Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Sài hồ nam

Sài hồ nam - vị thuốc chữa cảm mạo hiệu quả

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Sài hồ nam là một vị thuốc quen thuộc thường được các bác sĩ Y học cổ truyền ở Việt Nam sử dụng thay thế cho Sài hồ bắc cho người bệnh phát sốt hơi rét. Ngoài ra vị thuốc này còn có nhiều công dụng như điều kinh, lợi tiểu, đau tức hông sườn. Tìm hiểu về một số đặc điểm của vị thuốc này giúp bạn bổ sung những thông tin cơ bản về Sài hồ nam.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Sài hồ nam.

Tên gọi khác: Lức cây, Nam sài hồ.

Tên khoa học: Pluchea pteropoda Hemsl.

Chi Pluchea, họ Asteraceae, bộ Asterales.

Sài hồ nam - vị thuốc chữa cảm mạo hiệu quả 2
Sài hồ nam

Đặc điểm tự nhiên

Cây bụi cao khoảng 2 - 3 m, phân nhánh ở gốc, có nhiều cành, thân tròn màu xanh đậm hoặc ngả tía, trơn nhẵn. Thân non màu xanh có ít lông mịn. Lá đơn, mọc cách, mùi hơi hắc, phiến dày, cứng và giòn, hình bầu dục, đầu hơi nhọn, màu xanh non ở hai mặt, bìa lá có răng cưa, kích thước 4 x 3 cm, lá ở cành mang hoa có kích thước nhỏ hơn gần như không có lông. Gân lá hình lông chim, có 5 - 8 cặp gân phụ. Cuống lá rất ngắn hoặc gần như không có, hình trụ dẹt, màu xanh nhạt, có ít lông. Cụm hoa ngù ở ngọn cành mang nhiều hoa đầu; trục cụm hoa dài có tiết diện đa giác.

Lá bắc 4 - 5 dãy, có dạng hình bầu dục khum úp vào trong, có 2 vòng lá bắc, kích thước ở vòng trong dài và hẹp hơn vòng ngoài, mặt ngoài có nhiều lông trắng nhỏ. Đầu mang hoa hình ống có hai loại gồm: Hoa cái rất nhiều xếp trên 3 - 4 vòng ở ngoài, hoa lưỡng tính 4 - 6 hoa ở trong. Tràng hoa cái mảnh, dính nhau bên dưới thành một ống hẹp, trên chia làm 4 răng nhỏ hình tam giác. Bầu nhụy màu trắng xanh có hình trụ dài khoảng 1 mm, vòi nhụy màu trắng hồng, nhẵn, dạng sợi.

Hoa lưỡng tính màu tím nhạt, nhị 5, đều, chỉ nhị màu tím hồng, rời, đính ở gần gốc ống tràng xen kẽ cánh hoa, bao phấn màu tím hồng bao lấy vòi nhụy, 2 buồng, nứt dọc, gốc bao phấn có tai tam giác nhọn; hạt phấn màu trắng, hình bầu dục, có gai, bầu giống ở hoa cái nhưng kích thước ngắn và to hơn; vòi nhụy dạng sợi màu hồng nhạt. Quả bế, hình trụ thoi, có 10 cạnh, màu nâu nhạt, có túm lông mào của đài tồn tại, mặt ngoài vỏ có sọc lồi dọc, có lông ngắn.

Sài hồ nam thuộc nhóm cây ưa sáng, mọc thành từng khóm. Cây ra hoa nhiều mỗi năm, hạt phát tán nhờ gió hoặc dòng nước. Cây có thể trồng dễ dàng bằng cành.

Sài hồ nam - vị thuốc chữa cảm mạo hiệu quả 1
Đặc điểm thực vật của Sài hồ nam

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố: Chủ yếu ở ven biển nhiệt đới tại châu Á, phổ biến ở phía Nam Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia,... Tại Việt Nam, Sài hồ nam có nhiều nhất ở các tỉnh thuộc đồng bằng duyên hải miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Sài hồ nam thích nghi với vùng nước lợ, thuộc lưu vực cửa sông, bờ của các kênh rạch, bờ đê ven biển.

Thu hái: Rễ thu hái quanh năm, tốt nhất vào hè thu, đào về cắt bỏ rễ con rồi rửa sạch, phơi hay sấy khô. Cành có lá non cũng được thu hái quanh năm.

