Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sậy: Dược liệu mọc hoang có tác dụng trị bệnh trong Đông Y

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Arundo donax L., tên thường gọi là cây mía khổng lồ hay cây sậy khổng lồ, là một loài thực vật mọc tự phát trong các loại môi trường khác nhau và nó phổ biến ở các khu vực ôn đới và nóng trên toàn thế giới. Sậy dùng phối hợp với các vị khác dùng để chữa trị nhiều bệnh như bệnh về đường hô hấp, nhiễm trùng, cảm cúm,…

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp 

Tên Tiếng Việt: Sậy.

Tên khác: Sậy trúc, Cây lau sậy, Lô vi, Lô trúc.

Tên khoa học: Phragmites australis Cav, Arundo donax L.

Đặc điểm tự nhiên 

Cây sậy là loại cây thân thảo, mọc theo bụi, sống lâu năm. Thân cao 2-6 m, thân khí sinh hình trụ, nhẵn bóng, thân rễ có thể phình thành củ. 

Lá mọc so le, phiến lá dài, cứng phẳng, đầu nhọn và có lông. Bẹ lá ôm lấy thân ở phía gốc.

Hoa mọc thành chùy, màu vàng hoặc tím nhạt, dài 15 – 45 cm và hơi cong rũ. Phần cuống chung có lông mềm mọc dày đặc ở gốc, phần trục chính có nhiều nhánh hình sợi. Quả nhẵn, bao bọc bởi mày hoa. Mùa cho hoa và kết quả từ tháng 5 đến tháng 8.

Sậy
Hình vẽ mô tả Cây sậy

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây sậy thường phân bố ở châu Á, châu Phi và châu Âu, có phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào…Ở Việt Nam, cây sậy mọc hoang ở những nơi ẩm ướt, đầm lầy (Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang,…).

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng của cây sậy là thân, rễ và măng (chồi non, búp non mới phát triển của cây sậy).

Thành phần hoá học

Lá sậy chứa: Cellulose, lignan, vitamin C. Ngoài ra còn có gramin, beta sitosterol, bufotenin.

Thân rễ chứa N, N-dimethyl-tryptamin, 5-methoxy-N-methyl tryptamin, bufotenin, dehydrobufotenin, acid paracouman, acid vanilin, acid ferulic.

Phần trên mặt đất chứa phytosterol, acid béo, vitamin F (kháng khuẩn).

rễ sậy làm thuốc
Rễ sậy phơi khô có vị ngọt, tính lạnh, mang lại hiệu quả trong việc thanh nhiệt, thải độc

Công dụng

Theo y học cổ truyền 

Tính vị, công năng

Vị đắng ngọt, tính hàn (rễ sậy); giải nhiệt, phát hãn, tiêu khát, lợi tiểu (thân rễ), thanh nhiệt, tả hỏa (chồi non). 

Chủ trị

Chữa các bệnh về đường tiêu hóa như viêm dạ dày cấp, nôn mửa, táo bón; bệnh đường hô hấp như đau họng, ho, viêm phế quản,…

Ở Trung Quốc, rễ sậy được dùng chữa bệnh phát cuồng, đau răng, bí tiểu, trị mụn nhọt (dùng ngoài); chồi non chữa phế nhiệt, thổ huyết, đau răng, váng đầu.

Ở Ấn Độ, nước sắc từ rễ giúp làm dịu mát và lợi tiểu.

Theo y học hiện đại

Alcaloid gramin trong cây sậy liều nhỏ có thể gây tăng huyết áp ở chó nhưng liều cao gây hạ huyết áp. Tác dụng của gramin giống tác dụng của pseudoephedrin.

Liều dùng & cách dùng

Cây sậy thường được dùng phổ biến bằng cách sắc lấy nước uống. 

Liều lượng khoảng 20 - 40 g/ngày.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa cúm

Chuẩn bị: Rễ sậy 6 g, Lá dâu 10 g, Hạnh nhân 8 g, Cát cánh 8 g, Liên kiều 6 g, Cúc hoa 4 g, Bạc hà 4 g, Cam thảo 4 g.

Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày, có thể uống 2 thang/ngày.

Chữa thủy đậu thể nhỏ

Bài 1

Chuẩn bị: Rễ sậy 10 g, Lá tre 16 g, Lá dâu 12 g, Kim ngân hoa 10 g, Cam thảo đất 8 g, Hoa cúc 8 g, Kinh giới 8 g, Bạc hà 6 g. 

Thực hiện: Sắc uống, 1 thang/ngày.

Bài 2

Chuẩn bị: Rễ sậy 8 g, Cam thảo dây 12 g, Sinh địa 12 g, Kim ngân hoa 12 g, Đậu xanh 12 g, Lá tre 10 g, Hoàng đằng 8 g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa viêm não Nhật Bản B ở giai đoạn khởi phát và toàn phát chưa có biến chứng

Chuẩn bị: Rễ sậy 16 g, Thạch cao 40 g, Kim ngân hoa 16 g, Liên kiều 12 g, Hoàng cầm 12 g, Bạc hà 8 g, thêm Hoắc hướng 12 g (nếu sốt nặng), Hậu phác 6 g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa bại liệt ở trẻ em giai đoạn khởi phát

Chuẩn bị: Rễ sậy 8g, Kim ngân hoa 12 g, Liên kiều 6 g, Kinh giới 6 g, Ngưu bàng 6 g, Đậu sị 4 g, Cát cánh 2 g, Bạc hà 2 g, Cam thảo 2 g, Tiền hồ 8 g (nếu ho), Trúc nhự 4 g (nếu có nôn mửa).

