Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sảy thai: Vấn đề các thai phụ cần đặc biệt quan tâm để phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sảy thai là hiện tượng thai bị tống xuất khỏi tử cung trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Đây là vấn đề nghiêm trọng và luôn được các thai phụ cũng như gia đình họ đặc biệt quan tâm. Triệu chứng phổ biến của sảy thai bao gồm đau vùng hạ vị, xuất huyết âm đạo, chuột rút... Những triệu chứng này cũng thường gặp ở các bệnh khác trong giai đoạn thai kỳ nên cần thăm khám ngay để tìm ra nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị phù hợp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sảy thai là gì? 

Sảy thai là hiện tượng thai bị tống xuất khỏi tử cung trước tuần thứ 20 của thai kỳ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Sảy thai

  • Ra máu âm đạo: Máu đỏ, máu loãng lẫn máu cục với lượng nhiều.

  • Đau bụng nhiều, từng cơn vùng hạ vị do co thắt vùng chậu.

  • Vỡ màng ối khiến dịch tràn ra.

  • Cổ tử cung mở rộng và tổ chức thai bị đẩy ra ngoài.

  • Một số trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng gây sốt, đau và thậm chí có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Sảy thai

Đa số trường hợp sảy thai không tìm được nguyên nhân.

Ngoài ra, một số yếu tố được xem là gây ra hiện tượng sảy thai, bao gồm:

  • Nhiễm virus như virus herpes, parvovirus, cytomegalovirus và rubella virus;

  • Các rối loạn trong cơ thể người mẹ hoặc di truyền như các thiếu hụt trong giai đoạn hoàng thể, bất thường về nhiễm sắc thể hoặc di truyền mendelian;

  • Bất thường về miễn dịch;

  • Gặp những chấn thương lớn;

  • Bất thường tại tử cung như u xơ, dính buồng trứng. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sảy thai?

Bất kỳ phụ nữ đang mang thai nào cũng có nguy cơ sảy thai, đặc biệt ở đối tượng mang thai khi tuổi đã cao (thường trên 35 tuổi).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sảy thai

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Sảy thai, bao gồm:

  • Người mẹ > 35 tuổi;

  • Có tiền sử sảy thai tự nhiên;

  • Thừa cân hoặc béo phì;

  • Hút thuốc lá, sử dụng một số chất kích thích (ví dụ: Cocaine, rượu, caffein liều cao...);

  • Người mẹ mắc bệnh lý mãn tính kiểm soát kém (ví dụ: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn tuyến giáp quá mức);

  • Bất thường tử cung hoặc gặp phải các chấn thương nhỏ;

  • Thiếu hụt dinh dưỡng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sảy thai

Lâm sàng

Khi thăm khám, thấy có hiện tượng cổ tử cung đã xóa, mở, phần dưới tử cung phình to do bọc thai bị đẩy xuống và làm cho cổ tử cung có hình con quay. Ngoài ra, đôi khi có thể sờ thấy bọc thai nằm ở ống cổ tử cung. 

Cận lâm sàng 

  • Kết quả xét nghiệm hCG: Dương tính.

  • Siêu âm: Thấy hình ảnh túi thai tụt xuống thấp hay trong ống cổ tử cung.

Chẩn đoán thể bệnh

Sảy thai hoàn toàn

Bệnh nhân có dấu hiệu mang thai và triệu chứng đang sảy thai. Sau khi đau bụng kèm ra máu, toàn bộ thai bị tống xuất ra ngoài và sau đó ra máu ít dần. Khám thấy tử cung nhỏ hơn tuổi thai và cổ tử cung đóng. Siêu âm buồng tử cung sạch.

Sảy thai không hoàn toàn

Bệnh nhân có dấu hiệu mang thai và triệu chứng đang sảy thai. Sau khi thai đã tống xuất, bệnh nhân vẫn còn đau bụng và ra máu kéo dài. Khám thấy tử cung còn to và cổ tử cung mở. Hình ảnh trên siêu âm tử cung có âm vang không đồng nhất. 

Sảy thai đã chết

Bệnh nhân có dấu hiệu mang thai và dấu hiệu thai chết lưu như giảm nghén, ra máu đen kéo dài. Khám thấy tử cung nhỏ hơn tuổi thai. Hình ảnh túi ối trên siêu âm méo mó, không có âm vang phôi hoặc thấy phôi thai nhưng không ghi nhận được hoạt động của tim thai. Bệnh nhân có dấu hiệu của dọa sảy thai, sảy thai hoàn toàn hay không hoàn toàn. 

Sảy thai liên tiếp

Bệnh nhân sảy thai tự nhiên ≥ 2 lần. Cần làm nhiễm sắc thể đồ của hai vợ chồng và các xét nghiệm chẩn đoán hội chứng kháng phospholipid (Antiphospholipid Syndrome - APS).

