Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Ráy là loài thực vật sinh trưởng dễ dàng ở những nơi ẩm thấp trên khắp Việt Nam. Từ lâu đời, cây Ráy được người dân sử dụng phần thân rễ mọc dưới mặt đất để làm thuốc chữa sưng bàn tay, bàn chân, mụn nhọt, ghẻ, đau nhức xương khớp... Tuy nhiên, củ Ráy có thể gây ngứa ngáy khó chịu, vì vậy cần thận trọng khi chế biến.
Tên tiếng Việt: Ráy.
Tên khác: Ráy dại; Dã vu; Khoai sáp.
Tên khoa học: Alocasia odora (Roxb) C. Koch, đây là một loài thực vật có hoa thuộc họ Araceae (họ Ráy).
Ráy là một loại cây mềm, phần dưới mọc bò có thể dài tới 5m, phần trên mọc đứng cao khoảng 0,3 - 1,40m. Phần thân rễ dưới mặt đất có hình cầu, sau đó phát triển dần thành củ dài. Củ Ráy có nhiều đốt ngắn và trên đốt có vẩy màu nâu.
Lá Ráy to, hình tim, mép nguyên và có thể hơi lượn. Phiến lá rộng 8 - 45cm, dài 10 - 50cm, cuống mẫm dài 15 - 120cm.
Bông Ráy thuộc kiểu bông mo; hoa cái mọc ở phía gốc, hoa đực mọc ngay bên trên và ngoài cùng là một đoạn bất thụ. Quả mọng hình trứng, chuyển thành màu đỏ khi chín; có mo tồn tại bên dưới xung quanh quả.
Ráy thường sinh trưởng ở những nơi ẩm thấp hoặc rừng rậm. Cây mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta; ngoài ra còn được tìm thấy ở một số nước khác như: Hoa Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia (Kdat norar), Châu Úc...
Thu hái: Người ta thường đào cả cây khoảng 2 - 3 năm trở lên để lấy củ, đem về giũ và rửa sạch đất cát. Sau đó cắt bỏ rễ con rồi cạo bỏ lớp vỏ ngoài, phơi khô hay dùng tươi. Trong củ Ráy có chứa chất gây ngứa nên khi chế biến cần cẩn thận và sử dụng bao tay để tránh kích ứng da.
Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Củ Ráy (thân rễ).
Chưa có tài liệu nghiên cứu về hoạt chất chứa trong cây Ráy. Chỉ mới xác định được trong củ Ráy có chất gây ngứa và tinh bột. Ngoài ra, trong cây có thể có các chất: Cyanur, đường, flavonoid, coumarin, saponin...
Theo Đông y, củ Ráy có vị nhạt, tính hàn, đại độc (chứa nhiều độc tố). Khi ăn củ Ráy chưa chết biến có thể gây ngứa trong miệng và cổ họng.
Trong dân gian, người ta thường xát củ Ráy vào nơi bị lá han gây ngứa tấy. Ngoài ra, củ Ráy còn dùng làm thuốc chữa sưng bàn tay, bàn chân, mụn nhọt, ghẻ.
Tại Quảng Tây (Trung Quốc), người dân còn uống nước sắc từ củ Ráy để chữa ngứa lở gây rụng hết lông (Phong lại), thũng độc và sốt rét.
Chưa có thông tin về sử dụng cây Ráy trong Y học hiện đại.
Mỗi ngày uống 10 - 20g.
Trị mụn nhọt
Rửa sạch 80 - 100g củ Ráy và 60g củ Nghệ, để ráo nước, sau đó cho thêm dầu vừng và nấu nhừ. Khi củ chín, thêm ít dầu thông và sáp ong rồi khuấy đến khi tan hết và để nguội. Phết một ít cao lên giấy bổi rồi dán lên mụn nhọt để hút mủ, giúp giảm sưng tấy.
Trị bệnh gout (thống phong)
Sao vàng các vị thuốc: Củ Ráy (xắt nhỏ, phơi khô rồi sấy) và chuối hột già đã phơi khô. Sắc uống trong ngày.
Sao vàng các dược liệu: Củ Ráy 4g, Chuối hột rừng 3g, Tỳ giải 2g và Khổ qua 1g rồi hạ thổ. Đóng 10g thuốc thành 1 gói. Hãm 2 – 3 gói mỗi ngày với nước uống và dùng đến khi triệu chứng thuyên giảm.
Trị viêm đau nhức do viêm khớp dạng thấp
Sắc củ Ráy, Chuối hột khô, lá Lốt khô, mỗi vị 20g rồi uống. Dùng mỗi ngày một thang.
Trị ngứa do lá han
Cắt đôi củ Ráy rồi xát lên vùng da bị ngứa.
Trị cảm hàn, hạ sốt
Cắt đôi củ Ráy tươi rồi chà một nửa vào khắp lưng và mu bàn tay để hạ thân nhiệt. Thái mỏng nửa củ còn lại và sắc với nước thành một chén. Dùng bài thuốc trên 5 lần sẽ có hiệu quả.
Trị chàm (eczema)
Khoét 1 lỗ trên củ Ráy. Nướng bọ hung cháy thành than, tán bột rồi trộn đều với 10g diêm sinh. Sau đó, đổ bột thuốc và 1 chén dầu lạc vào lỗ trên củ Ráy rồi đun trong 15 phút. Khi dầu nguội, tẩm hỗn hợp vào lông gà rồi thoa lên vùng da bị chàm. Thực hiện 1 lần/ngày liên tục trong 5 ngày giúp giảm ngứa cho vùng da bị ảnh hưởng và phục hồi nhanh chóng.
Rửa sạch 50g củ Ráy, thái mỏng rồi đun sôi với 250ml dầu trẩu đến khi củ cháy đen thì bỏ bã. Cho tiếp 30g Hồng đơn đã rang khô vào khuấy đều, đun với lửa nhỏ cho đến khi hồng đơn chảy ra. Phun nước vào trong lúc cao đang nóng (vừa phun vừa khuấy) để khử độc tố trong cao. Thoa cao lên vùng da đã rửa sach và lau khô, dùng 1 lần/ngày.
Trị cao huyết áp do béo phì hoặc do bệnh thận
Gọt vỏ củ Ráy rồi thái lát mỏng và ngâm với nước gạo trong 3 giờ đồng hồ. Vớt dược liệu ra, rửa lại bằng nước sạch, phơi khô và sao với lửa nhỏ. Cắt lát mỏng chuối hột sắp chín, phơi khô và đem sao qua. Lấy 1 nắm chuối hột và 1/3 nắm củ Ráy sắc với 1 lít nước đến khi còn 1 chén nước. Chia lượng thuốc sắc được thành 2 lần uống trong ngày.
Trị đau nhức gân xương do bệnh tê thấp
Sắc các vị thuốc: Củ Ráy, Đương quy, mỗi thứ 8g; Bạch chỉ 6g, Ráng bay 10g, Thổ phục linh 20g với nước. Chia nước đã sắc thành 2 - 3 lần, uống hết trong ngày.
Củ Ráy có chứa chất gây ngứa, có thể kích thích niêm mạc cổ họng và miệng vì vậy cần thật thận trọng khi chế biến và sử dụng.
Không dùng cho người có thể trạng hư hàn.
Tránh nhầm lẫn với cây bạc hà (cây khoai môn).
Ráy là loài cây mọc hoang ở nhiều nơi trên Việt Nam. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Ráy có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
1. https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/cay-ray
2. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).