurin (gây sảy thai), peptid (ức chế trypsin), lectin (tianbuafen), steroid acid hữu cơ và glucosid, curbitacin (chất đắng)…

Công dụng

Theo y học cổ truyền 

Hạt qua lâu có tính mát, vị ngọt đắng, quy vào 2 kinh là phế, vị.

Hạt qua lâu có có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế trường, giải đàm, ngoài ra còn có công dụng trị táo bón, ho khan, nôn ra máu, ung nhọt. 

Vỏ quả dùng để chữa ho, thổ huyết, ra máu cam, chữa sốt nóng, thuỷ thũng, vàng da, thường phối hợp với các vị thuốc khác để chữa bệnh viêm họng mất tiếng. 

Theo y học Trung Quốc, rễ và vỏ qua lâu được phối hợp với các vị thuốc khác để trị ho gà, giảm co thắt và long đờm, kháng viêm. 

Hạt qua lâu dùng trong điều trị bệnh phổi, lợi tiểu, lợi sữa, hạ sốt, trị táo bón, sát khuẩn, làm săn se niêm mạc ruột (trong tiêu chảy ra máu).

Theo y học hiện đại 

Tác dụng chống viêm

Hạt qua lâu có chứa thành phần là triterpenoid, gồm 5 hợp chất có khung D-C friedo-olean và 1 hợp chất có cấu trúc 7 oxo-10α cucurbitadrenol, các chất này đã được chứng minh là có tác dụng kháng viêm vào những năm 1994 bởi các tác giả là Akihisa Toshihiro và cộng sự.

Tác dụng ức chế ribosom, gây sẩy thai

Một số protein như trichokirin là nguyên liệu để điều chế chất độc miễn dịch vào năm 1989; β-kinilowin được Dong T.K.Ng T B phân lập và xác định cấu trúc có tác dụng gây sẩy thai mạnh, α-kinilowin cũng có tác dụng ức chế ribosom. Một protein khác là TAP-29 có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn I-IIV. Protein trichosanthin có tác dụng gây sảy thai và điều trị HIV. Một số protein như karasurin A, B, C cũng có tác dụng chống ung thư, chống virus HIV và gây sảy thai mạnh.

Hạt sau khi sấy khô và tán nhỏ, được bào chế thành thuốc bôi ngoài da để trị một số bệnh ngoài da như bệnh eczema.

Liều dùng & cách dùng

Liều lượng dùng của qua lâu: 12 - 16 g mỗi ngày, dạng thuốc sắc (sau khi ép bỏ hết dầu).

Qua lâu 3
Hạt qua lâu nhẵn bóng, có màu nâu nhạt và có vân trắng

 

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa trẻ con bị vàng da 

Chuẩn bị: Rễ qua lâu 10 g.

Thực hiện: Rễ qua lâu đem giã nhỏ, thêm nước đun sôi để nguội vào khuấy đều, lọc gạn lấy nước uống. Để dễ uống có thể thêm ít mật ong.

Chữa người đen sạm

Chuẩn bị: Rễ qua lâu 16 g.

Thực hiện: Rễ qua lâu đem giã nhỏ và thêm nước vào khuấy đều, uống phần nước đã lọc gạn trong vòng vài ngày. 

Chữa viêm màng phổi do lao

Bài 1

Chuẩn bị: Qua lâu nhân 8 g; sài hồ 16 g, hạ khô thảo 16 g, huyền sâm 16 g; bán hạ chế 8 g, chỉ xác 8 g, tang bạch bì 8 g.

Thực hiện: Sắc các vị thuốc trên và uống mỗi ngày một thang.

Bài 2

Chuẩn bị: Qua lâu 20 g, sài hồ 20 g, thanh hao 20 g, hoàng cầm 12 g, cát cánh 12 g, chỉ xác 12 g, bán hạ chế 8 g. 

Thực hiện: Sắc các vị trên uống mỗi ngày một thang.

Chữa cơn đau vùng tim

Bài 1

Chuẩn bị: Qua lâu nhân 20 g, củ hẹ 12 g, nhân hạt đào vỏ chanh già 12 g. 