Chế biến: Rễ và lá có thể được dùng tươi, hoặc phơi sấy khô. Rễ có thể ngâm rượu hoặc tẩm Mật ong rồi sao thơm.

Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, tránh ẩm mốc, mối mọt.

Bộ phận sử dụng

Rễ và lá (Radix et Folium Plucheae pteropodae).

Sài hồ nam - vị thuốc chữa cảm mạo hiệu quả 3
Rễ Sài hồ nam

Thành phần hoá học

Sài hồ nam có đa dạng các nhóm chất chính bao gồm flavonoid, saponin, sterol, đường khử tự do, tanin, tinh dầu. Trong đó, tinh dầu là một nhóm chất quan trọng quyết định đến các tác dụng của vị thuốc này. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Chung và cộng sự cho thấy đối với phần trên mặt đất (thân lá) của cây Sài hồ nam, có 13 hợp chất với thành phần chủ yếu của tinh dầu là các sesquiterpene mà thành phần chính là longifolen (chiếm 61%) và alloaromadendrene oxide (chiếm 10,1%). Ngoài ra, rễ của Sài hồ nam cũng chứa lượng lớn tinh dầu, triterpenoid, stigmasterol,...

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị, quy kinh

Tính vị: Vị hàm (mặn), khổ (đắng), tính mát.

Quy kinh: Can, Đởm, Tâm bào, Tam tiêu.

Công năng, chủ trị

Công năng: Giải biểu, hòa lý, thoái nhiệt, điều kinh, giải uất, thăng dương, lợi tiểu, chỉ khát.

Chủ trị: Các trường hợp hàn nhiệt vãng lai (cảm mạo lúc nóng lúc lạnh), khát nước, ngực sườn căng tức, kinh nguyệt không đều, tinh thần uất ức khó chịu.

Sài hồ nam - vị thuốc chữa cảm mạo hiệu quả 4
Sài hồ nam hỗ trợ điều trị kinh nguyệt không đều

Theo y học hiện đại

Tác dụng chống oxy hóa

Nghiên cứu của Đinh Thị Quyên và cộng sự (2023) cho thấy trong các mẫu thử từ dịch chiết của Sài hồ nam, khả năng dọn gốc tự do giảm dần theo thứ tự sau: Ethyl acetate > n-hexane > nước. Cao toàn phần và ethylacetat có hoạt tính chống oxy hóa rõ rệt với IC50 89.6 và 30.2 μg/mL. Trong khi đó n-hexane và nước thể hiện hoạt tính yếu ngay cả ở nồng độ 500 μg/mL. Tác dụng chống oxy hóa này có thể liên quan đến sự có mặt của các nhóm hợp chất polyphenol trong dược liệu, bao gồm: Flavonoid, coumarin hay tanin. Kết luận của nghiên cứu cho thấy cao toàn phần và ethylacetat trong Sài hồ nam có hoạt tính chống oxy hóa mạnh với IC50 là 89.6 và 30.2 μg/mL.

Tác dụng kháng khuẩn

Nghiên cứu của Phùng Thị Hằng và cộng sự (2022) cho thấy cao chiết ethanol của Sài hồ nam kháng được 6 dòng khuẩn gồm Listeria monocytogenes, Salmonella, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa, Bacillus subtilis Bacillus cereus. Cao chiết nước của Sài hồ nam kháng được 4/6 dòng vi khuẩn nghiên cứu, hai dòng vi khuẩn mà cao chiết nước của vị thuốc này không kháng được là B. cereus E. coli.

Sài hồ nam - vị thuốc chữa cảm mạo hiệu quả 5
Sài hồ nam có đặc tính kháng khuẩn

Tác dụng hạ sốt

Nghiên cứu của Lưu Thị Thiên Hương và Phan Văn Minh nhằm mục tiêu đánh giá tác dụng dược lý và hiệu quả điều trị lâm sàng của trà giải cảm có chứa thành phần chính là Sài hồ nam. Kết quả cho thấy trên động vật thí nghiệm, trà giải cảm có tác dụng hạ nhiệt rõ rệt khoảng 0,63 độ C, kèm theo đó là tác dụng lợi tiểu, tăng nhu động ruột. Trên lâm sàng, trà giải cảm có tác dụng hạ sốt kéo dài, an thần, lợi tiểu, giảm đau, chưa ghi nhận ảnh hưởng đến mạch, huyết áp và hô hấp.

