Long Châu

HIV/AIDS là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm Human immunodeficiency virus (HIV) là do hậu quả của 1 trong 2 loại retrovirus tương tự nhau (HIV-1 và HIV-2) làm phá hủy tế bào lympho CD4+ dẫn đến suy giảm miễn dịch qua trung gian tế bào, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và ung thư. Việc nhiễm trùng có thể khiến người bệnh bị sốt không đặc hiệu, sau đó là suy giảm miễn dịch (tỷ lệ thuận với sự suy giảm CD4+).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

HIV/AIDS là gì?

Retrovirus là những RNA virus có vỏ bọc được xác định bởi cơ chế sao chép của chúng thông qua việc phiên mã ngược để tạo ra các bản sao DNA tích hợp với bộ gen của tế bào chủ, một số retrovirus (bao gồm 2 loại HIV (HIV-1, HIV-2) và 2 loại T-lymphotropic virus (HTLV)) là nguyên nhân chính gây các bệnh nghiêm trọng ở người.

Đa số các trường hợp nhiễm HIV là do HIV-1 gây ra, nhưng riêng một số vùng ở Tây Phi, HIV-2 dường như là nguyên nhân nổi trội hơn. Ở một số vùng khác, cả 2 loại virus này cùng phổ biến và thậm chí có thể đồng nhiễm. Theo nghiên cứu cho thấy, HIV-2 dường như ít nguy hiểm hơn HIV-1.

AIDS là một bệnh mạn tính do HIV gây ra như ung thư hay các nhiễm trùng cơ hội mà bình thường cơ thể có thể đề kháng được. AIDS thường được dùng để chỉ giai đoạn nặng của bệnh.

AIDS được định nghĩa khi có ít nhất một trong các điều kiện sau:

  • Nhiễm HIV gây ra một bệnh cụ thể nào đó.

  • Số lượng tế bào lympho CD4+ < 200/mcl.

  • Tỷ lệ tế bào CD4+ ≤ 14% so với tổng số tế bào lympho.

AIDS được xác định là:

  • Bệnh nhiễm trùng cơ hội nghiêm trọng.

  • Một số bệnh ung thư (như u lympho không Hodgkin, Kaposi sarcoma) mà nguyên nhân là do khiếm khuyết đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào.

  • Rối loạn chức năng thần kinh.

Miễn dịch qua trung gian tế bào là sự đáp ứng miễn dịch thông qua các tác động trung gian của tế bào lympho T giúp cơ thể chống lại những tế bào đã nhiễm virus, vi khuẩn hay có bất thường.

Nhiễm HIV có thể chia thành 4 giai đoạn dựa trên số lượng tế bào lympho CD4+ đối với các bệnh nhân từ 6 tuổi trở lên:

  • Giai đoạn 1: ≥ 500 tế bào/mcl.

  • Giai đoạn 2: 200 - 499 tế bào/mcl.

  • Giai đoạn 3: < 200 tế bào/mcl.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của HIV/AIDS

Giai đoạn đầu:

Thường không có triệu chứng hoặc gây các triệu chứng không đặc hiệu tạm thời như hội chứng nhiễm virus cấp tính.

Hội chứng nhiễm virus cấp tính thường xảy ra từ 1 đến 4 tuần sau khi nhiễm, kéo dài từ 3 đến 14 ngày. Dấu hiệu và triệu chứng thường bị nhầm với bệnh bạch cầu đơn nhân hay hội chứng virus không đặc hiệu lành tính như mệt, sốt, khó chịu, sụt cân, đau họng, viêm da, đau hợp, bệnh hạch lympho toàn thân, viêm màng não nhiễm khuẩn.

Sau khi các triệu chứng trên biến mất, đa số các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ có vài triệu chứng nhẹ, xuất hiện không đặc hiệu và không liên tục trong các khoảng thời gian khác nhau (từ 2 đến 15 năm), một số triệu chứng sau đây là phổ biến:

  • Hạch to;

  • Candida miệng;

  • Herpes zoster;

  • Tiêu chảy;

  • Mệt mỏi;

  • Sốt và vã mồ hôi;

  • Giảm các dòng tế bào máu từ nhẹ đến trung bình.

Giai đoạn phát bệnh:

Khi số lượng tế bào lympho CD4+ đã giảm xuống < 200/mcl, các triệu chứng đặc hiệu thường trở nên trầm trọng hơn và xuất hiện bệnh AIDS.

Tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe

Hậu quả chính của việc nhiễm HIV là:

  • Gây tổn thương cho hệ miễn dịch, quan trọng nhất là sự suy giảm tế bào lympho CD4+.

  • Kích hoạt miễn dịch.