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt sảy thai với các tình trạng:

Phương pháp điều trị sảy thai hiệu quả

Đang sảy thai

Gắp bọc thai nằm trong âm đạo hoặc trong ống cổ tử cung bằng kìm quả tim, sau đó nạo lại buồng tử cung để đảm bảo không sót nhau thai. 

Tiêm thuốc thúc đẩy co tử cung sau khi nạo: Ergometrin 0,2mg tiêm bắp hoặc oxytocin 10UI tiêm bắp. 

Kê thêm khám sinh để phòng ngừa nhiễm trùng.

Sảy thai hoàn toàn

Kiểm tra bằng siêu âm tử cung thấy sạch nhau thai thì không cần nạo lại. Kê thêm khám sinh để phòng ngừa nhiễm trùng.

Sảy thai không hoàn toàn

Tùy thuộc mức độ ra máu và kích thước khối còn lại trong buồng tử cung để chỉ định tiến hành hút, nạo lại buồng tử cung hay dùng misoprostol 400mcg ngậm dưới lưỡi để co hồi tử cung và tống nốt tổ chức còn sót. 

Kê thêm khám sinh để phòng ngừa nhiễm trùng.

Sảy thai nhiễm khuẩn

Chỉ định kháng sinh liều cao kết hợp thuốc co hồi tử cung. 

Sau 6 giờ dùng kháng sinh, nếu tình trạng bệnh nhân ổn định và thân nhiệt đã giảm, tiến hành hút hay nạo lại buồng tử cung. 

Thận trọng vì trong trường hợp này, thủ thuật dễ gây thủng tử cung hơn bình thường. Tư vấn cho bệnh nhân về nguy cơ cắt tử cung nếu tình trạng nhiễm khuẩn không được cải thiện.

Sảy thai băng huyết

Hồi sức tích cực: Truyền dịch, truyền máu (nếu cần) để giữ huyết áp. 

Hút hoặc nạo lại buồng tử cung lấy hết tổ chức còn sót lại và chỉ định thuốc co hồi tử cung. Kê thêm khám sinh để phòng ngừa nhiễm trùng.

Sảy thai liên tiếp

Điều trị theo nguyên nhân gây sảy thai.

Hở eo tử cung: Khâu vòng cổ tử cung.

Thiếu hụt nội tiết: Bổ sung nội tiết tố gồm tiêm bắp sâu progesterone 25 mg x 2 ống/ngày và estrogen 2 mg/ngày.

Hội chứng kháng phospholipid: Chỉ định thuốc chống đông.

Điều trị các bệnh lý người mẹ đang mắc như: Đái tháo đường, giang mai, viêm thận, các bệnh nội tiết (thiểu năng tuyến giáp, basedow…)

Phẫu thuật: Mổ cắt vách ngăn tử cung, bóc nhân xơ trong u xơ tử cung...

Rối loạn nhiễm sắc thể: Tham khảo ý kiến của bác sĩ di truyền xem nên có thai lại nữa không. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Sảy thai

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và thai nhi. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình mang thai.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, sự phát triển của thai và để bác sĩ có thể kịp thời phát hiện những bất thường và có hướng điều trị, quản lý phù hợp. 

  • Phụ nữ mang thai cần luôn lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong suốt quá trình mang thai.

  • Có thể sử dụng thực phẩm chức năng, các loại vitamin tổng hợp nhưng phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng. 

Phương pháp phòng ngừa Sảy thai hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Chủ động bổ sung nội tiết ngay khi có thai trong trường hợp bệnh nhân thiếu hụt nội tiết.

  • Chủ động điều trị các bệnh lý mà người mẹ mắc phải.

  • Thăm khám và tư vấn di truyền nếu bố hoặc mẹ bị rối loạn nhiễm sắc thể.

  • Hạn chế vận động mạnh và làm việc quá sức. Lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với từng giai đoạn của thai kỳ và sức khỏe của người mẹ.

  • Không sử dụng các chất kích thích và rượu bia trong suốt quá trình mang thai, cũng như không tự ý dùng thuốc kể cả thuốc dược liệu mà không có chỉ định của bác sĩ.

  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng hoặc giảm cân quá mức.

Nguồn tham khảo

1. https://kcb.vn/

2. https://www.msdmanuals.com/

3. https://www.nhs.uk/

Các bệnh liên quan

  1. Đẻ non

  2. Hội chứng Demons Meigs

  3. Suy dinh dưỡng bào thai

  4. Đa ối

  5. Thai ngoài tử cung

  6. Ốm nghén

  7. Mang thai

  8. Suy buồng trứng sớm

  9. Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

  10. Huyết trắng do vi khuẩn