Thực hiện: Sắc các vị trên uống trong ngày.

Bài 2

Chuẩn bị: Qua lâu 8 g, đào nhân 16 g, xuyên khung 12 g, sinh địa 12 g, đương quy 12 g, xích thược 12 g, sài hồ 12 g, hồng hoa 12 g; cát cánh 8 g, trần bì 8 g, củ hẹ 8 g, chỉ xác 8 g, cam thảo 6 g. 

Thực hiện: Sắc các vị trên và uống trong ngày.

Chữa xơ cứng động mạch vành hoặc thời kỳ ổn định sau nhồi máu cơ tim

Bài 1

Chuẩn bị: Qua lâu 8 g, vỏ trai 20 g, thiên ma 8 g, câu đằng 8 g, thiên môn 8 g, hoàng tinh 8 g, địa long 8 g, sung uý tử 8 g, đan sâm 8 g, hồng hoa 8 g; bán hạ chế 6 g, củ hẹ 6 g. 

Thực hiện: Sắc các vị trên và uống trong ngày.

Bài 2

Chuẩn bị: Qua lâu 8 g, hà thủ ô 16 g, trinh nữ tử 12 g, cỏ nhọ nồi 12 g, tang ký sinh 12 g, hoàng tinh 12 g, kê huyết đằng 12 g, tang thầm 12 g, rễ gai 8 g, thiên môn 8 g, củ hẹ 8 g, uất kim 8 g, hồng hoa 8 g.

Thực hiện: Sắc các vị trên và uống trong ngày:

Chữa đái tháo đường

Chuẩn bị: Rễ qua lâu 8 g, thục địa 20 g, hoài sơn 20 g, đan bì 12 g, kỷ tử 12 g, thạch hộc 12 g, sơn thù 8 g, sa sâm 8 g. 

Thực hiện: Sắc các vị trên và uống ngày một thang.

Chữa sốt rét; thể rét nhiều sốt ít hoặc không sốt

Chuẩn bị: Qua lâu 8 g, quế chi 8 g, gừng khô 8 g, thảo quả 8 g, xuyên tiêu 8 g, binh lang 6 g. 

Thực hiện: Sắc các vị trên và uống.

Chữa viêm tắc động mạch

Chuẩn bị: Qua lâu nhân 16 g; đương quy 20 g, cam thảo 20 g; kim ngân hoa 16 g, xích thược 16 g, ngưu tất 16 g; huyền sâm 12 g, đào nhân 12 g, đan bì 12 g, đan sâm 12 g, binh lang 8 g, chỉ xác 8 g.

Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm tuyến vú

Chuẩn bị: Qua lâu 12 g; bồ công anh 40 g; kim ngân hoa 16 g, liên kiều 16 g; hoàng cầm 12 g; thanh bì 8 g, sài hồ 8 g. 

Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm họng mất tiếng

Chuẩn bị: Vỏ quả qua lâu 10 g, bạch cương tàm 10 g, cam thảo 10 g, gừng tươi 4 g.

Thực hiện: Sắc các vị trên và chia 2 lần uống mỗi ngày.

Chữa đau thắt ngực

Chuẩn bị: Qua lâu 12 g; đan sâm 20 g, xuyên khung 20 g, trầm hương 20 g, uất kim 20 g; hồng hoa 16 g; xích thược 12 g, hương phụ chế 12 g, hẹ 12 g; xuyên quy vĩ 10 g. 

Thực hiện: Sắc uống ngày một thang cho đến khi hết đau thắt ngực.

Lưu ý

Chưa có cáo cáo.

Nguồn tham khảo
  1. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Đỗ Tất Lợi

  2. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2)

Các sản phẩm có thành phần Qua lâu (Quả)

  1. Viên ngậm ho bổ phế Bảo Thanh không đường dùng giảm các chứng ho do cảm lạnh, nhiễm lạnh (20 vỉ x 5 viên)

  2. Viên ngậm ho bổ phế Bảo Thanh trừ ho, hoá đờm (20 vỉ x 5 viên)