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa loét miệng

Chuẩn bị: Rễ sậy 20 g, Thạch cao 40 g, Sinh địa 20 g, Lá tre 12 g, Ngọc Trúc 12 g, Huyền sâm 12 g, Tri mẫu 12 g, Thăng ma 8 g, Mộc thông 6 g, Cam thảo 4 g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa viêm loét lợi, chảy máu, miệng hôi

Chuẩn bị: Rễ sậy 40 g, Thạch cao 40 g, Lá tre 12 g.

Thực hiện: Nấu nước đặc, ngậm rồi nhổ đi, làm nhiều lần trong ngày.

Chữa rắn cắn

Chuẩn bị: Chồi non sậy 100 g, Rau cần 100 g, Rau đắng biển 100 g, Dây mơ lông 100 g, Lá mướp đắng 100 g, Rau má 100 g.

Thực hiện: Giã nhỏ, thêm nước gạn uống, bã đắp chỗ vết cắn.

Chữa bệnh viêm dạ dày

Chuẩn bị: Rễ sậy 50 g, Hậu phác 10 g.

Thực hiện: Sắc với lửa nhỏ. Sắc còn 300 ml thì chia làm 3 lần uống trong ngày. 

Chữa bệnh viêm phế quản mãn tính

Chuẩn bị: Rễ sậy 20 g, Kim ngân hoa 10 g, Ngư tinh thảo 15 g, Liên kiều 10 g, Bồ công anh 9 g, Sa sâm 9 g, Trần bì 6 g, Qua lâu 9 g.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống 3 lần/ngày, mỗi ngày dùng 1 thang.

Chữa phát ban, bàng quang bị đau buốt

Chuẩn bị: Rễ sậy 20 – 40 g.

Thực hiện: Đun với nước đế khi sôi thì vặn nhỏ lửa và đun thêm khoảng 15 đến 20 phút. Uống mỗi ngày, 1 thang/ngày.

Bài thuốc chữa viêm thận cấp

Chuẩn bị: Rễ sậy 50 g, Rễ cỏ tranh 30 g, Rễ diếp cá 30 g.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống 3 lần/ngày, mỗi ngày dùng 1 thang. Uống liên tục trong vòng 1 tháng và lưu ý trong thời gian này cần kiêng tuyệt đối muối.

Chữa đầy bụng, kém ăn

Chuẩn bị: Rễ sậy 20 g, Gừng tươi 6 g.

Thực hiện: Sắc còn khoảng 150ml. Uống sau khi ăn 15 phút.

Chữa cảm nắng

Chuẩn bị: Rễ sậy 200 g, Diếp cá 20 g, Kim ngân 15 g.

Thực hiện: Sắc với nửa thăng nước trên lửa nhỏ đến khi còn phân nửa. Dùng liều 1 thang/ngày, chia làm 2 lần uống.

Trị nôn mửa, viêm dạ dày cấp

Chuẩn bị: Rễ sậy 30 g, Trúc nhự 9 g, Gạo tẻ 8 g.

Thực hiện: Nấu với lửa nhỏ đến khi gạo nhừ. Sau đó lọc bỏ bã rồi thêm ít nước cốt gừng vào để uống, dùng 1 thang/ngày.

Trị viêm đường hô hấp, viêm da, viêm đường tiết niệu

Chuẩn bị: Rễ sậy 150 g, Mạch đông 120 g.

Thực hiện: Hãm với nước sôi khoảng 20 phút, mỗi lần hãm khoảng 30g. Uống như nước trà.

Trị ôn bệnh thời kỳ sau tân dịch khô khát

Chuẩn bị: Rễ sậy 24 g, Mạch môn 12 g, Thiên hoa phấn 12 g, Cam thảo 3 g.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống mỗi ngày chỉ 1 thang.

Trị bệnh nhiệt (có khát nước, sốt)

Chuẩn bị: Rễ sậy 20 g, Mạch đông 16 g, Thạch cao 20 g, Thiên hoa phấn 14 g.

Thực hiện: Sắc với nước trong 15 – 20 phút trên lửa nhỏ. Mỗi ngày uống 1 thang, chia làm nhiều lần uống.

Chữa chứng ợ hơi chua do vị nhiệt

Chuẩn bị: Rễ sậy 20 g, Tỳ bà diệp 14 g, Sinh khương 12 g, Trúc nhự 20 g.

Thực hiện: Các vị thuốc này đem cho hết vào ấm sắc cùng 1 thăng nước trong khoảng 10 phút. Mỗi ngày uống 1 thang, chia làm nhiều lần uống.

Bài thuốc chữa phế nhiệt kèm ho, khạc đờm đặc và áp xe phổi

Chuẩn bị: Rễ sậy 30 g, Ngư tinh thảo 14 g, Kim ngân hoa 14 g, Đông qua nhân 14 g.

Thực hiện: Sắc với 1 lít nước còn khoảng 300 ml. Chia đều thành 3 lần uống trong ngày, dùng mỗi ngày chỉ 1 thang.

cay say 6
Cây sậy với bài thuốc chữa phế nhiệt kèm ho

Lưu ý

  • Theo Đông Dược Học Thiết Yếu: Bệnh nhân bị cảm nắng nhưng không có hỏa hoặc trong trường hợp tân dịch chưa bị tổn thương thì không dùng.

  • Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách: Bệnh nhân có tỳ vị hư hàn không nên dùng.

Nguồn tham khảo
  1. Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/cay-say.html 
  2. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2)
  3. Corno, L., Pilu, R., & Adani, F. (2014). Arundo donax L.: A non-food crop for bioenergy and bio-compound production. Biotechnology Advances, 32(8), 1535–1549.
  4. Thuốc dân tộc: https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/cay-say