Biến chứng có thể gặp khi mắc HIV/AIDS

Khi tải lượng virus tăng lên gấp 3 lần có thể làm tăng 50% tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân trong 2 – 3 năm tiếp theo. Đa số bệnh nhân đều tử vong nếu số lượng CD4+ < 50/mcl.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến HIV/AIDS

HIV/AIDS do Human Immuno-deficiency Virus gây ra bằng cách gắn vào các tế bào lympho CD4+, là loại bạch cầu tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch chống lại các bệnh ung thư và nhiễm trùng.

Tế bào lympho CD4+ tạo miễn dịch qua trung gian tế vào, ở mức độ thấp hơn là miễn dịch dịch thể. Sự giảm tế bào CD4+ có thể do:

  • Sự nhân lên của HIV gây độc tế bào.

  • Gây độc tế bào CD4+.

  • Tổn thương tuyến ức làm ảnh hưởng đến sự sản xuất bạch cầu lympho.

HIV lây nhiễm qua việc tiếp xúc với dịch tiết của cơ thể, ví dụ như máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo, nước bọt, sữa mẹ hay từ các vết thương hở. Tuy nhiên, HIV không lây lan qua việc tiếp xúc thông thường tại môi trường sinh hoạt như nơi làm việc, trường học hay nhà ở.

Các đường lây nhiễm thường gặp:

  • Quan hệ tình dục.

  • Dùng chung kim tiêm có máu hay tiếp xúc với các dụng cụ ô nhiễm.

  • Từ mẹ sang con (khi đang mang thai hoặc cho con bú).

  • Truyền máu hay ghép tạng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải HIV/AIDS?

Đối tượng nguy cơ mắc HIV/AIDS:

  • Người quan hệ tình dục bừa bãi, có nhiều bạn tình, không sử dụng các biện pháp phòng tránh an toàn.

  • Trẻ sơ sinh lây nhiễm từ mẹ (mang thai, cho con bú).

  • Người trẻ tuổi.

  • Người có bệnh loét sinh dục.

  • Người tiêm chích ma túy và các chất gây nghiện.

  • Người cần ghép tạng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải HIV/AIDS

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc HIV/AIDS, bao gồm:

  • Những nơi nghèo nàn, người dân có trình độ văn hóa thấp.

  • Hệ thống chăm sóc y tế không có khả năng xét nghiệm và cấp phát thuốc retrovirus.

  • Quan hệ tình dục đồng tính (ở cả nam và nữ).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán HIV/AIDS

2 phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán HIV/AIDS hiện nay:

  • Xét nghiệm kháng thể HIV.

  • Xét nghiệm khuếch đại nucleic acid nhằm xác định nồng độ RNA HIV.

Nghi ngờ bệnh nhân mắc HIV nếu có bệnh nổi hạch kéo dài không giải thích được hay bất cứ bệnh nào để xác định AIDS.

Xét nghiệm chẩn đoán

Xét nghiệm này rất nhạy và đặc hiệu, trừ khi trong vài tuần đầu sau khi nhiễm. Hiện nay có đã xét nghiệm miễn dịch phối hợp – thế hệ 4 – đang được khuyến cáo là có thể phát hiện kháng thể đối với cả HIV-1, HIV-2 và cả kháng nguyên HIV p24, nếu xét nghiệm này dương tính, cần làm xét nghiệm phân biệt các loại kháng nguyên trên.

Xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme (Enzyme-linked Immunosorbent assay – ELISA) cũng có độ nhạy cao nhưng do không kiểm tra kháng nguyên nên thường dương tính sớm như xét nghiệm miễn dịch phối hợp kể trên, sau đó cần làm xét nghiệm cụ thể hơn để xác định đúng loại virus đã nhiễm như Western blot. Xét nghiệm này đòi hỏi thiết bị phức tạp, kỹ thuật viên có tay nghề cao, thời gian kiểm tra lâu.

Cá xét nghiệm nhanh có thể dùng máu hay nước bọt để kiểm tra (trong vòng 15 phút), nếu kết quả dương tính cần làm thêm các xét nghiệm máu tiêu chuẩn (như ELISA có hay không có Western blot), nếu kết quả âm tính không cần kiểm tra lại.

Nếu nghi ngờ nhiễm HIV nhưng có kết quả xét nghiệm kháng thể âm tính (như trong tuần đầu tiên sau nhiễm), tiến hành đo RNA HIV trong huyết tương bằng xét nghiệm khuếch đại nucleic acid (có độ nhạy và độ đặc hiệu cao). 

Phương pháp điều trị HIV/AIDS hiệu quả

Kết hợp thuốc kháng retrovirus (ARV [ART], đôi khi được gọi là ART hoạt tính cao [HAART] hoặc ART kết hợp [cART]). ART là chương trình điều trị AIDS sử dụng thuốc kháng virus ARV (không thể sử dụng thuốc ARV một cách bừa bãi mà phải dựa vào chương trình điều trị theo quy định của Bộ Y Tế - ART).

Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội cho các bệnh nhân có nguy cơ cao.

Điều trị bằng ARV được khuyến cáo cho hầu hết các bệnh nhân. Nguyên tắc chung khi điều trị ARV là:

  • Giảm mức RNA HIV trong huyết tương đến mức không phát hiện được (< 20 – 50 copies/mL)

  • Khôi phục lượng CD4 đến mức bình thường (phục hồi miễn dịch).

Thông thường, người bệnh cho đáp ứng kém nếu bắt đầu điều trị khi số lượng CD4+ đã quá thấp (như <50/mcL) và/hoặc RNA HIV cao. Số lượng CD4 tăng lên tỷ lệ với việc giảm nguy cơ mắc các nhiễm trùng cơ hội, biến chứng hay tử vong.

ART có thể đặt mục tiêu nếu bệnh nhân dùng thuốc đủ hơn 95% thời gian cần thiết. Tuy nhiên việc tuân thủ thường khá khó khăn, dẫn đến việc virus có thể kháng một phần hay toàn bộ thuốc. Điều trị thường sẽ không thành công trừ khi có một thuốc mới và virus vẫn còn nhạy cảm.

Đánh giá sự đáp ứng điều trị của ART bằng cách đo nồng độ RNA HIV trong huyết tương mỗi 8 – 12 tuần trong 4 – 6 tháng đầu tiên hay cho đến khi không phát hiện HIV và mỗi 3 – 6 tháng sau đó. Sự gia tăng mức độ HIV là bằng chứng sớm nhất cho việc điều trị thất bại và làm CD4+ giảm xuống theo từng tháng. Cần đánh giá lại tính nhạy cảm với thuốc để xem xét độ nhạy cảm của HIV với tất cả các loại thuốc hiện có.

Hội chứng viêm phục hồi miễn dịch (IRIS)

Bệnh nhân bắt đầu điều trị với ARV trong vài tháng thường gặp hội chứng viêm phục hồi miễn dịch (có thể muộn hơn). IRIS có thể làm trầm trọng hơn các nhiễm trùng cơ hội và tác động lên cả các khối u, nhưng thường tự giới hạn hoặc cho đáp ứng tốt với phác đồ corticoid ngắn ngày.

Nếu người bệnh không thể dung nạp được tác dụng phụ của thuốc, cần phải tiến hành điều trị gián đoạn để xác định được đúng loại thuốc mà bệnh nhân không thể dung nạp, sau đó bắt đầu sử dụng lại các thuốc dưới dạng đơn trị liệu trong vài ngày (ngoại trừ abacavir, nếu người bệnh có tiền sử bị sốt hay phát ban khi sử dụng abacavir, tuyệt đối không sử dụng lại abacavir vì nguy cơ gây tử vong rất cao).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của HIV/AIDS

Chế độ sinh hoạt:

  • Nghỉ ngơi điều độ.

  • Tập thể dục ít nhất 20 đến 30 phút mỗi ngày.

  • Không hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích.

  • Ngủ đủ giấc.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

  • Bổ sung đầy đủ vitamin.

Phương pháp phòng ngừa HIV/AIDS

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giáo dục cộng đồng.

  • Quan hệ tình dục an toàn.

  • Không sử dụng kim tiêm chung.

  • Dự phòng phơi nhiễm bằng PrEP trong vòng 24 – 36 giờ sau khi tiếp xúc hay nghi ngờ nhiễm HIV.

  • Tiêm chủng vaccine phòng phế cầu PCV13, PPSV23, vaccine phòng cúm, viêm gan A, viêm gan B, HPV, viêm màng não cầu khuẩn, uốn ván – bạch cầu – ho gà, herpes zoster.

  • Không tiêm chích ma túy.

Nguồn tham khảo
  1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/b%E1%BB%87nh-truy%E1%BB%81n-nhi%E1%BB%85m/vi-r%C3%BAt-g%C3%A2y-suy-gi%E1%BA%A3m-mi%E1%BB%85n-d%E1%BB%8Bch-%E1%BB%9F-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-hiv/nhi%E1%BB%85m-tr%C3%B9ng-hiv-aids-%E1%BB%9F-ng%C6%B0%E1%BB%9Di#v26305949_vi 
  2. Cục phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y Tế: https://vaac.gov.vn/truyen-thong-can-thiep

Các bệnh liên quan

  1. Cúm H1N1

  2. Bệnh virus Nipah

  3. Nhiễm Escherichia coli

  4. Viêm não dạng u hạt do amip

  5. Sốt không rõ nguyên nhân

  6. Nhiễm Clostridium botulinum

  7. Bệnh do nhiễm leishmania

  8. Chân madura

  9. Áp xe

  10. Sốt vàng