Nghiên cứu của Lê Minh Xuân và Phạm Thị Bích Thuận nhằm mục tiêu đánh giá tác dụng dược lý của viên cảm cúm có chứa thành phần chính là Sài hồ nam. Kết quả cho thấy trên động vật thí nghiệm (chuột cống tráng) được tạo mô hình tăng thân nhiệt bằng men bia, viên cảm cúm có tác dụng làm hạ thân nhiệt 0,2 độ C sau khi uống 3 giờ. Khi sử dụng trên 45 người bệnh có sốt, sau 30 phút có tổng số 40 người bệnh hạ sốt, trong đó có gần 70% trường hợp hạ sốt trong khoảng 0,5 - 1,5 độ C.

Khả năng ức chế sinh trưởng thực vật

Dịch chiết methanol của Sài hồ nam có khả năng ức chế mạnh sự sinh trưởng rễ cải củ. Trong đó, khả năng ức chế mạnh nhất là dịch chiết của hoa (72,87%), hoạt tính kém nhất là của thân (69,34%). Khác với đặc tính kháng khuẩn, khả năng ức chế sinh trưởng của dịch chiết rễ và thân lại kém hơn của lá và hoa. Khả năng ức chế sinh trưởng thường liên quan đến hoạt động ức chế phân bào gợi ý về khả năng ức chế phân bào tốt của dịch chiết cây Sài hồ nam có thể có tiềm năng trong việc nghiên cứu khai thác tìm các hoạt chất chống ung thư.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng từ 8 - 20 g, dạng thuốc sắc hoặc hãm trà, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc trị sốt cao kèm nhức đầu và khát nước

Rễ Sài hồ nam 20g, Ngũ gia bì 20g, Rau má 16g, Trúc diệp 12g, Cam thảo nam 12g, Bán hạ sao vàng 12g, Sinh khương 6g. Sắc với 4 chén nước còn 1 chén, chia làm 2 lần uống trong ngày, uống trước bữa ăn.

Sài hồ nam - vị thuốc chữa cảm mạo hiệu quả 6
Sài hồ nam hỗ trợ điều trị cảm mạo kèm nhức đầu

Bài thuốc trị cảm nắng (trúng thử tà) hoặc cảm mạo người lúc nóng lúc lạnh, đắng miệng, nôn ọe

Rễ Sài hồ nam 10g, Cát căn 12g, Hương nhu 10g, Thanh bì 10g. Sắc với 4 chén nước còn 1 chén, chia làm 2 lần uống trong ngày, uống trước bữa ăn.

Viên trị cảm cúm của Viện Y học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh

Mỗi viên gồm Sài hồ nam 150mg, Trần bì 24mg, Cam thảo nam 16mg, Bạc hà 24mg, Phèn phi 20mg được tán bột mịn vo thành hoàn. Ngày uống 2 - 4 viên, chia thành 2 lần.

Trà giải cảm

Lá Sài hồ nam, Nhân trần, Bạc hà, Cam thảo nam theo tỉ lệ 4:1:1:1. Các vị thuốc được phơi sấy khô. Khi uống thì hãm với nước đun sôi, uống như trà.

Sài hồ nam - vị thuốc chữa cảm mạo hiệu quả 7
Trà giải cảm

Thuốc dùng ngoài trị đau mỏi

Cách dùng 1: Lá Sài hồ nam phơi khô, ngâm vào nước đun sôi, sau đó để nhiệt độ vừa phải và xông vùng lưng giúp chữa đau mỏi lưng.

Cách dùng 2: Lá và cành non của Sài hồ nam giã nát thêm ít rượu xào nóng, sau đó để hơi ấm rồi đắp lên vị trí đau giúp chữa đau mỏi lưng.

Lưu ý

Người đang có tình trạng Can dương vượng, có thể trạng hoặc bệnh lý thuộc âm hư nên kiêng dùng. Phụ nữ có thai và đang cho con bú không tự ý sử dụng.

Các vị thuốc Y học cổ truyền trước khi sử dụng cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên môn.

Nguồn tham khảo